Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, quan hệ gắn kết giữa hai dân tộc đã được hình thành và hun đúc trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Mối quan hệ thủy chung, trong sáng hiếm có này đã đi suốt chặng đường lịch sử vẻ vang, trở thành tài sản vô giá của cả hai dân tộc và là quy luật phát triển chung của hai nước trên con đường xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Là địa phương có chung đường biên giới và có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử, điều kiện kinh tế - xã hội với tỉnh Salavan, Savannakhet của nước bạn Lào, Quảng Trị đã thiết lập mối quan hệ hợp tác thân thiết trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, trong đó hợp tác về đào tạo bồi dưỡng cán bộ đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, để lại những kinh nghiệm quý cho hai Đảng và nhân dân hai nước trong công cuộc đổi mới hiện nay.
Để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị và các tỉnh của Lào ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU, ngày 12/12/2006 về đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế Hành lang kinh tế Đông - Tây đến năm 2010, có tính đến năm 2015. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI (9-2015) trên cơ sở đánh giá quan hệ hữu nghị, hợp tác với tỉnh Salavan, Savannakhet của nước bạn Lào ngày càng củng cố và phát triển đã nêu rõ nhiệm vụ hợp tác trong giai đoạn mới là: “Giữ vững quan hệ hữu nghị, đặc biệt với các tỉnh bạn Lào có chung đường biên giới; hợp tác chặt chẽ, toàn diện nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau; tăng cường vận động, viện trợ và nâng cao hiệu quả hợp tác”
[1]. Tiếp đó, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 25/7/2017 về tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế gắn với thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của BCH Trung ương khóa XII. Với tinh thần đó, Đảng bộ chỉ đạo UBND tỉnh và các cấp, cách ngành tích cực, chủ động trong quan hệ hợp tác với tỉnh Salavan, Savannakhet chú trọng đào tạo, bồi dường cán bộ, nhất là cán bộ lý luận, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ cho Lào, đồng thời duy trì, vun đắp xây dựng, bảo vệ và thắt chặt hơn nữa quan hệ láng giềng, hữu nghị đặc biệt lâu dài, hợp tác toàn diện giữa tỉnh Quảng Trị với tỉnh Salavan và Savannakhet nói riêng, hai nước Việt Nam – Lào nói chung. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng hàng năm, tỉnh Quảng Trị vẫn trích ngân sách hơn 2 tỷ đồng để hỗ trợ công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Salavan, Savannakhet; trong đó, tập trung đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính, đào tạo giáo viên tiếng Việt, đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng về tin học, toán học, giáo viên tiểu học và tập huấn cho cán bộ chủ chốt lực lượng vũ trang.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh, hợp tác trên lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực giữa tỉnh Quảng Trị và các tỉnh bạn Lào tiếp tục chuyển biến tích cực. Trường CĐSP Quảng Trị bắt đầu thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác chính thức với các đối tác nước bạn Lào từ năm 2003 bằng việc ký Biên bản ghi nhớ với Trường CĐSP Savannakhet vào ngày 12/07/2003. Từ đó đến nay, nhà trường đã tích cực hợp tác với Trường CĐSP Savannakhet, Trường CĐSP Salavan và một số cơ quan ban ngành của hai tỉnh bạn thực hiện nhiều chương trình hợp tác đạt kết quả tốt. Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị đã thực hiện có hiệu quả đề án “Đào tạo giáo viên cho tỉnh Savannakhet và Salavan giai đoạn 2012-2015”. Ngoài đào tạo chính quy và tập trung, Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị còn mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ khác cho hàng trăm lượt cán bộ giảng viên của 2 tỉnh bạn tại tỉnh Quảng Trị. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Quảng Trị thường xuyên duy trì việc gửi giáo viên sang dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều tại tỉnh Savannakhet . Theo thỏa thuận giữa Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Quảng Trị và Hội người Việt Nam tỉnh Savanakhet, từ năm 2013 đến năm 2016, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Quảng Trị đã cử 8 giáo viên (3 giáo viên Mầm non, 3 giáo viên Tiểu học, 1 giáo viên Âm nhạc, 1 giáo viên Thể dục) sang giảng dạy cho con em Việt kiều tại tỉnh Savanakhet – Lào
[2].
Thực hiện Thông báo số 97/BTCTW ngày 16-5-2007 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về công tác đào tạo cán bộ chính trị giúp CHDCND Lào và Thông báo số 335-TB/TU ngày 26-6-2007 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị về tổ chức đào tạo cán bộ chính trị cho hai tỉnh Salavan và Savannakhet, nước CHDCND Lào; Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị giao cho Trường Chính trị Lê Duẩn chủ trì cùng với Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, khảo sát, xây dựng đề án đào tạo đến năm 2010 và những năm tiếp theo cho cán bộ của hai tỉnh bạn. Thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, từ năm 2008 đến 2017 Trường Chính trị Lê Duẩn đã mở được 7 lớp đào tạo chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho hai tỉnh Salavan và Savannakhet, nước CHDCND Lào với 280 học viên
[3]. Kết quả sau hơn 10 năm hợp tác đào tạo cán bộ cho các tỉnh bạn Lào có ý nghĩa, tác dụng to lớn trong quan hệ hợp tác, phát triển giữa hai nước. Cán bộ được đào tạo qua 07 khóa phần đông tuổi đời còn rất trẻ, đang giữ các chức vụ khác nhau ở huyện, tỉnh và được quy hoạch vào vị trí cao hơn. Tuy số lượng cán bộ chưa nhiều nhưng công tác ở các lĩnh vực khác nhau, “cắm rễ” sâu ở các bản, huyện, tỉnh của hai tỉnh bạn là điều kiện thuận lợi cho Quảng Trị trong giao tiếp, quan hệ, nắm bắt thông tin trên tất cả các lĩnh vực, phục vụ tích cực và có hiệu quả trong mối quan hệ toàn diện, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn.
Ngoài công tác đào tạo nguồn nhân lực cho Savannakhet, các hoạt động trao đổi kinh nghiệm quản lý giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học ở các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông giữa Quảng Trị - Savannakhet ngày càng đẩy mạnh và phát triển không ngừng. Các cuộc gặp gỡ hội đàm giữa Ban lãnh đạo Sở giáo dục và Đào tạo hai bên diễn ra hằng năm là điều kiện quan trọng để Quảng Trị - Savannakhet hợp tác phát triển lâu dài.
Hằng năm Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị cử 03 cán bộ sang tập huấn về công tác quân sự địa phương và mở 01 lớp tập huấn chuyên ngành cho 30 cán bộ tỉnh Savannakhet. Đến năm 2017 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức quốc phòng và bồi dưỡng công tác chính trị cho hơn 200 cán bộ, sĩ quan Bộ Chỉ huy Quân sự 2 tỉnh Savannakhet và Salavan. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho một số cán bộ thuộc ngành nông nghiệp của hai tỉnh Savannakhet về phương thức thâm canh tăng năng suất một số loại cây trồng, vật nuôi; cung cấp giống và kỹ thuật trồng lúa nước, cá nước ngọt các loại cho bạn. Ngoài ra, nhiệm vụ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ y tế hai tỉnh của Lào tiếp tục được thực hiện tốt. Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị trung bình mỗi năm đào tạo 10 lưu học sinh của các tỉnh Savannakhet, Salavan. Công tác tập huấn chuyên môn cho cán bộ phòng dịch được tổ chức theo định kỳ hàng năm.
Cùng với các mối quan hệ khác, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ hai tỉnh bạn thể hiện tình cảm sâu nặng, gắn bó trong quá khứ, hiện tại và tương lai giữa Quảng Trị với Savannakhet, Quảng Trị với Salavan, góp phần tích cực xây dựng, vun đắp mối quan hệ đặc biệt giữa Quảng Trị với các tỉnh giáp biên và giữa Việt Nam - Lào.
Từ kết quả hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giữa tỉnh Quảng Trị và tỉnh Salavan, Savannakhet trong những năm qua, để nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giữa hai tỉnh trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tuân thủ nghiêm túc quan điểm, chủ trương của Trung ương Đảng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ lý luận cho nước bạn Lào.
Việc hợp tác, giúp đỡ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong công tác đào tạo cán bộ là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ cho Lào, đồng thời duy trì, vun đắp xây dựng, bảo vệ và thắt chặt hơn nữa quan hệ láng giềng, hữu nghị đặc biệt lâu dài, hợp tác toàn diện giữa tỉnh Quảng Trị với tỉnh Salavan và Savannakhet nói riêng, hai nước Việt Nam - Lào nói chung. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, trước hết Quảng Trị và các tỉnh bạn Lào cần thực hiện tốt các thỏa thuận, cam kết đã ký kết giữa hai tỉnh, trọng tâm là thực hiện hiệu quả nội dung thỏa thuận cấp cao về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giữa tỉnh Quảng Trị với hai tỉnh Savannakhet và Salavan giai đoạn 2017-2019. Tiếp tục thực hiện tốt thông báo số số 97/BTCTW ngày 16-5-2007 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về công tác đào tạo cán bộ chính trị giúp CHDCND Lào và Thông báo số 335-TB/TU ngày 26-6-2007 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị về tổ chức đào tạo cán bộ chính trị cho hai tỉnh Salavan và Savannakhet.
Thứ hai, coi trọng và tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cơ quan liên quan, có sự phân công, phân nhiệm rạch ròi giữa các cơ quan trong quá trình đào tạo theo sự chỉ đạo thống nhất cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua Quảng Trị đã làm rất tốt vấn đề này. Để công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho nước bạn Lào có hiệu quả hơn, trong thời gian tới Quảng Trị nên xây dựng quy định hoặc hướng dẫn về cơ chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hai tỉnh bạn Lào. Với sự phân định nhiệm vụ, thời gian, lộ trình cụ thể cho từng đơn vị, công tác tổ chức các lớp học sẽ khoa học và đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh cần đổi mới nội dung, chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo, có định hướng thích hợp bằng việc xây dựng kế hoạch đào tạo gắn với sử dụng; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt, các ngành, lĩnh vực mà bạn có nhu cầu.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Việt cho học viên Lào đáp ứng đủ điều kiện trước khi tiếp nhận vào đào tạo về chuyên môn, chính trị, quản lý, khoa học… tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
Hầu hết học viên của các tỉnh bạn Lào khi nhập học đều chưa biết tiếng Việt. Chỉ có khoảng 10% biết giao tiếp cơ bản, trong khi đó cán bộ, giảng viên các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị biết rất ít tiếng Lào. Do đó, khó khăn trong giao tiếp là điều tất yếu. Đây là khó khăn lớn nhất trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Vì vậy, cần phải tăng thời gian học tiếng Việt của học viên và tiến tới có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tiếng Lào cho một số cán bộ, giảng viên hoặc tuyển mới cán bộ biết tiếng Lào để chủ động hơn trong công tác phiên dịch.
Thứ tư, nâng cao chất lượng giảng dạy gắn với đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng trình độ của giảng viên, phiên dịch viên trong quá trình dịch giảng.
Tiếng Lào là một ngôn ngữ đặc thù cho nên tìm được cán bộ phiên dịch đáp ứng yêu cầu trên là hết sức khó khăn. Đa số học viên hai tỉnh Salavan, Savannakhet của nước bạn Lào sang tỉnh Quảng Trị học tập lần đầu tiên được học những kiến thức mới, những phương pháp mới lại phải học thông qua phiên dịch, nên có không ít khó khăn trong quá trình tiếp thu bài giảng. Thực tế cho thấy, một số ít bài giảng chất lượng giảng dạy chưa cao do phương pháp truyền đạt của giảng viên chưa phù hợp, thiếu kinh nghiệm; một số thuật ngữ chuyên ngành phiên dịch viên chưa dịch sát nghĩa.
Những hạn chế đó đều ảnh hưởng tới quá trình đào tạo. Do đó cần có sự điều chỉnh trong phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng, trình độ của phiên dịch viên, sự phối hợp nhịp nhàng giữa người giảng viên và phiên dịch viên để nâng cao chất lượng giảng dạy của một bài giảng.
Là nước láng giềng anh em gần gũi, nhân dân Quảng Trị luôn tự hào có nhân dân hai tỉnh bạn Lào là người bạn thủy chung trong sáng trong suốt thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới xây dựng và phát triển quê hương ngày nay. Ngoài ý nghĩa về hợp tác đào tạo, kết quả nói trên còn mang ý nghĩa to lớn về tinh thần đoàn kết, hợp tác toàn diện, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng giữa các tỉnh giáp biên, tiếp tục vun đắp mối quan hệ vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.