Hoàng Thị Thu
GV. Khoa LL M-LN, TTHCM
Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, là ngọn cờ đầu trong công tác vận động và giáo dục thế hệ trẻ. Người đã để lại cho chúng ta một hệ thống lý luận và kinh nghiệm về công tác vận động và giáo dục thế hệ trẻ. Trong đó, nổi bật lên là hệ thống các cách thức, biện pháp giáo dục, bồi dưỡng thanh niên. Hiện nay, phương pháp này rất cần thiết đối với sự nghiệp “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”.
Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của thanh niên trong tiến trình cách mạng của Đảng và dân tộc. Năm 1947, trong Thư gửi các bạn thanh niên, Người viết: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do thanh niên”1. Năm 1961, Người lại nói: “Thanh niên là người tiếp sức cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”2. Lịch sử đấu tranh dân tộc và giai cấp từ xưa đến nay, cũng đều cho thấy: “lực lượng nào muốn giành thắng lợi, đều phải “giành giật thanh niên”, kẻ nào lôi kéo được thanh niên, người đó chiến thắng”; “Sự nghiệp cách mạng, sứ mệnh của Đảng thì lâu dài mà cuộc đời của mỗi thế hệ thì ngắn ngủi”. Nhận thức được vấn đề này, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Theo quy luật tự nhiên, già thì phải yếu, yếu thì phải chết. Nếu không có cán bộ mới vào thì ai gánh vác công việc của Đảng”. Vì vậy, chăm lo “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” là một việc rất quan trọng và cần thiết.
Xuất phát từ nội dung, yêu cầu của sự nghiệp bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, đồng thời, căn cứ vào đặc điểm tâm lý, tính cách của lứa tuổi thanh niên Hồ Chí Minh đã đưa ra những “huấn thị” về công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh niên. Có thể khái quát như sau:
Thứ nhất, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên là một quá trình lâu dài, kiên trì.
Hồ Chí Minh nhận thức rõ công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh niên là là quá trình lâu dài và phải kiên trì, không thể thỏa mãn, chủ quan, dừng lại. Bài thơ Nghe tiếng giã gạo của Hồ Chí Minh là ví dụ điển hình về tinh thần rèn luyện kiên trì, bền bỉ của người cách mạng chân chính:
“Gạo đem vào giã bao đau đớn,
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông;
Sống ở trên đời người cũng vậy,
Gian nan rèn luyện mới thành công”3.
Vì vậy, trong giáo dục, bồi dưỡng thanh niên, Người thường khuyên thanh niên phải kiên trì học tập, rèn luyện bản thân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng.
Thứ hai, phải đưa thanh niên vào rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng.
Khi bàn về giáo dục, bồi dưỡng thanh niên, Lênin từng kịch liệt công kích lối giáo dục bằng lý thuyết suông. Người nói: “Giáo dục thanh niên không phải là nói cho họ nghe những bài diễn văn êm dịu hay là những phép tắc đạo đức. Không phải coi đó là giáo dục… Chúng ta không tin vào việc rèn luyện, giáo dục, học tập nếu những việc đó chỉ đóng khung trong nhà trường và tách rời cuộc sống sôi nổi”4. Tiếp thu quan điểm trên, Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn, lời nói với việc làm, giữa giáo dục với hoạt động xã hội. Người nói: “Giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với những cuộc đấu tranh xã hội”, “Đạo đức cách mạng không phải trên trờ sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”, “Phải đưa thanh niên vào rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng”. Đó không phải chỉ là giáo huấn mà cũng là kinh nghiệm, bài học rút ra từ thực tiễn hoạt động động của Người. Năm 1925, tại Quảng Châu, để hồi sinh dân tộc, Người trước hết thức tỉnh thanh niên, mở lớp huấn luyện, ra sách báo, đưa thanh niên vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, rồi đem họ về nước, đi “vô sản hóa”, lao mình vào thực tế đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, từ thực tiễn đấu tranh mà trở thành những chiến sĩ cách mạng chân chính, những lãnh tụ của phong trào.
Thứ ba, phát huy vai trò của các chủ thể trong giáo dục, bồi dưỡng thanh niên.
Trong giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất chú ý đến việc phát huy vai trò các chủ thể của công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh niên. Người thường chú ý đến giáo dục, rèn luyện thanh niên thông qua phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người cho rằng: “Muốn giáo dục nhân dân, làm cho mọi người đều tốt cả thì cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục và rèn luyện hàng ngày”5. Bên cạnh đó, Người còn quan tâm giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện thanh niên thông qua phát huy vai trò của cơ quan tuyên huấn, cán bộ tuyên huấn. Hồ Chí Minh yêu cầu cơ quan tuyên huấn “Phải uốn cây từ lúc cây non, đừng để cho tâm hồn các cháu bị vẩn đục vì chủ nghĩa cá nhân như thế”6.
Thứ tư, các thế hệ đi trước phải nêu gương mẫu mực cho thanh niên.
Thế hệ trẻ là những người thế nào, có được những phẩm chất gì đều không tách rời công lao giáo dục, bồi dưỡng, tác dụng nêu gương của thế hệ lớn tuổi. Cả thành tích, ưu điểm lẫn thiếu sót và sai lầm của thế hệ đi trước đều in đậm dấu vết lên tâm hồn thế hệ trẻ. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh thường đòi hỏi cao ở các đồng chí già: “Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đỡ cho đồng chí trẻ tiến bộ”7. Người nhắc nhở, muốn thế hệ trẻ trở nên những người tốt thì lớp người lớn tuổi trước hết cũng phải là những người tốt. “Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”8. Điều đó cũng có nghĩa là muốn lớp người thừa kế cách mạng kế tục được lý tưởng và niềm tin của cha anh, thì lớp cha anh, bằng suy nghĩ và hành động, lời nói và việc làm, phải là hiện thân sinh động và trong sáng của lý tưởng và niềm tin đó.
Thứ năm, phải đề cao quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện của thanh niên.
Thấm nhuần quan điểm của Lênin về thanh niên xã hội chủ nghĩa phải “tự giáo dục mình thành những người cộng sản”9, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến khâu tự giáo dục, tự rèn luyện của thanh niên. Người nói: “Muốn được thích hợp với tình thế, muốn cùng tiến hay vượt các bạn khác, ta cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng”10. Theo quan điểm Hồ Chí Minh, tự giáo dục là thể hiện trình độ làm chủ bản thân của từng con người, thể hiện khả năng kiềm chế và tự điều chỉnh của mỗi người trong cuộc sống; tự giáo dục là biết soi mình trong tấm gương của người cộng sản lỗi lạc, những điển hình tiên tiến trong xã hội để mà học tập; tự giáo dục còn thể hiện ở việc biết sử dụng vũ khí phê bình và tự phê bình để tiến bộ mãi. Hồ Chí Minh là một tấm gương ngời sáng về tự giáo dục, tự rèn luyện, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhờ đó mà vượt lên, vượt lên các bậc tiền bối, vượt xa trình độ chung của thế hệ mình, trở thành thiên tài của dân tộc, chiến sĩ quốc tế lỗi lạc.
Thực hiện lời dạy của Người, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đào tạo bồi dưỡng thế hệ trẻ, coi đó là vấn đề then chốt trong chiến lược con người. Quan điểm này luôn được thể hiện rõ ràng trong các nghị quyết, văn kiện cũng như trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên trên thực tiễn của Đảng và thể hiện tính khoa học, mang tầm chiến lược sâu sắc. Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới đất nước cho thấy, công tác giáo dục, rèn luyện thanh niên đem lại những thành tựu quan trọng, nổi bật: Nhiều thế hệ cách mạng đã nhanh chóng trưởng thành, đóng góp công lao to lớn vào sự phát triển của dân tộc. Thanh niên đã và đang chứng tỏ bản lĩnh, sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm của mình. Họ đang ra sức tu dưỡng, học tập và rèn luyện về mọi phương diện, để cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong những năm qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phát động được nhiều phong trào có ý nghĩa giáo dục lớn, tiêu biểu như: “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện”… Những hoạt động này đã khuấy động được phong trào thanh niên và có tiếng vang trong xã hội. Từ những phong trào này, thanh niên Việt Nam được trưởng thành về mọi mặt: phẩm chất chính trị, trình độ văn hóa, đạo đức cách mạng. Qua đó khơi dậy những tiềm năng to lớn của tuổi trẻ, tạo cơ hội, môi trường để thanh niên đóng góp sức lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, nhìn chung công tác giáo dục thanh niên trong thời gian qua còn gặp một số hạn chế, yếu kém. Nhiều tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đúng và đầy đủ tầm quan trọng của công tác giáo dục thế hệ trẻ, nhất là trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi. Vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong chăm lo, giáo dục thanh niên chưa được như mong muốn, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng… Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân chủ yếu sau: Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên chưa làm tốt trách nhiệm chăm lo, giáo dục và phát huy vai trò của thanh niên; Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể còn thiếu chặt chẽ; Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, chưa là tấm gương để thế hệ trẻ học tập và noi theo; Nội dung, hình thức dạy và học các môn lý luận chính trị, đạo đức, lối sống chưa thực sự phù hợp với từng đối tượng thanh niên…
Vì vậy, việc vận dụng phương pháp giáo dục của Hồ Chí Minh trong công tác giáo dục thanh niên hiện nay là vô cùng cần thiết, trong đó cần tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, cần nhận thức đúng, đầy đủ tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác giáo dục thanh niên, từ đó xác định trách nhiệm của chủ thể tham gia công tác giáo dục thanh niên (bao gồm các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và toàn xã hội).
Công tác giáo dục thanh niên là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, quan trọng, đòi hỏi có sự quan tâm đầu tư thích đáng. Đầu tư cho giáo dục, trong đó có giáo dục thanh niên là đầu tư cho tương lai của đất nước. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, của các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình và toàn xã hội. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và vận động toàn xã hội thấy được ý nghĩa, vai trò, sự cần thiết của công tác giáo thanh niên; nhìn nhận đúng thế mạnh, cũng như những hạn chế vốn có của thanh niên Việt Nam, từ đó đổi mới nội dung, phương thức giáo dục thanh niên phù hợp.
Hai là, không ngừng đổi mới, hoàn thiện nội dung, hình thức bồi dưỡng, giáo dục thanh thiếu niên.
Về nội dung: Trước hết, cần tập trung đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự trở thành nền tảng tư tưởng và định hướng tình cảm trong thế hệ trẻ Việt Nam. Bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật cho thế hệ trẻ. Không ngừng nâng cao trình độ văn hoá, nắm bắt những tri thức khoa học hiện đại, làm cho thế hệ trẻ biết kết hợp chặt chẽ giữa yêu nước và yêu chế độ xã hội chủ nghĩa trong hành động, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Về hình thức: Đa dạng hóa hình thức giáo dục bồi dưỡng thanh niên phù hợp theo từng độ tuổi, tâm lý. Thường xuyên trao đổi, đối thoại với đoàn viên thanh niên, kịp thời nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội trong thanh thiếu niên, nhất là ở các thành phố lớn và địa bàn nhạy cảm. Kịp thời đấu tranh, phê phán, uốn nắn nhận thức lệch lạc, biểu hiện sai trái trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên. Tổ chức Đoàn, Hội, Đội chủ động phối hợp với nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của hệ thống các nhà văn hoá thanh thiếu niên, trường đào tạo, báo chí, xuất bản của Đoàn trong công tác này. Chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ qua các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ, qua đó, vừa làm công tác giáo dục, vừa phát huy vai trò của lớp trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; đồng thời, tăng cường khả năng đoàn kết, tập hợp thanh thiếu nhi vào tổ chức. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác giáo dục của Đoàn. Phát huy ưu thế, khai thác và sử dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông hiện đại, thành tựu khoa học - công nghệ, nhất là Internet trong công tác giáo dục thanh thiếu niên. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên thanh niên thông qua các chuyến về nguồn, hành trình đến các “địa chỉ đỏ” nhân các ngày lễ lớn của đất nước…
Ba là, không ngừng hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác bồi dưỡng, giáo dục thanh thiếu niên.
Có thể nói cơ sở vật chất chiếm một vai trò quan trọng góp phần nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, giáo dục thanh thiếu niên. Trong thời gian tới, Đảng ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống cơ sở giáo dục - đào tạo, các trung tâm bồi dưỡng thanh thiếu niên, tạo điều kiện tốt nhất để thanh thiếu niên có thể lựa chọn môi trường học tập phù hợp với năng lực, sở trường của mình. Tăng cường chỉ đạo các đơn vị, cơ sở đào tạo chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, văn phòng phẩm và các điều kiện khác góp phần đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả giáo dục thanh thiếu niên. Nghiên cứu biên soạn chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Hội, Đội phù hợp với yêu cầu, tình hình mới. Bố trí thời gian học tập một cách linh hoạt để thanh thiếu niên vừa tập trung học tập, rèn luyện, vừa có thời gian vui chơi, giải trí.
Bốn là, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác giáo dục thanh thiếu niên.
Đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thanh thiếu niên; cùng với nhà trường giáo dục hình thành nhân cách và trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho thế hệ trẻ phát triển toàn diện. Để việc giáo dục gia đình có hiệu quả các bậc cha mẹ cần quan tâm xây dựng một gia đình đầy đủ, toàn vẹn trong đó mọi thành viên có nghĩa vụ và trách nhiệm với nhau. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hoá, ông bà, cha mẹ, anh chị mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hoà thuận, gia đình đoàn kết, thương yêu nhau, bảo vệ cái tốt, cái đúng, chống lại cái xấu, cái ác.
Xây dựng trường học thực sự trở thành trung tâm văn hoá, giáo dục, rèn luyện thanh thiếu nhi; kết hợp hài hoà giữa học chính khoá và ngoại khoá cung cấp kiến thức, kĩ năng sống, qua đó góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ. Tạo điều kiện để các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong trường học phát huy vai trò, ảnh hưởng và tích cực tham gia quá trình giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", các phong trào thi đua yêu nước; tạo điều kiện thuận lợi để thanh thiếu niên tham gia các hoạt động thực tiễn, qua đó rèn luyện, cống hiến, trưởng thành.
Năm là, xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh và phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ Đoàn, đảng viên trẻ tại cơ sở đoàn.
Trước hết, cần tiếp tục xây dựng và củng cố tổ chức cơ sở đoàn vững mạnh, hoạt động có chất lượng nhằm tạo môi trường và nâng cao năng lực tập hợp, giáo dục thanh niên ở cơ sở. Đổi mới nội dung sinh hoạt theo hướng chú trọng tới các vấn đề đoàn viên, thanh niên quan tâm, những nội dung thiết thực tại cơ sở.
Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ đoàn, đảng viên trẻ tại cơ sở đoàn là giải pháp hữu hiệu để thực hiện công tác giáo dục của Đoàn. Mỗi cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên đi trước phải luôn nêu gương về đạo đức, tức là “tự mình phải chính trước mới giúp người khác chính”. Sự nghiệp “trồng người” đòi hỏi những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục thanh niên phải thực sự mô phạm về đạo đức, lối sống: nỗ lực rèn luyện và hoàn thiện nhân cách, thực hiện tốt “nói đi đôi với làm” theo tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời phải là người có trình độ, năng lực chuyên môn giỏi. Vai trò tiên phong, gương mẫu của lực lượng cán bộ Đoàn, đảng viên trẻ sẽ là những tấm gương sáng để thế hệ đoàn viên thanh niên học tập.
Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” nói chung và về phương pháp giáo dục, bồi dưỡng thanh niên nói riêng có nội dung hết sức phong phú và toàn diện. Đó là những chỉ dẫn quý báu để giáo dục, rèn luyện thanh niên. Trong tiến trình cách mạng, nhờ thấm nhuần các quan điểm của Người về phương pháp giáo dục, bồi dưỡng thanh niên, mà lớp lớp các thế hệ thanh niên đã ra sức học tập, rèn luyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục, bồi dưỡng thanh niên vẫn đang soi sáng cho tuổi trẻ Việt Nam vững bước đi lên, xung kích, sáng tạo trong thực hiện thắng lợi phong trào của thanh niên Việt Nam “Thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước”. Đó còn là động lực cho thanh niên Việt Nam vươn tới những đỉnh cao mới, xứng đáng là lực lượng chính trị, đội dự bị tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta./.
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2011, t.5, tr.185
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2011, t.10, tr.488
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2011, t.3, tr.382
4. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M.1978, t.41, tr327
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2011, t.12, tr.530
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2011, t.12, tr.530
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2011, t.10, tr.463
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2011, t.8, tr.74
- V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M.1978, t.41, tr.366
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2011, t.4, tr.28