Đời sống văn hóa ở cơ sở là toàn bộ các sinh hoạt văn hóa diễn ra ở cơ sở, là đời sống văn hóa diễn ra ở cộng đồng gia đình, bản, xóm, ấp, doanh nghiệp, cơ quan, bệnh viện, trường học… Đặc điểm cơ bản của đời sống văn hóa cơ sở là các hoạt động văn hóa diễn ra gắn liền với sinh hoạt vật chất và tinh thần của cá nhân, cộng đồng trong các mối liên kết thường xuyên, trực tiếp với không gian địa lý nhất định cùng với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và các thiết chế văn hóa nhất định. Mỗi một cộng đồng nói trên tập hợp nhau lại thành một đơn vị cơ sở. Tổ chức hoạt động văn hóa tại trường học chính là tổ chức đời sống văn hóa cơ sở. Tổ chức hoạt động văn nghệ tại trường học là một loại hình hoạt động văn hóa ở cơ sở. Trong hoạt động văn hóa, văn nghệ luôn chứa đựng những định hướng tuyên truyền về chính trị, tư tưởng, đạo dức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, học viên. Xây dựng được đời sống văn hóa cơ sở có chất lượng, hiệu quả sẽ góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đao đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Mấy năm qua, Trường Chính trị Lê Duẩn đã tổ chức nhiều chương trình văn nghệ có chất lượng tốt, thu hút sự tham gia đông đảo cán bộ, giảng viên và học viên. Các chương trình văn nghệ được tổ chức từng năm có nhiều hình thức khác nhau. Trường tổ chức chương trình Hội diễn văn nghệ, khi thì Hội thi văn nghệ; khi thì tổ chức chương trình riêng Liên hoan văn nghệ nhưng cũng có khi lồng ghép vào Hội thi Học viên học giỏi lý luận chính trị…Dù cách thức tổ chức theo hình thức nào đi nữa thì đọng lại sau mỗi chương trình văn nghệ đó chính là sự lan tỏa tình yêu thương đất nước, quê hương; sự thủy chung son sắt với Đảng, Bác Hồ kính yêu; sự kính trọng và tri ân thầy cô giáo; tình hữu nghị, đoàn kết keo sơn, đời đời bền vững giữa nhân dân hai nước Việt Nam- Lào…Sau một chương trình hoạt động văn hóa, văn nghệ, tình cảm của thầy trò, bạn bè, anh em, đồng chí, đồng đội gắn bó hơn, đoàn kết và yêu thương nhau hơn. Đây chính là hiệu ứng của văn hóa, văn nghệ; là sự lan tỏa và thẩm thấu của hoạt động tinh thần mà văn hóa chính là động lực, mục tiêu mà chúng ta đang hướng đến. Trung bình một năm, Nhà trường tổ chức một ngày cho hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên.
Để tiếp tục phát huy hơn nữa tính hiệu quả của các chương trình văn nghệ phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của cán bộ, giảng viên và học viên Nhà trường, tôi có mấy đề xuất sau:
Thứ nhất, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu trong tổ chức điều hành các hoạt động văn nghệ, thể thao chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, của ngành, của địa phương. Sự lãnh đạo này phải được xây dựng thành kế hoạch hoạt động trong năm học, kế hoạch 6 tháng và kế hoạch tháng. Đặc biệt kế hoạch này phải xây dựng trên cơ sở kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; căn cứ vào năm chẵn, năm tròn, năm lẻ của việc tổ chức các ngày lễ lớn của đất nước, của ngành và của địa phương. Căn cứ vào kế hoạch tổng thể trên của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các đơn vị, bộ phận trực tiếp xây dựng và tổ chức thực hiện hoạt động văn nghệ sẽ chủ động lên kế hoạch để có thể định hướng cho các đơn vị tham gia vào hoạt động này.
Thứ hai, huy động tất cả mọi thành viên trong các tổ chức, đơn vị tham gia vào hoạt động văn hóa, văn nghệ do Nhà trường tổ chức. Khi chúng ta vận động không bỏ sót một ai tham gia vào phong trào văn nghệ thì chúng ta đã gắn trách nhiệm của mọi người vào phong trào. Làm được như thế sẽ tránh được trường hợp có những cá nhân thờ ơ, thậm chí có hiện tượng vô cảm với các hoạt động chung, với phong trào của một tập thể, một tổ chức. Những trường hợp cá biệt này họ đã không tham gia vào hoạt động chung rồi nhưng họ lại còn không tiếc những lời chê bai hoạt động chung của phong trào. Một đối tượng quan trọng và không thể thiếu trong hoạt động văn nghệ, thể thao là học viên các lớp đang học tập ở Trường. Sự huy động phải đến với tất cả mọi người. Làm được như vậy, một mặt chúng ta đề cao ý thức trách nhiệm của tất cả các thành viên các đơn vị tham gia văn nghệ, mặt khác, Nhà trường có thể chủ động trong việc xây dựng, lựa chọn, bố trí các tiết mục văn nghệ đa dạng, phong phú của tất cả các đơn vị tham gia vào hoạt động này để có một chương trình hội thi, hội diễn văn nghệ hay, có chất lượng.
Thứ ba, hoạt động văn hóa, văn nghệ muốn có chất lượng và hiệu quả đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa. Xã hội hóa trong xây dựng, biên đạo nội dung chương trình; xã hội hóa trong việc thiết kế kịch bản; và đặc biệt là thực hiện việc xã hội hóa trong đầu tư kinh phí cho hoạt động tập dượt, biểu diễn. Kinh nghiệm những năm qua cho thấy đơn vị nào tham gia hội thi, hội diễn các chương trình văn nghệ được đầu tư từ công tác xã hội hóa mạnh mẽ thì nội dung chương trình cũng như chất lượng biểu diễn rất tốt, được khán giả hết sức khen ngợi, ủng hộ cao. Còn nếu như không thực hiện được việc vận động xã hội hóa đầu tư kinh phí thì chất lượng sẽ hạn chế. Về xã hội hóa hoạt động này, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta khẳng định: “Mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người”
Thứ tư, người làm công tác văn nghệ phải thực sự gắn bó với các đơn vị tham gia hoạt động này. Sự gắn bó này có thể hiểu là nhằm mục đích triển khai kế hoạch, để kiểm tra việc thực hiện kế hoạch và đặc biệt, gắn bó để sẻ chia những khó khăn, vướng mắc. Quảng Trị có 9 huyện, thị xã và thành phố trải dài từ Bắc vào Nam và từ Đông lên Tây, muốn khắc phục sự cách trở đó, người làm công tác văn nghệ phải thực sự sâu sát và gắn bó với phong trào tập luyện của các đơn vị. Người làm công tác này phải liên liên hệ, gắn kết với đội ngũ giảng viên đi giảng ở các huyện và giáo viên chủ nhiệm các lớp. Thông qua đội ngũ này để có thể thu thập thông tin và xử lý thông tin liên quan đến các đơn vị trong hoạt động văn nghệ.
Thứ năm, hoạt động văn nghệ, thể thao sẽ thiếu đi động lực thúc đẩy nếu thiếu đi công tác đánh giá, tổng kết, trao giải thưởng, trao quà lưu niệm. Nhận xét, đánh giá, tổng kết để các tổ chức, đơn vị tham gia hội thi, hội diễn văn nghệ thấy được những thành công mà mình đã đạt được, gặt hái được và cũng nhận ra được những khiếm khuyết để rồi sửa chữa, bổ sung. Đây chính là những bài học và kinh nghiệm quý báu để những người hoạt động trong lĩnh vực này có thể tích lũy cho những chương trình văn nghệ sau này. Những năm qua, sau các chương trình hội thi, hội diễn văn nghệ, Nhà trường luôn thực hiện công tác đánh giá, tổng kết, trao quà lưu niệm hết sức sâu sắc nhưng ngập tràn tiếng cười; nghiêm túc nhưng lại hết sức dí dõm, đáng yêu. Văn hóa, văn nghệ là phải như thế. Để rồi khi ra về mỗi một người đều mang trong mình tâm trạng phấn khởi, vui tươi và xen lẫn vào đó là sự tiếc nuối, chờ đợi đến năm sau.
Cùng với công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, hoạt động văn nghệ, thể thao luôn là hoạt động được mọi người quan tâm, nhất là đối với cán bộ, giáng viên và học viên trẻ của Nhà trường. Hoạt động này một mặt nhằm đáp ứng được phần nào nhu cầu đời sống tinh thần của cán bộ, giảng viên, học viên, mặt khác, chương trình văn nghệ có chất lượng tốt có thể định hướng cho cán bộ, giảng viên và học viên của trường hướng tới cái đúng, cái tốt và cái đẹp trong cuộc sống và công tác.