Tiếp công dân - những bất cập cần giải quyết trong giai đoạn hiện nay

Thứ bảy - 05/12/2015 15:53

Lê Quang Thể


Công tác tiếp dân hiện nay đang ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết trong sinh hoạt đời sống xã hội, trong quản lý nhà nước và trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước nói chung, cơ quan hành chính Nhà nước nói riêng. Đây là cầu nối trực tiếp, hữu hiệu nhất để người lãnh đạo chính quyền, cán bộ nhà nước gần và sát dân hơn. Thông qua tiếp dân, cán bộ lãnh đạo sẽ có cơ hội nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và những băn khoăn, trăn trở của nhân dân, tạo được niềm tin trong nhân dân, góp phần nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp. Đây cũng là thể hiện bản chất của nhà nước ta, Nhà nước của dân, do dân và vì dân. 

Hiện nay công tác tiếp dân đạt được nhiều kết quả khá phấn khởi, bộ phận tiếp nhận các cấp đã có giấy hẹn ngày tiếp công dân cụ thể, nhiều nơi công việc được chuẩn bị trước một cách chu đáo. Một khi cán bộ tiếp dân, nhất là các vị lãnh đạo chính quyền, cùng các bộ phận tham mưu chuẩn bị hồ sơ, đề xuất, tham mưu hướng giải quyết nên việc tiếp dân diễn ra thuận lợi. Công tác tiếp dân nhiều nơi đạt hiệu quả cao là nhờ chính quyền các cấp đã bám sát công việc, vì lợi ích chung, không ngại va chạm với lợi ích cục bộ, thiểu số. Người cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo đã thường xuyên tiếp cận với các điểm nóng, đi thực tế, xử lý các đơn thư trực tiếp, các sự việc mà đài, báo nêu, không để tồn đọng, nắm bắt được vấn đề một cách sâu sát, nên đã chu đáo trong giải quyết vướng mắc, nguyện vọng của người dân. Tuy nhên, những kết quả ban đầu đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp dân trong giai đoạn hiện nay, chứ chưa nói đến những nơi, có những người chưa làm tốt công tác tiếp dân theo quy định, gây phiền hà và bất bình trong nhân dân còn nhiều. Tình trạng đó theo tôi bắt nguồn từ những nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, quy định pháp luật hiện hành chưa rõ về trách nhiệm, hiện chỉ dừng lại Thông tư 07/2011/TT-TTCP, ngày 28 tháng 7 năm 2011, của Thanh tra Chính phủ về hướng dẫn quy trình tiếp công dân, tuy nhiên hiệu lực pháp lý không cao nên việc tuân thủ khó đảm bảo được nghiêm theo quy định. Tình trạng đùn đẩy, né tránh vẫn xảy ra mà người chịu trách nhiệm tiếp dân theo quy định không làm tròn vẫn không bị ảnh hưởng gì, trong lúc người dân mong muốn những vấn đề của mình sớm được giải quyết.( đây cũng là băn khoăn nhiều đại biểu Quốc hội thi góp ý cho dự thảo Luật tiếp dân).

Thứ hai, địa điểm tiếp dân, theo quy định hiện hành thì trụ sở tiếp công dân chỉ là địa điểm để đón tiếp công dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh; là nơi nhận đơn, yêu cầu của người dân để phân loại, chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Phòng tiếp dân được tổ chức ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện còn cấp cơ sở thì không quy định rõ. Hiện tại chỉ tập trung vào” một cửa”, nhưng chức năng của “ một cửa” ở cơ sở chủ yếu là giải quyết thủ tục hành chính nhằm giải quyết nhanh chóng công việc của dân làm giảm phiền hà cho dân chứ không phải để tiếp nhận, giải quyết ý kiến, khiếu nại, tố cáo của công dân. Vì vậy, ở cấp cơ sở tạo nên tình trạng người nào, nơi nào trong trụ sở cũng tiếp dân được nhưng cũng không ai trả lời, giải quyết đươc vấn đề của dân, trừ chủ tịch UBND cấp xã ( mà người này thì dân lại khó gặp nhất).

Thứ ba, đội ngũ làm công tác tiếp dân còn hạn chế về trình độ, năng lực. Không ít người tiếp dân chưa nắm bắt được các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề người dân có ý kiến. Hiệ tại Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011, chưa được phổ biến về tận cơ sở và chưa được phổ biến kỹ trong đội ngũ cán bộ, công chức nên trong thực tế còn nhiều bất cập, pháp luật chưa được thực hiện nghiêm, quy trình, thủ tục tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân chưa đảm bảo.

Thú tư là, thực tế công tác tiếp dân đã có những trường hợp có các phân tử quá khích lợi dụng các buổi tiếp dân để sách động, quấy rối, hoặc có những công dân đưa ra những đòi hỏi quá đáng, phi lý v.v…đẩy cán bộ tiếp dân vào thế bị động, lúng túng để từ đó, tạo điều kiện cho các phần tử xấu, có cơ hội nói xấu chính quyền, xuyên tạc sự thật, tung tin thất thiệt gây mất lòng tin trong nhân dân. Thậm chí có những trường hợp mặc áo tang, đưa quan tài, kéo đông người đến nơi tiếp dân làm mất trật tự an ninh công cộng. Do đó, cần có cơ chế phối hợp giữa cơ quan chức năng tiếp công dân, cơ quan dân vận, cơ quan công an, không để gây mất trật tự, tạo nên hình ảnh phản cảm tại cơ quan công quyền.

Trên đây theo tôi là những vấn đề bất cập cần giải quyết tốt, quy định rõ trong pháp luật, nhất là Luật tiếp dân nhằm tạo nên cơ chế đồng bộ để tiếp dân đảm bảo yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây