Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, là kết quả của sự kết hợp giữa tư tưởng lấy "dân làm gốc" ra đời trong truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc và học thuyết Mác- Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong đấu tranh cách mạng. Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa lý luận và thực tiễn - Chủ tich Hồ Chí Minh đã nâng tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc” lên một tầm cao mới vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nhân văn sâu sắc.
Tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa, sáng tạo đúng đắn về vai trò của quần chúng cho nên Người tập hợp, đoàn kết đông đảo nhân dân, phát huy được vai trò của họ trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.
Quan điểm cơ bản trong tư tưởng của Người về vai trò quần chúng nhân dân là: "Dân là gốc của một nước, nước lấy dân làm gốc". Đây chính là chân lý mà Người đúc kết được sau bao năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài và tổng kết từ thực tiễn cách mạng trong nước. Bác khẳng định:“Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân” . “Trong cuộc kháng chiến kiến quốc lực lượng chính là ở dân”. “Cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân” . "Gốc có vững cây mới bền, Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân" .
Từ quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra sức mạnh của nhân dân trong sự cấu kết với cộng đồng dân tộc, giai cấp với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Có dân là có tất cả đã trở thành phương pháp luận trong tư tưởng của Người. “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong” . Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong lịch sử dựng nước, giữ nước đều do nhân dân quyết định. Nhà quân sự lỗi lạc, đại văn hào Nguyễn Trãi đã từng nói:“Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, thuận lòng dân thì sống, nghịch lòng dân thì chết”. Đảng ta cũng khẳng định rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân và quan điểm “lấy dân làm gốc” trở thành tư tưởng thường trực để lãnh đạo đất nước hơn 80 năm qua "lực lượng của dân rất to, khả năng của dân thật phi thường". Vì thế, trong kháng chiến kiến quốc, muốn thắng lợi được kẻ thù thì phải huy động sức mạnh của toàn dân, biết phát huy tinh thần của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn Đảng ta là: "Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được" . Nhưng để lực lượng dân trở thành một khối thống nhất cả trong tư tưởng và hành động thì chúng ta phải đoàn kết nhau lại, vì sự đoàn kết của nhân dân là vô địch, không một kẻ thù nào có thể chia cắt được. Thực tiễn lịch sử Việt Nam ta mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước đã chứng tỏ điều đó. Sự nghiệp vẻ vang của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, v.v. chính cũng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên dưới chế độ phong kiến, vai trò của quần chúng bị lu mờ, và chính bản thân quần chúng cũng không nhận thức được sức mạnh của mình. Các triều đại liên tiếp đổi thay, chính quần chúng là người quyết định sự biến đổi ấy, từ thực tiễn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Dân trí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống nổi", "Sự đồng tâm của đồng bào đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại"
Đoàn kết là sức mạnh, đó là nguyên nhân của mọi thành công, mọi thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công” . Sự đoàn kết càng mở rộng thì sự thành công càng chắc chắn, cho nên trong quá trình lãnh đạo cách mạng Bác luôn coi trọng sự đoàn kết nhân dân, xem đó là vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Và đó cũng là lý do để Người quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất đoàn kết xã hội thành một khối thống nhất chống ngoại xâm.
Với quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân” là một tư duy hoàn toàn mới trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Đó chính là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng nước ta. Quan điểm này đã trở thành cơ sở lý luận cho mọi hoạt động của tổ chức và cá nhân trong xã hội nhằm phát huy vai trò sáng tạo, tích cực của quần chúng. Xuất phát từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem mình là người phục vụ quần chúng, chịu trách nhiệm trước quần chúng. Người nghiêm khắc phê phán những biểu hiện của tệ quan liêu, xa dân, khinh dân, đặc biệt là thói kiêu ngạo “quan cách mạng”, ra lệnh, ra oai, “không tin dân” để dẫn đến chỗ “dân không tin” làm hại đến uy tín của Đảng, của Chính phủ. Trong điện gửi các cán bộ chính quyền và đoàn thể miền Nam Trung Bộ năm 1950, Người phê bình: “...Máy móc, ép buộc đồng bào, nhiều việc quá trình độ, dân không hiểu, không thích. Đã thấy sai lầm mà không kịp thời sửa chữa, kịp thời báo cáo. Dùng thói quan liêu, chỉ biết ra lệnh, ép buộc dân chúng đóng góp” .
Khẳng định vai trò của quần chúng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng, Nhà nước và mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm giác ngộ, tập hợp, đoàn kết nhân dân lại rồi dẫn đường cho họ đi vào hoạt động cách mạng, nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho dân. Người khẳng định: “Đảng ta là một đảng cầm quyền...phải xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, theo Người ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Đảng ta không còn lợi ích nào khác. Mục đích của Đảng là phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, để phục vụ tốt mục đích trên thì Đảng phải là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Mọi cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước đều là công bọc của nhân dân. Người viết: “Nước ta là Nhà nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ, trong bộ máy cách mạng từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch nước đều phân công làm đầy tớ cho dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt niềm tin tuyệt đối vào nhân dân, ngay cả khi cách mạng đang ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” Người vẫn một lòng tin tưởng vào nhân dân. Người cho rằng “có dân sẽ có tất cả”, “có dân việc gì cũng làm được” và Người thường xuyên động viên nhắc nhở:“chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người không chỉ tin tưởng vào sức mạnh phi thường của nhân dân mà còn tin tưởng vào cả tấm lòng yêu nước, ý chí, quyết tâm, lòng dũng cảm và sự trung thành tuyệt đối vào Đảng của nhân dân. Người khẳng định: “nhân dân ta rất anh dũng, dũng cảm, hăng hái cần cù. Từ ngày có Đảng nhân dân ta luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng...Dù khó khăn mấy nhân dân ta nhất định thắng lợi…” Vì thế, Bác rất tôn trọng người lao động, theo Bác, tôn trọng người lao động là phải gần gũi nhân dân, hòa cùng nhân dân, không được tự tách ra khỏi dân, không được đặt mình cao hơn dân. Người dạy cán bộ, đảng viên “Từ nơi quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng. Có gần gũi, hòa cùng nhân dân thì mới hiểu được dân, đồng cảm với dân, nắm được tâm tư tình cảm của dân... Hòa cùng nhân dân còn để giác ngộ, lãnh đạo nhân dân thúc đây xã hội phát triển theo chiều hướng có lợi cho nhân dân”.
Đánh giá đúng vai trò của quần chúng nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là bí quyết thắng lợi của mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và do nhân dân xây dựng. Nghĩa là phải phát huy tinh thần làm chủ, sáng tạo của dân; nhân dân phải được tham gia một cách trực tiếp vào công việc quản lý, sản xuất và đời sống của mình; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của dân thông qua hệ thống chính trị ở cơ sở. Người luôn nhắc nhở “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải đè đầu dân...”. “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh” .
Tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng vì nhân dân, vì con người. Dựa vào dân, tin vào lực lượng, trí tuệ của nhân dân, chăm lo cho cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân là tạo nên sức mạnh đoàn kết và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Đó chính là nền tảng của công cuộc đổi mới và phát triển mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang lãnh đạo nhân dân thực hiện.
Suy ngẫm về tư tưởng Hồ Chí Minh “Nước lấy dân làm gốc” trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang quyết tâm cao độ đưa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI vào cuộc sống, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ; xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan đơn vị. Với yêu cầu, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Tạo sự chuyển biến thực sự rõ nét, khắc phục những yếu kém tồn tại, củng cố thêm niềm tin với Đảng…
Trong không khí cùng cả nước thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng kỷ niệm 67 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 trước anh linh của Người và các anh hùng liệt sỹ cán bộ, đảng viên chúng ta nguyện suốt đời đi theo con đường mà Bác và Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn trong những năm 30 của thế kỷ trước, góp phần nhỏ bé của mình xây dựng thành công một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”
Tài liệu:
Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.1996
Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.1995
Ths. Hoàng Đức Dĩnh
Trưởng khoa Xây dựng Đảng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn