Xác định dân quân tự vệ biển là lực lượng nòng cốt, có vai trò có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an ninh trật tự; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và là lực lượng nòng cốt tham gia các hoạt động trên biển. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Gio Linh thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) nói chung DQTV biển nói riêng vững mạnh, rộng khắp, sát nhiệm vụ chú trọng xây dựng đội ngũ này vững mạnh về mọi mặt, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương vùng biển. Qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc trong tình hình mới.
Huyện Gio Linh có chiều dài bờ biển khoảng 16 km2 gồm các xã vùng biển: Gio Hải, Gio Việt, Trung Giang và thị trấn Cửa Việt. Những năm gần đây hoạt động đánh bắt hải sản gần bờ và xa bờ ở vùng biển Gio Linh ngày càng có quy mô về số lượng và chất lượng. Tổng số tàu thuyền khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá toàn huyện có 886 chiếc, với tổng công suất 78.914CV; trong đó có 117 tàu đánh bắt xa bờ, với công suất 53.000CV. Cửa Việt là một thị trấn vùng biển với số lượng tàu thuyền lớn nhất tỉnh Quảng Trị với 96 chiếc công suất từ 90CV đến 822CV
[1]. Đây là bộ phận quan trọng thường xuyên phối hợp với dân quân tự vệ biển và các lực lượng khác tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển, góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên tuyến huyện cũng như toàn tỉnh.
Thực hiện Luật DQTV, Nghị định số 03/2016/NĐ-CP ngày 03/01/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của luật dân quân tự vệ, Thông tư số 33/2016/TT-BQP ngày 29/3/2016 của Bộ Quốc phòng
hướng dẫn một số điều của Luật dân quân tự vệ. Bộ CHQS tỉnh ra quyết định số 3012/QĐ-BCH ngày 31 tháng 10 năm 2016 về việc thành lập Trung đội Dân quân hoạt động trên biển thị trấn Cửa Việt huyện Gio Linh. Mục đích của việc xây dựng điểm trung đội là nhằm xây dựng điểm mô hình dân quân hoạt động trên biển, kết hợp giữa đánh bắt hải sản với bảo vệ ngư trường; phối hợp các lực lượng khác đấu tranh có hiệu quả với mọi tình huống về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trong khu vực hoạt động; góp phần phát triển kinh tế biển của địa phương và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Trên cơ sở trung đội làm điểm để nhân rộng, xây dựng lực lượng dân quân biển toàn tỉnh.
Do hoạt động của lực lượng dân quân biển có tính đặc thù, yêu cầu cao, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Gio Linh phối hợp với các xã lựa chọn, xét duyệt tuyển chọn trong số ngư dân nam (lao động là người địa phương) đang trực tiếp hành nghề trên biển (cả 3 tuyến: bờ, lộng, khơi) trên các đội tàu, thuyền để xây dựng trung đội dân quân hoạt động trên biển; chú trọng tuyển chọn chủ tàu, thuyền trưởng đề nghị bổ nhiệm chức vụ cán bộ tiểu đội, trung đội; sắp xếp biên chế làm việc trên các tàu, thuyền khi ra khơi theo đội hình, đánh bắt cùng ngư trường vào cùng tiểu đội, trung đội dân quân biển thường trực.
Chủ tàu là cán bộ, chiến sĩ thuộc trung đội dân quân biển. Ngoài ra trên mỗi tàu còn có thêm 3 đến 5 ngư dân tham gia đánh bắt thủy sản, ngư trường hoạt động ở vùng khơi. Sau khi có quyết định thành lập đến nay Trị trấn Cửa Việt đã thành lập được 01 trung đội; 03 tiểu đội, 09 tổ; với quân số 28 đồng chí.
Trong những năm qua các điểm trung đội dân quân này đã phối hợp với đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt, Cảng vụ hàng hải Cửa Việt, Hải đội 202 tuyên truyền, vận động ngư dân bảo vệ chủ quyền biển, đảo; giữ gìn vệ sinh phòng, chống sự cố môi trường biển được 9 đợt/81 lượt người. Nắm bắt thông tin, nghiên cứu trao đổi và báo cáo với Ban CHQS thị trấn Cửa Việt, Ban CHQS huyện Gio Linh việc tàu cá xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam và những hành động không bình thường của các tàu cá nước ngoài. Điều động nhiều tàu tham gia phối hợp với các lực lượng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn các ngư dân trong các cơn bảo; cứu kéo được 20 tàu thuyền lớn, nhỏ và hàng trăm ngư dân các địa phương hoạt đông đánh bắt thủy, hải sản trong khu vực, đồng thời tham gia tuyên truyền, kêu gọi các tàu thuyền vào khu vực tránh trú, neo đậu an toàn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các chủ tàu thuyền, nguồn nhân lực và các phương tiện đăng ký sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển theo Nghị định 30/NĐ-CP của Chính phủ.
Hoạt động của dân quân biển không những vất vả mà còn trên môi trường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đòi hỏi vừa có sức khỏe, trình độ, kỹ năng quân sự, khả năng tác chiến linh hoạt, vừa phải có bản lĩnh, ý chí quyết tâm mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Những năm qua, tỉnh Quảng Trị tổ chức huấn luyện DQTV theo kế hoạch, nền nếp, chất lượng. Cơ quan quân sự các cấp làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ huấn luyện với tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ và hội thi, hội thao, qua đó đánh giá đúng chất lượng huấn luyện. Tổ chức giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự chặt chẽ, nghiêm túc. Trong huấn luyện đã bám sát chương trình của bộ và điều kiện thực tế của địa phương, cơ sở, trong đó chú trọng trang bị kiến thức về Luật biển năm 1982, Luật biển Việt Nam, nhiệm vụ DQTV biển tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới. Kết quả kiểm tra các nội dung 100% đạt yêu cầu, trong đó 75,7 % khá, giỏi.
Với cách làm trên, rút kinh nghiệm từ việc làm điểm trung đội dân quân biển tại thị trấn Cửa Việt, đến nay, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng được 3 trung đội và 4 tiểu đội dân quân biển với quân số 124 đồng chí, trong đó có 28 đồng chí là đảng viên đạt tỷ lệ 22,6 %
[2], trung đội dân quân biển có tổ đảng, tiểu đội dân quân biển có đảng viên, đoàn viên, quân nhân xuất ngũ làm nòng cốt. Đây thực sự là lực lượng chính trị tin cậy của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới biển và tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.
Bên cạnh những thành tựu đạt được việc xây dựng điểm dân quân tự vệ biển tỉnh Quảng Trị vẫn còn một số hạn chế như: một số cán bộ chưa thực sự quan tâm đúng mức tới công tác xây dựng trung đội dân quân biển, còn xem nhẹ và đôi khi còn khoán trắng cho cơ quan quân sự. Việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ khi hoạt động trên biển còn gặp nhiều khó khăn, trường hợp gặp tình huống khẩn cấp, phương tiện thông tin thông báo về đất liền cho lực lượng chức năng thiếu đồng bộ. Lực lượng dân quân tham gia những chuyến đi biển dài ngày hoặc theo mùa, vụ không ổn định dẫn đến công tác đăng ký, quản lý gặp không ít khó khăn. Khi trung đội tập trung huấn luyện và hoạt động thì các ngư dân khác làm việc chung trên các tàu không có việc làm. Kinh phí địa phương bảo đảm cho công tác xây dựng và hoạt động trung đội dân quân biển còn ở mức độ, việc trang bị công cụ hỗ trợ, thông tin liên lạc chưa đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ.
Từ những kết quả thiết thực của xây dựng điểm trung đội dân quân hoạt động trên biển thị trấn Cửa Việt huyện Gio Linh, để tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động của dân quân biển nói chung, trung đội dân quân hoạt động trên biển Thị trấn Cửa Việt huyện Gio Linh nói riêng, thời gian tới nên thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Trước hết,
cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tổ chức xây dựng và hoạt động của điểm trung đội dân quân tự vệ biển.
Đây là nguyên tắc có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả tổ chức xây dựng và hoạt động của dân quân tự vệ biển. Vấn đề quan trọng hàng đầu là, tăng cường giáo dục, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, trọng tâm là các chỉ thị, kết luận của Ban Bí thư, Luật dân quân tự vệ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cho các đối tượng, nhất là lực lượng dân quân tự vệ biển. Qua đó, làm cho mọi người nhận thức rõ vai trò, vị trí chiến lược của dân quân tự vệ biển trong phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Hai là,
tích cực nghiên cứu tổ chức xây dựng điểm trung đội dân quân tự vệ biển, nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả trong thời bình và thời chiến.
Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc, cần kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế biển với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trên biển, đảo. Theo đó, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở, tổ chức và cơ quan có lực lượng hoạt động trên biển cần tổ chức xây dựng dân quân tự vệ biển theo đúng quy định. Thị trấn Cửa Việt tổ chức dân quân biển với quy mô phù hợp, phổ biến là cấp tiểu đội, trung đội; các doanh nghiệp có tàu, thuyền, phương tiện hoạt động trên biển cần căn cứ vào khả năng thực tế để tổ chức đơn vị tự vệ biển cấp tiểu đội, trung đội, hải đội hoặc hải đoàn. Lực lượng dân quân tự vệ biển phải được tuyển chọn từ ngư dân ở địa phương, lao động hợp đồng (từ 6 tháng trở lên) trên các tàu, thuyền (chủ yếu ở tuyến khơi). Các thành phần trong tổ chức dân quân là những người trong dòng họ hoặc cùng nơi cư trú xóm (làng) hoặc tổ dân phố, khuyến khích ngư dân trong cùng địa bàn cư trú thành lập mô hình “tổ đoàn kết”, “hợp tác xã”, “tập đoàn đánh cá”, “nghiệp đoàn nghề cá”, tạo cơ sở để xây dựng và phát triển lực lượng dân quân biển.
Ba là,
nghiên cứu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của dân quân tự vệ biển. Nội dung hoạt động thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trên biển của dân quân tự vệ biển rất rộng, gồm: sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, bảo vệ biển, đảo; tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ yếu là tham gia đấu tranh với các hành động xâm phạm chủ quyền, đấu tranh với các loại tội phạm; vận động nhân dân và tham gia xây dựng cơ sở; tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ môi trường, v.v. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, dân quân tự vệ biển cần phải phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và lực lượng liên quan khác bảo vệ biển, đảo theo quy định.
Bốn là, thường xuyên quan tâm và có chế độ đãi ngộ để ngư dân đầu tư tàu, thuyền có công suất lớn vươn khơi. Địa phương và cơ quan chức năng cần bảo đảm từng bước thiết bị thông tin, liên lạc hiện đại, áo phao, hỗ trợ xăng, dầu, trang bị công cụ hỗ trợ cho dân quân tự vệ biển. Làm được như vậy, một mặt nhằm phục vụ thiết thực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý lực lượng dân quân tự vệ biển trong quá trình hoạt động thực hiện nhiệm vụ trên biển; mặt khác, tạo thuận lợi cho lực lượng này phát huy tốt trách nhiệm phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng hoạt động bảo vệ biển, đảo. Các cấp, các ngành cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, trang bị cho dân quân tự vệ biển bảo đảm đúng pháp luật và quy ước quốc tế.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chấn chỉnh, kịp thời uốn nắn những sai sót trong tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện và các hoạt động của trung đội dân quân biển
Xây dựng điểm trung đội dân quân tự vệ biển vững mạnh là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị, nhằm tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc trong tình hình mới. Tại thị trấn Cửa Việt, hiệu quả của mô hình này ngày càng thể hiện rõ nét đó là phối hợp các lực lượng khác đấu tranh có hiệu quả với mọi tình huống về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trong khu vực hoạt động; góp phần phát triển kinh tế biển của địa phương và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo vừa góp phần thực hiện Nghị quyết về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến cao 2045” đã được Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã đề ra.