(Nhân kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam 28.6)
ThS. Nguyễn Hữu Thánh
Gia đình là môi trường xã hội đầu tiên của con người và là chủ thể của sự giáo dục. Gia đình đem lại cho con người những ý niệm đầu tiên về đời sống xã hội. Bằng câu hát ru, mẹ đem đến cho con những ý niệm cơ bản về thiện - ác, về cánh cò, đồng quê, tình mẫu tử… Tìm hiểu những câu ca, hò vè, tục ngữ, ca dao dân gian về gia đình sẽ giúp ta tìm hiểu mọi sắc thái của văn hóa cộng đồng. Từ văn hóa cơ bản của gia đình đến văn hóa làng xã. Từ văn hóa làng xã đến văn hóa cộng đồng quốc gia dân tộc và ngược lại. Như vậy, truyền thống văn hóa gia đình được xây dựng từ tế bào tự nhiên của nó, lấy cơ sở từ tình cảm thương yêu, đùm bọc và nghĩa vụ mà hình thành đạo đức cao đẹp giữa các thành viên trong gia đình, làng nước…
Đạo đức gia đình được củng cố và phát triển là thành trì để chống lại mọi sự tha hóa xấu xa của con người và xã hội.
Trong kho tàng thơ ca dân gian Bình Trị Thiên (BTT), chúng ta bắt gặp rất nhiều bài, nhiều câu nói về chủ đề gia đình. Đó là quan hệ vợ chồng, cha mẹ, con cái, “cái đức, cái phước, cái tâm, cái tình”… là những vấn đề cốt lõi để duy trì sự tồn tại kế tiếp của gia đình. Tục ngữ Bình Trị Thiên nhắn nhủ:
Cây xanh thì lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
Hay: Con nhờ phước mẹ, mẹ ơi
Mẹ ở hết phước để tôi mất nhờ.
Phước, đức thuộc phạm trù văn hóa. Văn hóa chính là mạch rễ tạo nên nền nếp một gia đình. Từ những tập quán đã thành thói quen thuộc của cộng đồng hoặc gia tộc, dòng họ mà mỗi gia đình có “lề thói” hay “gia quy” riêng của mình. Ở đó, mọi thành viên buộc phải tuân theo để gìn giữ và phát huy nền móng vững bền cho gia đình ấy. Một gia đình có gia phong, con cháu phải hiểu rằng:
Con người có tổ, có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn. (Tục ngữ BTT)
Hay: Trứng rồng lại đẻ ra rồng
Hạt thông lại nở cây thông rườm rà
Có cha sinh, mới ra ta
Làm nên thì bởi mẹ cha vun trồng.
Thông qua thơ ca dân gian, cha ông ta đã nhắn nhủ, khuyên dạy:
Đừng như kẻ được chim, bẻ ná
Hay như người được cá quên nơm
Cây có cội, sông có nguồn
Tổ tiên phải kính, khói hương phụng thờ.
Cái cội nguồn, gốc gác và công ơn của các đấng sinh thành luôn gắn bó suốt cuộc đời mà không mối quan hệ nào thay thế được:
Mất đôi, anh kiếm được đôi
Mất cha, mất mẹ anh mồ côi một mình. (Tục ngữ BTT)
Xưa nay, không có người cha, người mẹ nào lại muốn con, cháu mình hư hỏng thậm chí phải lâm vào vòng lao lý. Một gia đình gia giáo là gia đình mà ở đó, cha ra cha, mẹ ra mẹ, con phải xứng bổn phận làm con. Con cái có thể tranh luận một vấn đề nào đó với cha, mẹ nhưng quyết không được “cãi cha, cãi mẹ” bởi:
Cá không ăn muối cá ươn,
Con cưỡng cha, mẹ trăm đường con hư.
Thật xót xa, cám cảnh khi có người làm cha, làm mẹ mà phải “từ” con cái. Những gia đình ấy có nguy cơ tan rã, chí ít cũng sứt mẻ hạnh phúc. Gia đình đã vậy thì làm sao có tình cảm với quê hương, với bạn bè, đồng đội được - có chăng cũng chỉ là sự giả dối, thiếu bền vững, chân thành bởi:
Mả Long, mả Phượng, mả Ô
Mả cha cũng bỏ, huống hồ mả ai.
Nhiều câu ca dao, tục ngữ Bình Trị Thiên mang nặng sự xót xa, hờn tủi:
Chổi non quét hàng lá Liễu,
Thiếp nghe chàng, thất hiếu với mẹ cha
Từ ngày cha mẹ đẻ ra
Ai mem cơm, trún cháo lớn qua từng ngày.
Có những câu ca dao, tục ngữ nặng trĩu sự bạc bẽo của cuộc đời:
Mẹ nuôi con bể hồ lai láng
Con nuôi mẹ kể tháng kể ngày.
Hoặc: Đi mô bỏ mẹ ở nhà
Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai bưng.
Ngược lại, có nhiều người con hiếu thảo:
Đói lòng ăn hột chà là
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.
Tình cảm vợ chồng của một gia đình đầm ấm, hạnh phúc là gia đình biết “cơm sôi, nhỏ lửa”, nhường nhịn lẫn nhau, san sẻ cùng nhau vượt qua thử thách, sóng gió của cuộc đời. Giả dụ, có sự vấp váp trên bước đường đời thì cũng:
Sai thì đóng cửa dạy nhau,
Dại gì mà để cửa sau gió lùa.
Đáng tiếc, có trường hợp “ông ăn chả” và “bà ăn nem” đã dẫn đến cám cảnh:
Đó buồn, đây nỏ vui chi,
Đó rơi nước mắt, đây có khi khóc thầm.
Gia đình Việt Nam thời đại mới chấp nhận quyền tự do, bình đẳng cho cả vợ, chồng, chấp nhận ly hôn hợp pháp mỗi khi vợ chồng không thể hòa hợp để tự giải phóng cho mình, nhưng không đồng nghĩa với khuyến khích tan vỡ gia đình. Pháp luật Việt Nam công nhận những đứa con ngoài giá thú do hoàn cảnh éo le hoặc lý do nào đó, nhưng văn hóa Việt Nam không bao giờ chấp nhận sự lang chạ, tùy tiện trong quan hệ nam, nữ để rồi:
Xấu chàng, em cũng hổ thay
Gà nhà bôi mặt, có hay nổi gì. (Vè BTT)
Không phải ngẫu nhiên mà từ xa xưa trong hương ước các thôn, bản có đặt riêng một định chế cụ thể quy định về đạo lý gia đình và xã hội. Đến nay, bên cạnh sự khôi phục lại hương ước mang tính truyền thống ấy, Nhà nước đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình.
Cuộc sống hôm nay với những lo toan, tính liệu khá bận rộn nhưng cũng phải đặt con người vào trong một môi trường cực kỳ đẹp đẽ đến mức, dù ai muốn làm bậy cũng chẳng dám làm vì sợ phạm đến danh dự của tổ tiên, dòng họ, gia đình. Dù cho phong ba của cuộc đời có to lớn đến đâu thì “giấy rách vẫn giữ lấy lề”, giữ gìn gia phong, gia đạo. Tự hào lắm vì được sinh ra trong một gia đình - ở đó có tình thương, sự chở che, đùm bọc lẫn nhau, bởi vậy nên “dẫu cho nợ bắt, nợ đòi; phong lưu vẫn giữ lấy nòi phong lưu”. Cũng cần nói thêm rằng, đại đa số những người anh dũng, trung kiên, những lãnh tụ của Đảng đều xuất thân từ những gia đình gia giáo, văn hóa và bản thân họ thấm đượm bản chất tốt đẹp gia đình.
Mỗi thời kỳ lịch sử, mỗi chế độ xã hội có những quan niệm khác nhau về gia đình, nhưng ở Việt Nam dù cho sự phát triển kinh tế - xã hội đến đâu, thì gia đình vẫn là nơi nương tựa tinh thần, tiếp thêm sức mạnh và nghị lực cho mỗi con người. Hạnh phúc gia đình luôn là điểm tựa cho chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, sóng gió cuộc đời. Xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc để góp phần làm cho xã hội ổn định, hạnh phúc. Không riêng gì phương Đông mà ngày cả quan niệm của người phương Tây cũng cho rằng, vũ trụ mà mỗi chúng ta đang sống có năm vị thần, trong đó có vị thần gia đình, khi gia đình tan vỡ thì xã hội “rơi loãng xoảng”.
Xây dựng gia đình văn hóa mới với tiêu chí ấm no, tự do, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là một nội dung quan trọng của việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.