Hồ Ngọc Mùi
BTĐU-Phó hiệu trưởng
Đầu thế kỷ hai mươi, nhân dân Việt Nam không chịu cảnh áp bức nặng nề, không chịu làm người dân nô lệ, đã cùng đứng lên đòi quyền sống, đòi quyền độc lập, tự do. Dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước, các lãnh tụ nông dân… như phong trào Cần Vương, Đông Du của Phan Bội Châu; phong trào cải cách của Phan Chu Trinh; phong trào chiến tranh du kích của Hoàng Hoa Thám, do không có đường lối đúng, nên đều thất bại. Khi đó ở cả ba miền nước ta đều hình thành tổ chức cộng sản nhưng có biểu hiện tranh giành ảnh hưởng, gây mất đoàn kết, chia rẽ. Trước tình hình đó, Nguyễn Ái Quốc, thay mặt cho Quốc tế cộng sản đã triệu tập và chủ trì hội nghị hợp nhất 3 Đảng thành Đảng cộng sản Việt Nam. Ngày mà những người Cộng sản và nhân dân Việt Nam ghi nhớ: 3/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc).
Tại hội nghị, các đại biểu đã thông qua chương trình gồm 5 điểm:
1. Bỏ mọi thành kiến, xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương;
2. Đặt tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam;
3. Thảo Chính cương và Điều lệ tóm tắt của Đảng;
4. Định kế hoạch thực hiện thống nhất trong nước;
5. Cử một Ban Trung ương lâm thời;
Sau năm ngày thảo luận, Hội nghị đã thống nhất với đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ tóm tắt của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc khởi thảo. Những Điều lệ tóm tắt của các đoàn thể quần chúng như Công hội, Nông hội, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội phản đế đồng minh, Hội cứu tế cũng được thông qua tại hội nghị này.
Chính cương vắn tắt ghi rõ nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam là chống đế quốc và chống phong kiến, giành độc lập cho dân tộc, ruộng đất cho dân cày, tiến lên chủ nghĩa xã hội (văn bản ghi là đi tới xã hội cộng sản). Các đại biểu được giao nhiệm vụ trở về nước tiến hành hợp nhất các tổ chức cộng sản và bầu Ban chấp hành Trung ương gồm 7 ủy viên. Hội nghị thông qua lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc hiệu triệu nhân dân cả nước đoàn kết xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam làm cách mạng chống đế quốc và chống phong kiến giành độc lập và ruộng đất. Lời kêu gọi kết thúc bằng khẩu hiệu đanh thép: “Có cách mạng thì sống, không có cách mạng thì chết”.
Lịch sử ghi nhận sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vĩ đại. Bảy mươi tư năm qua, đất nước ta đã diễn ra nhiều biến đổi vô cùng quan trọng nhất là đất nước đã độc lập thống nhất và nhân dân đã được quyền làm chủ trong cả nước, đang xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Từ khi Đảng ta ra đời đã lãnh đạo cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác song con đường giành thắng lợi không hề bằng phẳng, trơn tru mà phải trải qua bao chông gai, thử thách, mất mát hy sinh.
Tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa sâu sắc của sự kiện 3/2/1930 là ở chỗ nó đã chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối trong lịch sử dân tộc hơn bảy chục năm trời (1858 – 1930), mở ra một kỷ nguyên mới cho cách mạng nước ta đi theo con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội hợp với trào lưu tiến hóa của lịch sử xã hội loài người. Chính con đường đó đã dẫn đến cách mạng tháng Tám, đến chiến thắng Điện Biên Phủ, đại thắng mùa xuân năm 1975, và đặc biệt là những thành tựu 30 năm đổi mới vừa qua.
Bước ngoặt năm 1930 đưa lại cho nhân dân ta một “Tổ chức những người cách mạng” kiểu mới làm “đảo lộn” trật tự cai trị của thực dân Pháp, của phát xít Nhật, của đế quốc Mỹ. Bởi lẽ đội tiên phong cách mạng đã nắm bắt kịp thời và đáp ứng đúng yêu cầu bức thiết của nhân dân, là người đại diện tiêu biểu cho quyền lợi cho toàn thể dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam mãi mãi xứng đáng là đội tiên phong, là người lãnh đạo sáng suốt cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh./.