Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc tại tỉnh Quảng Trị

Thứ bảy - 05/12/2015 16:41

ThS. Lê Thị Tường Anh 
Khoa Nhà nước-Pháp luật


Công tác dân tộc luôn là mối quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt ngày 27/11/1989, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 22/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và các chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện chính sách dân tộc trong những năm qua đã thu được nhiều kết đáng ghi nhận. 
Thông qua Chương trình 135, đời sống văn hoá-xã hội của người dân trong vùng đã chuyển biến tích cực. Có 80% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% số hộ được sử dụng điện và nhờ có điện lưới kéo đến thôn bản nên nhiều hộ gia đình có điều kiện đã mua sắm các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt gia đình như ti vi, ra đi ô và các trang thiết bị khác; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường hàng năm tăng, có 96% học sinh tiểu học, 90% học sinh trung học cơ sở trong độ tuổi đến trường; tất cả các xã, thị trấn đã có điện thoại cố định và phần lớn các xã có mạng điện thoại di động. 100% các xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí được tổ chức. Có 30,5% tỷ lệ làng bản đạt tiêu chuẩn văn hoá; 40,8% tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá: Tiếp tục theo Chương trình 134, từ năm 2011 chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt được thực hiện theo Quyết định 1592/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các huyện đã ưu tiên thực hiện các công trình nước sinh hoạt và hỗ trợ đất sản xuất. Các công trình đã phát huy hiệu quả, góp phần ổn định đời sống và sản xuất cho người dân.

Ngày 20/5/2013 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 755/QĐ-TTg về Phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và giải quyết việc làm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Theo đó UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt Đề án số 3710/ĐA-UBND ngày 01/11/2013 về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và giải quyết việc làm với tổng nhu cầu kinh phí 260.528,0 triệu đồng, trong đó: ngân sách trung ương 235.011,0 triệu đồng, ngân sách địa phương 25.517,0 triệu đồng. 

Thực hiện Quyết định 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta đã xây dựng 13 dự án định canh định cư. Sau 5 năm triển khai thực hiện, đã thực hiện di dân cho 263 hộ dân vào ở ổn định tại các điểm định canh định cư. Các dự án định canh định cư tập trung đã góp phần ổn định cuộc sống cho người dân trong vùng dự án; tạo công ăn việc làm, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng các loại cây hoa màu, cây lâm nghiệp góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân. Hạn chế việc đốt rừng làm rẫy, khai thác quỹ đất chưa hợp lý, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên rừng. Các dự án sau khi hoàn thành sẽ là những điểm, những mô hình phát triển kinh tế ở vùng nông thôn miền núi. Với kinh phí được đầu tư, hàng năm các địa phương đã thực hiện hỗ trợ muối i ốt, dầu ăn, giống cây trồng ... nhằm đảm bảo đời sống cho người dân.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác dân tộc ở tỉnh Quảng Trị vẫn còn một số hạn chế sau;

Một là, mặc dù đã được cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể các cấp quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nhưng quá trình triển khai thực hiện các chính sách vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định. Kết quả đạt được tuy đã có nhiều khả quan nhưng đằng sau đó, mỗi một chính sách đều chưa thực sự phát huy hết hiệu quả. 

Hai là, có rất nhiều chính sách đầu tư trên địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng mới chỉ mang tính chất hỗ trợ bước đầu, chưa thực sự đầu tư đủ mạnh để làm thay đổi cơ bản về cơ sở hạ tầng, về phát triển sản xuất và nâng cao năng lực ở địa phương để đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Việc triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm; công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển; đời sống của một số bộ phận dân cư còn khó khăn, nhất là số hộ nghèo sống bằng nghề nông nhưng diện tích đất sản xuất còn ít, thiếu việc làm và việc làm không ổn định; mặt bằng dân trí còn thấp, cơ sở vật chất phục vụ vui chơi, giải trí còn thiếu.

Ba là, các chính sách đã thực sự tác động trực tiếp vào hộ nghèo, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cộng đồng nhưng thực hiện khá chậm do vướng mắc về các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Bên cạnh đó chất lượng lập, thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật chưa cao, chưa phân tích kỹ sự cần thiết phải đầu tư, chưa tìm hiểu kỹ điều kiện thực tế ở địa phương để xác định nội dung đầu tư cho phù hợp.

Bốn là, một số chính sách chưa huy động sự tham gia của cộng đồng; chưa thực hiện đầy đủ nguyên tắc “Xã có công trình, dân có việc làm, tăng thêm thu nhập từ việc tham gia lao động tại xã”; công tác quản lý, vận hành duy tu bảo dưỡng công trình sau khi nghiệm thu chưa được quan tâm đúng mức.

Năm là, công tác chỉ đạo của chính quyền cơ sở chưa sâu sát, công tác phổ biến chính sách, tuyên truyền, huy động nguồn lực đóng góp chưa rộng khắp nên chưa huy động được nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân; các hội đoàn thể chưa thật sự vào cuộc nên việc xoá đói giảm nghèo chưa thật bền vững. Mặt khác, người dân ở một số địa phương vẫn còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Một số cơ quan, đơn vị, bộ phận công tác chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực công tác dân tộc, xem đây như là công việc của cơ quan làm công tác dân tộc do vậy việc phối kết hợp trong công tác, trong phân công nhiệm vụ để thực hiện các chính sách còn gặp nhiều khó khăn.

Để tiếp tục thực hiện các chính sách dân tộc nhằm giúp đồng bào vùng dân tộc thiểu số phát triển bền vững cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, bên cạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ các chính sách của Nhà nước cần có sự lồng ghép các nguồn vốn khác để cộng đồng các dân tộc phát triển nhanh và bền vững. Trong khi nguồn lực của người dân còn đang hạn chế cần tranh thủ sự tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, mời gọi và tạo điều kiện để các nhà đầu tư vào làm ăn ở địa bàn.

Đối với nguồn vốn vay ưu đãi cần căn cứ vào quy mô từng hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân để có những định mức cho vay phù hợp.
Thứ hai, trong điều kiện kinh tế hội nhập cần có quy hoạch cho hoạt động sản xuất nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị hàng hóa cao và sản lượng lớn. Trên cơ sở tính đa dạng về điều kiện tự nhiên, cần có những nghiên cứu cụ thể để có quy hoạch cho từng vùng chuyên canh cây, con phù hơp đối với từng vùng, từng xã và thôn bản.

Thứ ba, với nguồn nhân lực lớn nhưng chủ yếu chỉ là lao động phổ thông, cần thiết phải có chính sách đào tạo phù hợp để nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng đòi hỏi ngày một tăng cao của xã hội. Mặt khác, cần sắp xếp, bố trí lại nguồn nhân lực theo hướng chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày một tăng trên địa bàn.

Thứ tư, quan tâm mở rộng thị trường nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, kích thích sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tròn vùng, tăng sức mua cho dân, đáp ứng kịp thời nhu cầu hàng hoá của các vùng. Khuyến khích phát triển mô hình liên kết giữa cơ sở chế biến và sản xuất nguyên liệu theo các howph đồng kinh tế lâu dài.

Phát triển kinh tế - xã hội miền núi là một bộ phận hữu cơ của chiến lược phát triển nên kinh tế quốc dân. Một mặt, các địa phương miền núi có trách nhiệm góp phần thực hiện những chủ trương chiến lược phát triển kinh tế, xã hội chung của cả nước. Mặt khác, việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách chung ở miền núi phải tính đầy đủ đến những đặc điểm về tự nhiên, lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán của miền núi nói chung và của riêng từng vùng, từng dân tộc, trong việc này cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò năng động, sáng tạo của địa phương và cơ sở. Vì thế việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc không những là động lực chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống cho người dân trong vùng mà còn là cơ sở để phát huy tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn nhằm đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển.

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây