Câu chuyện một phần trăm

Thứ bảy - 05/12/2015 16:03

Nguyễn Thị Hồng Sâm
P.Trưởng Phòng Đào tạo



Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII khép lại với nhiều con số khiến chúng ta trăn trở. Ngay sau khi bế mạc kỳ họp, tại cuộc tiếp xúc với cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi đầu tuần này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trả lời nhiều thắc mắc của cử tri, và con số được nhiều người dân quan tâm nhất không phải là các vụ án tham nhũng với những con số khổng lồ hàng ngàn tỷ đồng hay số nợ lên đến 1,35 triệu tỷ đồng của 127 tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà lại là một con số rất nhỏ: “1%”. 

“Một phần trăm”- đó là con số gì vậy?

Đó chính là tỷ lệ về số công chức không làm được việc mà Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã trả lời chất vấn trước Quốc hội trong kỳ họp vừa qua!

Con số 1% ấy thực sự gây “sốc” bởi theo dư luận thì cho rằng con số đó phải ít nhất là 30%! Vậy chất lượng, hiệu quả của đội ngũ công chức hiện nay trong mắt cử tri như thế nào? Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói thẳng: “Nếu quả thật công chức của mình mà chỉ có 1% yếu kém thì mắc gì ra Nghị quyết trung ương 4 về xây dựng Đảng làm gì, phải không? Cực khổ và tốn kém ghê gớm.Từ trung ương đến phường, xã họp hành liên tục, kiểm điểm ngày này qua ngày khác! Chắc chắn không phải 1%, tôi không tin! Đảng đã nói trên giấy trắng mực đen là “một bộ phận không nhỏ” mà, còn 1% là đâu có lớn”

Người đứng đầu quốc gia đã lên tiếng như vậy về con số 1% có nghĩa là điều mà Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã giải trình trước Quốc hội là không chính xác! Tuy nhiên vấn đề không chỉ là sự chính xác của con số mà điều đáng nói là nhìn thẳng vào thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ công chức của chúng ta để thấy rằng bộ máy hành chính của nước ta quá cồng kềnh và kém hiệu quả. Câu chuyện tinh giản bộ máy nhà nước đã được nói nhiều, nhắc nhiều nhưng nếu tinh giản là chuyện thu nhỏ lại, số lượng ít đi nhưng thay vào đó có đội ngũ chất lượng cao hơn, như ông bà ta nói “quý hồ tinh bất quý hồ đa”-cần ít mà tinh nhuệ chứ không cần số lượng nhiều. Nói như thế nhưng thực tế thì sao? 

Tỉnh Quảng Trị chúng ta đã từng có một chiến dịch “tuyên chiến” với chuyện công chức xao nhãng công việc, giờ hành chính vẫn lang thang quán xá. Thậm chí Sở Nội vụ và Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh đã phối hợp ghi hình và phát trên sóng đài QTV. Một tỉnh bạn gần chúng ta là Quảng Bình, đích thân ông Bí thư Tỉnh ủy cùng cán bộ của Sở Nội vụ tỉnh này “vi hành” vào các quán cà phê buổi sáng để “điểm danh” những công chức nằm trong số “1%” mà ông Bộ trưởng Nội vụ đã báo cáo! Những thước phim đã lên sóng, những tên tuổi công chức không làm việc đã được kể ra…Nhưng tất cả những điều đó chỉ là giải pháp tức thời nhằm chấn chỉnh một hiện tượng “ăn cắp thời gian công”, còn sâu xa hơn, phải cân đối giữa số lượng đầu việc và nguồn nhân lực, không thế thì thay vì ra quán cà phê sẽ bị nhắc nhở, ghi hình…thì những công chức này sẽ giết thời gian bằng cách khác như chơi games, xem phim…

Cũng thật đáng nói khi việc tinh giản bộ máy công chức, viên chức luôn được nhắc đến nhưng trụ sở các cơ quan làm việc ngày một phình to? Trụ sở to thêm, quỹ lương tăng thêm. Biểu hiện cụ thể của sự dôi dư ấy liên quan đến những công trình mà thời gian qua gắn với những phát ngôn rất đáng chú ý. Như ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã từng nói: “Trụ sở được xây dựng lộng lẫy như cung điện trong khi dân còn nghèo” khi cho ý kiến về Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí tại kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 9. Từ bộ máy cồng kềnh, công chức không làm được việc đã là một sự lãng phí. Trụ sở xây to để đáp ứng được chỗ làm việc cho cả những công chức “không làm được việc” thì sự lãng phí đã được nhân lên gấp bội…Những hệ lụy ấy đã được nhắc, đã được nói, đã được “quyết tâm”, nhưng rồi cuối cùng được báo cáo trước Quốc hội thành một con số rất tròn trĩnh và đẹp mắt : chỉ 1% công chức yếu kém, cái con số “quan liêu” tới mức chính Chủ tịch nước phải thốt lên: “Tôi không tin được!”

Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang không tin vào con số tỷ lệ 1% công chức yếu kém, còn con số tỷ lệ chính xác phản ánh sự yếu kém của đội ngũ công chức ở nước ta là bao nhiêu? Câu trả lời có lẽ nằm ngay trong chính sự phục vụ nhân dân của đội ngũ công chức! 

Và cũng như Chủ tịch Nước đã nói, nhân dân cũng không ai tin rằng chỉ có 1% số công chức yếu kém! Nhưng không chỉ chuyện tỷ lệ công chức yếu kém cao thấp như thế nào, điều cần thiết là nhân dân muốn biết tỷ lệ yếu kém này sẽ được hạ thấp xuống như thế nào? Bằng cách nào? Để những đồng tiền thuế của dân được chi trả xứng đáng cho những người đang phục vụ họ đúng nghĩa nhất của từ “phục vụ”!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây