CN. Hoàng Thị Thu
GV. Khoa Lý luận cơ sở
Tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, là sự kết tinh tinh hoa dân tộc và trí tuệ thời đại, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta, là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và làm theo.
Tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh gắn bó với tiến trình cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), Đảng ta bắt đầu kêu gọi “Toàn Đảng hãy ra sức học tập đường lối chính trị, tác phong và đạo đức cách mạng của Hồ Chủ tịch” và chỉ ra rằng “sự học tập ấy, là điều kiện tiên quyết làm cho Đảng mạnh làm cho cách mạng mau đi đến thắng lợi hoàn toàn”1. Tại Đại hội VII của Đảng (1991), lần đầu tiên Đảng ta nêu lên khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Có thể nói, xuyên suốt tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Đó là nền tảng lý luận và định hướng cho Đảng ta xây dựng đường lối đúng đắn, tổ chức lực lượng cách mạng và dẫn dắt nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giải phóng nửa nước và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Với âm mưu để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch đã dùng mọi thủ đoạn để xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng ta mà trực tiếp là xuyên tạc, bôi nhọ và tấn công vào tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng coi đó là một trong những mũi tiến công quan trọng trong chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với nước ta, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội, chống phá cách mạng Việt Nam, ngăn chặn tiến trình đi lên Chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Chúng tìm mọi cách để bôi nhọ danh dự, hình tượng Hồ Chí Minh bằng cách ngụy tạo chứng cứ và xuyên tạc bóp méo tài liệu lịch sử về Người để lừa bịp nhân dân, đổi trắng thay đen hòng làm mất đi tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của nhân dân ta. Để thực hiện mưu đồ trên, các thế lực thù địch tập trung khoét sâu vào các vấn đề về thân nhân, lai lịch, đời tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dựa trên những nguồn thông tin không rõ nguồn gốc, hình ảnh đã photoshop hoặc cắt xén chúng tạo ra những tác phẩm sai trái có liên quan đến con người, thân thế và sự nghiệp của Người. Thậm chí, các thế lực thù địch còn bịa đặt, dàn dựng những vở kịch hoang đường về đời tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh với hy vọng sẽ gây ra tâm lý hoài nghi trong các tầng lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Đảng ta.
Song, nhân cách, văn hóa, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nhà lãnh đạo, học giả, nhân dân thế giới ghi nhận, ca ngợi. Tiến sĩ M.ÁtMét, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đã phát biểu trong dịp kỷ niệm lần thứ 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hi vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”2. Giáo sư Nhật Bản Furuta Motoo nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người cộng sản không có đầu óc bè phái, hẹp hòi;… Tư tưởng Hồ Chí Minh mang tính chất thời đại chứ không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với riêng Việt Nam”3. Hêrôminô Carêna, nhà báo Vênêxuêla viết: “Hồ Chí Minh là một đỉnh cao thực sự của toàn thể nhân loại về mặt đạo đức. Người là một tấm gương tuyệt vời. Tất cả những lãnh tụ và anh hùng cách mạng không một ai có thể vượt qua Người về mặt này… Ngày nay, trong lúc uy tín cá nhân của khá nhiều lãnh tụ mác xít nổi tiếng đang bị bôi nhọ… trái lại, hình ảnh Hồ Chí Minh lại càng nổi bật trước con mắt thế giới hơn bao giờ hết”4… Sự thừa nhận rộng rãi của bạn bè từ các châu lục khác nhau đã khẳng định một cách khách quan giá trị, tác dụng, ảnh hưởng của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với thế giới và hoàn toàn có khả năng bác bỏ những luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh. Sinh thời, Hồ Chí Minh là người nói rất nhiều tới đạo đức, đồng thời cũng là người thực hành đạo đức. Người là một tấm gương ngời sáng về đạo đức cách mạng. Ở Hồ Chí Minh giữa lời nói và việc làm hoàn toàn thống nhất với nhau. Sự thống nhất này là một minh chứng khẳng định tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh hoàn toàn có khả năng học tập và làm theo.
Trước yêu cầu tăng cường công tác tư tưởng trong tình hình mới, ngày 7/11/2006, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về Tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đến ngày 14/5/2011, Bộ Chính trị (khóa XI) tiếp tục ban hành Chỉ thị 03-CT/TW về Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Và đến nay, với nội hàm rộng hơn, yêu cầu cao hơn và thời gian lâu dài hơn, ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là một chủ trương lớn, vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn cho thấy học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, đã thu hút sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Chính phủ và nhiều ban, ngành, địa phương các cấp đã tổ chức nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua thiết thực, như: Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động; Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, mô hình “Tự soi, tự sửa” của Quân ủy Trung ương; Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” của Đảng ủy Công an Trung ương; Phong trào “Dân vận khéo” của Ban Dân vận Trung ương; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở các địa phương trong cả nước… Qua mỗi năm thực hiện kể từ khi Chỉ thi 06 được ban hành, cuộc vận động được triển khai theo các chủ đề thiết thực, nội dung phong phú, bổ ích. Chúng ta đã thành lập và từng bước kiện toàn Ban Chỉ đạo cuộc vận động ở tất cả các cấp, xây dựng quy chế và chương trình kế hoạch thực hiện trong từng giai đoạn… Nhờ đó, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đã nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về vị trí, vai trò của đạo đức đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Nhận rõ đạo đức là gốc của mỗi con người, từ đó phải nâng cao ý thức, không ngừng rèn luyện bản thân để gốc đó ngày càng nảy nở, bền vững. Sau gần 14 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW, 9 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW và 4 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, những kết quả đạt được bước đầu đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn lần thứ X, XI, XII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; từng bước ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đồng thời nâng cao nhận thức và tạo chuyển biến bước đầu về tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong quá trình thực hiện cuộc vận động đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên gương mẫu, tận tụy, đổi mới lề lối làm việc, tác phong sâu sát thực tế, nêu cao ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân ghi nhận, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân được tăng cường. Nội dung cần, kiệm, liêm, chính. Chí công vô tư, chống lãng phí, tham ô, chống thói quan liêu, vô trách nhiệm được nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả. Nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc tồn đọng, yếu kém kéo dài ở cơ sở đã được giải quyết… Bên cạnh đó, việc giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, sinh viên, học sinh và quần chúng nhân dân cũng được đẩy mạnh thực hiện, trong đó có nội dung về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được đưa vào giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các trường dạy nghề… Có thể nói những thành tựu đạt được sau gần 15 năm thực hiện các chỉ thị trên của Đảng đã khẳng định giá trị và sự cần thiết của việc học tập và làm theo Người trong toàn Đảng, toàn dân. Điều này, thực tiễn những năm qua đã chứng minh một cách rõ ràng và hoàn toàn có cơ sở bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của những kẻ chống phá, không hiểu biết đối với tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng lý luận quan trọng của Đảng ta.
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản anh hùng ca, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, về trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng, và là sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam. Việc học tập và làm theo Bác là rất quan trọng và cần thiết, chẳng những đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng, đã đem lại thắng lợi cho công cuộc đổi mới ở nước ta, sẽ tiếp tục dẫn dắt chúng ta trên con đường xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”./.
1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia. H.2001, t.12, tr.9.
2) Hội thảo quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn (kỷ yếu), Nxb. Khoa học xã hội, H.1990, tr.22.
3) Báo Nhân Dân chủ nhật, số ra ngày 27-8-1995.
4) Báo diễn đàn nhân dân của Vênêxuêla, số 775, ra ngày 19-5-1990.