Quá trình hình thành các Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Vĩnh Linh

Thứ bảy - 05/12/2015 15:41

Vĩnh Linh là một huyện phía Bắc tỉnh Quảng Trị, nơi có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời, có vị trí chiến lược quan trọng đối với Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung.

Trong những năm đầu thế kỷ XX, đất nước chìm trong đêm dài nô lệ, nhân dân bần cùng, cơ cực. Ở Vĩnh Linh cũng như những nơi khác trong cả nước, thực dân Pháp tìm mọi cách bưng bít, xuyên tạc ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười Nga, cấm đoán nghiêm ngặt việc lưu hành sách báo tiến bộ, với mạng lưới mật thám và tay sai, đe dọa và khủng bố man rợ. Tuy bị cấm đoán gắt gao nhưng thực dân Pháp không sao dập tắt được lòng yêu nước và ý chí căm thù giặc của nhân dân.

Vào tháng 11-1924, sau khi tới Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã tiếp xúc với các nhà cách mạng Việt Nam yêu nước tại đây. Từ đó Người trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, đào tạo thanh niên Việt Nam thành những chiến sĩ cách mạng để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam. Ở Quảng Trị có đồng chí Trương Đình Từ được cử đi đào tạo trong thời gian này. Sau hơn hai tháng huấn luyện đồng chí trở về nước, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Với sự hoạt động tích cực của đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài, sự phát triển của phong trào cách mạng trong cả nước, cùng tiếng bom vang dội của Phạm Hồng Thái mưu sát tên toàn quyền thực dân Merlin ở Quảng Châu năm 1924 đã thúc đẩy phong trào đấu tranh của nhân dân trong tỉnh ngày càng phát triển.

Cuối năm 1926, hàng vạn người dân Quảng Trị tham gia các cuộc hội họp đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, truy điệu cụ Phan Châu Trinh do một số nhà trí thức yêu nước tổ chức. Trong số đó có một số thanh niên yêu nước Vĩnh Linh theo học ở trường Pháp – Việt (Huế). Trong thời gian này, với sự phát triển của phong trào cách mạng, ở Quảng Trị đã xuất hiện hai tổ chức cách mạng: Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội và Tân Việt cách mạng Đảng. Hầu hết số học sinh Vĩnh Linh đã từng học ở trường Pháp – Việt Quảng Trị đều được kết nạp vào Hội như: Nguyễn Đạm, Lê Hiền, Tô Sắt… Từ đây phong trào yêu nước theo xu hướng mới bắt đầu hình thành ở Vĩnh Linh, đặc biệt là sự ra đời của tổ chức “Chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội”. Tính từ cuối năm 1926 đến 1929, toàn huyện Vĩnh Linh đã phát triển thêm 18 hội viên. Để thuận lợi cho quá trình hoạt động, toàn thể các hội viên được chia thành 4 nhóm:

Nhóm Quảng Xá gồm các đồng chí: Trương Đình Đương, Hoàng Đức Hinh, Lê Hiên (tức Cửu Nghiên).

Nhóm Tân Trại gồm các đồng chí: Nguyễn Đạm, Nguyễn Hường, Hoàng Tạo, Nguyễn Uẩn, Nguyễn Cẩn.

Nhóm Huỳnh Công gồm các đồng chí: Ngô Sừ, Trần Sanh, Tạ Cầu, Trần Công Khanh, Thái Viễn, Trần Thức, Trần Tăng, Tạ Mong.

Nhóm Thượng Lập gồm các đồng chí: Trần Nhượng, Trần Văn Ngoạn, Xu Quảng.

Tôn chỉ hoạt động của tổ chức chính trị này là “trước làm quốc dân cách mạng, sau làm thế giới cách mạng”. Vì vậy, cần ra sức giác ngộ quần chúng đứng lên đánh đổ thực dân, phong kiến, giải phóng dân tộc. Để làm được sứ mệnh lịch sử cao cả đó, các hội viên phải trang bị cho mình một số lý luận cơ bản về chủ nghĩa Mác – Lê nin, về phương châm, sách lược đấu tranh với bọn thống trị. 

Tài liệu học tập chủ yếu có cuốn Đường kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc cùng với sách báo tiến bộ từ Pháp đưa về Việt Nam. Trên cơ sở đó, các chi hội đi sâu tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, nhất là tầng lớp thanh niên, nông dân, nâng cao lòng yêu nước, căm thù giặc.

Đầu năm 1929, phong trào cộng sản quốc tế và trong nước phát triển mạnh mẽ. Ngày 15-5-1929, truyền đơn Cộng sản Đảng và thư của Đông Dương Cộng sản Đảng được rải nhiều nơi trong tỉnh. Ở Vĩnh Linh các hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên chia nhau rải dọc tỉnh lộ đến Của Tùng và khắp các ngã đường khác trong huyện, trong xã. Sự xuất hiện công khai lần đầu tiên truyền đơn của cộng sản khiến cho kẻ địch ráo riết truy lùng, khủng bố. Đặc biệt, tri phủ Hải Lăng đã tìm được tài liệu của hội thanh niên, chúng đã bắt giam và tra tấn một số hội viên. Từ đây, tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và Hưng nghiệp hội xã bị tan vỡ, phần lớn các đồng chí lãnh đạo bị bắt giam, số hội viên chưa bị lộ tạm thời ngừng hoạt động. Như vậy, từ cuối năm 1929 trở đi, cũng như các địa phương khác, hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Vĩnh Linh bị khủng bố và tan rã. Trước tình hình cách mạng trong giai đoạn này đã thôi thúc mạnh mẽ ý thức thành lập các chi bộ Cộng sản mới để lãnh đạo phong trào đấu tranh. 

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Sau khi ra đời, dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương, các cấp bộ Đảng được tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức cơ sở của mình. Cùng với các địa phương khác trong cả nước, ngày 25-5-1930, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Trị được thành lập. Tuy nhiên, tháng 10-1930, do sự khủng bố của địch Tỉnh ủy bị phá vỡ nhưng ngay sau đó đã được tái lập lại nhanh chóng vào tháng 11-1930. Tỉnh ủy thành lập là điều kiện cốt yếu cho sự ra đời các chi bộ đầu tiên cũng như các tổ chức Đảng ở Vĩnh Linh. Tại hội nghị tái lập lại Tỉnh ủy (11-1930), đồng chí Trần Ngọc Hoành, Tỉnh ủy viên được phân công phụ trách xây dựng cơ sở Đảng ở Vĩnh Linh và Gio Linh.

Đầu năm 1931, đồng chí Hoành đã đến các địa điểm khác nhau ở Vĩnh Linh như: Thượng Lập, Huỳnh Công, Lại Xá, Quảng Xá, Duy Viên… Đồng thời gặp các đồng chí: Trần Đức Nhượng, Trần Văn Ngoạn, Trần Công Khanh, Trương Đình Đương… nhằm thông báo chủ trương của Tỉnh ủy và hướng dẫn cách tổ chức tuyên truyền, hoạt động bí mật, phương pháp liên lạc, phương pháp tập hợp quần chúng… Được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, tháng 5-1931, các chi bộ Thượng Lập, Quảng Xá, Huỳnh Công lần lượt ra đời. 

Chi bộ Thượng Lập do đồng chí Trần Văn Ngoạn làm bí thư; chi bộ Huỳnh Công do đồng chí Trần Công Khanh làm bí thư; chi bộ Quảng Xá do đồng chí Trương Đình Đương làm bí thư. 

Sau khi thành lập xong ba chi bộ, đồng chí Trần Ngọc Hoành trở vào báo cáo lại với Tỉnh ủy. Sau đó, Tỉnh ủy cử đồng chí Đoàn Thị (tức Đoàn Bá Thừa) ra kiểm tra và công nhận 3 chi bộ chính thức đầu tiên ở Vĩnh Linh. 

Sự ra đời ba chi bộ đầu tiên ở Vĩnh Linh đã đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân Vĩnh Linh. Với truyền thống yêu nước và tinh thần chống giặc kiên cường của nhân dân, trước đây nhiều phong trào đấu tranh diễn ra sôi nổi khắp cả Huyện nhưng đều bị thất bại. Chính vì vậy, với sự ra đời của các chi bộ Cộng sản đã đưa phong trào cách mạng phát triển sang một trang mới, từ đây, các cuộc đấu tranh của quần chúng ngày càng diễn ra sâu hơn, rộng hơn và giành được nhiều thắng lợi hơn ở 3 địa phương của ba chi bộ nói riêng và toàn khu vực Vĩnh Linh nói chung.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban tuyên giáo Tỉnh ủy (1990), Quảng Trị, 60 năm những chặng đường, Nxb Sở văn hóa – thông tin Quảng Trị, Quảng Trị.
2. Thường vụ huyện ủy Vĩnh Linh (1994), Lịch sử Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh 1930 – 1975, Nxb xí nghiệp in Quảng Trị, Quảng Trị.
3. Thường vụ Đảng ủy xã Vĩnh Lâm (1995), Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Lâm 1930 – 1975, Vĩnh Linh.
4. Thường vụ Đảng ủy xã Vĩnh Long (2010), Lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Long 1930 – 2005, Nxb CTQG, HN.
 

Th.s Đinh Thị Thu Hoài
Khoa: Xây Dựng Đảng

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây