Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Gio Quang, huyện Gio Linh

Thứ năm - 03/11/2016 08:18
GV. Hoàng Thị Thu
                                                             Khoa LLMLN, TTHCM
 
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng; là cuộc cách mạng và là cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ một cách toàn diện, có nếp sống văn hoá, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Với ý nghĩa đó, xây dựng NTM đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến từng người dân.
Tính đến thời điểm hiện nay, toàn xã Gio Quang có 890 hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó hội viên nông dân là 624 hộ, chiếm 70,11%. Thời gian qua, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, tuyên truyền cho người dân nhận thức đúng về quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách của nhà nước về chương trình xây dựng NTM. Qua đó, đã làm cho cán bộ, hội viên, nông dân xác định rõ nguyên tắc và phương châm của công cuộc xây dựng NTM, đó là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát và dân hưởng thụ”. Ngoài việc lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp dân hay hội nghị, hội thảo về nông nghiệp, Hội Nông dân các cấp còn trực tiếp đến thăm và tuyên truyền về xây dựng NTM ngay trên đồng ruộng, vườn cây của người dân.
Về phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, Hội Nông dân các cấp đã vận động hội viên và nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng hiệu quả quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất phát triển kinh tế. Phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Trị, Trạm khuyến nông huyện Gio Linh, Hội Nông dân xã Gio Quang đã mở các lớp dạy nghề trồng nấm, nghề trồng ném, nghề thú ý, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… cho hàng trăm lượt hội viên nông dân ở các thôn trong xã, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng các loại cây trồng vật nuôi, tăng thêm nguồn thu nhập cho các hộ gia đình. Đồng thời, cùng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, các tổ vay vốn đã tư vấn hướng dẫn bà con nông dân tiếp cận với chính sách hỗ trợ vay vốn theo Quyết định 68/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách vay vốn nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Nhờ đó, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế mới, như mô hình trang trại tổng hợp, mô hình gia trại, máy gặt đập liên hợp… mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm cho nông dân. Đặc biệt, việc đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp vào sản xuất để rút ngắn thời gian lao động, đến nay toàn xã có 26 xe ô tô vận chuyển hàng hóa nông sản, có gần 500 máy phục vụ nông nghiệp. Trong đó, 18 máy gặt đập liên hợp, 5 hệ thống hấp sấy sản phẩm, có trên 318 máy làm đất, gần 30 máy có công suất lớn chủ động hoàn toàn khâu làm đất. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia được tỉnh, huyện phân bổ và đóng góp của nhân dân, Hội đã triển khai phát động hội viên toàn xã xây dựng hoàn thành cơ bản các tuyến bê tông hóa giao thông tại các thôn với chiều dài 872m, tổng giá trị 1.513.874.000 đồng… Đặc biệt phát huy những kết quả đạt được trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, đến nay số hộ nghèo trên toàn xã là 47 hộ, số hộ nghèo thuộc Hội nông dân là 06 hộ; toàn xã có 152 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó cấp trung ương 01 hộ, cấp tỉnh 02 hộ, cấp huyện 50 hộ và cấp xã 101 hộ.
Lĩnh vực văn hóa xã hội cũng phát triển song song với lĩnh vực kinh tế. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư'', Hội Nông dân từ xã đến các chi hội đã tập trung chỉ đạo, vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa. Qua đó, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giảm tệ nạn xã hội, lành mạnh hóa môi trường. Ngoài ra, nông dân trong toàn xã luôn nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, ủng hộ hàng chục triệu đồng, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, ngày công lao động, giúp cho những gia đình nghèo có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống, đóng góp xây dựng “Quỹ vì người nghèo”, “Quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam”, ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai bão lũ… Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, Hội nông dân các cấp luôn gắn kết các phong trào của hội với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… Kết quả hàng năm tỷ lệ gia đình hội viên đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa chiếm gần 80%.
Đồng thời, hưởng ứng phong trào “Gio Quang chung sức xây dựng NTM”, Hội nông dân xã đã vận động hội viên, nông dân đóng góp công sức, tiền của để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn. Tính riêng trong năm 2015, hội viên, nông dân đã đóng góp được 245 ngày công; quyên góp ủng hộ 803.750.000 đồng, tự nguyện hiến trên 10.350m2 đất để làm đường giao thông nông thôn; tu sửa, nạo vét, khơi thông, cống rãnh, kênh mương nội đồng 12 km; làm mới, chỉnh trang nhà ở… Chính từ những đóng góp đó của Hội Nông dân xã cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể chính quyền và nhân dân xã nhà, sau 5 năm xây dựng NTM (2011-2015), Gio Quang đã hoàn thành được 14/19 tiêu chí.
Tuy nhiên bên cạnh những việc đã làm được, việc phát huy vai trò chủ thể của Hội Nông dân xã Gio Quang vẫn còn gặp phải một số hạn chế như: Vẫn còn tồn tại một bộ phận cán bộ, hội viên, nông dân chưa nhận thức rõ và đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa và nội dung của chương trình; còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước; ý thức tự giác, tự nguyện tham gia xây dựng NTM chưa cao. Trong thời gian vừa qua, UBND xã đã tích cực huy động các nguồn lực đầu tư, các khoản đóng góp cho NTM, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư xây dựng NTM của các địa phương. Nguồn ngân sách trực tiếp cho chương trình còn hạn chế. Trình độ một số cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chi hội còn hạn chế trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia đóng góp xây dựng NTM…
Để phát huy tốt kết quả xây dựng nông thôn mới, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò trò chủ thể trong phát triển kinh tế - xã hội của Hội Nông dân, theo tôi cần tập trung giải mấy vấn đề sau:
Một là, Ban Chấp hành Hội Nông dân từ xã đến chi hội cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, gần gũi với hội viên, nông dân. Đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thi đua “Gio Quang chung sức xây dựng NTM”, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với xây dựng NTM. Tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng NTM; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, trao quyền chủ động cho người dân theo phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp to lớn, có sáng kiến hay, việc làm tốt cho xây dựng NTM.
Hai là, phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện tích cực đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân bằng nhiều hình thức. Các cấp chính quyền cần tiếp tục cụ thể hóa chiến lược và chính sách đào tạo nghề cho nông dân một cách thiết thực và hiệu quả.
Ba là, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội đối với nông dân. Thực hiện lồng ghép các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, khuyến nông, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, phòng rủi ro trong sản xuất cho nông dân. Thông qua đó, tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận với các giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao; kiến thức, kinh nghiệm, cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả…
Bốn là, cần đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của các cấp Hội nông dân. Nhằm khai thác và phát huy vai trò của nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM, Hội Nông dân phải không ngừng kiện toàn tổ chức các cấp của Hội, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách thật tinh gọn, có chất lượng, có cơ cấu thích hợp và hoạt động đều tay, huy động được nhiều lực lượng tư vấn và cộng tác viên không chuyên. Không ngừng đổi mới phương thức hoạt động hướng tới mục tiêu thiết thực và hiệu quả, khắc phục những biểu hiện thụ động, hình thức, hành chính hoá,...
Thứ năm, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, trước hết là đường giao thông tới các thôn, xóm, nhằm tạo điều kiện đi lại và giao lưu hàng hoá thuận lợi, cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt. Phát triển giáo dục, y tế, văn hoá, trong đó chú trọng phát triển hệ thống y tế, xây dựng trạm y tế với đủ trang thiết bị đạt chuẩn quốc gia, có nhà ở cho nhân viên y tế. Hỗ trợ tích cực để nông dân có bảo hiểm y tế, được hưởng thụ các dịch vụ y tế nhiều hơn với chất lượng tốt hơn.
Thứ sáu, tăng cường đầu tư, đưa công nghiệp về nông thôn, xây dựng nông thôn mới, gắn liền phát triển kinh tế với đào tạo con người mới ở nông thôn. Mở rộng các mô hình kinh tế theo hướng đầu tư về khoa học công nghệ, áp dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hình thành các vùng chuyên canh, các khu sản xuất tập trung,… nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, nông trại, khai thác tốt các chính sách của nhà nước về hỗ trợ vốn sản xuất cho nông dân. 
Xây dựng nông thôn mới nhằm tiến tới thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, trong đó nông dân là chủ thể tích cực, công cuộc xây dựng nông thôn mới khó khăn, lâu dài đòi hỏi sự đóng góp rất lớn của bà con nông dân. Nông dân phải nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của mình mới có thể kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp, khắc phục những yếu tố lạc hậu, tiêu cực ảnh hưởng đến quá trình phát triển để có thể hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây