Nguyễn Thị Như Quỳnh
Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở nước ta. Có nhiều yếu tố tác động đến sự thành công của việc xây dựng nông thôn mới, trong đó lực lượng lao động ở nông thôn là một nhân tố quan trọng. Một thực tế đang đặt ra hiện nay là cùng với quá trình đô thị hóa thì xu hướng lao động chuyển từ nông thôn ra thành thị nên lực lượng lao động chính ở khu vực này còn lại chủ yếu là phụ nữ. Chính vì vậy, phụ nữ nông thôn nước ta có một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và việc xây dựng nông thôn mới nói riêng.
Thực tế đó cho thấy phụ nữ là lao động chính ở nông thôn hiện nay. Theo số liệu điều tra, ở nước ta hiện nay trong gần 80% phụ nữ của khu vực nông thôn thì có đến 58% hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Phụ nữ nông thôn Việt Nam là một chủ thể quan trọng mang lại thu nhập chính cho gia đình. Họ không chỉ là người lao động chính mà còn là người góp phần sản xuất ra phần lớn nông phẩm.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí đặt ra, một mặt đòi hỏi phải tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, mặt khác phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền, đoàn thể đặc biệt là Hội phụ nữ nhằm khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng to lớn của lao động nữ ở nông thôn. Chính phụ nữ là lực lượng đông đảo góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn và xây dựng đời sống mới thông qua việc triển khai thực hiện các phong trào: Phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi, xóa đói giảm nghèo lồng ghép chặt chẽ trong việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình văn hóa” chống bạo lực gia đình, chống buôn bán phụ nữ trẻ em.
Bên cạnh đó phụ nữ còn tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao vào những dịp lễ tết, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho phụ nữ nông thôn. Phụ nữ là người góp phần tích cực trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước như: “Gia đình không sinh con thứ 3”, “nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Gia đình không có người thân phạm tội và mắc tệ nạn xã hội”,… Họ là người đảm bảo cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, bền vững và an toàn cho mọi thành viên trong gia đình.
Ngoài ra, phụ nữ còn có vai trò quan trọng trong việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho gia đình góp phần giáo dục nhân cách trẻ em, xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc. Ngoài thiên chức làm mẹ, làm vợ, làm dâu; phụ nữ nông thôn là một lực lượng xã hội thực sự quan trọng trở thành chỗ dựa vững chắc cho sự phát triển kinh tế - văn hóa xã hội ở nông thôn. Chính vì lẽ đó cần có những định hướng và biện pháp tích cực để phát huy vai trò của phụ nữ nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Để làm được điều đó các hội phụ nữ cần thực hiện những giải pháp sau:
Trước hết, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chị em về mục đích, ý nghĩa của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong tuyên truyền, các chi hội lồng ghép việc phổ biến, giáo dục pháp luật và các phong trào do Trung ương Hội phát động, giúp hội viên nâng cao nhận thức, đoàn kết, tích cực tham gia bằng nhiều việc làm thiết thực. Để thực hiện hiệu quả chương trình này, Hội Phụ nữ các cấp cần xây dựng chương trình cụ thể, lựa chọn mô hình điểm về xây dựng nông thôn mới tại thôn, bản của mình. Trong điều kiện có thể thì nên tổ chức đoàn cán bộ đi tham quan một số mô hình điểm ở trong tỉnh hoặc các tỉnh bạn; hướng dẫn hội viên phụ nữ cách xây dựng một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt; tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng như thi tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới; tìm hiểu pháp luật, “làng vui chơi, làng ca hát”… để tuyên truyền đến tận từng người dân. Ngoài ra, cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm phổ biến sâu rộng các tiêu chí của nông thôn mới để mọi người nhận thức và tự giác thực hiện. Trong quá trình thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cần khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của phụ nữ nông thôn đối với sự ổn định của xã hội và hành phúc gia đình.
Thứ hai, có chính sách nâng cao trình độ dân trí nói chung, trình độ văn hóa và hiểu biết xã hội của người phụ nữ nông thôn nói riêng để họ có cơ hội và điều kiện thực hiện tốt chức năng của mình đồng thời tích cực chủ động tham gia vào xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội cần vận động, hỗ trợ giúp đỡ hội viên nghèo phát triển kinh tế để tăng thu nhập cải thiện đời sống và thoát nghèo; khai thác các nguồn vốn vay và dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ.
Thứ ba, các cấp hội cần tích cực vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ gương mẫu tham gia góp công, góp của để xây dựng, tu sửa, nâng cấp hệ thống đường giao thông thôn xóm, các công trình nhà văn hoá, trường học, trạm y tế, bảo vệ môi trường, thực hiện các tiêu chí về nhà ở, khu dân cư, ủng hộ, giúp đỡ cho phụ nữ nghèo…
Bốn là, các cấp hội cùng với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn hướng dẫn kiến thức và kỹ năng nuôi dạy con em; góp phần hạn chế tỷ lệ suy dinh dưỡng, tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện. Hướng dẫn chị em quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội, mắc các tệ nạn xã hội, phòng chống ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS, bạo lực gia đình…gắn với giáo dục truyền thống, đạo đức lối sống. Bên cạnh đó, cần phổ biến kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm...cho chị em.
Để góp phần thực hiện tốt các giải pháp trên và phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới thì vấn đề đặt ra phải thay đổi nhận thức xã hội đối với vị trí của người phụ nữ trong gia đình, xã hội. Đặc biệt, cần có những chính sách tích cực nhằm tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ nông thôn phát huy vai trò trong việc xây dựng nông thôn mới.
Để phụ nữ nông thôn phát huy tiềm năng sáng tạo to lớn của mình ngày càng trở thành chủ nhân đích thực của xã hội cần phát huy chính tài năng, lòng nhiệt tình và sức sáng tạo của phụ nữ. Khi phụ nữ đã làm tốt vai trò của mình sẽ có sức lan tỏa và lôi cuốn được những lực lượng và nguồn lực khác trong xã hội tạo ra sức mạnh tổng hợp để hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.