Những kết quả bước đầu về ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị

Thứ năm - 14/05/2020 07:56
ThS. Lê Thị Tường Anh
Khoa Nhà nước và pháp luật
 
   Công nghệ sinh học trong nông nghiệp là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống với sự kết hợp giữa quy trình nghiên cứu và thiết bị kỹ thuật nhằm tạo ra các quy mô công nghệ khai thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật nhằm sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng cao, phục vụ cho nhu cầu và lợi ích của con người. Bên cạnh đó, giúp phát triển kinh tế - xã hội và các sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng hiện nay. Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp được coi là bước đột phá để xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nhằm tạo ra giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
   Thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW, ngày 4/3/2005 của Ban Bí thư  Trung ương Đảng, Chỉ thị 06-CT/TU ngày 01/8/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “ về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, huyện Đakrông đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, qua 15 năm triển khai thực hiện trên địa bàn huyện đã đem lại một số kết quả đáng khích lệ.
   Thông qua ứng dụng công nghệ sinh học đã tiến hành nghiên cứu khảo nghiệm các giống cây trồng mới có năng suất chất lượng cao thích ứng được biến đổi khí hậu như các giống lúa chất lượng cao: Thiên ưu 8, RVT, HT1, HN6; các giống ngô nếp: HN88, HN68, HN89, MX10; các giống ngô lai: CP333, CP888, LVN 10, HN45; các giống đậu xanh mới: ĐX208, ĐX044; giống lạc L14, L23, L27; nhiều mô hình trồng trọt chăn nuôi được triển khai thực hiện tại huyện như mô hình canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vụ đông xuân 2019-2020 tại thôn Na Nẫm, xã Triệu Nguyên. Mô hình trồng bời lời đỏ rất hợp với điều kiện tự nhiên tại các xã Húc Nghì, Tà Rụt, A Vao, A Ngo, A Bung. Mô hình trồng cây chuối tiêu hồng nuôi cấy mô, trồng cây chanh leo quả tím, trồng cây mít thái.  Mô hình gà thả vườn  tại xã Đakrông. Mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản, nuôi lợn nái sinh sản và mô hình nuôi lợn thịt F1. Xây dựng các mô hình trồng cỏ Va06 hay còn gọi là cỏ Vaisme số 06 là giống cỏ được lai tạo giữa 2 giống cỏ Voi và cỏ Đuôi Sói của Châu Mỹ làm thức ăn chăn nuôi cho đàn trâu, bò tại các xã Hướng Hiệp, Triệu Nguyên đã phát huy hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác và tận dụng lợi thế và thế mạnh của địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân. Đặc biệt đã ứng dụng chế phẩm sinh học BIMIX trong chăn nuôi; ứng dụng các chế phẩm sinh học BIMA, Bio trùn quế, Bio Lân Đạm và chế phẩm sinh học BIONEMA trong trồng trọt. Việc sử dụng các chế phẩm sinh học ngoài việc bổ sung nguồn dinh dưỡng giúp cây trông, vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao thì còn hạn chế được sự phát triển của vi sinh vật trong chất thải chăn nuối gây hại cho môi trường, góp phần giảm chi phí thú y, tăng hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường sức khỏe của cộng đồng.
   Tuy nhiên, là huyện nghèo thuần nông, khó khăn về nguồn vốn đầu tư, mặc dù UBND huyện đã tranh thủ, lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ thực hiện chính sách của Trung ương và của tỉnh trên địa bàn huyện để đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ một số ngành và lĩnh vực cấp thiết, quan trọng như nông nghiệp, nhưng thiếu đồng bộ, còn chắp vá, hiệu quả chưa cao. Thiếu kinh phí tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất nghiên cứu, xây dựng đề tài dự án khoa học và công nghệ, nhân rộng các mô hình thực nghiệm thành công đưa vào sản xuất. Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ chủ yếu từ ngân sách nhà nước, mức đầu tư thấp chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế nguồn vốn cần thiết cho hoạt động này trên địa bàn. Trong khi khó huy động được các nguồn vốn trong xã hội (người dân, doanh nghiệp) vì doanh nghiệp tham gia lĩnh vưc nông nghiệp trên địa bàn ít, nhỏ lẻ, năng lực tài chính còn nhiều hạn chế, chưa quan tâm trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chưa phát huy được công tác tham mưu của các tổ chức tư vấn về khoa học và công nghệ như: Hội Khoa học kỹ thuật và Làm vườn; Hội đồng Khoa học và Công nghệ. Các bộ làm công tác này chủ yếu là kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động còn ít, thường xuyên thay đổi nhân sự do luân chuyển, điều động nhận công tác mới, trong khi chưa có cán bộ chuyên trách phụ trách tham mưu lĩnh vực. Một bộ phận nông dân  còn mang nặng tư duy sản xuất nhỏ, trông chờ, ỷ lại, chậm thích nghi với tiến trình phát triển  tiến bộ khoa học và công nghệ; ngại đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất
   Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của huyện trong thời gian tới thì cần tăng cường công tác phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, thực hiện Chỉ thị số 06- CT/TU ngày 01/08/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa về nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân trong toàn huyện về vai trò, vị trí của khoa học và công nghệ nói chung và công nghệ sinh học nói riêng, để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Kiện toàn và duy trì hoạt động có hiệu quả các tổ chức tư vấn về khoa học và công nghệ như: Hội Khoa học Kỹ thuật và Làm vườn huyện, Hội đồng khoa học và công nghệ để thực hiện tốt công tác tư vấn về khoa học và công nghệ. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các tổ chức tư vấn với các ngành chức năng để tham mưu hiệu quả hơn cho huyện công tác ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống. Lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất để đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong khâu giống, chế biến thức ăn chăn nuôi, bảo vệ môi trường. Kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất, dịch vụ nông nghiệp. Huy động nguồn vốn ngoài xã hội ( của người dân, doanh nghiệp) đầu tư ứng dụng, xây dựng mô hình về giống, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, hướng đến mục tiêu sản xuất hàng hóa xuất khẩu của địa phương. Xây dựng đề án đào tạo đội ngũ cán bộ công chức làm công tác khoa học và công nghệ cấp huyện, cấp xã; xây dựng và bố trí biên chế chuyên trách có chính sách đãi ngộ hỗ trợ thu hút cán bộ, chuyên gia giỏi về công tác tại huyện.
   Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất đang là một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Thông qua việc ứng dụng công nghệ sinh học huyện đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, xây dựng được các mô hình sản xuất nông nghiệp điển hình có giá trị phục vụ tốt cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây