Lối sống và những vấn đề đặt ra trong việc xây dựng lối sống trong giai đoạn hiện nay

Thứ bảy - 05/12/2015 15:46

Có thể nói, lối sống là một hình thức biểu hiện của văn hóa. Nói đến lối sống là nói đến cả khía cạnh văn minh nhân loại và truyền thống của một dân tộc, cả các giá trị phổ quát và cả các giá trị phù hợp với điều kiện lịch sử của từng thời kỳ nhất định. Lối sống hiểu một cách chung nhất là một tập hợp những nét cơ bản, tiêu biểu, ổn định của các hình thức hoạt động sống đặc trưng cho mỗi dân tộc, quốc gia, vùng địa lý, nhóm xã hội và cá nhân trong những điều kiện chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội cụ thể. Đó là cách thức hoạt động, ứng xử của chủ thể (cá nhân, tập thể) để đáp ứng nhu cầu sống, từ ăn, mặc, ở, đi lại, tái tạo giống nòi đến học hành, vui chơi, giao tiếp và thoả mãn nhu cầu trí tuệ, thẩm mỹ,vv..; từ hoạt động kinh doanh, chính trị, văn hoá đến việc tổ chức đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. 

Lối sống người Việt Nam được hình thành do điều kiện địa lý, kinh tế, chính trí, trước hết là tâm lý và văn hoá dân tộc Việt Nam. Vì vậy, lối sống người Việt Nam chính là sự hoá thân của các đặc điểm truyền thống dân tộc, mang những nét riêng bản sắc con người và văn hoá Việt Nam.

Có nhiều yếu tố cấu thành nên lối sống, có thể kể ra một vài thành tố quan trọng nhất của nó như: Cách thức lao động, làm ăn, kinh doanh; Các phong tục tập quán; Cách thức giao tiếp, ứng xử của con người; Quan niệm về đạo đức và nhân cách...

Như vậy, lối sống chịu sự quy định của phương thức sản xuất xã hội và toàn bộ những điều kiện sống của con người. Nhưng nó không phải là sản phẩm thụ động bởi lối sống của con người là do con người tạo ra mà con người vừa là sản phẩm của hoàn cảnh, vừa là chủ thể sáng tạo ra hoàn cảnh sống của chính mình. Do đó, lối sống có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến phương thức sản xuất và toàn bộ đời sống xã hội.

Giống như một số nước phương Đông khác, đời sống tinh thần xã hội Việt Nam truyền thống dựa trên nền tảng vật chất là nền sản xuất nhỏ. Trải qua hàng nghìn năm phát triển lối sống truyền thống ít nhiều có sự biến đổi chứ không phải bất di bất dịch. 

Từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến nay, dân tộc ta đã bước vào thời kỳ bảo vệ độc lập và phát triển đất nước trong thế giới hiện đại. Sau khi giành được độc lập, dân tộc ta đã tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) và đế quốc Mỹ (1955 - 1975) để bảo vệ nền độc lập, thống nhất của tổ quốc. 

Bước vào thời kỳ CNH, HĐH, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lối sống của con người Việt Nam tất yếu phải có sự thay đổi. Bước chuyển về mặt sản xuất vật chất xã hội đã phức tạp, bước chuyển về mặt lối sống càng phức tạp hơn. Đặc biệt, lối sống truyền thống, vốn dựa trên nền sản xuất tiểu nông, có nhiều nhân tố không tương hợp với tính chất của kinh tế thị trường. Có thể nói, ngoài mặt tích cực thì mặt trái của kinh tế thị trường có tác động tiêu cực làm phai nhạt lối sống tình nghĩa, làm rạn vỡ tinh thần tập thể, sự ổn định gia đình, đồng thời làm nảy sinh lối sống cá nhân chủ nghĩa, lối sống gấp, trụy lạc, vv… 

Trong lĩnh vực đạo đức: Trong thời kỳ cách mạng dân tộc, dân chủ trước đây, đạo đức xã hội hướng tới việc đề cao ý thức cộng đồng, nhấn mạnh tinh thần hy sinh cá nhân phục vụ lợi ích tập thể là “trung với Đảng, hiếu với dân”, “cần kiệm liêm chính chí công vô tư”, là nét đẹp lý tưởng của con người có đạo đức mẫu mực. Hiện nay, những chuẩn mực đạo đức đó vẫn được phát huy cho phù hợp với thời kỳ mới. Đó là, Các khái niệm luân lý như “kính lão”, “tôn sư”, “trọng trưởng”, “tín nghĩa”, “chung thủy”, “hiếu thảo”, các nhu cầu về quan hệ gia đình, dòng họ, làng xóm, quan hệ trong làm ăn, cư trú...đang dần dần mang thêm diện mạo mới. 

Giá trị đạo đức được đánh giá không chỉ trên phương diện quan hệ giữa người với người trong sinh hoạt đời thường, mà chuyển dần về cái gốc của nó là quan hệ giữa con người với lao động sản xuất. Tài năng trong lao động được coi trọng và được xem là phẩm chất đạo đức. Người tốt phải là người biết làm giàu chính đáng cho mình, đồng thời giúp đỡ người khác thoát khỏi cảnh nghèo khó. Sự quan tâm đến người khác không chỉ dừng ở lời nói, mà phải được thể hiện thành hành động cụ thể. Đó chính là xu thế vận động tích cực của giá trị đạo đức. Trong nền kinh tế thị trường, ý thức đạo đức đối với lao động đã thay đổi. Bất cứ lao động nào, làm việc gì, nghề gì, bằng sức lao động của mình đem lại hiệu quả cao, bảo được đời sống của bản thân và gia đình, đóng góp đống góp tích cực cho xã hôi không trái với pháp luật đều được xem như là lao động có ích, được thừa nhận và có giá trị xã hội như nhau về mặt đạo đức. 

Một quan niệm mới về đạo đức và một lối sống mới hình thành, đó làđạo đức hướng tới hành động, hướng vào hiệu quả công việc, hướng vào sự hình thành và phát triển cá nhân, như một chủ thể mang nhân cách khẳng định cá nhân, cá tính, ý thức về vai trò chủ thể, con người làm quen với lối sống thiết thực, khẩn trương, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm, có trách nhiệm với bản thân và xã hội.

Hiện nay, trong xã hội mới – xã hội chủ nghĩa, người được coi là có đạo đức, có tinh thần yêu nước, phải là người có năng lực để lao động tự giác, làm việc hết mình vì trách nhiệm với mình và với xã hội. Đạo đức trong xã hội mới còn có biểu hiện tích cực thông qua những hành động cụ thể như: nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công, gia đình thương binh liệt sĩ, những người cô đơn, những người mắc bệnh hiểm nghèo... đã nói lên tình cảm đạo đức cao đẹp, sự cố kết cộng đồng của dân tộc ta.

Trên thực tế, đạo đức xã hội nước ta hiện nay vừa có mặt tích cực vẫn có mặt tiêu cực, đang cản trở sự phát triển. Từ góc nhìn văn hóa, yếu tố tiêu cực đang có xu hương biểu hiện ngày càng tăng. Mặc dù, nó không hiện hữu nhưng đang có tính phổ biến, có thể phá hủy, bào mòn những nền tảng tinh thần đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Đó là, chủ nghĩa cá nhân và sự suy thoái trong quan niệm sống trong một phận không nhỏ, cán bộ, đảng viên đang có chiều hướng gia tăng. Từ đó, nó làm nảy sinh tâm lý sống thực dụng, đề cao một chiều các giá trị vật chất, thói vụ lợi, vị kỷ, ích kỷ, xem đồng tiền là thước đo của giá trị. Bên cạnh đó, những mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng đang có những tác động đến đạo đức lối sống trong toàn xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay là tệ quan liêu, tham nhũng, nhũng nhiễu, hách dịch dân... của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vì lợi ích cá nhân đã làm xói mòn niềm tin của dân đối với Đảng, Nhà nước. 

Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh CNH, HĐH vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, Theo quan điểm của Đảng ta những đức tính của con người Việt Nam cần phải xây dựng, phát triển trong giai đoạn cách mạng mới là, có tinh thần yêu nước, bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì Chủ nghĩa xã hội.

Những đức tính đó của con người mới không chỉ nhằm xây dựng nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội mà còn nhằm tạo ra một nguồn lực mạnh mẽ, bền vững cho công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế. Vì vậy, để xây dựng đạo đức lối sống của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay chúng ta cần tập trung vào các nội dung sau:

Một là, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trên cơ sở đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng và hoàn thiện chính sách xã hội; đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ; xây dựng đội ngũ trí thức; đảm bảo và phát huy quyền con người, quyền công dân.

Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống các giá trị mới của con người Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH, hội nhập quốc tế nhằm thực hiện cuộc vận động xây dựng con người mới- con người Việt Nam thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

Ba là, cần tập trung cho việc cụ thể hóa những đức tính của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay phù hợp với từng giới, từng ngành, địa phương, đơn vị, kết hợp sâu sắc giữa giá trị truyền thống tốt đẹp và giá trị mới.

Bốn là, kiên quyết đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Đây là đòi hỏi cấp thiết của toàn xã hội đối với công tác văn hóa trong những năm tới. Đặc biệt, bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, nhất là lý tưởng sống, năng lực trí tuệ, đạo đức.... làm cho thanh niên trở thành đội hậu bị, cánh tay đắc lực của Đảng.

Xây dựng con người Việt Nam hoàn thiện về nhân cách, lối sống là một công việc vừa rất cơ bản, chiến lược, vừa rất cấp bách, trong đó, bốn giá trị lớn là: Lý tưởng sống; Năng lực trí tuệ; Vẻ đẹp đạo đức; Bản lĩnh văn hóa, trở thành nền tảng nhân cách vững chắc của con người Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh có nhiều tác động phức tạp hiện nay, truyền thống và bản lĩnh văn hoá dân tộc Việt Nam là nền tảng vững chắc để xây dựng và vun đắp những giá trị truyền thống tốt đẹp trong đời sống xã hội. Thiết nghĩ, để làm được điều đó cần phải có sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội./.
 

Ths. Trần Đức Dương
Khoa Dân vận

Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây