ThS. Trần Hoàng
Trưởng Phòng NCKH-TT-TL
Ðồng chí Lê Duẩn - một nhà yêu nước lớn, chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo kiệt xuất, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng và của nhân dân ta. Trong quá trình cùng với Trung ương Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả sau khi Người đi xa, đồng chí đã kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Bác - lãnh đạo công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất Tổ quốc và quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.
Chiến thắng vĩ đại của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước gắn liền với những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Duẩn - một tư duy cách mạng độc lập, sáng tạo luôn gắn với thực tiễn, tổng kết thực tiễn đúc rút thành lý luận để chỉ đạo cách mạng thắng lợi, đó là tư duy biện chứng của nhà cách mạng Lê Duẩn. Xuyên suốt trong quan điểm chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng là sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Quan điểm đó được thể hiện trên các mặt cơ bản sau:
Thứ nhất là dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng
Trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và thông qua thực tiễn hoạt động ở miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã kịp thời phát hiện và nhất quán trong tư duy về đường lối cách mạng miền Nam là dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng. Xuất phát từ mưu đồ của Mỹ - Diệm cố tình phá hoại Hiệp định Giơnevơ, chúng chủ động dùng bạo lực để đàn áp những người cách mạng thì chúng ta không thể kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình để buộc chúng thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước được. Vì vậy, quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng ta là chuyển hướng chiến lược, quyết tâm xây dựng lực lượng vũ trang để đưa phong trào cách mạng tiến lên; đi đôi với đấu tranh chính trị thì đấu tranh quân sự trở thành cuộc đọ sức chủ yếu giữa ta và địch.
Chính từ thực tiễn chỉ đạo cuộc đấu tranh ở miền Nam, trước sự phá hoại Hiệp định Giơnevơ và khủng bố ác liệt của kẻ thù, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn đó, đồng chí đã suy nghĩ soạn thảo bản Đề cương cách mạng miền Nam vào tháng 8-1956, chỉ ra phương hướng và những bước đi cơ bản của cuộc cách mạng. Sự ra đời của bản Đề cương đã làm cơ sở khoa học cho Hội nghị Trung ương 15 sau này có những đánh giá chính xác tình hình cuộc đấu tranh ở miền Nam và ý chí quyết tâm của quần chúng đang hàng ngày hàng giờ đấu tranh quyết liệt trực tiếp với Mỹ - Diệm. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Nghị quyết 15 ra đời đã đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn, làm xoay chuyển tình thế, tạo ra bước ngoặt của cách mạng, đồng thời góp phần to lớn vào việc soạn thảo và ban hành Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, mở đường cho cách mạng miền Nam vượt qua giai đoạn khó khăn tiến lên giành thắng lợi.
Thứ hai là quan điểm quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ
Khi Mỹ leo thang chiến tranh, đưa quân Mỹ và chư hầu trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam, bằng sự phân tích toàn diện và đúng đắn những âm mưu, ý đồ và thủ đoạn của đối phương, tương quan lực lượng giữa ta và địch, đồng chí Lê Duẩn đã đi đến kết luận, Mỹ không mạnh như người ta tưởng, nhân dân Việt Nam có khả năng đánh Mỹ và thắng Mỹ. Ðề cương cách mạng miền Nam do đồng chí soạn thảo đã chỉ rõ: "Nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ - Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Ðó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó không có con đường nào khác". Khẳng định sắt đá đó đã thể hiện quyết tâm và tiếp thêm sức mạnh để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua tâm lý lo ngại trước sức mạnh quân sự của Mỹ và chư hầu. Trận đầu thắng Mỹ ở Núi Thành (Quảng Nam) là thực tiễn chứng minh chúng ta đánh được Mỹ và sẽ thắng Mỹ. Nhận định mang tính chiến lược sắc bén đó cho thấy tư duy biện chứng xuất phát từ thực tiễn, tổng kết thực tiễn để hình thành lý luận chỉ đạo cách mạng ở đồng chí Lê Duẩn đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Thứ ba là tư duy sáng tạo và quan điểm toàn diện trong quá trình chỉ đạo chiến tranh nhân dân
Trong quá trình chỉ đạo cách mạng, đồng chí Lê Duẩn luôn sáng tạo vận dụng tổng hợp các quy luật trong tổ chức chiến tranh nhân dân mà trước hết là quan điểm toàn diện. Cùng một lúc hai miền Nam - Bắc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ biện chứng với nhau nên chúng ta quyết tâm thắng Mỹ ở miền Nam nhưng phải góp phần bảo vệ miền Bắc hậu phương xã hội chủ nghĩa. Chúng ta quyết tâm chống Mỹ nhưng phải tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân thế giới kể cả nhân dân Mỹ, có như vậy mới tạo được sức mạnh tổng hợp để đánh thắng đối phương. Điều đó chỉ có thể có được từ một cuộc kháng chiến chính nghĩa với sức mạnh tổng hợp của toàn dân quyết tâm đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Quan điểm này đã được đồng chí Lê Duẩn chuyển tải, quán triệt thông qua những thư, điện gửi vào chiến trường miền Nam và được vận dụng với một chiến lược tổng hợp, một sách lược linh hoạt: kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao; kết hợp khởi nghĩa của quần chúng với sức mạnh trên chiến trường; kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; thực hiện làm chủ để đánh địch, đánh địch để làm chủ; giành thắng lợi từng phần để tạo thế và lực đi đến thắng lợi toàn cục, nắm vững phương châm đánh lâu dài nhưng biết tạo thời cơ và chớp thời cơ để tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi hoàn toàn.
Nguyên lý xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn để hoạch định đường lối cách mạng, đề ra những quyết sách kịp thời, không rập khuôn, thụ động, giáo điều là phương pháp biện chứng của Chủ nghĩa Mác-Lênin đã được đồng chí Lê Duẩn vận dụng một cách sáng tạo nhất là trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Những quan điểm chỉ đạo, những quyết sách chiến lược trước những tình huống phức tạp, những bước ngoặt lịch sử của đồng chí Lê Duẩn toát lên một phương pháp tư duy khoa học, sáng tạo trong giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Lý luận cách mạng chỉ có thể được phát triển phong phú trên cơ sở nắm bắt, tổng kết và nhận định tình hình thực tiễn, thông qua quá trình lăn lộn chỉ đạo từ các chiến trường đó là tư duy biện chứng rất đặc sắc của đồng chí Lê Duẩn – nhà lý luận, nhà hoạt động thực tiễn, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta.
Công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi là kết tinh tầm cao tư duy trí tuệ, sự nhạy bén, sáng tạo, kịp thời trong nắm bắt thời cơ cách mạng, bám sát thực tiễn để chỉ đạo quá trình cách mạng; là nghệ thuật tài tình trong tổ chức chiến tranh nhân dân đó là bài học kinh nghiệm quý báu của Đảng ta. Bài học đó được bồi đắp từ mạch nguồn của những kinh nghiệm trong cách mạng tháng Tám, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xa hơn là những kinh nghiệm quý báu qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, được soi sáng và phát triển bởi tư tưởng của thời đại Hồ Chí Minh. Trong sự nghiệp vĩ đại đó không thể thiếu một nhãn quan chính trị mẫn cảm, một trí tuệ sáng suốt, một tư duy cách mạng biện chứng mẫu mực và sáng tạo, một ý chí quyết tâm sắt đá đấu tranh đến thắng lợi hoàn toàn cho dân tộc của nhà lãnh đạo kiệt xuất - Bí thư thứ nhất Lê Duẩn.
Đồng chí Lê Duẩn không chỉ là một chiến lược gia, một nhà tổ chức tài năng mà còn là một nhà lý luận xuất sắc với một tư duy sáng tạo lớn luôn nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi trên tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo để giải quyết những vấn đề bức xúc do thực tiễn đặt ra. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã có những cống hiến xuất sắc về nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Trong Ðiếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng do đồng chí Trường Chinh đọc tại lễ truy điệu Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định “Ðồng chí Lê Duẩn là một người Mác-xít Lê-nin-nít chân chính, đồng chí luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đề ra. Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp".
Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Duẩn là tấm gương trong sáng, sinh động về phẩm chất đạo đức cách mạng cao quý. Đó là lòng trung thành và sự cống hiến trọn đời vì lợi ích của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Trải qua những thử thách khốc liệt trong nhà tù đế quốc, lăn lộn trong gian khổ ở các chiến khu, bưng biền, trước những cam go, khó khăn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... trong bất kỳ hoàn cảnh nào đồng chí cũng luôn nêu cao nghị lực kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, vì đạo lý "Con người sống phải có tình thương và lẽ phải". Đó vừa là kinh nghiệm, vừa là bài học xuyên suốt và vẫn còn nguyên giá trị mà đồng chí để lại cho Đảng ta trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế ngày nay. Vượt lên tất cả để có những cống hiến và đóng góp đó là một phương pháp tư duy biện chứng mẫu mực trên cơ sở bám sát thực tiễn để đề ra phương pháp cách mạng khoa học và đúng đắn của nhà lãnh đạo kiệt xuất tài ba - Lê Duẩn./.