Trần Thiên Tú
Phó Trưởng Khoa LLM-LN, TTHCM
Hoạt động nghiên cứu thực tế là một phần bắt buộc trong chương trình TCLLCT – HC, mục đích của phần học này là giúp học viên nắm bắt, phân tích, đánh giá, tổng hợp tình hình và giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn cơ sở gắn với nhiệm vụ công tác. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh mà các trường chính trị sẽ tổ chức cho học viên đi thực tế ở trong hoặc ngoài tỉnh. Từ trước đến nay, đào tạo TCLLCT – HC phần lớn chỉ thực hiện với học viên người Việt Nam, vì thế, hoạt động nghiên cứu thực tế có những thuận lợi nhất định và đã được thực hiện thường xuyên, trở thành nề nếp. Đối với các lớp có học viên là người nước ngoài, khi tổ chức đi thực tế thì sẽ phát sinh một số vấn đề khó khăn như phải tổ chức như thế nào, đi những đâu, quản lý như thế nào, kinh phí phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu thực tế, ... Giải quyết những vấn đề trên sẽ giúp hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu thực tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cho cán bộ nước ngoài.
Trường Chính trị Lê Duẩn được tỉnh Quảng Trị giao nhiệm vụ là đào tạo TCLLCT – HC cho cán bộ hai tỉnh Salavan và Savannakhet nước CHDCND Lào. Từ năm 2008 đến nay, Trường đã đào tạo cho nước bạn 07 khóa với gần 300 học viên. Với phương châm: lý luận gắn liền thực tiễn, học đi đôi với hành; ngoài giờ học lý thuyết, học viên Lào còn tham gia các hoạt động khác của nhà trường. Hoạt động nghiên cứu thực tế cũng chính là việc làm giúp học viên hiểu rõ hơn mảnh đất, con người nơi họ đang học tập, sinh sống, tìm hiểu thêm những vấn đề đặt ra trong thực tiễn Việt Nam để về rút kinh nghiệm, vận dụng vào thực tiễn xây dựng đất nước ở nước bạn. Với tầm quan trọng và ý nghĩa đó nên hoạt động nghiên cứu thực tế luôn được Nhà trường chú trọng, vì thế, lớp Lào được đi thực tế nhiều hơn các lớp TCLLCT – HC khác. Từ những kinh nghiệm có được trong việc tổ chức nghiên cứu thực tế cho các lớp của học viên trong nước, cùng với những sáng tạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhà trường đã tổ chức cho các khóa học của bạn Lào đi thực tế thành công ...
Theo chương trình học, các học viên Lào được đi tham quan, thực tế, học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương trong tỉnh Quảng Trị và một số tỉnh, thành khác. Nội dung thực tế là tìm hiểu, nghiên cứu về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của một số địa phương, tham quan một số mô hình sản xuất kinh doanh, tham quan các di tích lịch sử, địa danh nổi tiếng. Kinh phí của các chuyến đi nằm trong ngân sách được tỉnh cấp cho đào tạo lớp Lào. Học viên được đi tập trung theo đoàn, có người quản lý, hướng dẫn, có phiên dịch. Về thời gian, thường chia thành nhiều đợt, trong thời gian học tập toàn khóa. Các chuyến đi thực tế từ 02 ngày đến 01 tuần thường được bố trí vào dịp cuối tuần, nghỉ hè (cho chuyến đi ngoại tỉnh). Chuyến đi ngắn thì được tổ chức trong buổi hoặc trong ngày (dành cho các chuyến đi nội tỉnh).
Đối với các địa điểm tham quan, thực tế trong tỉnh, học viên được tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của tỉnh Quảng Trị như Thành Cổ Quảng Trị, Cầu Hiền Lương – Sông Bến Hải, Bảo tàng Quảng Trị, Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, Địa đạo Vịnh Mốc, biển Cửa Tùng, Cửa Việt, …
Ngoài ra, để hiểu thêm về văn hoá, con người Việt Nam, Nhà trường đã tổ chức cho học viên Lào đi tham quan, học tập ở một số di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ngoài tỉnh như Khu di tích lịch sử gắn liền Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội, thăm quê Bác ở Nghệ An; di tích lịch sử ở Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Hội An, ... thăm các khu kinh tế, nhà máy, xí nghiệp... ở các địa phương đó. Qua những chuyến thực tế, học viên được bổ sung kiến thức thực tiễn, đồng thời tạo ra sự hứng thú, phấn khởi, tin tưởng, tự tin trong quá trình học tập và sinh hoạt tại Quảng Trị. Đặc biệt, qua các chuyến đi tham quan thực tế còn là cơ hội để học viên Lào tìm hiểu về sinh hoạt văn hóa, truyền thống và các hoạt động kinh tế - xã hội của Quảng Trị, đất nước Việt Nam.
Khảo sát sau các đợt nghiên cứu thực tế, học viên tỏ ra rất hài lòng, và thu được nhiều điều bổ ích sau mỗi chuyến đi , hiểu biết thêm về đất nước, con người Việt Nam.
Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu thực tế còn gặp một số khó khăn, hạn chế, đó là nguồn kinh phí cho hoạt động thực tế còn eo hẹp; địa điểm đi thường lặp lại, chưa đổi mới; thời gian trải nghiệm cho từng địa danh, điểm đến ngắn; do hạn chế về vốn ngôn ngữ nên học viên chưa hiểu hết giá trị cũng như nội dung ở các địa danh đi qua. Công tác tổ chức nghiên cứu thực tế cho học viên Lào vẫn còn những hạn chế, trong đó, khâu yếu nhất là lựa chọn mô hình điển hình, có giá trị tham khảo cho học viên. Việc tổ chức nghiên cứu thực tế trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn mang tính tham quan là chính, thiếu trao đổi, học tập kinh nghiệm, chưa tìm được những mô hình, kinh nghiệm có giá trị thực tiễn để đối chiếu, so sánh với Lào.
Qua thực tiễn gần 10 năm đào tạo và tổ chức nghiên cứu thực tế cho học viên Lào tại trường, để góp phần nâng cao chất lượng công tác này, cần làm tốt các giải pháp sau:
Một là, cần có cơ chế tốt nhất cho hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên Lào. Thông qua chương trình nghiên cứu thực tế, học viên sẽ tiếp thu, lĩnh hội được những thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời hiểu được bản sắc văn hoá và con người Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng. Do đó, cần tạo mọi điều kiện tốt nhất về thời gian, tài chính, chính sách để tăng cường nhiều hơn nữa các chuyến đi nghiên cứu thực tế kết hợp với tham quan cho học viên Lào.
Hai là, cần có sự đổi mới về nội dung, địa điểm. Việc tổ chức nghiên cứu thực tế trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn mang tính tham quan là chính, thiếu trao đổi, học tập kinh nghiệm thực sự, chưa tìm được những mô hình, kinh nghiệm có giá trị thực tiễn phù hợp với đất nước Lào. Do đó, trong thời gian tới, phải nhận thức rõ, việc đi nghiên cứu thực tế giúp cho học viên nắm được tình hình chính trị, kinh tế – xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội đồng thời nắm bắt được những chủ trương chính sách, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước ở địa phương. Qua đó thấy được hoạt động của chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, phát hiện những ưu điểm, khuyết điểm, những vướng mắc trong việc vận dụng lý luận vào giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế.
Các hoạt động nghiên cứu thực tế cần phải được đa dạng hóa, tránh đóng khung chỉ trong hoạt động tham quan. Nên mở rộng hình thức thực tế như phối hợp với địa phương bố trí cho học viên tham gia các hội nghị, hội thảo của các ban, ngành địa phương. Phải tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và hỗ trợ cho việc nghiên cứu thực tế địa phương; không có sự hỗ trợ đó khó có thể thực hiện được mục tiêu nhiệm vụ nghiên cứu thực tế với yêu cầu ngày càng cao của cơ sở đào tạo. Do đó, trước khi đến các địa phương, phải làm tốt công tác liên hệ, trao đổi trước nội dung nghiên cứu để địa phương có thể chuẩn bị tốt hơn về chương trình, báo cáo.
Ba là, đổi mới trong yêu cầu thực tế và cách đánh giá kết quả. Từ trước đến nay, các khóa đào tạo Lào vẫn tổ chức đi nghiên cứu thực tế nhưng không yêu cầu viết bài thu hoạch. Hiện nay, chương trình đào tạo TCLLCT – HC mới đã có yêu cầu bắt buộc đối với việc này. Trong lúc chưa thể tổ chức cho học viên Lào viết bài thu hoạch sau chuyến đi nghiên cứu thực tế theo quy định, thiết nghĩ Nhà trường nên tổ chức cho lớp hoặc nhóm xây dựng bài thu hoạch tập thể để trình bày tại lớp dưới hình thức một diễn đàn để học viên trình bày những vấn đề nhận thức được qua mỗi lần đi nghiên cứu, đồng thời rút ra những nhận xét có thể vận dụng vào đất nước Lào; hoặc lựa chọn xây dựng 01 buổi trao đổi, thảo luận sau chuyến đi giữa giảng viên – học viên để rút kinh nghiệm và trao đổi kết quả đạt được của chuyến đi thực tế.
Thực hiện tốt công tác nghiên cứu thực tế sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo TCLLCT – HC cho cán bộ Lào tại trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị. Trên cơ sở những kết quả đạt được, Nhà trường sẽ phát huy ưu điểm, khắc phục các hạn chế để công tác đào tạo ngày càng được tốt hơn.