Th.s. Nguyễn Thị Như Quỳnh
GV. Khoa Lý luận cơ sở
Nền tảng tư tưởng là những định hướng vô cùng quan trọng, là vấn đề gốc rễ để mỗi giai cấp, dân tộc, đất nước lựa chọn con đường phát triển đúng đắn và bền vững. Nhận thức sâu sắc tính cách mạng, khoa học và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định “lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế của thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”1. Trải qua 90, năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền tảng tư tưởng ấy luôn là kim chỉ nam soi chiếu, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Để kiên định, giữ vững và phát huy nền tảng tư tưởng ấy, Đảng ta luôn coi trọng việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch vẫn luôn dùng mọi âm mưu, thủ đoạn để chống phá cách mạng Việt Nam. Một trong những mục tiêu của chúng nhằm tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và dân tộc ta, bằng các thủ đoạn như: đưa ra các luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, phủ nhận những thành tựu của Đảng, làm mất niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch là nội dung cơ bản, quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng; bảo vệ nhân dân, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước hết phải thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh chính trị, các nghị quyết, chỉ thị và các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trường Chính trị Lê Duẩn với chức năng tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở có vai trò là lực lượng tiên phong trong công tác nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Nhận thức được vai trò, trách nhiệm đó, được sự quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; sự lãnh đạo chỉ đạo sâu sát của tỉnh ủy, thời gian qua công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của Trường Chính trị Lê Duẩn đạt được những kết quả quan trọng. Trường Chính trị Lê Duẩn đã triển khai nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 35 - NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Trên cơ sở Kế hoạch số 10 – KH/HVCTQG ngày 27 - 7 - 2019 của Giám đốc Học viện CTQGHCM triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 475 – HD/HVCTQG ngày 24/9/2019 của Giám đốc Học viện triển khai thực hiện Nghị quyết số 35 - NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Trường đã thực hiện lồng ghép các nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới vào trong các bài giảng lý luận chính trị, trong chương trình bồi dưỡng do Trường đảm nhận. Công tác tuyên truyền được tiến hành kịp thời, thiết thực, hiệu quả, góp phần định hướng tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên, học viên nhằm tạo sức lan tỏa xã hội sâu rộng.
Tuy vậy, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh chống lại các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch ở Trường Chính trị Lê Duẩn vẫn còn một số hạn chế, bất cập như một số bài giảng trong chương trình chưa thực sự chú trọng lồng ghép nội dung Nghị quyết 35 NQ/TW của Bộ Chính trị; những công trình khoa học về chủ đề ngăn chặn, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch chưa nhiều, các bài viết về đấu tranh ngăn chặn, chống lại các quan điểm luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trên trang Thông tin lý luận và thực tiễn của Trường chưa đa dạng... Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình đòi hỏi trường Chính trị Lê Duẩn tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong góp phần cùng cả hệ thống chính trị thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay, thiết nghĩ trường Chính trị Lê Duẩn cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, cần tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức đối với cán bộ, giảng viên, học viên ở Trường Chính trị Lê Duẩn nhất là, cần làm cho cán bộ, giảng viên, học viên thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như trách nhiệm trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đồng thời Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường cần phải xây dựng và định hướng rõ nội dung và trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với các chi bộ, các khoa, phòng, đoàn thể và của mỗi cán bộ, đảng viên trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác.
Thứ hai, mỗi cán bộ, giảng viên phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước; phải chuẩn mực trong phát ngôn và hành động; phải tiên phong, gương mẫu trong chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ và thực hành nghị quyết của Đảng; không ngừng học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ nhằm củng cố, giữ vững niềm tin khoa học đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có khả năng nhận diện, phản bác, vạch rõ các âm mưu thủ đoạn, tính chất sai trái, phản khoa học của các thế lực thù địch.
Thứ ba, lồng ghép có hiệu quả nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường. Mỗi cán bộ, giảng viên phải thực hiện tốt việc lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong các bài giảng ở tất cả các lớp, các loại hình đào tạo, bồi dưỡng. Bảo đảm truyền đạt đúng nội dung của Cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm tính khách quan, tính khoa học, tính Đảng. Trong quá trình giảng dạy, cần phân tích, so sánh , đánh giá để làm nổi bật giá trị về mặt lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ tư, là lực lượng chủ lực trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vì vậy đội ngũ giảng viên phải không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng vừa bám sát nội dung giáo trình, vừa phải thường xuyên cập nhật các chủ trương, chính sách mới và tình hình thực tiễn của địa phương, đất nước, bằng việc dẫn dắt học viên trao đổi trong các buổi thảo luận làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề, góp phần cũng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Cần đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động để học viên tham gia tích cực vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch như: hoạt động tọa đàm, viết bài, đi nghiên cứu thực tế các mô hình điển hình trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền...
Thứ năm, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các chi bộ, khoa, phòng, đoàn thể và từng cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hành nghị quyết, kiên quyết xử lý kịp thời và nghiêm minh đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm Cương lĩnh, điều lệ Đảng, chỉ thị, nghị quyết và các quy định của Đảng. Định kỳ 6 tháng, cuối năm phải tổng kết, đánh giá những ưu điểm, hạn chế, bất cập trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm thực hiện tốt kế hoạch đề ra.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại trường Chính trị nói chung có vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong sạch, vững mạnh, nắm vững lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng trong tình hình mới. Đặc biệt hiện nay chúng ta đang chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị phải ổn định công tác tư tưởng, chống lại các luận điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của các địa phương, đơn vị./.
1.Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, H.1991, tr 21.