Đoàn Thị Tuyết Mai
Khoa Xây dựng Đảng
“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là cuộc vận động hướng đến mục tiêu không ngừng củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động vào ngày 28/12/2015. Đây là cuộc vận động trung tâm của toàn bộ hệ thống Mặt trận trong giai đoạn mới. Nhằm phát huy những nhân tố tích cực mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Triệu Phong đã đạt được, bài viết tập trung phân tích, đánh giá những nội dung cơ bản của cuộc vận động trong thời gian qua, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế để cuộc vận động đem lại những kết quả thiết thực.
Triệu Phong là một huyện thuần nông nằm về phía Đông Nam của tỉnh Quảng Trị, toàn huyện có 18 xã, 01thị trấn, 156 khu dân cư. Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của cấp trên, sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị, nhân dân trong huyện đã đoàn kết một lòng, phát huy nội lực, năng động sáng tạo quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Triệu Phong phối hợp với các tổ chức Mặt trận cơ sở vận động nhân dân thực hiện. Nét đột phá trong việc thực hiện phong trào này ở huyện Triệu Phong đó là đã có sự kế thừa và tích hợp cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” trên cơ sở bổ sung những nội dung mới cho phù hợp sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Nội dung chủ yếu của cuộc vận động bao gồm: Đoàn kết nhân dân tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, khuyến khích làm giàu chính đáng; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chấp hành pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội… Trên cơ sở những nội dung đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Triệu Phong đã xây dựng những tiêu chí cụ thể để thực hiện phong trào một cách có hiệu quả:
- Trong vấn đề xây dựng nông thôn mới: Dựa trên bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các xã trên địa bàn huyện đã căn cứ tình hình thực tế của địa phương, lựa chọn các tiêu chí phù hợp, cụ thể hóa thành các nội dung để vận động nhân dân tham gia thực hiện. Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, vận động nhân dân tiếp tục phát huy kết quả, tích cực tham gia các hoạt động góp phần nâng cao chất lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với các xã chưa đạt chuẩn, Mặt trận Tổ quốc phối hợp với các tổ chức thành viên để phân công vận động nhân dân phát huy tính sáng tạo, tích cực đóng góp sức người, sức của góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.
- Trong vấn đề xây dựng đô thị văn minh: Ủy ban Mặt trận các cấp đã lựa chọn các tiêu chí phù hợp vận động nhân dân tham gia xây dựng khu dân cư (khu phố, tổ dân phố) theo yêu cầu đô thị văn minh, vận động nhân dân phát triển kinh tế, tích cực góp công, góp sức thực hiện các tiêu chí đô thị văn minh, xây dựng các mô hình tự quản, đảm nhận các phần việc cụ thể, hỗ trợ các gia đình để phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân chung sức xây dựng đô thị văn minh. Hằng năm, vận động các hộ gia đình đăng ký và xây dựng gia đình văn hóa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của đô thị văn minh.
Trên cơ sở những tiêu chí đó, qua một năm thực hiện cuộc vận động, huyện Triệu Phong đã đạt được những kết quả quan trọng:
Thứ nhất, đoàn kết xây dựng đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, chung sức xây dựng nông thôn mới.
Được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, sự tích cực phấn đấu của các tầng lớp nhân dân trong những năm qua đã xuất hiện nhiều hộ gia đình nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, công nhân lao động sản xuất, kinh doanh, làm kinh tế giỏi. Nhiều hộ gia đình, cá nhân tự bỏ vốn ra và góp vốn để đầu tư phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng đất đai và lợi thế thương mại, dịch vụ... đem lại lợi ích cho gia đình, cho cộng đồng và xã hội, nhằm đẩy nhanh thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Phát huy truyền thống đoàn kết giúp đỡ nhau để xóa đói giảm nghèo, nhân dân đã giúp nhau về vốn, ngày công, phương tiện, vật tư, giống cây trồng, vật nuôi góp phần đưa đời sống của nhân dân ngày càng đi lên; thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 10,6 triệu đồng đến năm 2016 đạt 24,8 triệu đồng, tiêu biểu có các địa phương như: Triệu Trung, Triệu Sơn, Triệu Thành, Triệu Thuận, Triệu Phước, Triệu Trạch, Triệu Đại, Triệu An...
Phong trào “Triệu Phong chung sức xây dựng nông thôn mới” đã trở thành phong trào rộng lớn được nhân dân tích cực hưởng ứng. Đến nay có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới bao gồm: Triệu Thành, Triệu Phước, Triệu Thuận, Triệu Trạch, Triệu Đại, các xã còn lại đạt từ 11 đến 15 tiêu chí.(3) Việc huy động sức dân đóng góp ngày công, tiền của, vận động, kêu gọi nguồn lực từ con em làm ăn xa quê hương thành đạt, các doanh nghiệp, nhà tài trợ, các dự án đầu; ngoài việc huy động nguồn vốn trong dân để xây dựng nông thôn mới, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới ở các xã trên địa bàn huyện đã kêu gọi các doanh nghiệp, hội đồng hương đóng góp thêm trên 2,5 tỷ đồng góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương, tiêu biểu như các xã Triệu Đông, Triệu Phước, Triệu Ái… Ngày càng nhiều người dân tự nguyện hiến công, hiến đất, di dời mồ mã, giải phóng mặt bằng để cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng các công trình phúc lợi dân sinh. Câu chuyện 20 hộ dân thôn Nại Cửu tự nguyện viết đơn hiến đất làm chợ nông thôn là một điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại xã Triệu Đông. Để có chợ gần khu dân cư, các hộ dân này đã tình nguyện hiến từ vài chục đến vài trăm mét vuông đất tạo mặt bằng trên 03 ha đất để xây dựng chợ mà không kèm theo một điều kiện nào; những hộ tiêu biểu như các ông Nguyễn Quý, Võ Khê, Lê Huỳnh… Đến nay, người dân ở các xã trong toàn huyện đã hiến trên 5.000 m2 đất để làm các công trình nông thôn mới, trong đó điển hình như các xã Triệu Thuận, Triệu Đông, Triệu Trạch.
Thứ hai, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Năm 2016, toàn huyện có 22.734/24.658 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 97%; 14/18 xã, đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, đạt 79% .(1) Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh được cán bộ và nhân dân thực hiện nghiêm túc; Phong trào “Không tổ chức uống rượu, bia trong đêm trước lễ cưới” được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần giữ vững an ninh trật tự địa phương và tiết kiệm chi tiêu cho các gia đình, kết quả sau 1 năm triển khai thực hiện có 10/19 xã, thị trấn và 105/156 khu dân cư đã thực hiện tốt theo đúng cam kết, có thể nói Triệu Phong là huyện tiên phong trong việc thực hiện phong trào này. Đến nay toàn huyện có 172 mô hình về “Khu dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên”; “Khu dân cư không có tội phạm”; “Khu dân cư kết hợp hài hòa giữa xóa đói giảm nghèo với bảo vệ môi trường sinh thái”.(2) Nhiều mô hình mới được phát động phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương như mô hình “Niệm phật đường ổn định”, mô hình “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo” ở xã Triệu Đại, Triệu Hòa, Triệu Thuận, Triệu Trung; mô hình “Vì mái trường bình yên”, “Cổng trường an toàn giao thông” ở các tất cả trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện; mô hình “Xã không có tội phạm” ở xã Triệu Đại.
Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tích cực vận động nhân dân trong cộng đồng dân cư đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng các thiết chế văn hóa và những quy ước, hương ước phù hợp theo chuẩn mực văn hóa tiên tiến, kết hợp bản sắc văn hóa dân tộc; đến nay ở Triệu Phong có 31 làng thuộc 5 xã (Triệu Ái, Triệu Giang, Triệu Đông, Triệu Thuận, Triệu Trạch) đã xây dựng hương ước và đang chờ phòng Tư Pháp huyện phê duyệt. Với những việc làm thiết thực hiệu quả, các thuần phong mỹ tục trong nhân dân được bảo tồn, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong quan hệ ứng xử; các điểm vui chơi giải trí công cộng được quan tâm đầu tư; hoạt động văn hóa văn nghệ lành mạnh, tiến bộ; đường làng ngõ xóm thoáng mát sạch sẽ, các nhu cầu thiết yếu ngày càng được đáp ứng. Đến nay, trên địa bàn huyện có 100% hộ gia đình đăng ký gia đình văn hóa, 156/156 khu dân cư phát động xây dựng làng văn hóa, đơn vị văn hóa. 19/19 xã, thị trấn phát động đơn vị văn hóa nông thôn mới và văn minh đô thị.(4)
Thứ ba, đoàn kết để phát triển sự nghiệp giáo dục; chăm lo sức khỏe nhân dân.
Xây dựng một xã hội văn minh, có mặt bằng trình độ dân trí và chăm sóc sức khỏe đáp ứng với yêu cầu để phát triển là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, chính vì vậy Mặt trận Tổ quố các cấp trong huyện đã tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt những nhiệm vụ đặt ra; 100% khu dân cư được triển khai Luật Giáo dục, 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường và không có trẻ em bỏ học.(2) Chất lượng dạy và học ở các cấp học, ngành học được nâng lên, mạng lưới trường lớp được phân bổ hợp lý, cơ sở vật chất được tăng cường, tỷ lệ trường học cao tầng, kiên cố hóa tăng nhanh, tỷ lệ phòng học Mầm non kiên cố đạt 65%, phổ thông đạt 100%, đến nay toàn huyện có 48/64 trường đạt chuẩn quốc gia; 19 xã, thị trấn có hội khuyến học và 468 tổ chức khuyến học đã tổ chức thực hiện tốt phong trào xã hội hóa giáo dục, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo; giúp đỡ, khuyến khích, động viên học sinh nghèo, đối tượng chính sách học tập;(6) công tác khuyến học, khuyến tài được đẩy mạnh. Nhiều dòng họ, khu dân cư ở xã, thị trấn đã có phong trào học tập phát triển mạnh. Các cơ sở y tế được chú trọng đầu tư, chương trình chăm sóc sức khỏe nhân dân được phát triển rộng khắp, công tác khám chữa bệnh được quan tâm đúng mức, ý thức của nhân dân về chăm sóc sức khỏe được nâng cao, trẻ em được bảo vệ và chăm sóc chu đáo và tiêm chủng đúng lịch, phong trào giữ gìn vệ sinh, môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng luôn được duy trì.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở huyện Triệu Phong vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Trong quá trình thực hiện cuộc vận động, ở một số nơi sự phối hợp giữa các tổ chức thành viên trong việc triển khai, tổ chức và thực hiện cuộc vận động chưa được cụ thể, thiếu chặt chẽ, vì vậy kết quả thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Kinh phí bố trí cho Mặt trận các cấp để thực hiện cuộc vận động còn hạn chế (cấp huyện 5 triệu đồng/năm, cấp xã, thị trấn không có) nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả cuộc vận động. Một số địa phương, việc đánh giá, sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm và công tác biểu dương khen thưởng, nhân rộng điển hình trong cuộc vận động chưa kịp thời. Năng lực làm công tác Mặt trận của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Xuất phát từ thực tiễn đó, để nâng cao chất lượng cuộc vận động trong thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Triệu Phong và các tổ chức thành viên cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận.
Để cuộc vận động triển khai thực hiện có chất lượng và hiệu quả thì các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức thành viên trên địa bàn huyện Triệu Phong phải đánh giá đúng chất lượng cán bộ công chức; điều chỉnh, phân công lại một số nhiệm vụ cho cán bộ phù hợp với điều kiện. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận trên địa bàn huyện; hiện tại đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận cấp xã, thị trấn là 75 người, trong đó những người có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học là 34 người, trung cấp 21 người, còn lại chưa qua đào tạo, độ tuổi bình quân là 38 tuổi. Ở cấp huyện, có 52 cán bộ trong đó 02 người có trình độ chuyên môn thạc sĩ, 34 người có trình độ cao đẳng, đại học, số còn lại có trình độ trung cấp; về cơ cấu độ tuổi: Độ tuổi bình quân là 51 tuổi, dưới 50 tuổi chỉ có 21 người, còn lại từ 50 tuổi trở lên.(7) Qua đó cho thấy trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ chưa đồng bộ, độ tuổi bình quân khá cao nên phần nào ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực hiện các phong trào do Mặt trận Tổ quốc phát động. Vì vậy hằng năm cần tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác mặt trận ở xã, thị trấn và khu dân cư. Cử nhiều hơn nữa cán bộ Mặt trận huyện tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ công tác Mặt trận do Trung ương tổ chức (hiện tại mỗi năm chỉ cử 01 người). Bên cạnh đó cần nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ qua việc cử cán bộ học liên thông lên đại học, học thạc sĩ theo đúng chuyên ngành. Tuyển chọn mới những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có lòng nhiệt huyết, có độ tuổi phù hợp, năng động, sáng tạo… nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, có bản lĩnh chính trị, có trình độ năng lực, có phẩm chất đạo đức, tâm huyết với các hoạt động của cuộc vận động nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Hai là, hoàn thiện cơ chế và cơ cấu hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực hiện cuộc vận động trong giai đoạn mới.
Tiếp tục tăng cường công tác kiện toàn, củng cố bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong huyện. Bên cạnh đó Mặt trận các cấp trong huyện cũng cần phải nâng cao hiệu quả của cuộc vận động, hướng mạnh về cơ sở; chăm lo, bảo vệ lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của nhân dân nhằm nâng cao dân trí, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, ý thức, trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường của mỗi người dân nhằm thực hiện tốt cuộc vận động, qua đó để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Phải coi trọng chất lượng thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hoá, việc công nhận danh hiệu khu dân cư văn hoá phải thực hiện một cách nghiêm túc, có như vậy mới đánh giá đúng chất lượng phong trào và đề ra mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu phù hợp. Tiếp tục đề ra chương trình hành động với các mục tiêu, yêu cầu phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng địa bàn, từng khu dân cư. Chú trọng các tiêu chí như: Giảm nghèo bền vững, xây dựng trật tự an toàn địa phương, xây dựng văn hóa dân tộc, chăm lo cho các gia đình chính sách, đồng bào nghèo, vùng khó khăn…. Xây dựng môi trường xã hội, môi trường sinh thái, cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng và an toàn trật tự đảm bảo.
Ba là, làm tốt công tác tuyên truyền, phát huy tinh thần sáng tạo và nội lực của nhân dân để triển khai có hiệu quả cuộc vận động.
Mặt trận và các tổ chức thành viên phải đặc biệt chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để giúp mỗi người dân nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa thiết thực của cuộc vận động. Phát huy tốt nội lực của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi dòng họ và trong mỗi cộng đồng dân cư nhằm khắc phục hạn chế về kinh phí tổ chức cuộc vận động. Nêu cao vai trò tự quản, tích cực, sáng tạo của nhân dân để cuộc vận động phát triển bền vững và hiệu quả. Vận động nhân dân tích cực huy động được nhiều nguồn lực để giúp nhau phát triển kinh tế, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, tổ chức lại sản xuất phù hợp; giải quyết việc làm, tăng thu nhập để các khu dân cư không còn hộ nghèo, tăng hộ khá và giàu, không có nhà ở dột nát; tham gia tốt phong trào chỉnh trang nông thôn mới ở tất cả các địa phương trên địa bàn huyện, đặc biệt là những xã vùng biển như Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng... đang gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự cố môi trường biển thời gian qua nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân.
Bốn là, làm tốt công tác thi đua khen thưởng, xây dựng những mô hình phù hợp với đặc thù của từng địa phương.
Chú trọng công tác xây dựng nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Đổi mới nội dung phương thức triển khai cuộc vận động nhằm giảm các nội dung trùng lặp, đồng thời làm tốt công tác thi đua khen thưởng sẽ góp phần thúc đẩy cuộc vận động phát triển đồng bộ, khuyến khích kịp thời, đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu và phát triển bền vững. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển các mô hình để thực hiện tốt cuộc vận động phù hợp với đặc thù của từng địa phương trên địa bàn huyện như: Ở xã Triệu An, Triệu Lăng, Triệu Vân… do đặc thù là những xã vùng biển nên có thể xây dựng mô hình “Tổ tàu thuyền an toàn tự quản”. Xem xét, tổ chức thực hiện tốt một số mô hình, trang trại sản xuất tại xã Triệu Giang (mô hình nuôi bò nhốt kết hợp trồng cỏ), xã Triệu Trạch (mô hình nuôi lợn, cá, gia cầm), xã Triệu Hoà (mô hình nuôi lợn nái ngoại, lợn thịt, cá, gia cầm), góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, từng bước nâng cao thu nhập, giúp người dân làm giàu chính đáng.
Để thực hiện tốt những giải pháp nêu trên, bản thân tôi xin đề xuất một số kiến nghị như sau:
- Ngoài việc tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ chuyên trách công tác Mặt trận cấp huyện và cơ sở, Ban Thường trực Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh cần mở các lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ hoạt động công tác Mặt trận cho Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, vì đây là lực lượng quan trọng trực tiếp triển khai thực hiện, chuyển tải thông tin cũng như vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là để thực hiện các chủ trương, chính sách cũng như các nội dung mới của các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.
- Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện phong trào, cần tăng cường đổi mới công tác thông tin cũng như chất lượng báo cáo trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc và Mặt trận Tổ quốc với các ngành, các cấp liên quan; làm tốt hơn nữa công tác phối hợp với Phòng Văn hóa – thông tin, Đài truyền thanh, Website huyện trong công tác tuyên truyền vận động, chuyển tải các thông tin công tác Mặt trận cũng như các cuộc vận động và phong trào thi đua do Mặt trận Tổ quốc chủ trì phát động.
- Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam huyện Triệu Phong cần có các các văn bản hướng dẫn Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện làm tốt công tác tổng kết quá trình thực hiện cuộc vận động trong thời gian qua, xây dựng chương trình hành động trong thời gian tới để rút ra những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. Đồng thời, cần công tác tác bình xét thi đua, khen thưởng để kịp thời khen thưởng những mô hình hay, những tấm gương điển hình, qua đó tạo động lực thúc đẩy phong trào phát triển hơn nữa.
- Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh nên có đề xuất, kiến nghị với Hội đồng nhân dân tỉnh tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc và kinh phí hoạt động của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện và cơ sở; vì hiện nay ở nhiều xã phòng làm việc chật hẹp, máy vi tính, thiết bị phục vụ công việc còn thiếu thốn. Kinh phí hoạt động còn thấp so với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chi phục vụ hoạt động trong giai đoạn hiện nay.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở huyện Triệu Phong đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giữ vững trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển... Có thể nói, những kết quả trên là tiền đề giúp huyện Triệu Phong vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Hy vọng, trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc huyện Triệu Phong và các tổ chức Mặt trận cơ sở, cuộc vận động sẽ đem lại những kết quả tốt hơn, góp phần xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh./
1 Báo cáo thành tích tập thể Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Triệu Phong năm 2016.
2,3. Nđd
4 Báo cáo kết quả hoạt động công tác Mặt trận năm 2016; Chương trình phối hợp, thống nhất hành động năm 2017.
5,6,7. Nđd