ThS. Nguyễn Thị Chính
Khoa Nhà nước và pháp luật
Huyện Gio Linh có chiều dài bờ biển khoảng 15km, dọc bờ biển đã hình thành 3 bãi tắm: Trung Giang, Gio Hải và Cửa Việt. Trong những năm qua, 3 bãi tắm này đã thu hút được một lượng khách đông đảo đến từ trong và ngoài tỉnh góp phần làm cho kinh tế phát triển năng động hơn, giải quyết việc làm và đóng góp vào ngân sách của địa phương, hướng đến phát triển về du lịch biển.
Nhận thấy được tiềm năng tại các bãi tắm, trong những năm qua huyện Gio Linh đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương quản lý, khai thác, sử dụng các bãi tắm du lịch nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro cho du khách và nhân dân địa phương góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường, tạo hình ảnh đẹp cho du lịch của huyện nhà.
Với sự quan tâm đó, các bãi tắm được đầu tư ngày càng đẹp hơn. Hệ thống các nhà hàng, quán xá được xây dựng theo hướng quy củ hơn, hạn chế được tình trạng mỗi quán làm một kiểu. Trong các quán đều có bảng niêm yết giá công khai nhằm tránh tình trạng tự ý nâng giá, chặt chém du khách làm ảnh hưởng đến hình ảnh của các bãi tắm. Hệ thống nước ngọt, nhà vệ sinh đầy đủ phục vụ cho nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, các resort, khách sạn hiện đại nằm sát bờ biển tạo điều kiện thuận lợi cho những khách ở xa cần lưu trú dài ngày. Sắp tới đây khi quần thể nghỉ dưỡng FLC tại biển Cửa Việt hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ là một điểm nhấn mới cho du lịch biển của huyện nhà.
Để phát huy được thế mạnh đó, trong thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các cơ quan liên quan chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát các bãi tắm, điểm tắm trên địa bàn, khuyến cáo, cắm biển báo cho người dân và du khách không tắm tại các nơi nguy hiểm; các bãi tắm đều có đài quan sát trên cao để tiện theo dõi, giám sát các hoạt động tại bãi tắm; thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, kịp thời cảnh báo cho du khách và nhân dân địa phương có phương án tránh trú an toàn, đảm bảo tính mạng và tài sản cho du khách và nhân dân địa phương. Huyện cũng đã chỉ đạo trực tiếp cho Ban Quản lý bãi tắm Cửa Việt, Gio Hải, Trung Giang thường xuyên theo dõi sát sao các hoạt động vui chơi, tắm biển nhất là các ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ. Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động lao động để làm sạch, đẹp môi trường biển như thu gom rác thải, chai nhựa, túi nilon… nghiêm cấm các đơn vị kinh doanh tại bãi biển thải rác trực tiếp ra môi trường, có phương án xử lý, thu gom rác thải và than củi (những hoạt động đốt lửa trại) nhằm tạo cảnh quan, môi trường sạch, đẹp.
Đối với các công ty du lịch, huyện yêu cầu các đơn vị này nghiêm túc thực hiện quy định về quy chế quản lý các bãi tắm du lịch, kiểm tra, rà soát, nâng cấp, bổ sung và thay thể các trang thiết bị xuống cấp, đảm bảo cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ thuật nghề và thái độ ứng xử văn minh cho đội ngũ lao động, bố trí lực lượng bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn và nhân viên y tế thường trực để xử lý các tình huống, sự cố có thể xảy ra.
Tiềm năng tại các bãi tắm là rất lớn, tuy nhiên qua thời gian hoạt động công tác quản lý tại các bãi tắm còn tồn tại một số hạn chế như:
Thứ nhất, một số bãi tắm hình thành một cách tự phát, chưa có sự quản lý và khai thác phù hợp, chính vì vậy dẫn đến tình trạng du khách không hài lòng với một số dịch vụ tại các bãi tắm.
Thứ hai, biên chế đội ngũ tại các Ban Quản lý bãi tắm ít, đơn cử như tại Ban Quản lý bãi tắm Cửa Việt chỉ có 3 người. Vì vậy sẽ dẫn đến những khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động tại bãi tắm nhất là vào những ngày đông du khách.
Thứ ba, một số bãi tắm chưa hoàn thiện và triển khai đồng bộ các thiết chế quy định tại các bãi tắm như chưa cắm biển nội quy, chưa cắm cờ hiệu phao tiêu giới hạn vùng tắm biển và cảnh báo du khách trong trường hợp biển động, chưa lắp đặt biển báo “Cấm tắm biển” tại các khu vực chưa có sự quản lý.
Thứ tư, mặc dù Ban Quản lý tại các bãi tắm luôn triển khai nhiều biện pháp để làm sạch môi trường, giữ gìn vệ sinh tại các bãi tắm hướng đến xây dựng các bãi tắm ngày càng sạch, đẹp, tuy nhiên vẫn còn tình trạng mất vệ sinh, an ninh trật tự. Hiện tượng chèo kéo, bán hàng rong ép khách du lịch vẫn còn diễn ra ở các bãi tắm, nhất là vào mùa cao điểm.
Thứ năm, công tác xúc tiến quảng bá còn nhiều hạn chế, chưa bài bản, chưa chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao, mới chỉ dừng lại ở phạm vi nhỏ hẹp ở trong tỉnh, du khách ở các tỉnh xa chưa biết nhiều về các bãi tắm của huyện, chưa thu hút được nhiều khách du lịch nước ngoài.
Để các bãi tắm phát huy hiệu quả hướng đến phát triển du lịch biển mang tính chuyên nghiệp hơn, cần phải thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác quản lý tại các bãi tắm tiến đến hạn chế các bãi tắm tự phát. Sớm triển khai phương án “Quản lý và khai thác các bãi tắm” mà huyện Gio Linh đã xây dựng nhằm mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ biển, thu hút nguồn vốn từ mọi thành phần kinh tế để đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất hạ tầng bãi tắm, tổ chức chỉnh trang lại các hộ kinh doanh dịch vụ đúng quy hoạch, quy định, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh bãi tắm ổn định và phát triển.
Hai là, tăng cường thêm số lượng biên chế tại các Ban Quản lý bãi tắm, nhất là ở những bãi tắm với số lượng du khách đông như bãi tắm Cửa Việt. Tổ chức tập huấn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn, kỹ năng phản ứng nhanh để kịp thời xử lý những sự cố trên biển. Ngoài ra, Ban Quản lý các bãi tắm cần chủ động đề xuất với các tổ chức, đoàn thể ở địa phương có sự phối kết hợp trong giám sát, kiểm tra các hoạt động tại bãi tắm nhất là vào các dịp đông du khách.
Ba là, hoàn thiện và triển khai đồng bộ, đầy đủ các thiết chế, quy định tại các bãi tắm hướng đến xây dựng các bãi tắm hiện đại và chuyên nghiệp hơn. Cắm đầy đủ các biển nội quy tại các bãi biển, cắm cờ hiệu phao tiêu giới hạn vùng tắm biển, có biển báo để cảnh báo du khách khi biển động, ở những khu vực chưa được khai thác để tránh các trường hợp rủi ro có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của du khách và nhân dân địa phương.
Bốn là, Ban Quản lý các bãi tắm cần có sự kết hợp với các tổ chức, đoàn thể và các hộ kinh doanh ở khu vực bãi tắm luôn giữ gìn vệ sinh, hướng đến xây dựng các bãi tắm ngày càng xanh, sạch, an toàn. Đặc biệt kêu gọi nhân dân trên địa bàn thường xuyên dọn dẹp chung tay để giữ gìn vệ sinh môi trường biển. Quản lý chặt chẽ những người bán hàng rong đưa hoạt động này đi vào trật tự theo phương châm “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
Năm là, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá về các bãi tắm của địa phương. Tổ chức quảng bá hình ảnh thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Chọn lọc những hình ảnh đẹp đưa lên trang web của Trung tâm xúc tiến và đầu tư tỉnh, đặt tờ rơi tại các khách sạn, quảng bá trên các trang áp phích điện tử để giới thiệu với du khách gần xa.
Phát triển du lịch biển đang là thế mạnh của Quảng Trị nói chung và Gio Linh nói riêng. Đẩy mạnh phát huy lợi thế ở các bãi tắm đang là hướng đi đúng đắn và hiệu quả. Hi vọng trong một tương lai không xa, các bãi tắm ở địa phương sẽ là những điểm đến lý tưởng của du khách, trở thành một mũi nhọn trong chiến lược phát triển về du lịch biển của tỉnh nhà./.