Thủ tục hành chính là một trong những biện pháp, công cụ của bộ máy nhà nước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý xã hội và cung cấp dịch vụ công cho các cá nhân, tổ chức trong toàn xã hội. Cải cách thủ tục hành chính đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Nó không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, mà còn là nghĩa vụ và quyền lợi của cá nhân và tổ chức.Việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cấp chính quyền đã góp phần làm thay đổi một bước mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, tổ chức theo hướng hành chính phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch với cơ quan hành chính, giảm được tình trạng công dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần, gặp nhiều cơ quan, nhiều cấp hành chính để giải quyết công việc. Thông qua đó, tạo điều kiện để chính quyền gần dân hơn, chống tệ quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong đội ngũ cán bộ, công chức.
Tỉnh Quảng Trị với mục tiêu hướng tới một nền hành chính điện tử, vì vậy việc triển khai mô hình một cửa điện tử ở Quảng Trị bước đầu đã mang lại hiệu quả được người dân đồng tình và là bước đột phá cải cách thủ tục hành chính. Hệ thống một cửa điện tử là phần mềm hỗ trợ công tác quản lý và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan quản lý nhà nước. Hỗ trợ tác nghiệp trong quá trình tiếp nhận - thụ lý - trình ký - trả kết quả các hồ sơ thủ tục hành chính; đồng thời cung cấp thông tin để phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo; đây là phần mềm đơn giản, dễ sử dụng, được viễn thông Quảng Trị phát triển, hệ thống được tích hợp trên trang thông tin điện tử với địa chỉ: motcuadientu.quangtri.gov.vn. Thay vì cán bộ và người dân làm việc trên giấy tờ thì nay khi nhận mọi thủ tục, cán bộ sẽ nhập dữ liệu trên máy vi tính thông qua phần mềm “một cửa điện tử”. Hồ sơ mỗi cá nhân, tập thể đến làm việc được số hóa nên việc tra tìm chính xác, đơn giản. Cán bộ, lãnh đạo tiếp nhận và giải quyết các thủ tục ngay trên phần mềm. Người lãnh đạo kiểm tra và nắm được toàn bộ thông tin, tình trạng thẩm định và tiến độ xử lý hồ sơ trên mạng chung và quản lý trực tiếp phòng “một cửa điện tử” bằng camera quan sát.
Qua quá trình thực hiện việc giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình một cửa điện tử, mô hình này đã giúp các cơ quan hành chính của tỉnh công khai các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, thuận lợi trong việc thống kê, báo cáo việc giải quyết các thủ tục hành chính. Tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có thể tra cứu được tình trạng xử lý hồ sơ của mình, nên hạn chế được nhũng nhiễu, tiêu cực tạo sự hài lòng cho các tổ chức cá nhân đến giao dịch tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn. Từ đầu năm 2017 đến nay, tổng số hồ sơ tiếp nhận của các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh qua phần mềm một cửa điện tử là 69.168 hồ sơ; tổng số hồ sơ đã giải quyết là 64.303 hồ sơ đạt tỷ lệ 92,97 %; tổng số hồ sơ đang giải quyết là 4.865 hồ sơ trong đó, hồ sơ đúng hạn 55.614 hồ sơ, quá hạn 8.639 hồ sơ.
[1]
Có thể khẳng định rằng phần mềm một cửa điện tử mới được các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã áp dụng thực hiện từ cuối năm 2016 trong việc tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính cho công dân, tổ chức đã đem lại nhiều thành tựu trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính. Qua khảo sát thực tế, số hồ sơ và kết quả giải quyết đúng hạn hồ sơ (đạt tỷ lệ chung toàn tỉnh 86,49%). Điều này cho thấy quyết tâm cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hoá nền hành chính của tỉnh. Một số các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng, Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông vận tải có tỷ lệ hồ sơ đã giải quyết và trả kết quả hồ sơ đúng thời hạn đạt tỷ lệ cao ( đạt từ 93-100%). Các huyện như: Hướng Hoá, Hải Lăng mặc dù mới được tập huấn triển khai áp dụng phần mềm, điều kiện trang thiết bị các xã, thị trấn chưa đồng bộ, nhưng đã tập trung chỉ đạo triển khai nên số lượng hồ sơ tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả trên hệ thống (tại Văn phòng UBND huyện và UBND các xã, thị trấn) có số lượng vượt trội và chiếm hơn ½ tổng số hồ sơ được tiếp nhận của các huyện, thị xã còn lại ( Hải Lăng 17.150 hồ sơ, Hướng Hoá 15.506 hồ sơ).
[2] Hiệu quả đầu tiên từ mô hình này là giảm phiền hà cho dân, không phải mất thời gian đi lại nhiều lần khi đến giải quyết thủ tục hành chính. Người dân có thể ngồi tại nhà, gọi điện thoại, tra cứu thông tin trên internet để biết tiến độ giải quyết hồ sơ, thủ tục của mình. Cơ chế quản lý, giải quyết thủ tục hành chính của Nhà nước cũng có sự chuyển biến quan trọng, mục tiêu là phục vụ người dân. Thực hiện mô hình này, cán bộ, nhân viên thực thi nhiệm vụ có ý thức và trách nhiệm hơn; làm việc văn minh, khoa học, hiệu quả hơn. Tình trạng chậm trễ hồ sơ được khắc phục, vì phải tuân thủ các bước, quy trình qua phần mềm máy vi tính có kết nối internet. Đặc biệt là thông qua quy trình một cửa điện tử, lãnh đạo và cơ quan có thẩm quyền sẽ giám sát được việc tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, xử lý và trả kết quả ở từng lĩnh vực.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai thực hiện phần mềm một cửa điện tử trên thực tế hiện nay vẫn còn những khó khăn, vướng mắc khi ứng dụng cần sớm được khắc phục, cụ thể như sau: Việc áp dụng phần mềm một cửa điện tử chưa thành thói quen của công chức và lãnh đạo; một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế về công nghệ thông tin nên thao tác chưa thuần thục, chưa đúng quy trình, nên ngại sử dụng phần mềm; một số hồ sơ tuy đã được giải quyết và trả cho tổ chức và công dân đúng hạn nhưng do không khai báo đúng quy trình nên hệ thống báo kết quả trả hồ sơ quá hạn. Mô hình một cửa điện tử mới triển khai thực hiện nên chưa phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân vì vậy các tổ chức, cá nhân chưa biết cách tra cứu hồ sơ của mình. Nhiều xã chưa bố trí được địa điểm cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, công chức giải quyết thủ tục hành chính chưa có đầy đủ máy vi tính để thực hiện việc nhập hồ sơ vào hệ thống một cửa điện tử.
Để khắc phục những khó khăn vướng mắc nêu trên thì trước tiên rất cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, có biện pháp quyết liệt hơn để các phòng, ban, công chức có liên quan nghiêm túc thực hiện việc áp dụng phần mềm một cửa điện tử tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ liên quan đến thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân; đảm bảo hồ sơ trả đúng hạn và trước thời hạn cao. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ công nghệ thông tin, ứng dụng phần mềm “một cửa điện tử”, kỹ năng thực hiện “một cửa điện tử”, “một cửa liên thông điện tử” cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận “một cửa” xã, thị trấn để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Ngoài ra cần nâng cao nhận thức, đẩy mạnh việc tuyên truyền về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin cho người dân. Trong quá trình làm việc, các phòng “một cửa điện tử” sẽ tiếp thu các phản hồi từ phía nhân dân để phục vụ ngày càng tốt hơn.
Với những kết quả bước đầu từ việc áp dụng phần mềm một cửa điện tử đã cho thấy công tác cải cách thủ tục hành chính ở tỉnh Quảng Trị đã và đang góp phần xây dựng một nền hành chính nhà nước hiện đại, minh bạch, hiệu quả phục vụ tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
[1] Báo cáo số 77/BC-SNV ngày 17 tháng 7 năm 2017 về tình hình thực hiện phần mềm một cửa điện tử của các Sở, Ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2017
[2] Báo cáo số 77/BC-SNV ngày 17 tháng 7 năm 2017 về tình hình thực hiện phần mềm một cửa điện tử của các Sở, Ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2017