Xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa – Một nghĩa cử cao đẹp mang tính nhân văn sâu sắc

Thứ bảy - 05/12/2015 15:33

Công tác đền ơn đáp nghĩa là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, một hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, một phương thức ứng xử giàu văn hóa của dân tộc Việt Nam với triết lý sống“Uống nước nhớ nguồn”,“Ăn quả nhớ người trồng cây”. 

Từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp với muôn vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị và chính Người đã chọn ngày 27/7 hàng năm làm “Ngày Thương binh toàn quốc” là dịp để đồng bào“tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh”. Người chỉ rõ “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”(1) 

Trong nhiều bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo công tác chính sách. Người căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh.

Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sỹ mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét(2)
 

Thực hiện lời căn dặn của Bác, từ nhiều năm qua, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước luôn là mối quan tâm đặc biệt và được cụ thể hóa bằng nhiều chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân...ngày càng thể hiện nhiều hơn tấm lòng tri ân thông qua những việc làm thiết thực đối với các đối tượng chính sách. Điều đó cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của nhân dân, phong trào đã thực sự trở thành trách nhiệm chung của xã hội, là nét đẹp truyền thống trong văn hóa của người Việt Nam và được xã hội hóa sâu rộng để mọi người cùng có trách nhiệm chung tay chăm lo công tác đền ơn, đáp nghĩa, 

Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước, phong trào đã được tổ chức triển khai sâu rộng trong cả nước với nhiều hình thức phong phú, nhiều việc làm thiết thực đã góp phần cùng với Đảng và Nhà nước chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách. Đời sống các đối tượng ngày càng được cải thiện và nâng cao, hàng vạn ngôi nhà tình nghĩa đã được trao tặng, nhiều công trình tưởng niệm được xây dựng và tôn tạo...đã góp phần ổn định chính trị-xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Cần phải khẳng định rằng, nếu phong trào đền ơn đáp nghĩa không được xã hội hóa thì chắc chắn cuộc sống của các đối tượng chính sách còn gặp nhiều khó khăn. 

Cả về lý luận và thực tiễn cho thấy xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa giải quyết được hai mặt của một chủ trương lớn. Trước hết, đó là một hoạt động xã hội để mọi người được bày tỏ lòng tri ân, thể hiện trách nhiệm của mình đối với những anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước đã hy sinh thân mình cho cuộc sống hoà bình vì sự phồn vinh và mãi mãi trường tồn của dân tộc. Mặt khác, thông qua việc xã hội hóa công tác đền ơn, đáp nghĩa để nhắc nhở, giáo dục cho mọi người nhất là với thế hệ trẻ lòng biết ơn, niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng và sự hy sinh cao cả của các thế hệ ông cha cho nền độc lập và tự do của dân tộc để thấy rõ hơn nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. 

Đất nước ta trải qua nhiều chiến tranh với sự hy sinh vô cùng to lớn của biết bao anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, người tham gia hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học...Ngoài ra còn nhiều đối tượng chính sách xã hội khác cần phải được trợ cấp. Từ thực tế đó để chúng ta thấy rằng chỉ dựa vào nguồn lực từ ngân sách, Nhà nước không thể tổ chức chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho tất cả các đối tượng chính sách cũng như chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa nói chung được. Vì vậy, chỉ có thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa mới động viên được sức mạnh của cả cộng đồng để cùng nhau chung tay chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa.

Hưởng ứng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các ngành, đoàn thể và địa phương đã có nhiều hình thức, biện pháp và cách làm sáng tạo trong việc xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, qua đó đã khơi dậy và phát huy được truyền thống, đạo lý của dân tộc, động viên được trách nhiệm của toàn xã hội cùng chung tay chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa. Đặc biệt “Tháng Bảy tri ân” hàng năm là dịp cả nước tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa như: Quan tâm chăm lo đời sống các gia đình liệt sĩ, thương binh, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc phần mộ các liệt sĩ, tổ chức những hoạt động về nguồn...Phong trào đền ơn đáp nghĩa với 5 chương trình hành động bằng những việc làm thiết thực: Ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; Xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa; Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Xã, phường làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; Tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa...đã trở thành phong trào cách mạng sâu rộng trong toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta, là nét đẹp văn hóa, là nghĩa cử mang tính nhân văn sâu sắc trong đời sống, có sức lan tỏa và trở thành một hoạt động ngày càng được xã hội hóa sâu rộng. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, 5 năm qua, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước đã vận động xây dựng được 1.263 tỷ đồng. Hàng năm, Quỹ đã phân bổ, hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố trong cả nước để xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, ủng hộ gia đình chính sách tổng trị giá lên tới trên 14,5 tỷ đồng(3).

Hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2012), ngày 28/4/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về việc tăng cường chăm sóc người có công với cách mạng và hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cho các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể trung ương, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương; các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tăng cường chăm sóc người có công và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa để người có công và thân nhân của họ có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; ưu tiên lo nhà ở cho gia đình thương binh liệt sĩ trong năm 2012; chăm sóc và tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ (nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi tên, đền thờ liệt sĩ...). Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng và tổ chức triển khai đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; giáo dục truyền thống“Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động đợt cao điểm toàn dân thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” từ ngày 19-5 đến 27-7-2012 và kêu gọi các cấp, các ngành, toàn thể đồng bào, chiến sỹ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài tích cực hưởng ứng đợt cao điểm toàn dân thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. 

Giữa những ngày “Tháng Bảy tri ân” là dịp để chúng ta cùng thể hiện trách nhiệm của mình nhằm ghi nhớ công lao to lớn của những người đã hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Bằng những việc làm cụ thể để chung tay cùng chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa ngày càng chu đáo hơn đó cũng là nghĩa cử như một nén hương lòng kính cẩn tri ân những người đã anh dũng hy sinh cho đất nước ngàn năm vững bền.

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, T8, Tr.210
(1) Vũ Kỳ, kể chuyện Bác Hồ, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2008, Tr.550
(3) Thanh Hòa “Đợt cao điểm toàn dân đền ơn đáp nghĩa” Hải Quan online (20/5/2012)

 

Nguyễn Sỹ Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây