Tiếp tuc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn Quảng Trị

Thứ tư - 14/06/2017 22:35
Nguyễn Thị Như Quỳnh

 Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà Nước ta, nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn, tạo tiền đề để giải quyết hàng loạt các vấn đề chính trị - xã hội của đất nước, đưa nông thôn nước ta tiến lên văn minh hiện đại. 
Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Quảng Trị và hàng năm chiếm 30 -  40% GDP của tỉnh. Nông thôn là địa bàn chủ yếu của tỉnh với gần 75% dân cư sinh sống và 56% lao động, gắn với các đường biên giới, ven biển và hải đảo, có ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng. Với tầm quan trọng đó, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho dân cư, củng cố và xây dựng xã hội mới xã hội xã hội chủ nghĩa ở nông thôn luôn được Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị hết sức quan tâm.
Bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khoá X) về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn" và Chương trình hành động của Tỉnh uỷ Quảng Trị thực hiện phát triển nông nghiệp trong giai đoạn 2009 - 2015 phấn đấu đạt các chỉ tiêu: tốc độ tăng trưởng giá trị GDP đạt 4 - 4,5%/năm; sản lượng lương thực cây có hạt đạt mức ổn định 23 - 24 vạn tấn/năm, đảm bảo an ninh lương thực trong tỉnh; giá trị nông sản xuất khẩu: đạt 23 triệu USD vào năm 2015; độ che phủ của rừng đạt gần 50% vào năm 2015. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, khai thác đạt 32.000 - 33.000 tấn năm 2015. Thu nhập bình quân của dân cư nông thôn đến năm 2015 tăng 2 lần so với hiện nay. Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ, tỉnh Quảng Trị đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như sau:
- Về giá trị sản lượng nông nghiệp: Tăng bình quân 4,6%/năm; sản xuất lương thực liên tục được mùa sản lượng đạt gần 25 vạn tấn/năm, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trong tỉnh; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt gần 17 triệu USD. Thu nhập bình quân của các hộ gia đình nông dân tăng 2,3 lần so với năm 2000. Cơ cấu cây trồng vật nuôi đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung chuyên canh, thâm canh. Các loại cây nông nghiệp hàng hoá phát triển, từng bước hình thành các vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến. 
- Về công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng: bình quân mỗi năm trồng được 5.297 ha, khoanh nuôi tái sinh 4.242 ha rừng các loại. Độ che phủ của rừng đạt 49,5%. Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác tăng 2,6 lần so với năm 2000.
- Về chăn nuôi: mặc dù dịch bệnh liên tiếp xảy ra nhưng đàn trâu, bò vẫn tăng 19,5%, đàn lợn tăng 27,5%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng của những gia súc chủ yếu tăng 93% (9.882 tấn). Cơ cấu đàn gia súc gia cầm đang phát triển theo hướng thâm canh, sản xuất hàng hoá, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về sinh hoá đàn bò, nạc hoá đàn lợn, gia cầm siêu trứng siêu thịt...ngày càng rộng rãi. Về kinh tế thuỷ sản tiếp tục phát triển với tốc độ khá nhanh, phương thức, đối tượng ngày càng đa dạng.
 - Cơ cấu sản xuất nông nghiệp: chuyển dịch theo hướng thâm canh, chuyên canh mở rộng qui  mô sản xuất hàng hoá, hình thành các vùng tập trung như: vùng lúa ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Vỉnh Linh; vùng sắn nguyên liệu ở Hướng Hoá và các huyện; vùng cao su ở Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ; vùng cà phê ở Hướng Hoá; vùng rau đậu thực phẩm ven thị xã và vùng cát ven biển; vùng nuôi trồng thuỷ sản công nghiệp, bán công nghiệp ven sông Hiền Lương, sông Hiếu, sông Thạch Hãn... 
- Về hệ thống chế biến nông lâm thủy sản: phát triển rộng khắp ở các vùng nguyên liệu, các địa phương, cụ thể toàn tỉnh hiện có: 06 nhà máy và cơ sở chế biến cà phê công suất khoảng 60.000 tấn quả tươi/năm; 04 nhà máy và xưởng chế biến cao su công suất 13.000 tấn mũ khô/năm; 02 nhà máy chế biến gỗ MDF công suất 60.000 m3/năm; 02 nhà máy chế biến tinh bột sắn công suất 90.000 tấn bột/năm.
- Các hình thức tổ chức kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn:  Số doanh nghiệp hoạt động sản suất kinh doanh, dịch vụ và chế biến nông lâm sản trong nông thôn tăng, công tác chuyển đổi hình thức quản lý của các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT sang Công ty cổ phần hoặc Công ty TNHH một thành viên đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều doanh nghiệp sau khi chuyển đổi đã làm ăn có lãi, đứng vững trong cơ chế thị trường. 
- Các tiến bộ khoa học kỹ thuật: Được ứng dụng rộng rãi mang lại hiệu quả thiết thực như: giống lúa chất lượng cao, giống ngô, giống lạc, giống sắn cao sản, giống cà phê chè catimo, giống keo lai dâm hom, lợn siêu nạc, bò lai Zêbu, gia cầm siêu trứng siêu thịt, tôm cua sạch bệnh...từng bước làm biến đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, hiện đại, năng suất, chất lượng ngày càng cao. 
Bên cạnh những thuận lợi nói trên, sản xuất nông nghiệp còn lệ thuộc nhiều vào điệu kiện tự nhiên, luôn chịu tác động của các yếu tố ngoại cảnh bất lợi, thiên tai hạn hán, lụt bảo, dịch bệnh thường xuyên xảy ra; quy mô sản xuất nhỏ và phân tán; chất lượng nông sản chưa thật tốt; cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch chậm, trồng trọt còn chiếm tỷ trọng cao, dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp; hệ thống các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nông nghiệp như: giống, vật tư, thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông, chế biến và bảo quản nông sản…còn nhiều bất cập. Trình độ thâm canh, kiến thức khoa học kỹ thuật của nông dân, nhất là người nghèo và đồng bào dân tộc còn nhiều hạn chế. Kết cấu hạ tầng nông thôn như: Giao thông, thuỷ lợi, nước sạch và vệ sinh môi trường, nhà ở của dân... tuy đã được đầu tư xây dựng nhiều nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, nhất là ở vùng núi, vùng cát ven biển, vùng trũng, thường xuyên phải duy tu sữa chữa do tác động của thiên tai lụt bão.
Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm, mang đậm tính thuần nông, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ còn chiếm tỷ trọng thấp. Công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản tuy đã phát triển nhưng quy mô nhỏ, phân tán, chất lượng sản phẩm chế biến chưa cao, chủ yếu đang còn ở dạng sơ chế. Quy mô, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ của các hình thức tổ chức kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn chưa cao: Số lượng các doanh nghiệp tăng nhanh, nhưng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xây dựng cơ bản, quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ, vốn ít, trình độ quản lý thấp, trình độ công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh không cao. Các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã chuyển đổi, nhưng chưa thoát khỏi tư duy quản lý cũ, chủ yếu vẫn là dịch vụ đầu vào của sản xuất. Kinh tế hộ quy mô nhỏ, phân tán, chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất hàng hoá nhỏ.
Để đạt được các chỉ tiêu mà Chương trình hành động của Tỉnh uỷ Quảng Trị về thực hiện phát triển nông nghiệp đã đề ra trong giai đoạn 2009 – 2015, tầm nhìn đến năm 2020 cần tổ chức thực hiện có hiệu quả đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp sau đây:       
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát của Đảng. Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, quản lý của Chính quyền và tổ chức vận động của các tổ chức đoàn thể quần chúng ở địa phương để tập hợp động viên bà con nông dân tích cực hăng hái sản xuất, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.  
Thứ hai, rà soát lại quy hoạch tổng thể ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn , trên cơ sở đó tiến hành xây dựng các đề án, chương trình cụ thể nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của từng vùng, các tổ chức kinh tế và các hộ gia đình nông dân để phát triển ngành toàn diện bền vững. Giữ vững và tăng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt, chú trọng thâm canh tăng năng suất, sản lượng, chất lượng đảm bảo an ninh lương thực góp phần tăng giá trị xuất khẩu.
Mở rộng diện tích và thâm canh tăng năng suất các loại cây trồng có tiềm năng lợi thế như: cao su, cà phê, hồ tiêu, sắn, lạc, để phục vụ cho công nghiệp chế biến và tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản. Khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển phát triển một số cây trồng có truyền thống như: chuối, dứa, khoai, môn,… Phát triển một số vùng rau sạch nhằm tăng cơ cấu thu nhập cho nông dân.        
 Phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng thâm canh (với mô hình kinh tế gia trại, trang trại). Hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, bảo đảm an toàn dịch bệnh.  Phát triển thuỷ sản trở thành một ngành kinh tế mạnh của tỉnh kể cả nuôi trồng lẫn đánh bắt, chế biến và xuất khẩu. Đầu tư đồng bộ chương trình nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản gắn với chế biến, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
 Đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, coi đây là khâu then chốt để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp, cụ thể là: Tiếp tục nâng cao và hoàn thiện hệ thống giống cây trồng, vật nuôi, khảo nghiệm và đưa vào sản xuất các giống lúa mới, giống màu, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lâm nghiệp có năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường; mở rộng chương trình cải tạo đàn bò, đàn lợn, đàn gia cầm theo hướng năng suất, chất lượng tốt, phòng chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm. 
Tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp. Có chính sách khuyến khích thu hút đội ngũ cán bộ này về gắn bó lâu dài với nông thôn nhất là vùng sâu vùng xa. Mở rộng chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, kiến thức làm ăn mới, tạo điều kiện cho nông dân tiếp thu nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa vào sản xuất có hiệu quả hơn.
 Thứ ba, đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp để tạo thêm việc làm mới, tăng thu nhập cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện phân công lại lao động nông thôn:
 Phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản gắn với vùng nguyên liệu, tạo cở sở và động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao giá trị nông lâm thuỷ sản. Quy hoạch phát triển các ngành nghề, làng nghề, kết hợp chặt chẽ giữa khôi phục các nghề truyền thống với du nhập các nghề mới, từng bước thực hiện chủ trương “Mỗi làng mỗi nghề” của Chính phủ.
Thứ tư, đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn 
Tập trung cao hơn nữa các nguồn lực để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, nhằm tạo bước chuyển biến sâu sắc, toàn diện kinh tế xã hội nông thôn, cải thiện nhanh hơn đời sống nhân dân, từng bước thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo quy định của Chính phủ, cụ thể: 
Đầu tư và nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có, xây dựng mới các công trình thủy lợi vùng gò đồi, ưu tiên đầu tư hệ thống thuỷ lợi cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa... nhằm khai thác triệt để công suất tưới, tiêu các công trình thuỷ lợi hiện có, đảm bảo tưới tiêu ổn định cho 85% đất canh tác lúa, mở rộng diện tích tưới cây màu và cây công nghiệp. Xây dựng, nâng cấp hệ thống đê bao chống lũ ở các vùng trũng và ngăn mặn ven biển,... 
Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ nông thôn ở các xã, cụm dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông trao đổi hàng hoá, nông sản, kích thích sản xuất phát triển.Tiếp tục phát triển đồng bộ các kết cấu hạ tầng khác như: Điện, bưu chính viễn thông, y tế, giáo dục, văn hoá thể dục thể thao, nhằm gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với sinh hoạt, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân cư nông thôn. 
Thứ năm, tăng cường đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện để khuyến khích các thành phần kinh tế cùng phát triển. Xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ cho các Doanh nghiệp, các HTX, tổ hợp tác và trang trại phát triển hiệu quả. Rà soát điều chỉnh bổ sung hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đã ban hành về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề được cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh hết sức quan tâm, bởi vì đây là nội dung liên quan đến nhiều mặt chính trị, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Do đó, để phát triển nông nghiệp toàn diện và bền vững, cần không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của bà con nông dân, xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh hiện đại. Tuy nhiên, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp là một quá trình lâu dài, cần được tiến hành theo cách tuần tự, không nóng vội, không thể tùy tiện. Để thực hiện tốt quá trình nông nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn cần có sự nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân. Với sự lãnh đạo của UBND tỉnh cùng sự vào cuộc của các ngành, các cấp và lòng nhiệt thành của nhân dân sẽ phát huy những thành quả đã đạt được trong thời gian qua và nỗ lực phấn đấu cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và các tổ chức quốc tế để đạt được các mục tiêu CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn nhằm xây dựng thành công chương trình nông thôn mới./.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây