Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, xây dựng nông thôn mới nhằm làm cho kinh tế nông thôn phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tăng lên, hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, môi trường xanh, sạch, đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Do vậy, chương trình này đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung nỗ lực cần giải quyết, trong đó vấn đề cơ bản và lâu dài là phải xây dựng gia đình văn hóa, ấm no hạnh phúc, bởi vì hạt nhân của xã hội là gia đình, gia đình tốt thì xã hội mới tốt và nông thôn như là một xã hội thu nhỏ được tạo lập bởi nhiều gia đình. Điều này cho thấy tầm quan trọng to lớn của việc xây dựng gia đình văn hóa trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Xác định rõ vai trò, vị trí của gia đình đối với con người và sự phát triển nông thôn của tỉnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV chỉ rõ: tiếp tục đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đi vào chiều sâu. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, hỏi, đám tang, lễ hội; đẩy lùi hủ tục, các tệ nạn cờ bạc, ma tuý, mại dâm, bạo lực, gây rối trật tự công cộng. Xây dựng, tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm tính thiết thực và bền vững; từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi với đồng bằng.
Để đưa Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã cụ thể hóa mục tiêu trên bằng nhiều văn bản chỉ đạo như: Quyết định số 1595/QĐ-UBND ngày 04/08/2011 của UBND tỉnh Quảng Trị về kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Quảng Trị giai đoạn 2010 - 2020; Quyết định số 1814/QĐ-BCĐ ngày 05/9/2011 về việc ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Quảng Trị giai đoạn 2010 - 2020, trong đó quy định rõ mục tiêu cần đạt trong từng giai đoạn và chỉ rõ nhiệm vụ cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành.
Do có sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác xây dựng gia đình văn hóa đã đạt được những thành tựu to lớn. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được triển khai đồng bộ với phong trào“chung sức xây dựng nông thôn mới” , bao gồm các nội dung thi đua: sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói, giảm nghèo, “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “gia đình, dòng họ hiếu học” ...Các gia đình thường xuyên nhắc nhở các thành viên chăm lo xây dựng gia đình hòa thuận; đoàn kết tương trợ trong cộng đồng; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, sống kỷ cương, giao tiếp ứng xử lễ phép, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước của địa phương. Do đó nhiều giá trị văn hóa truyền thống được đề cao phát huy, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có chuyển biến tích cực. Việc phát động đăng ký và tổ chức bình xét danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm diễn ra công khai, dân chủ. Số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên, theo số liệu báo cáo của Đại hội Đảng bộ lần thứ XV toàn tỉnh có 82% số gia đình được công nhận đạt chuẩn gia đình văn hoá, 81,5 % số làng, bản, đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hoá. Chương trình xây dựng nông thôn mới được người dân đồng tình hưởng ứng rất cao, đồng lòng quyết tâm, bà con đã hiến đất, góp công, xây dựng một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, như đường giao thông liên thôn, kênh mương, đường nội đồng của xã, điển hình như: xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị), Gio Phong (Gio Linh), Cam Thủy (Cam Lộ)...
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, công tác xây dựng gia đình văn hóa cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Kết cấu gia đình, sợi dây liên kết truyền thống gia đình biến đổi và rạn nứt, dẫn đến tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn “sống vội”, “sống thử” tăng cao, những biểu hiện tiêu cực trong hôn nhân với người nước ngoài...đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Các giá trị tốt đẹp của gia đình như: hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên, nhường dưới...đang có biểu hiện xuống cấp. Sự xung đột giữa các thế hệ về lối sống và việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Nhiều tệ nạn xã hội đã và đang xâm nhập, tác động xấu vào các gia đình.
Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân về vị trí và vai trò của gia đình còn hạn chế. Công tác giáo dục đời sống gia đình, việc cung cấp các kiến thức làm cha mẹ, các kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình chưa được coi trọng. Nhiều gia đình do tập trung làm kinh tế đã xem nhẹ việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các thành viên, đặc biệt là trẻ em. Những vấn đề trên cản trở rất lớn trong quá trình xây dựng gia đình văn hóa ở địa phương.
Trong những năm tới, để nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đòi hỏi sự phối kết hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể. Trước hết, tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác xây dựng gia đình văn hóa gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo những tiêu chí đã đề ra. Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, cơ cấu lao động nâng cao năng suất và chất lượng cuộc sống trên cơ sở đó từng bước nâng cao chất lượng gia đình văn hóa.
Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung, tiêu chuẩn, xây dựng gia đình văn hóa, tài liệu hỏi đáp về xây dựng nông thôn mới, làm cho mỗi hộ gia đình biết rõ phải làm gì, xóm mình làm công trình nào trong năm nay, đóng góp bao nhiêu, bằng hình thức gì...Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho phong trào thực sự thấm sâu vào mỗi người dân, gia đình, cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng các mô hình gia đình văn hóa trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập. Tổ chức xây dựng gia đình phát triển bền vững, phòng chống bạo lực gia đình ở cộng đồng dân cư. Coi trọng việc giới thiệu các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đồng thời biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa.
Tăng cường đầu tư các nguồn lực cho phong trào xây dựng gia đình văn hóa kết hợp với phương châm xã hội hóa, tạo nền tảng cho sự phát triển chung của toàn xã hội. Thường xuyên tổng kết, sơ kết phong trào, đánh giá kết quả phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa từng giai đoạn kết hợp với các phong trào khác để đạt được hiệu quả thiết thực, đưa hoạt động này thành định kỳ thường xuyên của các cấp từ tỉnh đến cơ sở.
Xây dựng gia đình văn hóa trong xây dựng nông thôn mới là sự vun bồi cho những giá trị tốt đẹp đã và đang tồn tại, làm cho phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, khơi gợi được tinh thần, ý thức tự giác tham gia của người dân. Đây là một quá trình lâu dài, xuất phát từ nhận thức cá nhân đồng thời với việc quan tâm của các ngành, đoàn thể, hướng đến lợi ích của từng gia đình gắn với lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội. Sự quyết tâm, đồng thuận ấy sẽ giúp phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn.