ThS. Trần Đức Dương
Phó Trưởng Khoa Dân vận
Thực hiện Hướng dẫn số 159/HD-HVCTQG ngày 22 tháng 10 năm 2015 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về tổ chức Hội thi Học viên học giỏi lý luận chính trị, Trường Chính trị Lê Duẩn đã tập trung chỉ đạo và tổ chức tốt Hội thi nhằm mục đích góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Hội thi công nhận những gương học viên học giỏi lý luận chính trị, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, tạo diễn đàn, chia sẻ các kinh nghiệm của học viên trong việc học tập lý luận chính trị, qua đó thúc đẩy phong trào học tập, nhân rộng các điển hình tiên tiến; đồng thời đánh giá, rút kinh nghiệm của quá trình giảng dạy lý luận chính trị của Nhà trường.
Với mục đích, yêu cầu đó, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường đã xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức “Hội thi Học viên học giỏi lý luận chính trị lần thứ nhất, năm 2016”. Đây là Hội thi được tổ chức lần đầu tiên, chưa có kinh nghiệm và gặp những khó khăn nhất định, song Nhà trường đã có những bước chuẩn bị khá chu đáo như: Xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Tổ chức, các tiểu ban giúp việc cho Hội thi và có kế hoạch gửi tới các đơn vị liên kết, phối hợp đào tạo dể triển khai thực hiện. Với sự chuẩn bị tích cực, chủ động và chu đáo của các bộ phận tham mưu, Ban Tổ chức Hội thi đã lựa chọn được 12 thí sinh từ 4 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính đủ điều kiện dự thi theo Quy chế của Học viện (trong đó 2 lớp học tại trường và 2 lớp từ các trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện). Hội thi Học viên học giỏi lý luận chính trị ở Trường Chính trị Lê Duẩn được tổ chức trong 01 ngày đúng vào dịp Kỷ niệm 34 năm Ngày nhà giáo Việt Nam theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt. Mỗi thí sinh thực hiện 03 phần thi: Thi trắc nghiệm được thực hiện ở vòng loại gồm 20 câu hỏi với thời lượng là 20 phút. Nếu đạt 10/20 điểm thì tiếp tục được thi 2 phần thi tiếp theo; thi viết bài luận trong 120 phút và thi thuyết trình từ 5 đến 7 phút. Các phần thi đều chấm theo thang điểm 10; nội dung thi nằm trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính, gồm các vấn đề về: Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Những vấn đề cơ bản về hệ thống chính trị, Nhà nước, pháp luật và quản lý hành chính nhà nước; Một số kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở và nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở.
Kết thúc Hội thi, căn cứ vào kết quả phần thi viết (tự luận) và thi thuyết trình, Hiệu trưởng Trường Chính trị Lê Duẩn đã cấp Giấy chứng nhận danh hiệu “Học viên Học giỏi lý luận chính trị” cho 11/12 học viên chiếm tỷ lệ 92,5% và tặng Giấy khen cho 03 học viên đạt kết quả cao trong Hội thi (đạt giải: nhất, nhì, ba). Đồng thời, các học viên đạt danh hiệu sẽ được xem xét khen thưởng cuối khoá học và Nhà trường gửi thông báo kết quả về cơ quan, đơn vị, địa phương để động viên học viên.
Có thể khẳng định, “Hội thi Học viên học giỏi lý luận chính trị lần thứ nhất, năm 2016” ở Trường Chính trị Lê Duẩn Quảng Trị đã diễn ra thành công, đạt được những kết quả như kế hoạch đề ra, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc, như:
Một là, nhiệm vụ chính trị được giao khá lớn, các lớp phân tán trên khắp địa bàn trong tỉnh, do đó việc tổ chức thi vòng sơ khảo (thi trắc nghiệm) cho tất cả các học viên tại các lớp trung cấp lý luận chính trị- hành chính thực hiện khó. Bên cạnh đó, thời gian chuẩn bị cho Hội thi khá ngắn lại mới được tổ chức lần đầu, do đó một số khâu chuẩn bị chưa thật chu đáo.
Hai là, việc triệu tập học viên từ các lớp huyện có những khó khăn về thời gian và kinh phí để cho học viên và cán bộ các trung tâm bồi dưỡng chính trị về tham dự Hội thi. Bởi vì nội dung tổ chức hội thi không có kế hoạch từ khi khai giảng lớp học, nên không được dự trù kinh phí.
Ba là, tiến độ các lớp học khác nhau, do vậy dung lượng kiến thức đã được học của các lớp cũng khác nhau nên số lớp tham gia thi ít (04/10 lớp).
Nhìn chung, “Hội thi Học viên học giỏi lý luận chính trị lần thứ nhất, năm 2016” ở Trường Chính trị Lê Duẩn được tổ chức đã thu được kết quả quan trọng, mặc dù trong quá trình triển khai, điều hành, cũng như công tác chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho Hội thi bước đầu có khó khăn, cần phải rút kinh nghiệm cho nhưng hội thi tiếp theo. Song Hội thi đã tạo được ấn tượng tốt đẹp trong toàn thể đội ngũ giảng viên, viên chức của Nhà trường, các trung tâm bồi dưỡng chính trị và học viên các lớp. Để thực hiện và tổ chức tốt hơn những hội thi trong những năm tới, tôi xin trao đổi một số vấn đề sau:
Thứ nhất, để Hội thi đạt được hiệu quả cao, Ban Giám hiệu cần chỉ đạo sớm việc xây dựng kế hoạch Hội thi để các bộ phận chức năng phối hợp công tác chuẩn bị như: Nhà trường chủ động lập dự toán kinh phí để tổ chức Hội thi; các trung tâm bồi dưỡng chính trị lập dự toán cho cán bộ và học viên đi tham dự Hội thi; Phòng Đào tạo chủ động bố trí tiến độ các lớp học, dự kiến được số lớp, số học viên tham gia Hội thi; các khoa, phòng chủ động phối hợp trong công tác chuẩn bị đề và đáp án, đồng thời gửi kế hoạch, quy chế của Hội thi cho các đơn vị liên kết và các lớp ngay từ khi mới khai giảng lớp học.
Thứ hai, việc lựa chọn học viên từ các lớp cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn của giáo viên chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm và ban cán sự lớp trên cơ sở kết quả học tập của các phần học đã được công bố và điều kiện tham gia của học viên; tuỳ theo điều kiện và lực học của các lớp, có thể chọn từ 3 đến 5 học viên/lớp để tham gia Hội thi. Việc lựa chọn thành viên tham dự của các lớp cũng nên có cơ chế linh hoạt để Hội thi đảm bảo quy mô hợp lý, có sức lan toả; động viên học viên các lớp tham gia Hội thi một cách tích cực nhất, muốn vậy phải tạo ra sự “cạnh tranh”, đồng thời có cơ chế khuyến khích những học viên đạt thành tích cao trong Hội thi.
Thứ ba, về đề thi, với tính đa dạng của đối tượng dự thi, học viên đang học ở các phần học khác nhau, do vậy đề thi cần phải cụ thể hơn, mang tính thực tiễn cao, cần có ngân hàng đề thi riêng để thực hiện lâu dài, các khoa chuyên môn cần phải chuẩn bị sớm và Ban ra đề thi phải tham gia góp ý, chỉnh sửa và hoàn thiện trước khi thi. Hệ thống câu hỏi, bài tập có thể định hướng cho học viên ôn thi trước, tránh bị động. Đối với đề thi thuyết trình, do tính đa dạng của các phần học nên cần khuyến khích các khoa xây dựng các bài tập tình huống.
Trong phần thi thuyết trình với thời lượng 5 - 7 phút, học viên nên có sự sáng tạo, linh hoạt khi trả lời về nội dung, phong cách trình bày và tác phong…Ví dụ như: học viên có thể sử dụng phương pháp đóng vai, tranh luận… chứ không nhất thiết phải sử dụng một phương pháp duy nhất - thuyết trình, nhằm tạo nên sự đa dạng, phong phú cho Hội thi và qua đó nâng cao năng lực giao tiếp, sự sáng tạo của học viên.
Thứ tư, qua Hội thi lần này rất mong Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có sự điều chính, quy định bổ sung đối với Quy chế thi như: nên cho phép điều chỉnh thi trắc nghiệm bằng việc lựa chọn thí sinh để đảm bảo tính khả thi cao hơn, chủ động hơn; Phần thi trắc nghiệm có thể trở thành phần thi chính thức; các đội thi với nhau thì điểm của đội (lớp) cũng là điểm của mỗi thành viên trong đội mình để tạo nên không khí sôi nổi hơn cho người thi và người cổ vũ như chương trình “Rung chuông vàng”; cần có cơ chế khuyến khích đối với học viên đạt danh hiệu “Học viên học giỏi lý luận chính trị” theo điều kiện cụ thể và sự sáng tạo của từng trường chính trị và các địa phương, như vậy sẽ khuyến khích học viên có sự cố gắng, nổ lực, thi đua hơn trong học tập và tham gia Hội thi.
Hội thi “Học viên học giỏi lý luận chính trị” tuy mới được triển khai thực hiện, song nếu duy trì thường xuyên và tổ chức tốt sẽ ngày càng có ý nghĩa, tác dụng tích cực đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của các trường chính trị trong cả nước, qua đó sẽ nâng cao hơn ý thức, trách nhiệm trong học tập của học viên, giúp tạo ra “sân chơi bổ ích” và có dịp được học hỏi, trao đổi về phương pháp học tập; giảng viên sẽ đúc rút được các kinh nghiệm, hiểu hơn về học viên và đổi mới hơn trong quá trình giảng dạy để ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.
Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị là một trong những hình thức khuyến khích người học chủ động, tích cực tham gia vào quá trình học tập, nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, Chính quyền, đoàn thể cấp cơ sở, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
ThS. Nguyễn Hữu Thánh, Bí thư Đảng uỷ - Hiệu trưởng trao Giấy chứng nhận
Học viên học giỏi lý luận chính trị cho những thí sinh đạt giải tại Hội thi. Ảnh: TL