ThS. Nguyễn Thị Chính
Khoa: Nhà nước và Pháp luật
Công tác thông tin, tuyên truyền có vai trò vô cùng quan trọng, là biểu hiện cụ thể của hoạt động truyền thông đại chúng có sức mạnh lan toả, sự tác động mạnh vào công chúng ở mọi tầng lớp xã hội. Chính vì vậy, làm tốt công tác này sẽ giúp mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được thực hiện phổ biến trong nhân dân, đồng thời thông qua đó kiểm tra được tính đúng đắn, phù hợp của đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kết nối giữa dân với Đảng nhằm củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Theo Từ điển tiếng Việt, thông tin là “truyền tin cho nhau để biết”, tuyên truyền là “phổ biến một chủ trương, một học thuyết, để làm chuyển biến thái độ của quần chúng và thúc đẩy quần chúng hoạt động theo một đường lối và nhằm một mục đích nhất định”. Như vậy, có thể hiểu công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là việc truyền các thông tin về hoạt động của Đảng bộ, chính quyền cơ sở, các quy định để dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra việc tổ chức thực hiện.
Đánh giá được tầm quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền, trong những năm qua, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã chú trọng từ nội dung đến hình thức, phương pháp thông tin, tuyên truyền nhằm đưa thông tin đến với người dân nhanh chóng và kịp thời nhất. Nội dung chủ yếu là phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các thông tin liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở, các thông tin về hoạt động sản xuất của người dân trên địa bàn, thông tin về các buổi họp dân… Hình thức thông tin, tuyên truyền thực hiện chủ yếu như sau:
-Thông tin, tuyên truyền bằng tin tức (đài truyền thanh, các buổi sinh hoạt cộng đồng)
-Thông tin, tuyên truyền bằng lời nói trực tiếp (phổ biến giải thích chế độ chính sách, pháp luật; phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, chăn nuôi, trồng trọt; đối thoại trực tiếp…)
-Thông tin, tuyên truyền bằng hình thức trực quan (bảng tin, khẩu hiệu, tranh ảnh, mô hình…)
-Thông tin, tuyên truyền bằng hình thức văn nghệ.
Trong các hình thức đó, hình thức chủ yếu được thực hiện chính là thông tin, tuyên truyền thông qua hình thức cổ động trực quan như băng rôn, pa nô, appich, loa phóng thanh được trang bị ở khắp các đường làng, ngõ xóm và đây là hình thức phổ biến nhất. Thời gian thông tin phù hợp với nhiều đối tượng, thông thường là lúc 5h – 5h30 phút và 17h – 17h30 phút trong ngày để nhân dân được biết. Một kênh khác để truyền thông tin đến với nhân dân đó chính là qua các trưởng thôn, trưởng xóm, họ là những người sẽ truyền đạt lại cho cụm dân cư trong thôn, xóm của mình. Ngoài ra, đa số các xã, thị trấn chọn các khung giờ phù hợp để tổ chức các buổi họp dân tạo điều kiện cho họ tham gia đầy đủ, kịp thời nắm bắt thông tin. Một số thông tin được niêm yết, dán ở trụ sở uỷ ban nhân dân xã, thị trấn hoặc tại các trung tâm học tập cộng đồng ở các thôn để nhân dân biết và thực hiện. Riêng 2 thị trấn của huyện đó là thị trấn Gio Linh và Cửa Việt đặt thêm các bảng thông tin ở những vị trí đông dân. Thông qua các hoạt động văn nghệ vào các ngày lễ lớn, chính quyền cơ sở tổ chức lồng ghép các tiết mục văn nghệ để phổ biến các chủ trương, chính sách. Bên cạnh đó, một số xã bố trí, cắt cử cán bộ ở các hội, chi hội, các cán bộ thôn đến từng gia đình có người tàn tật, người già neo đơn vì khả năng nắm bắt thông tin của họ hạn chế để phổ biến cho họ hiểu và thực hiện.
Xét về mặt ưu điểm, hình thức thông tin, tuyên truyền hiện tại ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gio Linh khá phù hợp. Các hình thức thông tin, tuyên truyền như treo băng rôn, apphich, họp thôn đòi hỏi các cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ phải trực tiếp đi địa bàn, điều đó giúp cán bộ gần dân hơn, nắm bắt tình hình ở cơ sở tạo điều kiện thuận lợi trong công tác về dân vận, trực tiếp giải thích cho nhân dân hiểu về chủ trương của Đảng, tránh hiện tượng nhân dân bị kẻ xấu lợi dụng việc thiếu hoặc hiểu chưa đúng về những chủ trương đó để kích động, lôi kéo. Cán bộ làm công tác thông tin, tuyên truyền ở xã ngày càng được trẻ hoá, có chuyên môn, có điều kiện áp dụng công nghệ thông tin trong tuyền truyền, vận động.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thông tin, tuyên truyền ở các xã, thị trấn còn gặp phải một số hạn chế như sau:
Thứ nhất, đội ngũ phát thanh viên của các xã, thị trấn chưa được đào tạo bài bản nên đôi lúc chưa tròn lời, rõ chữ trong truyền tải một số bản tin trên loa phóng thanh. Một số bản tin phát thanh viên chỉ đọc một đến hai lần nên người nghe chưa kịp hiểu, đặc biệt là các thông tin liên quan đến thời gian, địa điểm để nhân dân tham gia thực hiện.
Thứ hai, hệ thống loa truyền thanh ở một số thôn, xóm tại một số địa phương có dấu hiệu hư hỏng, chất lượng kém, nghe không rõ hoặc nghe không liền mạch khiến nhân dân nắm bắt các thông tin không rõ ràng.
Thứ ba, trên địa bàn thiếu các bảng thông tin, tuyên truyền. Hiện tại, bảng thông tin chỉ được đặt ở trụ sở của Uỷ ban nhân dân xã. Hầu hết, trong suy nghĩ của nhân dân, trụ sở là nơi cơ quan công quyền, người dân chỉ đến khi có việc gì cần thiết, rất hiếm các trường hợp nhân dân đến trụ sở uỷ ban để đọc thông tin.
Thứ tư, chưa phát huy hết hiệu quả của các hình thức thông tin, tuyên truyền. Hình thức chủ yếu là thông qua loa phát thanh. Thực tế trên địa bàn một số xã có một số bộ phận dân cư họ đi làm ăn xa, thông thường từ 3 đến 5 ngày mới trở về nên một số thông tin qua loa phóng thanh họ không nắm bắt được.
Thứ năm, đa số các xã chưa chú trọng đến nội dung thông tin về tình hình phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Thông tin chủ yếu vẫn là là những thông tin từ cấp trên đưa về, thiếu những thông tin trao đổi về những cái mới, cái hay, cái đột phá trong phát triển kinh tế giữa các xã, các vùng trên địa bàn huyện.
Để công tác thông tin, tuyên truyền trên địa bàn các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đạt hiệu quả cao góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của các cấp uỷ đảng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, tư tưởng tại địa phương cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ phát thanh viên bởi chất lượng của đội ngũ này hết có ảnh hưởng lớn đến chất lượng thông tin, tuyên truyền, đặc biệt những thông tin mang tính chất dân vận. Chính vì vậy, Đảng uỷ các xã, thị trấn tạo điều kiện cho họ được học tập nâng cao chuyên môn phục vụ tốt hơn cho công việc.
Thứ hai, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống loa truyền thanh. Con người là nhân tố quyết định cho sự thành công của mọi việc nhưng nếu cơ sở vật chất không đảm bảo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công việc, điều này đặc biệt đúng với công tác thông tin, tuyên truyền. Uỷ ban các xã, thị trấn nên thường xuyên cử người đi kiểm tra hệ thống loa đài ở các đường thôn, ngõ xóm để sửa chữa kịp thời khi hỏng hóc.
Thứ ba, bố trí đặt thêm các bảng thông tin tại hội trường các thôn, các đội hay trong địa bàn khu dân cư thông qua việc đầu tư, kêu gọi của các các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Nội dung các bảng thông tin phải phong phú, đa dạng, kịp thời để nhân dân nắm bắt. Ngoài ra, Đảng uỷ xã phải cắt cử, bố trí cán bộ đi địa bàn, gần gũi dân hơn, phải thấm nhuần với lời dạy của chủ tịch Hồ Chí minh, người cán bộ phải “óc nghĩ, mắt trong, tay nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Thứ tư, đa dạng hoá các hình thức thông tin, tuyên truyền, phối kết hợp các hình thức thông tin, tuyên truyền, phát huy tối đa tác dụng của các loại hình thông tin để đưa thông tin đến với mọi người dân. Bên cạnh loa phóng thanh, bảng tin, họp dân … cần phát huy loại hình thông tin, tuyên truyền bằng văn bản.
Thứ năm, các xã nên chú trọng về các thông tin liên quan đến tình hình phát triển kinh tế, sản xuất của xã, học hỏi cách làm hay, các mô hình hiệu quả từ các xã, vùng lân cận có điều kiện tương đồng với địa phương mình để tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế.
Có thể khẳng định rằng, công tác thông tin, tuyên truyền có vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay. Nếu thông tin đến với người dân chậm, không kịp thời hay người dân không biết được các quy định, chủ trương mới thì sẽ không thực hiện hoặc sẽ thực hiện sai gây lãng phí cho nhân dân thậm chí gây hậu quả cho xã hội. Đặc biệt, với sự phát triển của mạng xã hội, thông tin đến với nhân dân rất nhanh, bên cạnh những thông tin chính thống vẫn còn những thông tin chưa chính thống gây hoang mang trong dư luận. Điều đó yêu cầu công tác thông tin ở cơ sở cần phải có các giải pháp để nâng cao chất lượng thông tin đến với người dân trên địa bàn của mình. Quan tâm đầu tư cho công tác này chính là quan tâm đầu tư cho sự ổn định và sự phát triển bền vững của địa phương./.