Xây dựng môi trường văn hóa ở Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị hiện nay

Thứ bảy - 05/12/2015 15:44

Con người và môi trường có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, con người không thể tồn tại nếu tách khỏi môi trường tự nhiên cũng như không thể trở thành người nếu tách khỏi môi trường văn hoá (MTVH). Môi trường tự nhiên là nơi con người sinh sống còn MTVH chính là “cái nôi” hình thành và nuôi dưỡng bản lĩnh, đạo đức và nhân cách con người. Không thể có một tâm hồn trong sáng, một nhân cách lớn khi được nuôi dưỡng trong MTVH độc hại, ô nhiễm và cũng không thể có sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc khi MTVH bị xem nhẹ, không được bảo vệ và xây dựng. 

“Môi trường văn hóa gắn với toàn bộ hoạt động người. Các lớp và không gian của môi trường gắn liền với sự đối tượng hoá các năng lực bản chất của con người…” và “Môi trường văn hóa chính là sự vận động của các quan hệ của con người trong quá trình sáng tạo, tái tạo, đánh giá, lưu giữ và hưởng thụ các sản phẩm vật chất và tinh thần của mình” MTVH được nhìn nhận như một hệ thống các giá trị nhân văn có mối quan hệ mật thiết đối với quá trình hình thành, phát triển nhân cách con người, phát triển xã hội.

Hiện nay, MTVH ở các trường đại học, cao đẳng nói chung và MTVH ở trường chính trị nói riêng đang có nhiều điều kiện để phát triển, đồng thời đối mặt với những thách thức to lớn trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, đòi hỏi phải xây dựng MTVH nói chung và MTVH ở Trường Chính trị Lê Duẩn để góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Kết quả xây dựng MTVH ở Trường Chính trị Lê Duẩn được thể hiện trên những mặt sau:

Thứ nhất: Về xây dựng cơ sở vật chất. Trong thời gian qua, nhà trường đã được đầu tư cơ sở vật chất như xây dựng mới giảng đường với 4 phòng học rộng rãi thoáng mát, một hội trường tương đối hiện đại với khoảng 250 chỗ ngồi và nhà hiệu bộ 4 tầng dùng làm phòng họp và phòng làm việc cho cán bộ giảng viên của nhà trường. Nhà nội trú cho học viên đã xây dựng với 23 phòng được trang bị khá đầy đủ tạo điều kiện cho học viên học tập trung ở lại. Nhà trường đã đầu tư mua máy móc, trang thiết bị phục vụ dạy và học, với 4 máy Projetter được đặt ở các phòng học. Tất cả giảng viên và cán bộ đều được trang bị máy tính nối mạng Internet, riêng Ban Giám hiệu và trưởng khoa được trang bị máy tính xách tay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cơ sở vật chất trong đó các thiết chế văn hóa đang trở thành một tiêu chí quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo về lý luận chính trị cũng như rèn luyện thể chất cho cán bộ giảng viên và học viên. Các thiết chế văn hóa bao gồm phòng truyền thống, sân bóng chuyền, sân bóng bàn, thư viện...đã và đang được quan tâm đúng mức, tạo điều kiện để cán bộ giảng viên, học viên tham gia các hoạt động văn hóa thể thao. 

Bên cạnh đó, nhà trường đã đầu tư xây dựng cảnh quan văn hóa, nhiều hạng mục được đầu tư làm mới hoặc nâng cấp như vườn hoa, cổng trường, tường bao quanh, ghế đá...Mặc dù khuôn viên nhà trường hẹp nhưng được thiết kế tương đối khoa học nên đã tạo được không gian thoáng mát. Hàng tuần Đoàn viên thanh niên nhà trường đã tự nguyện làm vệ sinh, cắt tỉa và chăm sóc vườn hoa, cây cảnh đã góp phần làm cho môi trường luôn xanh- sạch - đẹp.

Thứ hai: Hoạt động giảng dạy và học tập. Có thể nói dạy và học là hoạt động chủ đạo của nhà trường, liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tất cả các hoạt động khác. Mặt khác giảng dạy và học tập ở Trường Chính trị Lê Duẩn có tính đặc thù nên yêu cầu đối với giảng viên và học viên đều cao. Năm 2000, trường chỉ có 1 người có trình độ thạc sĩ, 20 giảng viên có trình độ đại học thì năm 2012, trường đã có 11 người có trình độ thạc sĩ và 8 cán bộ giảng viên đang học cao học và 1 giảng viên đang nghiên cứu sinh ở nước ngoài và nhiều người có 2 bằng đại học trở lên.

Đối với học viên, học tập thực sự trở thành nhu cầu, mục tiêu để phục vụ cho việc nâng ngạch, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại các chức vụ. Vì vậy, Nhà trường đã quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động giảng dạy và học tập, thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực chủ động, tự học, tự nghiên cứu của học viên. Những năm qua, hoạt động giảng dạy và học tập đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp góp phần cùng Nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Tỉnh ủy giao. 

Thứ ba: Về hoạt động văn nghệ, thể thao
Đây là một trong những hoạt động cơ bản để xây dựng môi trường văn hóa trường học. Vì vậy, nhân các ngày lễ lớn của đất nước như kỷ niệm Sinh nhật Bác (19/5), ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc khánh (2/9) và ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi liên hoan văn nghệ truyền thống với nhiều thể loại khác nhau như hát, múa, hò vè và các làn điệu dân ca ca ngợi Đảng, quê hương đất nước và sự phát triển tỉnh nhà. Hoạt động văn nghệ mang màu sắc tươi trẻ, sôi nổi của nghệ thuật quần chúng. Các đơn vị tham gia đã khai thác có hiệu quả bản sắc văn hóa địa phương làm hội diễn thêm phong phú và sinh động. 

Nhà trường tổ chức các hoạt động thể thao như bóng chuyền, bóng bàn, kéo co với nhiều hình thức giao lưu giữa cán bộ, giảng viên với các lớp, giữa nhà trường với Đảng ủy khối các cơ quan Tỉnh, Tỉnh ủy, đặc biệt tổ chức thi đấu với nhiều trận cầu sôi nổi, hào hứng thu hút nhiều cán bộ học viên và nhân dân trong địa bàn tham gia cổ vũ.

Thứ tư: Về hoạt động xây dựng đạo đức lối sống, nếp sống văn hóa. Đây là hoạt động rất quan trọng góp phần xây dựng môi trường văn hóa trường học ngày càng lành mạnh hướng tới chân- thiện- mỹ nên đã được Đảng ủy, Ban giám hiệu, Ban Chấp hành công đoàn quan tâm thực hiện. Toàn thể cán bộ giảng viên và học viên tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” và Nghị quyết lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI Một số vấn đề về xây dựng Đảng hiện nay. Nhà trường đã tổ chức học Nghị quyết của Đảng, tổ chức nhiều hoạt động theo các chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ giảng viên và học viên. Xây dựng quan hệ giữa cán bộ, giảng viên và học viên, mối quan hệ cán bộ giảng viên với nhau dựa theo các chuẩn mực của Nhà trường và Qui chế văn minh công sở nhằm xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh văn hóa trong trường học. Chú ý xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa cán bộ giảng viên và học viên, giữa học viên với nhau. Đây là hai mối quan hệ chủ yếu có ảnh hưởng quyết định đến mối quan hệ khác trong trường. Là trường chính trị nên học viên là những người lớn tuổi, có cương vị xã hội và vốn kiến thức cũng như kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn nên trong quá trình giảng dạy, giảng viên phải tôn trọng và biết lắng nghe những thông tin từ học viên. Mặt khác, Nhà trường thực hiện phương pháp mới trong giảng dạy lấy học viên làm trung tâm, tăng cường trao đổi thảo luận về những vấn đề trọng tâm của bài học. Từ đó, mối quan hệ giữa cán bộ, giảng viên và học viên cởi mở, thân thiện hơn, tạo điều kiện xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Kết quả, nhiều năm liền Nhà trường được công nhận đơn vị văn hóa và đơn vị văn hóa xuất sắc. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục như diện tích trường quá nhỏ (0,5ha) chưa đáp ứng với nhu cầu đào tạo ngày càng lớn của tỉnh, mặt khác cảnh quan và các thiết chế văn hóa đã được quan tâm xây dựng nhưng vẫn chưa thực sự phù hợp với trường chính trị cấp tỉnh. 
Để phát huy những thành tích và khắc phục một số hạn chế trên cần thực hiện một số giải pháp trong quá trình xây dựng môi trường văn hóa ở Trường Chính trị Lê Duẩn như sau:

Một là, nâng cao nhận thức về văn hóa và môi trường văn hóa cho cán bộ giảng viên và học viên. Đây là giải pháp đầu tiên, cơ bản nhằm tạo ra những hiểu biết toàn diện và sâu sắc về văn hóa, về MTVH, về mục tiêu và nhiệm vụ xây dựng MTVH cho cán bộ đảng viên và học viên, trên cơ sở đó biến quá trình xây dựng MTVH từ tự phát thành quá trình tự giác, xây dựng động cơ đúng đắn và hành động thiết thực, phù hợp với mỗi người. Như chúng ta đã biết, con người là chủ thể của MTVH, đồng thời là sản phẩm của MTVH. Vì vậy, trong hoạt động xây dựng MTVH, nếu con người không có hoặc kiến thức cơ bản về MTVH không đầy đủ thì khi tiến hành một cách thụ động và kém hiệu quả.

Hai là, tăng cường xây dựng nguồn lực xây dựng môi trường văn hóa. Nguồn lực để xây dựng phát triển văn hóa nói chung và MTVH nói riêng có 4 yếu tố: Nhân lực (con người), tài lực (tài chính, vốn), vật lực (cơ sở vật chất), tin lực (khoa học- công nghệ). Như vậy, tăng cường xây dựng nguồn lực cho sự phát triển văn hóa đồng thời thực hiện cả 4 yếu tố trên.

Ba là, giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị- xã hội và cán bộ giảng viên, học viên. Xây dựng và phát triển MTVH là sự nghiệp của toàn dân, muốn hoạt động này có hiệu quả cần sự huy động sức mạnh tổng hợp của tất cả các thành phần trên. Để làm tốt nhiệm vụ xây dựng MTVH ở Trường Chính trị Lê Duẩn, một mặt Đảng ủy, Ban giám hiệu lãnh đạo, chỉ đạo phong trào xây dựng gia đình văn hóa và công sở văn hóa, mặt khác tuyên truyền động viên cán bộ giảng viên và học viên tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động nhiều nguồn lực cùng tham gia vào các hoạt động xây dựng MTVH.

Bốn là, giải pháp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao theo hướng dân chủ hóa. Hoạt động văn hóa văn nghệ cũng cần có sự thay đổi về nội dung và hình thức hơn nữa. Ngoài những nội dung mang tính truyền thống như các bài dân ca Bình Trị Thiên, hát ru, hò, vè... nên mở rộng để đa dạng hóa các loại hình phù hợp với nhiều đối tượng học viên. 
Các hoạt động thể thao cũng cần đổi mới và mở rộng hình thức hoạt động. Hoạt động thể thao bên cạnh việc rèn luyện thể lực, còn tập cho con người tính tập thể, tinh thần đoàn kết và ý chí vượt lên chính mình để đạt mục đích. Trong những năm vừa qua, Nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động thể thao thu hút nhiều người tham gia. 

Năm là, xây dựng trường học văn hóa. Trường Chính trị Lê Duẩn là nơi đào tạo bồi dưỡng cán bộ của tỉnh Quảng Trị nên các cá nhân trong trường đều là cán bộ đảng viên, được đào tạo cơ bản, có tính gương mẫu là thành viên trong các gia đình, khu phố. Vì vậy, xây dựng văn hóa trường học là yêu cầu cấp thiết góp phần quan trọng tạo ra MTVH lành mạnh, trong sạch tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Trên cơ sở “Qui chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước” ban hành kèm theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTG ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiệm vụ xây dựng văn hóa công sở cần thực hiện những biện pháp sau:

+ Nâng cao trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên, giảng viên và học viên về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, khắc phục tình trạng phai nhạt lý tưởng, suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống.
+ Xây dựng được văn hóa công sở văn minh, tiến bộ, hiện đại góp phần tạo nên nền nếp làm việc khoa học, có kỷ cương dân chủ. Tạo được tình đoàn kết và chống lại bệnh quan liêu, cửa quyền xa rời quần chúng. MTVH công sở tốt đẹp sẽ tạo được niềm tin của cán bộ, giảng viên với học viên góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của công sở.

+ Xây dựng nội qui, qui chế làm việc, qui chế chi tiêu nội bộ của đơn vị chặt chẽ, khoa học tạo nên những chuẩn mực, phá tính cục bộ, sự đối lập có tính bản thể của các thành viên, hướng mọi người đến giá trị chung, tôn trọng nguyên tắc, quy tắc và chuẩn mực văn hóa công sở, để đưa sinh hoạt đơn vị, cơ quan vào nề nếp. Tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, giảng viên phát huy năng lực sáng tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn...tạo nên hiệu quả cao, phục vụ tốt cho đời sống nhân dân.

+ Thực hiện nghiêm túc Qui chế dân chủ ở cơ sở mà cụ thể là đoàn kết nội bộ, nghiêm túc phê bình và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 khóa XI, đấu tranh và ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

+ Thực hiện những qui định đã ghi trong “Qui chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước” như: Cán bộ, giảng viên khi thi hành nhiệm vụ phải thực hiện các qui định về những việc phải làm và những việc không được làm theo qui định của pháp luật. 

Hiện nay, nhân loại đã bước sang thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI với nhiều thành tựu to lớn về khoa học và công nghệ, nền kinh tế thế giới phát triển với tốc độ nhanh thì gắn liền với nó là nhiều vấn đề hệ lụy về ô nhiễm môi trường sống, ô nhiễm MTVH đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các quốc gia, dân tộc. Vì vậy xây dựng MTVH tốt đẹp, lành mạnh là yêu cầu cấp thiết và lâu dài của nước ta góp phần vào thắng lợi của quá trình CNH, HĐH. MTVH mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng là MTVH giàu bản sắc dân tộc, vừa phù hợp với qui luật thời đại vừa đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của nhân dân. Đó là MTVH phát triển theo định hướng XHCN, lấy Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Đó là MTVH lành mạnh, phong phú, giàu tính nhân văn, thống nhất trong sự đa dạng hướng tới giải phóng và tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện. Xây dựng MTVH ở Trường Chính trị Lê Duẩn góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà nhà trường được Tỉnh ủy giao, xứng đáng là trung tâm đào tạo cán bộ của tỉnh nhà.
 

Ngô Thị Thu Hà
Khoa MLN,TTHCM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây