ThS. Hoàng Tiến Dũng
Trưởng Khoa Dân vận
Như chúng ta đã biết, ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định 217, 218-QĐ/TW về Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội. Căn cứ Hiến pháp năm 2013 và Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam năm 2015, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 07/KH-MTTQ-BTT ngày 05/8/2014 tổ chức triển khai Quyết định 217-218 trong hệ thống mặt trận tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố.
Để cụ thể hoá công tác giám sát và phản biện xã hội, Ban Thường trực tỉnh Quảng Trị còn ban hành Hướng dẫn về đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, phát huy dân chủ, đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội. Đảng đoàn Uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh lập kế hoạch, tổ chức 04 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Mặt trận và nâng cao năng lực giám sát, phản biện xã hội cho hơn 583 đại biểu là cán bộ Mặt trận cấp huyện, cấp xã, trưởng ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. Ngoài ra, Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh còn thành lập hội đồng tư vấn, ban tư vấn và phân công trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện. Trong giai đoạn hiện nay, việc nhận thức và thực hiện tốt chức năng này Mặt trận đã thực hiện sự uỷ quyền của mọi tầng lớp nhân dân và các tổ chức chính trị- xã hội. Nếu không thực hiện tốt chức năng này, Mặt trận tổ quốc Việt Nam không thể hoàn thành vai trò bảo vệ lợi ích cho mọi tầng lớp nhân dân. Với ý nghĩa đó, muốn nâng cao hơn nữa chất lượng công tác này thì việc khái quát lại những nét lớn sau 03 năm (2014-2017) triển khai và thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị là việc làm hết sức cấp thiết.
Thứ nhất, về giám sát
Ban Thường trực Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh hàng năm tiến hành 09 cuộc giám sát chuyên đề với các nội dung cụ thể : Giám sát thực hiện Quy chế Dân chủ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát đã đánh giá được 4 ưu điểm và 6 hạn chế trong thực hiện Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, đã kiến nghị 20 ý kiến đến Trung ương, tỉnh, huyện, xã và các ngành liên quan nhằm khắc phục những hạn chế, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện thực hiện của địa phương.
Giám sát thực hiện Nghị quyết 26/2013/NQ-HĐND về số lượng chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách và khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị- xã hội ở xã, phường, thị trấn, thôn, bản, khu phố. Tại 8 đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh đã giám sát, đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế trong thực hiện, đã kiến nghị 8 ý kiến đối với cấp tỉnh, huyện, xã.
Giám sát cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Qua giám sát 2 đợt với 4 đoàn đã kiến nghị 9 vấn đề liên quan đến công tác bầu cử từ Trung ương đến địa phương.
Giám sát công tác quản lý nhà nước về đất đai các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đoàn giám sát đã tiến hành tại 6 điểm của huyện : Hải Lăng, Hướng Hoá và thành phố Đông Hà. Qua giám sát đã phát hiện, kiến nghị và đề xuất với các cấp uỷ đảng, hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng liên quan khắc phục 10 vấn đề chưa hợp lý để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Giám sát việc tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 trên địa bàn tỉnh. Đoàn giám sát đã tiến hành tại thị xã Quảng Trị, huyện Gio Linh, huyện Đakrông. Mỗi đơn vị chọn 1 xã (phường) để giám sát. Qua giám sát đã đề xuất 26 ý kiến, kiến nghị với các cấp, các ngành trong việc thực hiện.
Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở năm 2016- 2017. Qua giám sát đoàn đã đánh giá kết quả thực hiện, từ đó đã kiến nghị 23 vấn đề nhằm nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của uỷ ban nhân dân cấp huyện; kiến nghị uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có chính sách hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ, biên chế cho cán bộ làm công tác tiếp công dân.
Giám sát việc thực hiện Quyết định số 1880/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ ngày 29/9/2016 và Quyết định 3300/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Trị về định mức hỗ trợ, bồi thường cho các đối tượng bị thiệt hại sau sự cố môi trường biển. Qua giám sát thấy được những khó khăn, vướng mắc về văn bản hướng dẫn, đối tượng kê khai thiệt hại còn thiếu, chưa sát thực tế. Đoàn đã kiến nghị các ngành các cấp 23 ý kiến đối với hoạt động để khắc phục, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn
Giám sát chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt và giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Qua giám sát, đã đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, chỉ ra được nguyên nhân và kiến nghị 15 vấn đề từ cấp xã đến trung ương nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, kiến nghị xư lý vi phạm và những vấn đề chưa hợp lý để chỉnh, sửa , bổ sung cho phù hợp
Thứ hai, công tác phản biện xã hội
Từ năm 2014 đến nay, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục thực hiện tốt công tác tham gia tích cực, có trách nhiệm trong việc xây dựng chính sách pháp luật, các chương trình dự án, đề án phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Ban thường trực đã tham gia dự thảo các bộ luật, , dự thảo nghị quyết của cấp uỷ đảng và các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật từ Trung ương đến địa phương, các đề án, dự án…. Tham gia góp ý kiến dự thảo Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam, dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật, Luật Trưng cầu dân ý…
Phối hợp với các đoàn thể chính trị- xã hội và các Hội đồng tư vấn Mặt trận tổ quốc tỉnh tham gia trên 188 dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Các đoàn thể chính trị- xã hội Uỷ ban Mặt trận tổ quốc các cấp huyện, xã tập trung phản biện các chương trình, đề án, dự án về kinh tế- xã hội có liên quan thiết thực tới người dân tại địa phương…
Việc tham gia phản biện xã hội vừa thực hiện quy định của pháp luật nhằm nâng cao vai trò, vị trí của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội trong tỉnh hình mới nhưng cũng là trách nhiệm đòi hỏi Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội các cấp không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phát huy được sức mạnh, trí tuệ của các chuyên gia tư vấn, các tổ chức thành viên trên mọi lĩnh vực để tham gia, đóng góp ý kiến vào các dự thảo có chất lượng, hiệu quả. Các ý kiến của Mặt trận tổ quốc được đánh giá cao, nhiều nội dung phản biện được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh. Đặc biệt, thành công lớn nhất về công tác phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc tỉnh là đã tiến hành nghiên cứu và bảo vệ thành công đề tài khoa học cấp tỉnh “Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn hiện nay”
Như vậy, với những nét khái quát nhất về công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN tỉnh Quảng Trị từ khi có Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị đã nói lên được tầm quan trọng đặc biệt của công tác này trong sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Dẫu biết rằng, trong chặng đường thực hiện công tác này Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh cũng còn những hạn chế như : Kinh phí phục vụ cho công tác này, một số dơn vị, doanh nghiệp chưa thực hiện tốt chủ trương giám sát và phản biện, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác này, các ý kiến, kiến nghị sau giám sát ở nhiều nơi chưa được quan tâm giải quyết, phản hồi, hoạt động tập huấn về chuyên môn còn hạn chế….
Để thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội, trong những năm tới cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản :
Một là, trên cơ sở các quy định của Đảng, hướng dẫn của Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc và định hướng của Tỉnh uỷ, Đảng đoàn Uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh tiếp tục lãnh đạo Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, Ban Thường trực Mặt trận tổ quốc cấp huyện triển khai các hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Hai là, phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các tổ chức chính trị- xã hội trong giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, việc thực hiện pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động tư pháp, tạm giam, tạm giữ. Triển khai thực hiện các chương trình phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh uỷ, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh Truyền hình, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh thực hiện các nhiệm vụ liên quan
Ba là, phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Nông nghiệp tổ chức hội thảo về đánh giá, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã
Bốn là, tiếp tục tham gia góp ý kiến vào các dự thảo luật, đề án, văn bản quy phạm pháp luật khi có yêu cầu
Năm là, tăng cường công tác tổ chức tập huấn, hướng dẫn, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội cho cán bộ Mặt trận các cấp. Biên soạn, phát hành sổ tay giám sát, phản biện xã hội trong hệ thống Mặt trận.
Như đã nói ở trên, quá trình thực hiện Quyết định số 217 của Bộ Chính trị về công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị, chúng ta đã thu được nhiều kết quả trên nhiều phương diện. Kết quả lớn nhất, quan trọng nhất đó là, Mặt Trận đã thực hiện được sự uỷ quyền của mọi tầng lớp nhân dân và các tổ chức chính trị- xã hội. Nếu không thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội thì Mặt trận tổ quốc Việt Nam không thể hoàn thành vai trò đại diện bảo vệ lợi ích cho mọi tầng lớp nhân dân.