Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đakrông hiện nay

Thứ năm - 24/09/2020 14:01
 
                                                                             Phạm Xuân Ngọc
                                                                             Khoa Xây dựng Đảng
 
Công tác phát triển đảng viên là vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng, với mục đích góp phần trẻ hóa đội ngũ, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định: “Chú trọng và tăng cường công tác phát triển Đảng, sớm khắc phục tình trạng một số cơ sở, địa bàn chưa có đảng viên, tổ chức đảng, đi đôi với củng cố, chú trọng hơn nữa công tác phát triển Đảng, nhất là ở các vùng dân tộc ít người” [1]. Nhận thức rõ vai trò quan trọng đó, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện uỷ Đakrông đã có những giải pháp tích cực, phù hợp để nâng cao số lượng, chất lượng đảng viên trong toàn Đảng bộ, đặc biệt là đảng viên người dân tộc thiểu số.
Đakrông là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh, là huyện miền núi vùng cao biên giới phía Tây Nam của tỉnh, tiếp giáp với nước bạn Lào, có cửa khẩu Quốc tế và nhiều đường tiểu ngạch qua biên giới, tập trung đông đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô sinh sống từ lâu đời. Đây cũng là địa bàn có địa hình bị chia cắt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, kinh tế-xã hội còn khó khăn, là huyện đang nằm trong diện 30a của cả nước.
Tính đến ngày 30 tháng 06 năm 2020, Đảng bộ huyện Đakrông có 31 tổ chức cơ sở đảng với 2672 đảng viên; trong đó đảng viên dự bị là 83 đồng chí chiếm 3,1%. Về độ tuổi: đảng viên trẻ từ 35 tuổi trở xuống có 1.225 đồng chí, chiếm 45,8%, từ 36 đến dưới 60 tuổi có 1.125 đồng chí, chiếm 42,1%, trên 60 tuổi có 322 đồng chí, chiếm 12 %. Về giới tính, nam: 1841 đồng chí chiếm 68,9%; nữ: 831 đồng chí chiếm 31,1%. Đảng viên người dân tộc thiểu số 1506 đồng chí, chiếm 56,4 % tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện.
Xuất phát từ  tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số là nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững. Trên cơ sở mục tiêu Nghị quyết toàn khóa, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã xây dựng và ban hành nhiều kế hoạch, chỉ thị, nghị quyết như: Kế hoạch số 81-KH/HU, ngày 25/11/2019 “về sàng lọc đảng viên và đưa những đảng viên không đảm bảo tiêu chuẩn ra khỏi Đảng”, Quy định 03-QĐ/HU, ngày 27/8/2019 "về chế độ dự sinh hoạt chi bộ khu dân cư đối với Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy và Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện"; Kế hoạch 54-KH/HU, ngày 20/8/2018 về "Đưa đảng viên là cán bộ, công chức cấp huyện về sinh hoạt chi bộ thôn, xóm của các xã, thị trấn" và tiếp tục giới thiệu đảng viên là cán bộ, công chức cấp huyện về sinh hoạt ở chi bộ thôn của các xã còn lại trên địa bàn huyện, từ đó góp phần nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng, chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Huyện ủy, công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể:
Thứ nhất, về công tác tạo nguồn. Để việc bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên đi vào thực chất, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã phân công các đồng chí trong ban chấp hành về dự sinh hoạt chi bộ cơ sở, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển đảng viên. Thông qua các phong trào thi đua, kịp thời phát hiện, tạo điều kiện bồi dưỡng các đoàn viên, hội viên tích cực phấn đấu vào Đảng, chỉ đạo các thôn, xóm rà soát, nắm chắc các đối tượng quần chúng là bộ đội đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự; học sinh đã tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp, cán bộ thanh niên, phụ nữ, nông dân, y tế thôn bản. Phân công các đồng chí đảng uỷ viên theo dõi, phụ trách từng thôn bản, tăng cường đảng viên trẻ về các thôn, bản cùng tham gia sinh hoạt, tuyên truyền, lựa chọn, giúp đỡ quần chúng ưu tú giới thiệu với cấp ủy để xem xét kết nạp. Với giải pháp tích cực này, chất lượng tổ chức và hoạt động của chi bộ, chất lượng đảng viên ở nhiều thôn, bản đã có bước chuyển biến cơ bản như  Chi bộ A Bung, La Hót (Xã A Bung), Chi bộ Trầm (xã PaNang), Chi bộ Khe Hiên (xã Hướng Hiệp).
Hai là, về thực hiện các thủ tục kết nạp đảng viên. Trong kết nạp đảng viên, các chi bộ thôn, bản đã thực đầy đủ các thủ tục do Điều lệ Đảng quy định: Tất cả quần chúng ưu tú được xem xét, kết nạp vào Đảng đều có Giấy chứng nhận học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng; lý lịch của người xin vào Đảng đều được chi bộ, cấp ủy cơ sở thẩm tra kỹ; việc lấy ý kiến nhận xét của đoàn thể nơi người vào Đảng sinh hoạt và chi ủy nơi người vào Đảng cư trú được thực hiện nghiêm túc. Nghị quyết của chi bộ và cấp ủy cơ sở xét, đề nghị kết nạp Đảng được đa số đảng viên trong chi bộ, đảng ủy viên biểu quyết tán thành, việc công nhận đảng viên chính thức đúng với Điều lệ Đảng.
       Ba là, về chất lượng đảng viên mới kết nạp. Chỉ tính trong năm 2019, Đảng bộ huyện kết nạp được 95 đảng viên, chuyển đảng chính thức cho 127 đồng chí; trong đó đảng viên người dân tộc thiểu số là hơn 30 đồng chí, chiếm 31,6%. Nhiều Đảng bộ đã kết nạp đảng viên vượt chỉ tiêu đề ra, như Đảng bộ thị trấn Krông Klang, Đảng bộ xã Ba Lòng, Đảng bộ xã Triệu Nguyên, Đảng bộ xã Mò Ó.  Đảng bộ thị trấn Krông Klang  nơi có hơn 42% là đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn, trung bình mỗi năm kết nạp từ 10-12 đảng viên, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, thị trấn đã kết nạp được 36 đảng viên. Với cách làm bài bản, đúng quy trình, công tác phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, việc kết nạp vào Đảng luôn được cấp uỷ quán triệt phương châm phải đảm bảo chất lượng không chạy theo số lượng.
Việc chú trọng, quan tâm phát triển đảng viên nói chung, đảng viên là người dân tộc thiểu số nói riêng đã giúp các tổ chức cơ sở đảng của Đảng bộ huyện không ngừng phát triển vững mạnh. Đội ngũ đảng viên luôn phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, trở thành những hạt nhân trong tuyên truyền, vận động cũng như đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc thiểu số được thuận lợi, hiệu quả hơn. Qua đó, góp phần tích cực vào ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số huyện Đakrông hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế như:  một số chi bộ trực thuộc thiếu sự quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, công tác tạo "nguồn" chưa được chú trọng, việc phân công giao nhiệm vụ cho đảng viên giúp đỡ quần chúng phấn đấu vào Đảng chưa tốt; bên cạnh đó một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên; một số cấp ủy chưa nắm vững nguyên tắc, thủ tục quy định về kết nạp đảng viên nên việc hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ kết nạp vào Đảng chậm.
Từ thực tiễn công tác phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện trong thời gian qua, để  khắc phục những hạn chế và tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp cơ bản sau:
Một là, các cấp uỷ, tổ chức đảng và mọi đảng viên phải ý thức rõ trách nhiệm trong việc tuyên truyền, giáo dục, phát hiện, tạo nguồn bồi dưỡng phát triển đảng viên, nhất là ở những thôn, xóm, bản, vùng đồng bào dân tộc còn ít đảng viên. Cấp uỷ các cấp phải cụ thể hoá bằng kế hoạch hằng năm với các chương trình cụ thể, có các giải pháp thiết thực, phù hợp với đặc điểm của địa phương, đơn vị. Cấp ủy cấp trên phải chỉ đạo các cấp uỷ cơ sở rà soát, thống kê số lượng đảng viên các thôn, bản, trường học để làm cơ sở xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phát triển đảng viên. Lấy kết quả công tác phát triển đảng viên ở các tổ chức đảng có nguồn bồi dưỡng, phát triển đảng viên làm tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng.
Hai là, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số. Đối tượng bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số nói riêng phần lớn là các hội viên, đoàn viên của các đoàn thể chính trị xã hội, nhất là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội trong tạo việc làm cho đoàn viên, hội viên, hỗ trợ sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; đẩy mạnh các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới… Các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức và hoạt động của các đoàn thể, trên cơ sở đó tiến hành các khâu của công tác phát triển đảng viên.
Ba là, thực hiện đúng quy trình kết nạp đảng viên, trong công tác phát triển đảng viên, các cấp ủy đảng ở các bản, xã nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số cần nghiên cứu cải tiến nội dung và cách tổ chức các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng phù hợp với điều kiện, thời gian làm việc của người lao động, có thể mở lớp ngay tại trung tâm xã, hoặc theo cụm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng cảm tình đảng tham gia. Các cấp ủy cần nắm vững các tiêu chuẩn kết nạp đảng viên, nắm bắt tình hình thực tế về dân tộc thiểu số, về trình độ, năng lực của quần chúng ở địa phương từ đó vận dụng phù hợp, cần chú trọng đến xây dựng các mô hình kinh tế, giải quyết việc làm cho thanh niên tại địa phương. Đồng thời, quan tâm hơn nữa đến việc thu hút, tạo nguồn bồi dưỡng đảng viên nữ; các cấp hội, đoàn thể tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên ở cơ sở và quần chúng Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động  phong trào, qua đó phát hiện, tạo điều kiện để chị em rèn luyện, phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Bốn là, phát huy vai trò của trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng lựa chọn nguồn phát triển đảng viên. Các cấp ủy, chi bộ các thôn, bản cùng với trưởng bản và người có uy tín lựa chọn nguồn, định hướng nhận thức và hành động cho các thanh niên ưu tú, tạo niềm tin, sự hứng khởi và tự giác phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Dưới sự giúp đỡ của cấp ủy, chi bộ thôn bản, được trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng ủng hộ và động viên, các đảng viên trẻ người dân tộc thiểu số không chỉ là hạt nhân chính trị tại các thôn bản, họ còn là những tấm gương tiêu biểu trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo.
                           Tài liệu tham khảo
[1] . Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2016), Nxb CTQG, HN 2016.
2. Ban Tổ chức Huyện uỷ Đakrông: Thống kê đảng viên 06 tháng đầu năm 2020.
3. Huyện uỷ Đakrông:  Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây