Nguyễn Hữu Thánh
Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới là một đòi hỏi bức thiết đối với mọi cơ sở đào tạo, trong đó có trường chính trị. vì vậy, cần phải có một sự đổi mới sâu sắc và toàn diện trong mọi khâu của quá trình đào tạo trong đó đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) là một khâu rất quan trọng. Quả đúng khi có người khẳng định rằng: của cho không quý bằng cách cho (đó chính là phương pháp). Đây là một vấn đề cấp bách trong sự nghiệp đổi mới giáo dục, đào tạo ở nước ta nói chung và trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị nói riêng. Yêu cầu thực tiễn của đất nước của đất nước và xu thế thời đại đang cần những con người có trình độ khoa học công nghệ cao, có kỹ năng, kinh nghiệm trong quản lý, lãnh đạo. Thực tiễn dạy và học ở các trường chính trị hiện nay còn nhiều yếu tố bất cập. Chương trình, tài liệu, điều kiện và thiết bị dạy học mà đặc biệt là PPDH của người thầy đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và kết quả đào tạo.
Vấn đề đổi mới phương pháp dạy học không phải là những phát hiện mới mẻ mà vốn đã có từ lâu. Ở nước ta, những năm 1960 phong trào cải tiến đổi mới PPDH đã xuất hiện nhiều trường phổ thông. Từ đó đến nay rất nhiều nhà nghiên cứu, rất nhiều sách viết về đổi mới PPDH nhằm phát huy năng lực sáng tạo, nghệ thuật sư phạm trong quá trình giảng dạy của người giáo viên để đạt hiệu quả cao nhất. Bởi vậy, đổi mới PPDH không phải là lớn lao vĩ đại mà đó là sự sử dụng hợp lý, sáng tạo cách dạy, cách truyền thụ để học sinh dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất từ đó giúp người học vừa nắm chắc kiến thức, vừa có kỹ năng thực hành.
Thực chất của đổi mới PPDH là sự cải tiến hoàn thiện các phương pháp dạy học đang sử dụng để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học; là việc bổ sung phối hợp nhiều phương pháp để khắc phục mặt hạn chế của các phương pháp dạy học đang sử dụng nhằm đạt được mục tiêu dạy học đã đề ra, đồng thời là sự thay thế phương pháp đang sử dụng bằng phương pháp dạy học mới tối ưu, kết hợp với việc sử dụng các phương tiện, trang thiết bị dạy học hiện đại từ đó hình thành nên các ‘‘kiểu” dạy - học mới với mong muốn đem lại hiệu quả cao hơn. Cho dù đổi mới ở mức độ nào thì việc dạy học cũng phải hướng đến “ lấy người học làm trung tâm”. Thực hiện có hiệu quả phương châm ‘‘học đi đôi với hành”, ‘‘lý luận gắn với thực tiễn” phải khai thác tối đa kinh nghiệm của người học. Chỉ có đổi mới PPDH mới là động lực làm thay đổi căn bản chất lượng đào tạo nguồn nhân lực toàn diện đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH đặt ra. Sử dụng hợp lý các phương tiện dạy học truyền thống, đa phương tiện nhằm góp phần huy động tối đa các giác quan của người học, tham gia vào quá trình dạy học.
“Không có thầy giỏi, tất sẽ không có trò thông”, thực tế, do giảng viên được tiếp nhận từ nhiều nguồn đào tạo khác nhau vì vậy, trình độ, năng lực sư phạm của một bộ phận giáo viên có ảnh hưởng đến việc đổi mới PPDH. Những giáo viên có năng lực chuyên môn, có kinh nghiệm thường là lớn tuổi nên hạn chế về sức khỏe và việc sử dụng công nghệ thông tin. Mặt khác, hầu như các Học viện rất ít chú trọng đến tập huấn về phương pháp giảng dạy, chính vì thế mà việc đổi mới PPDH còn gặp nhiều trở ngại. Một số giảng viên còn nhiều bất cập trong các kỹ năng phân tích, lựa chọn kiến thức cơ bản và trọng tâm. Các kỹ năng xác định lựa chọn và sử dụng PPDH bộ môn, kỹ năng hướng dẫn cách thức cho học viên học tập, kỹ năng đánh giá kết quả học tập của học viên theo hướng đổi mới... Những yếu tố ấy đã tạo sức ỳ, thói quen cố hữu rất lớn, rất sâu đậm và là lực cản trong quá trình đổi mới PPDH của người thầy. Lại nữa, đối tượng học viên không đồng đều trên mọi phương diện cũng như ý thức và mục đích học tập khác nhau nên có ảnh hưởng không nhỏ đến việc đổi mới phương pháp dạy học. Bên cạnh đó, nhiều bài trong giáo trình khi biên soạn chưa thực sự chắt lọc, dung lượng kiến thức quá lớn vì thế, giảng viên chỉ lo “chạy” cho hết bài, hết kiến thức, kịp với thời gian không để “cháy” giáo án. Điều đó đã làm ảnh hưởng đến sự sáng tạo trong PPDH, ảnh hưởng đến việc tổ chức các phương án, hình thức học tập cho học viên, bồi dưỡng cách tự học, tự khai thác kiến thức của học viên.
Việc xác định kiến thức chuẩn ở một số bài còn chung chung chưa tường minh, cô đọng cơ bản để giảng viên có điều kiện xây dựng phương án đổi mới PPDH. Điều này tất yếu dẫn đến tình trạng người giảng viên vẫn phải thiết kế và tiến hành giảng dạy theo lối cũ, thuyết trình và hỏi đáp là chủ yếu mà không đủ điều kiện để thực hành các PPDH mới.
Việc kiểm tra, đánh giá kết quả tiếp thu của học viên hiện nay vẫn chủ yếu nhằm vào tái hiện và học thuộc, tham về trình bày kiến thức chưa chú ý đến phát hiện, khích lệ tính sáng tạo trong cách làm bài của học viên. Hệ thống giải đáp, ôn tập chẳng qua chỉ là sự nhồi nhét về kiến thức để thi cử chứ chưa dạy cho học viên phương pháp và cách làm bài, cách hệ thống hóa kiến thức. Cho nên để có điểm cao học viên làm bài theo kiến thức thầy cô dạy và như vậy đã triệt tiêu tính sáng tạo, độc lập tự chủ về kiến thức.
Để đổi mới PPDH, theo chúng tôi cần thực hiện một số giải pháp sau.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ giáo viên về vấn đề đổi mới PPDH.
Cần phải tổ chức quán triệt chu đáo, tạo chuyển biến trong nhận thức của giảng viên phải xem đổi mới PPDH là một yêu cầu cấp thiết và cũng là một hoạt động khoa học sáng tạo để nâng cao chất lượng hiệu quả dạy học của người giảng viên. Đây là yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục, đào tạo nói chung và sự nghiệp đào tạo cán bộ ở trường chính trị nói riêng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Mặt khác, cần coi đây là thách thức mà đội ngũ giảng viên cần phải đáp ứng nhưng cũng là cơ hội phát triển của mỗi giảng viên và của mỗi nhà trường.
Thứ hai, tổ chức chỉ đạo thường xuyên các hoạt động liên quan đến đổi mới PPDH.
Đổi mới cách xác định mục tiêu bài học theo hướng gọn hơn, cô đúc hơn những kiến thức cơ bản cần thiết và kỹ năng cần đạt được của người học. Việc xác định mục tiêu bài học cần đảm bảo yêu cầu sau: Định lượng được mức độ, chuẩn mực kiến thức, kỹ năng và thái độ học viên phải đạt được sau bài học, đồng thời lấy đó làm căn cứ đánh giá kết quả bài học một cách khách quan, tránh cảm tính. Phải chú trọng mục tiêu xây dựng phương pháp học tập, đặc biệt là phương pháp tự học qua mỗi giờ học, bài học.
Chỉ đạo đổi mới cách soạn giáo án ngắn gọn, không ôm đồm kiến thức, mà chú trọng truyền thụ những kiến thức cơ bản để tạo sự lan toả “như viên đá ném xuống mặt hồ”. Bởi thế cách soạn giáo án phải có sự đổi mới: chuyển trọng tâm từ thiết kế các hoạt động của thầy sang hoạt động của trò; Giáo án là một bản kế hoạch, quy trình, các bước lôgic, khoa học có sự phối hợp chặt chẽ giữa người dạy, người học, tài liệu và các thiết bị… đồng thời phải kiểm soát được chất lượng làm việc của học viên. Giáo án để tạo cho học viên hoạt động chứ không phải chỉ để thầy thuyết giảng hoặc thầy truyền thụ học trò lắng nghe, ghi chép. Đồng thời nâng cao chất lượng hệ thống câu hỏi và đề kiểm tra, thi hạn chế câu hỏi tái hiện sự kiện; chú ý nhiều loại câu hỏi yêu cầu tư duy tích cực, sáng tạo và nhận xét sửa chữa cách trả lời của học viên chu đáo.
“Đặt hàng” cho giảng viên có kinh nghiệm tổ chức giờ dạy mẫu: dạy học viên phương pháp học tập, chú trọng hướng dẫn học viên tự học trên lớp, cách khám phá phát hiện nắm kiến thức và hướng dẫn cách học ở nhà. Từ đó rút kinh nghiệm tạo những bước đi cơ bản của quy trình đổi mới PPDH để có sự thống nhất. Xác định được ưu, nhược, nguyên nhân, tồn tại cách sử dụng các PPDH đang phổ biến ở trường để lên chương trình, kế hoạch chỉ đạo cụ thể việc đổi mới PPDH trong nhà trường.
Nghiên cứu cải tiến cách thức kiểm tra kết quả học tập của học viên theo hai hình thức: tự luận và trắc nghiệm. Định lượng kiến thức cần trong từng loại đề trắc nghiệm và tự luận hạn chế câu hỏi tái hiện kiến thức mà cơ bản loại câu hỏi cần có nhiều tư duy sáng tạo. Hiện nay, theo Thông báo của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh về việc áp dụng bộ đề mở trong tổ chức thi tốt nghiệp các lớp Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính. Vấn đề đặt ra ở chỗ nên “mở” như thế nào để tránh sự tùy tiện của người ra đề và người chấm.
Ngoài ra, cách đánh giá cũng phải phù hợp với đặc thù của nhà trường. Nhà trường đánh giá hoạt động đổi mới PPDH của giảng viên qua giờ thao giảng, qua công tác thanh tra và dự giờ đột xuất; qua kiểm tra giáo án, chấm chữa bài và kết hợp với chất lượng kiểm tra, thi. Cách đánh giá như thế thực chất và có tác động thực sự đến chất lượng dạy học ở nhà trường./.