Ngày 02 tháng 01 năm 2020, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trần Quốc Vượng ký ban hành Quy định số 213-QĐ/TW “về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú” (gọi tắt là Quy định 213), đã quy định cụ thể trách nhiệm của đảng viên đang công tác như sau: Đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang (gọi tắt là đảng viên đang công tác) vừa thực hiện quy định của Điều lệ Đảng về sinh hoạt đảng tại nơi làm việc, vừa có trách nhiệm thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú; gần gũi, gắn bó với nhân dân; khắc phục những biểu hiện sống xa dân, thiếu trách nhiệm trong các công việc của nhân dân nơi cư trú; củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đảng viên trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; tạo điều kiện cho đảng viên đang công tác thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ nơi cư trú, đồng thời kiểm tra, giám sát, nhận xét, đánh giá việc thực hiện của đảng viên.
So với Quy định số 76-QĐ/TW ngày 15-6-2000 của Bộ Chính trị (khoá VIII), Quy định 213 đã bổ sung thêm một số điểm mới, trực tiếp, cụ thể hơn về trách nhiệm và nhiệm vụ của đảng viên đang công tác ở nơi cư trú, nhiệm vụ của cấp uỷ cơ sở nơi đảng viên đang công tác và nhiệm vụ của tổ chức đảng nơi đảng viên đang cư trú. Cụ thể:
Thứ nhất, nhiệm vụ đối với đảng viên đang công tác ở nơi cư trú:
- Nêu gương về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và vai trò tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên trước nhân dân nơi cư trú.
- Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân; tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân trên địa bàn dân cư thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương nơi cư trú.
- Tham gia đầy đủ, nghiêm túc các cuộc họp định kỳ và tích cực tham gia các cuộc họp khác do cấp ủy nơi cư trú triệu tập. Tích cực tham gia góp ý kiến với chi ủy, chi bộ, đảng ủy cơ sở nơi cư trú về các công việc chung của địa phương, nhất là những vấn đề bức xúc ở thôn, bản, tổ dân phố.
- Tham gia các cuộc họp của nhân dân nơi cư trú; thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, trưởng thôn, bản, tổ trưởng dân phố, ban công tác mặt trận nơi cư trú để nắm bắt tình hình nhân dân; phản ánh những ý kiến của nhân dân tới cơ quan có thẩm quyền.
- Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở cơ sở, giám sát cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và thực hiện trách nhiệm nêu gương.
- Tham gia và vận động các thành viên trong gia đình tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua do địa phương phát động. Vận động gia đình và nhân dân xây dựng mối quan hệ gắn bó đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.
- Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ tại Điều 2 Quy định này với chi ủy nơi công tác vào dịp kiểm điểm, đánh giá đảng viên hằng năm. Kịp thời báo cáo với chi ủy nơi công tác và nơi cư trú khi chuyển sang nơi cư trú khác.
Thứ hai, nhiệm vụ đối với cấp ủy cơ sở nơi đảng viên đang công tác:
-
Chỉ đạo chi ủy, chi bộ trực thuộc lập danh sách đảng viên theo nơi cư trú và chủ động liên hệ với đảng ủy cơ sở và chi ủy, chi bộ nơi đảng viên cư trú để giới thiệu đảng viên về sinh hoạt, thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy và nhân dân nơi cư trú theo đúng quy định. Thông báo bằng văn bản với cấp ủy cơ sở nơi đảng viên cư trú được biết về những đảng viên của đơn vị mình thường xuyên đi công tác xa nơi cư trú, lưu động hoặc có công tác đặc biệt để phối hợp tạo điều kiện cho đảng viên thực hiện nhiệm vụ nơi cư trú khi đảng viên đó có điều kiện.
- Kịp thời thông báo cho chi ủy, chi bộ, đảng ủy cơ sở nơi đảng viên cư trú biết về số đảng viên đã được giới thiệu về sinh hoạt nơi cư trú có sự thay đổi vị trí, chuyển công tác hoặc bị khai trừ, xoá tên khỏi danh sách đảng viên hoặc đã xin ra khỏi Đảng.
- Chủ trì, phối hợp với cấp ủy cơ sở nơi đảng viên cư trú kiểm tra, giám sát đảng viên thực hiện nhiệm vụ nơi cư trú; biểu dương những đảng viên thực hiện tốt và nhắc nhở, phê bình hoặc xem xét xử lý theo quy định đối với những đảng viên chưa thực hiện nghiêm túc Quy định này.
- Định kỳ hằng năm tổ chức lấy ý kiến nhận xét của chi ủy, chi bộ đối với đảng viên của mình thực hiện nhiệm vụ nơi cư trú. Cử đại diện cấp ủy gặp gỡ, trao đổi với cấp ủy nơi đảng viên cư trú để nắm tình hình và lấy ý kiến nhận xét trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử hoặc khi đảng viên cho rằng việc nhận xét của nơi cư trú chưa khách quan.
- Thông báo cho đảng viên biết về ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy nơi cư trú tại cuộc họp kiểm điểm, đánh giá cuối năm hoặc khi cần thiết.
Thứ ba, nhiệm vụ của tổ chức đảng nơi đảng viên đang công tác cư trú:
- Đảng ủy xã, phường, thị trấn tiếp nhận và lập danh sách đảng viên đang công tác được giới thiệu về sinh hoạt, giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú ở địa phương mình; giới thiệu về cho các chi ủy, chi bộ thôn, bản, khối phố.
- Chi bộ thôn, bản, khu dân cư tiếp nhận và lập danh sách đảng viên đang công tác tham gia sinh hoạt, giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú ở đơn vị mình và thông báo cho từng đảng viên biết để liên hệ trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên nơi cư trú; đồng thời, tạo điều kiện cho đảng viên thực hiện nhiệm vụ.
- Định kỳ 6 tháng hoặc khi cần thiết, đảng ủy xã, phường, thị trấn chỉ đạo chi ủy, chi bộ trực thuộc tổ chức họp đảng viên đang công tác cư trú trên địa bàn để thông báo tình hình, nhiệm vụ của địa phương hoặc chuyên đề cần tham khảo ý kiến đảng viên đang công tác để đảng viên nắm được thông tin, tham gia góp ý kiến.
- Định kỳ hằng năm, chi ủy hoặc bí thư chi bộ (nơi không có chi ủy) họp với ban công tác mặt trận thôn, bản, khu dân cư để nhận xét từng đảng viên đang công tác thực hiện nhiệm vụ nơi cư trú trên địa bàn mình theo phiếu nhận xét và gửi về đảng ủy xã, phường, thị trấn.
- Đảng ủy xã, phường, thị trấn xác nhận phiếu nhận xét của chi ủy, chi bộ nơi cư trú đối với đảng viên đang công tác và gửi cho đảng ủy cơ sở nơi đảng viên công tác.
- Khi có yêu cầu của cấp ủy nơi đảng viên công tác, đảng ủy xã, phường, thị trấn phối hợp kiểm tra, giám sát đối với đảng viên đang công tác thực hiện nhiệm vụ nơi cư trú.
Việc thực hiện tốt Quy định 213-QĐ/TW của Bộ Chính trị có vai trò rất quan trọng nhằm giáo dục, rèn luyện và quản lý, giám sát đảng viên chặt chẽ hơn; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, việc thực hiện Quy định về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú (trước đây là Quy định số 76) vẫn còn những hạn chế nhất định: Về số lượng đảng viên tham gia sinh hoạt vẫn còn ít, một số đảng viên tham dự mang tính chất đối phó. Nội dung sinh hoạt của một số chi bộ còn mang tính hình thức, chưa cụ thể, thiết thực. Hầu hết các cuộc họp thường diễn ra ngắn gọn, nội dung sinh hoạt thường do cấp ủy nơi đảng viên cư trú báo cáo về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh của địa phương. Vì nội dung sinh hoạt nghèo nàn nên nhiều cuộc họp thường diễn ra “một chiều”, một số đảng viên nêu những ý kiến chung chung.
Để nâng cao chất lượng sinh hoạt theo Quy định 213-QĐ/TW, trong thời gian tới, cấp ủy các cấp cần thực hiện tốt những giải pháp cơ bản sau:
Một là, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt. Đối với cấp uỷ nơi đảng viên cư trú, ngoài việc tạo điều kiện cho đảng viên đương chức có mối liên hệ thường xuyên với cấp uỷ, cần quan tâm cải tiến nội dung, bố trí thời gian, địa điểm sinh hoạt thích hợp, cần theo dõi số đảng viên vắng mặt các buổi sinh hoạt trong năm để nhắc nhở hoặc thông báo cho cấp uỷ nơi công tác biết.
Hai là, việc đánh giá nhận xét của cấp uỷ đối với đảng viên cần khách quan, thực chất, tránh nể nang, né tránh. Cần có sự phối hợp tốt giữa cấp uỷ nơi đảng viên đang công tác và cấp uỷ nơi cư trú. Trước khi đánh giá, xếp loại cuối năm cấp uỷ nơi đảng viên công tác cần gửi văn bản trực tiếp lấy ý kiến nhận xét của cấp uỷ nơi cư trú, không nên để đảng viên tự liên hệ lấy nhận xét. Đặc biệt, những trường hợp quan trọng như kết nạp vào Đảng, đề bạt, bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc chuẩn bị nhân sự cấp uỷ nên làm việc trực tiếp với tập thể cấp uỷ nơi cư trú.
Ba là, cần chú trọng đổi mới hình thức đánh giá, cấp ủy nơi cư trú cũng cần kịp thời báo cáo đến cấp ủy, chính quyền nơi đảng viên đang công tác về những đảng viên chưa chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không tham gia sinh hoạt. Kịp thời khắc phục được những biểu hiện quan liêu, xa dân, thiếu trách nhiệm với những công việc của dân nơi cư trú; những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến” “tự chuyển hoá”. Bên cạnh đó, cấp ủy các cấp cần tổ chức nghiên cứu, rút kinh nghiệm thực tiễn để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát huy những kết quả đạt được, uốn nắn kịp thời những hạn chế, lệch lạc phát sinh trong nhận thức của đảng viên đang công tác ở các cơ quan, cũng như cấp ủy địa phương nơi đảng viên cư trú. Đây cũng là nội dung thiết thực trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị.
Bốn là, cần biểu dương, khen thưởng hoặc đề nghị cấp ủy cơ sở nơi đảng viên công tác biểu dương, khen thưởng những đảng viên có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đảng viên nơi cư trú. Đề nghị cấp ủy cơ sở nơi đảng viên công tác xem xét xử lý theo quy định đối với những đảng viên chưa thực hiện tốt.