Trong “
Thư gửi các bạn thanh niên”
[1] ngày 17 tháng 8 năm 1947, nhân dịp Hội nghị Thanh niên Việt Nam, nhắc đến vai trò của thanh niên Bác Hồ đã viết: “
Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”. Là lực lượng đông đảo, chiếm phần lớn lực lượng lao động trong xã hội, thanh niên có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, “
Đảng phải có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng họ thành những người kế tục sự nghiệp cách mạng vừa hồng vừa chuyên.”, là nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc của Người trước khi người đi xa.
Là lãnh tụ lỗi lạc của Đảng, người học trò kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn rất quan tâm đến thanh niên và phong trào thanh niên. Nói đến vai trò của thanh niên, đồng chí khẳng định:
"Thắng lợi của dân tộc ta không phải tình cờ mà có. Chúng ta giành được thắng lợi vĩ đại chính là dựa trên cơ sở sức mạnh đoàn kết chiến đấu của toàn dân ta nói chung và của thanh niên nói riêng. Phải khẳng định rằng dân tộc ta rất mạnh, thanh niên ta rất mạnh. Trong sức mạnh của dân tộc có sức mạnh của thanh niên. Thanh niên có mạnh, dân tộc mới mạnh"[2]. Từ nhận thức, thanh niên
“là lực lượng tiên phong trong phong trào cách mạng”, “là lực lượng xung kích đóng vai trò nòng cốt trong cách mạng” đồng chí Lê Duẩn thường xuyên quan tâm đến giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên, giúp họ trở thành “là những người nắm lấy tương lai huy hoàng của dân tộc”. Cho đến hôm nay, những bài viết của đồng chí về vai trò của thanh niên và giáo dục rèn luyện thanh niên thành con người mới, con người xã hội chủ nghĩa vẫn còn nguyên giá trị thời sự.
Trong quan điểm của đồng chí Lê Duẩn, đạo đức cách mạng của thanh niên là phải có lý tưởng cách mạng; phải có lòng yêu nước sâu sắc, thương yêu nhân dân lao động và phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân.
Trong tác phẩm
“Thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, đồng chí Lê Duẩn viết:
“Cuộc sống chỉ cao quý khi chúng ta sống có lý tưởng và để thực hiện lý tưởng, khi cần có thể xả thân vì sự nghiệp chung của dân tộc, của giai cấp", chính vì vậy đồng chí yêu cầu:
"Thanh niên chúng ta phải sống có lý tưởng cao thượng mà muốn có lý tưởng cao thượng, thì phải có lập trường dứt khoát, rõ ràng về cái sống và cái chết, về cống hiến và hưởng thụ". Tổng Bí thư Lê Duẩn cho rằng: "
Chúng ta không ai muốn chết, nhưng khi cần phải tranh đấu để giành lấy và bảo vệ cuộc sống của giai cấp, của dân tộc, chúng ta phải dám làm cách mạng, dám chiến đấu, dám hy sinh cả tính mạng của mình. Đứng trước sự mất còn của Tổ quốc, sự thành bại của cách mạng mà quỳ gối, cúi đầu cầu xin sự sống là sỉ nhục, hoặc chỉ bo bo nghĩ đến cá nhân mình, đến gia đình, vợ con mình là ươn hèn ích kỷ”, do đó, đối với thanh niên đồng chí căn dặn
: "Tuổi thanh niên là tuổi để cống hiến. Nếu chúng ta nghĩ nhiều đến hưởng thụ, đặt hưởng thụ cá nhân cao hơn tinh thần phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, tức là chúng ta đã hạ thấp phẩm chất của người thanh niên cách mạng, đã sống hoài, sống uổng những ngày đẹp nhất của đời mình. Thanh niên hãy lấy sự hy sinh phấn đấu cho cách mạng làm hạnh phúc cao cả nhất của đời mình, đừng để cho tình cảm cách mạng nguội lạnh vì những toan tính được mất của cá nhân. Người nào chỉ nghĩ đến lợi ích vật chất, chỉ nghĩ đến lợi ích riêng mình thì dù cho họ có ở lầu son, gác tía, ăn mâm cao cỗ đầy, họ cũng vẫn chỉ là một kẻ nghèo nàn, vì đầu óc họ trống rỗng, quả tim họ không đập cùng một nhịp với cách mạng". Và theo đồng chí thì
"Người thanh niên có quyết tâm chiến đấu vì lý tưởng cách mạng trước hết phải là người thanh niên có lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc. Lòng yêu nước đó là sự kết tinh của tinh thần giác ngộ cách mạng, giác ngộ về quyền lợi dân tộc và quyền lợi của giai cấp vô sản; là sự kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản". Trong đó:
"Người thanh niên có lòng yêu nước nồng nàn phải có sự nhất trí cao trong việc giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa dân tộc - giai cấp - gia đình, khi cần thiết dám hy sinh lợi ích riêng của mình vì lợi ích của dân tộc, của giai cấp; phải có tình yêu lớn: yêu nước, yêu nhân dân, yêu giai cấp; phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Tất cả những cái đó không tách rời nhau, mà kết hợp chặt chẽ với nhau tạo thành tinh thần yêu nước sâu sắc và cao đẹp của thanh niên"[3].
Để chọn cho mình con đường đúng đắn, lý tưởng đúng đắn, theo đồng chí Lê Duẩn:
"Không phải mọi người sinh ra là đã có lý tưởng, phẩm chất tốt đẹp cả. Lý tưởng, phẩm chất cách mạng chỉ có thể được hình thành trong quá trình đấu tranh cách mạng, trong sản xuất, chiến đấu và tu dưỡng" và muốn nâng cao đạo đức cách mạng thì thanh niên cần phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân, thường xuyên tự mình tu dưỡng, rèn luyện bản thân. Theo đồng chí
"Con người ai cũng có bản năng tự vệ, khi tình cảm cách mạng yếu đi, khi lý trí không chiến thắng nổi thì đứng trước khó khăn nguy hiểm, tình cảm cá nhân chủ nghĩa dễ trỗi dậy và chỉ cần một phút lơi lỏng là chúng ta có thể lùi bước gục ngã... Vì vậy, phải luôn luôn trau dồi đức hy sinh, xả thân vì cách mạng, phải thường xuyên đấu tranh tư tưởng tự phê bình và phê bình, đừng để có những phút yếu đuối, những kẽ hở để chủ nghĩa cá nhân len lỏi vào"[4], từ đó đồng chí Lê Duẩn nhắc nhở:
"Bất cứ làm việc gì to, nhỏ, thanh niên đều phải hy sinh cái cá nhân nhỏ bé để phục vụ cái tập thể rộng lớn. Nếu chỉ vì cái cá nhân nhỏ bé tầm thường mà làm việc, mà xây dựng sự nghiệp thì sự nghiệp ấy không những chỉ nằm trong cái nhỏ bé, tầm thường, mà có khi còn dẫn tới sai lầm nguy hiểm"[5], "Thanh niên phải hết sức khiêm tốn, không được kiêu ngạo, phải luôn luôn biết ơn những người đi trước và không bao giờ quên quá khứ đau khổ của cha anh mình".
Những quan điểm trên của Tổng Bí thư Lê Duẩn, từ việc xác định lý tưởng đúng đắn
[6], xây dựng củng cố niềm tin vào bản thân, có tình yêu quê hương, đất nước, dân tộc đến tình yêu giai cấp và những cách thức, phương hướng trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện của thanh niên để tự mình làm chủ cuộc sống, làm chủ xã hội, là tương lai rường cột của nước nhà luôn mang tính thời sự. Kể cả trong thời chiến củng như thời bình và đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn hiện nay.
Kế tục những quan điểm của Hồ Chủ tịch, của các lãnh tụ lỗi lạc, Đảng ta xác định
: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội"[7]. Trải qua 30 năm đổi mới, những thành tựu đạt được trong mọi lĩnh vực đã tác động tích cực đến thanh niên, tạo điều kiện cho họ tiến bộ về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, trình độ học vấn, khoa học công nghệ. Tuyệt đại bộ phận thanh niên cơ bản giữ vững đạo đức cách mạng, sống trong sạch, giản dị, lành mạnh, biết vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ. Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế thị trường cùng những thách thức của hội nhập kinh tế thế giới đã và đang tác động mạnh mẽ đến thanh niên, khiến cho không ít người chạy theo lối sống thực dụng, sa ngã, hư hỏng, xa rời các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, có thái độ thờ ơ, bàng quan trước các sự kiện kinh tế, chính trị của đất nước. Thậm chí một bộ phận thanh niên còn mơ hồ về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, xa rời lý tưởng, thiếu ý thức trong việc tu dưỡng đạo đức cách mạng, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, chạy theo lợi ích vật chất, coi đồng tiền là trên hết. Như đánh giá của Chỉ thị 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2015 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
“Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030” đánh giá:
“Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp”.
Đảng ta nhận định, những năm tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ; mức độ toàn cầu hóa ngày càng cao. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ trẻ tiếp tục là đối tượng, mục tiêu mà các thế lực thù địch tập trung lôi kéo, kích động, chia rẽ. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; những biểu hiện
"tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp. Khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội ngày càng tăng. Môi trường văn hóa, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp rất đáng lo ngại. Bảo vệ chủ quyền Tổ quốc đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Mặt trái của các phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là thông tin trên Internet, cùng quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng sẽ tác động lớn đến tư tưởng, tình cảm lớp trẻ và công tác giáo dục thế hệ trẻ
[8].
Chính vì vậy, việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên là yêu cầu cấp thiết, góp phần hình thành lớp thanh niên vừa
"hồng" vừa
"chuyên" giàu lòng yêu nước, có bản lĩnh chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, có đạo đức cách mạng và lối sống đẹp, có ước mơ, hoài bão, khát vọng, dám xả thân mình vì lý tưởng cách mạng, của dân tộc đưa đất nước vươn lên đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.