Trần Thiên Tú
Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo đã đặt người thầy vào một vị trí trang trọng trong tâm thức người Việt. Cho dù xã hội đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều biến cố khác nhau, nhưng dù ở thời điểm nào, người thầy vẫn luôn được tôn vinh; đó là một minh chứng cho sự tôn trọng trí tuệ, khát khao hiểu biết của người Việt Nam.
“Thầy” là thuật ngữ mà xã hội dùng để gọi những người dạy học. Người thầy chính là người có công ơn dạy dỗ trò thành “người”, đóng góp vào sự phát triển của gia đình và xã hội. Bên cạnh đào tạo căn bản, truyền dạy tri thức, kỹ năng cho học trò để chuẩn bị cho bước tương lai; thì Thầy cũng là người giáo dục đạo đức, nhân phẩm cho mọi người. Vì thế câu “Không Thầy đố mầy làm nên” của người xưa có ý là vậy.
Nếu theo quan niệm “Tam cang giả”, người thầy được đứng vị trí thứ hai trong trật tự “Quân – Sư – Phụ”, chỉ sau vua và trên cả cha. Thầy không có uy quyền của vua, không phải huyết thống như cha, nhưng được đặt lên hàng “Tam cương”. Các đối tượng trong mối quan hệ rường cột ấy phải có một ranh giới rõ ràng, vua phải ra vua, thầy phải ra thầy, cha phải ra cha; giữa thầy và trò phải có một khoảng cách tuyệt đối. Quan niệm này khi du nhập vào nước ta đã có những chuyển biến mềm dẻo, phù hợp với truyền thống đạo đức, tâm lý của người Việt. Người Việt Nam cho rằng: Thầy là người dạy dỗ, bảo ban học trò, cho nên, người thầy là người đáng kính, gần gũi, Thầy như đấng sinh thành, dưỡng dục: Coi cha như thầy, coi thầy như cha, mẹ là cô giáo - cô giáo như mẹ hiền. Người học trò xưa được cha mẹ gửi học tại nhà thầy, được thầy chăm sóc, bảo ban mọi chuyện trong cuộc sống, được sống với thầy nhiều hơn ở nhà, mọi chuyện đều hỏi thầy, nhờ thầy giúp đỡ. Vậy, Thầy thật gần gũi.
Mối quan hệ giữa thầy và trò trở nên bình đẳng, gần gũi hơn, nhưng không vì thế mà người thầy quên đi trách nhiệm “trồng người” lớn lao mà xã hội giao phó. Người thầy phải luôn xứng đáng với những đánh giá cao của xã hội. Trong bất kỳ chế độ xã hội nào, người thầy vẫn phải là người đại diện cho cái đúng, luân thường, đạo lý; luôn đấu tranh chống lại cái ác, bất chấp tính mạng bị đe dọa. Hình ảnh thầy Chu Văn An dùng cây roi “Tiên đế” đánh nhà vua để dạy nhà vua cũng là hình ảnh khá sâu sắc. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, biết bao người thầy là những nhà yêu nước, hoặc trực tiếp đấu tranh, hoặc cổ vũ, tuyên truyền, khơi dậy tinh thần dân tộc, góp công sức rất lớn vào công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Những cái tên như: Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, … đã khắc sâu vào tâm thức mọi người và trở thành những tượng đài bất tử.
Trong giai đoạn hiện nay, tiếp bước truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vị trí người thầy vẫn được đề cao, tôn trọng. Xứng đáng với sự trọng thị của toàn xã hội, bản thân những người đứng trên bục giảng phải luôn hoàn thiện mình, có đầy đủ phẩm chất cách mạng, cả đức lẫn tài, trong đó đề cao cái đức, cái tâm nghề nghiệp.
Trước tiên là mặt chuyên môn, người thầy phải là người giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. Người thầy phải xứng đáng với bậc Thầy: một chữ hay nửa chữ cũng phải thể hiện mình là Thầy. Thầy ở lĩnh vực nào thì phải am hiểu sâu sắc lĩnh vực đó, từ lý thuyết cho đến thực tiễn. Có như thế, thầy mới có đủ điều kiện để đào tạo cho xã hội những người học trò giỏi. Xã hội ngày càng phát triển, đòi hỏi bên cạnh phải liên tục cập nhật những tri thức mới, thì phương pháp dạy và học cũng phải thay đổi cho phù hợp. Phương pháp học tập mới giúp cho các buổi học tránh khỏi xơ cứng, giáo điều, một chiều; Người thầy hiện đại sẽ biến học viên thành trung tâm, tạo điều kiện cho người học trao đổi, đối thoại, trình bày ý kiến, quan điểm của mình; từ đó rèn luyện cho họ tính tự lập, tự tin và có bản lĩnh.
Rất nhiều người đã sai lầm khi đề cao vai trò của chuyên môn và tuyệt đối hóa năng lực chuyên môn trong việc xác lập vị trí của người thầy trong xã hội; ngoài việc truyền đạt tri thức, hai nhiệm vụ quan trọng nữa của người thầy chính là Giáo dục đạo đức và Định hướng thẩm mỹ; thực hiện tốt hai nhiệm vụ này thì người thầy mới khẳng định được vị trí của mình.
Về mặt đạo đức, để dạy người, trước tiên, người thầy phải tự trau dũa mình, biết “gạn đục khơi trong”, thầy phải là tấm gương cho học trò noi theo. Người thầy tốt phải là người có đạo đức tốt. Người thầy giỏi mà đạo đức không tốt thì xã hội không kính nể. Ngoài những tri thức chuyên môn, thầy giáo phải giáo dục được truyền thống yêu nước, khơi dậy tinh thần dân tộc, đạo đức cách mạng; phải thể hiện được tâm huyết với nghề, cổ vũ được tình yêu tri thức, khát khao chinh phục tri thức của loài người. Đó chính là nguồn động lực, giúp người học thấy được mục tiêu cho sự phát triển của bản thân và mục tiêu giải phóng toàn bộ xã hội.
Về mặt thẩm mỹ, người thầy phải biết định hướng cho học trò phân biệt được: cái đúng – cái sai, cái thiện – cái ác, cái tốt đẹp – cái xấu xa, … giáo dục nhân cách, tính nhân văn, đưa ra những tiêu chuẩn mới cho phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại. Xã hội càng phát triển thì các tiêu chuẩn và bản thân nội hàm của các chuẩn mực xã hội cũng phải thay đổi. Người thầy chính là người hướng người học đến gần với các giá trị tốt đẹp “Chân – Thiện – Mỹ” mà bất cứ xã hội nào cũng phải hướng tới.
Bên cạnh những yêu cầu cho người thầy trong giai đoạn mới, thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta còn đòi hỏi người giáo viên phải có lập trường chính trị vững vàng, tin tưởng vào chế độ, tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của dân tộc. Trong lịch sử, người Việt Nam đã thấy được tầm quan trọng của giáo dục, nhận thức được sự nghiệp trồng người là hoạt động có tầm chiến lược và hiệu quả cao nhất. Hồ Chí Minh đã từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Mục tiêu hướng tới Chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp vĩ đại, lâu dài, còn nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có nhiều lớp người kế tiếp nhau cùng xây dựng. Người thầy phải trở thành nhân tố quan trọng đào tạo nên những con người xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng thành công chế độ xã hội mới. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”; được xã hội càng tôn trọng thì người giáo viên càng phải cố gắng để xứng đáng với sự trọng thị đó.