Ghi nhận kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, gia đình ở tỉnh Quảng Trị

Thứ bảy - 05/05/2018 08:38

 
                                                               ThS.Lê Thị Tường Anh
                                                                     Khoa Nhà nước và Pháp luật
 
Thực hiện bình đẳng giới là chủ trương lớn của Đảng và chính sách xã hội quan trọng của quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế. Mục tiêu của bình đẳng giới nhằm đạt được sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện công bằng xã hội, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.
Hiện nay, nữ giới Quảng Trị chiếm 50,8% dân số toàn tỉnh, trong đó lao đông nữ trong độ tuổi là 160.862 người chiếm 51,3% tổng số lao động trong  tỉnh. Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được các cấp uỷ đảng, chính quyền, các đoàn thể quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bình đẳng giới ngày được nâng lên.
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, thực hiện chiến lược Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách và chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình, chính sách việc làm và giảm nghèo để phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ.
Để triển khai quyền bình đẳng giới của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn và các ngành liên quan tích cực giải quyết việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động cho lao động nữ. Chỉ tính riêng trong năm 2017, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 11.782 lượt lao động, trong đó số lượng lao động nữ được giải quyết việc làm chiếm 48%, xuất khẩu lao động nữ chiếm 38,44% so với nam giới. Như vậy, khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động đã được cải thiện, phụ nữ ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội. Toàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo 9637 người (đạt 101,4%), trong đó: đào tạo nghề cho lao động nông thôn 5.522 người; đào tạo nghề cho lao động vùng biển 832 người (có 300 lao động nữ); đã đào tạo nghề cho trên 3995 lao động nữ (có 2422 lao động nữ được đào tạo thông qua Đề án 1956 chiếm tỷ lệ 51,4% vượt kế hoạch đề ra, theo kế hoạch đề ra hàng năm là 50%). Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp có 623/2100 người, đạt 29%. Nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã duy trì, phát triển thương hiệu, giải quyết nhiều việc làm và bảo đảm đời sống, đồng thời tham gia tích cực vào thực hiện trách nhiệm xã hội như đóng góp vào ngân sách xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, từ thiện, nhân đạo.
Trên lĩnh vực gia đình, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án thuộc lĩnh vực gia đình và chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện trong toàn tỉnh. Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh cùng với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh đoàn tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới. Việc xây dựng tiêu chí “ gia đình 5 không 3 sạch” bước đầu phát huy hiệu quả; nhiều hoạt động hỗ trợ được triển khai như xây dựng mô hình “ ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại bạo lực trên cơ sở giới” tại xã Tà Long, huyện Đakrông; thành lập được 950 tổ tư vấn hoà giải và xây dựng 343 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực; tổ chức các đợt khảo sát tình trạng bạo lực trong gia đình tại 141/141 xã, phường, thị trấn. Qua khảo sát cho thấy, vấn nạn bạo lực trong gia đình vẫn còn diễn biến phức tạp tuy nhiên so với những năm trước đã giảm rõ rệt (nếu như năm 2011 là 1632 vụ thì đến nay còn 624 vụ, giảm được 1.008 vụ phụ nữ bị bạo lực gia đình đối với một số hành vi bạo lực cơ bản như đánh mắng, chửi). Trung tâm trợ giúp pháp lý đã tiếp nhận và thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho 4681 đối tượng là phụ nữ, trong đó có 23/4681 đối tượng này thuộc trường hợp nạn nhân bị bạo lực gia đình và đã thực hiện trợ giúp miễn phí cho 23/23 đối tượng này. Số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hoá không ngừng tăng lên. Trong năm 2017, toàn tỉnh có 145.096/157.802 gia đình được công nhận gia đình văn hoá, đạt 91%. Những thành quả đó đã góp phần xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ hạnh phúc.[1]
Có thể khẳng định rằng công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, gia đình đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện. Việc xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 kịp thời, góp phần thực hiện tốt công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được các cấp chính quyền, các sở, ban ngành quan tâm, đẩy mạnh trong các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm từng bước thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về lĩnh vực này. Nhận thức của người dân về bình đẳng giới được nâng lên rõ rệt, phụ nữ có nhiều cơ hội và bình đẳng với nam giới để nâng cao trình độ, tìm kiếm việc làm, chăm sóc sức khoẻ, hưởng thụ các dịch vụ văn hoá, thể thao.
Những kết quả đạt được nêu trên, nhận thức của một số tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và cán bộ, công chức, viên chức về công tác bình đẳng giới đã có sự chuyển biến, tuy nhiên chưa thực sự rõ nét, tích cực. Cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị chưa thật sự quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Vì sự tiến bộ của phụ nữ, chưa lồng ghép công tác bình đẳng giới với việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đơn vị, địa phương mình. Sự phối hợp của các sở, ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới chưa kịp thời.  Kiến thức về giới, bình đẳng giới và kỹ năng lồng ghép bình đẳng giới của đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ làm công tác bình đẳng giới nói riêng còn thiếu và yếu. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới chưa nhận được sự hợp tác của một số bộ phận nam giới nên vẫn còn nhiều nơi xảy ra tình trạng bất bình đẳng, bạo lực gia đình, trọng nam khinh nữ. 
Vì vậy, để công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, gia đình ngày càng phát huy hiệu quả, thì trước tiên rất cần có sự quan tâm chỉ đạo của các ban, ngành, địa phương quan tâm lồng ghép các vấn đề giới, chỉ tiêu giới trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tổ chức đào tạo nghề cho lao động nữ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ ở khu vực nông thôn. Hỗ trợ phụ nữ học nghề và nâng cao kiến thức, kỹ năng để có thể tự tạo việc làm; thành lập, quản lý và phát triển kinh doanh, góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Cụ thể hoá các nội dung hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ cho sát thực tiễn, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị và làm động lực để thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chung. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tới mọi tầng lớp nhân dân và bản thân người phụ nữ. Xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông, các mô hình về bình đẳng giới phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Với những kết quả đạt được về công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, gia đình ở tỉnh Quảng Trị đã góp phần nâng cao vị thế người phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc./.
 

[1] Báo cáo số 805/BC-BVSTBCPN ngày 17 tháng 4 năm 2018.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây