Góp phần nâng cao chất lượng diễn đàn sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ Trường Chính trị Lê Duẩn

Thứ tư - 05/12/2018 08:08
 
TS. Dương Hương Sơn
Phó Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Phòng TC – HC – QT
          Diễn đàn sinh hoạt chi bộ là một hình thức sinh hoạt chi bộ mới được Tỉnh uỷ Quảng Trị chủ trương, yêu cầu thực hiện đối với các tổ chức cơ sở Đảng. Trên cơ sở đánh giá việc thực hiện tổ chức diễn đàn sinh hoạt tại các Chi bộ thuộc Đảng bộ Trường Chính trị Lê Duẩn, bài viết đề xuất một số kiến nghị để nâng cao chất lượng diễn đàn sinh hoạt của các Chi bộ Nhà trường cho những lần tiếp theo.
          Khởi đầu của việc tổ chức diễn đàn sinh hoạt chi bộ là việc đưa nội dung thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW vào sinh hoạt chi bộ một cách thiết thực và có hiệu quả. Trên tinh thần đó, ngày 22/3/2017 Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành kế hoạch số 47-KH/TU, về tổ chức diễn đàn với chủ đề: “Vai trò của chi bộ Đảng trong việc giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” trong nội bộ”. Việc tổ chức diễn đàn sinh hoạt đã được tiến hành thí điểm, sau 03 tháng bắt đầu nhân rộng (từ tháng 5-8/2017) và có hướng dẫn khá cụ thể (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 36-HD/BTGTU ngày 17-7-2017 nêu rõ các bước tiến hành Diễn đàn và đưa kết quả Diễn đàn vào sinh hoạt thường xuyên của chi bộ). Trên cơ sở đó, các đảng ủy cơ sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các chi bộ về nội dung và hình thức tổ chức, từ trang trí, hội trường, khách mời... Đầu tháng 8-2017, Diễn đàn sinh hoạt chi bộ được triển khai trong toàn tỉnh.
          Thực hiện Hướng dẫn của Đảng uỷ khối Các cơ quan tỉnh, đến nay các Chi bộ thuộc Đảng bộ Trường Chính trị Lê Duẩn đã tổ chức 03 diễn đàn sinh hoạt chi bộ, đó là các diễn đàn sinh hoạt: “Vai trò của chi bộ Đảng trong việc giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” trong nội bộ”; "Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và “Mạng xã hội – quan điểm cá nhân và trách nhiệm của đảng viên”. Có thể khẳng định, chủ trương của Tỉnh uỷ Quảng Trị thực hiện diễn đàn sinh hoạt chi bộ là một hình thức sinh hoạt mới, mang “dáng dấp” của sinh hoạt chuyên đề nhưng được tiến hành một cách bài bản, công phu và có sự chuẩn bị chu đáo. Diễn đàn sinh hoạt chi bộ đã tạo ra một không khí mới trong sinh hoạt của đảng viên, không ngừng giúp đảng viên nhận thức sâu các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, đồng thời qua đó tạo điều kiện để tất cả đảng viên sinh hoạt tham gia góp ý, phát biểu chính kiến của mình về các vấn đề được tổ chức tại diễn đàn. Qua việc tổ chức diễn đàn sinh hoạt chi bộ, có thể đánh giá một số kết quả đã đạt được:
          Thứ nhất, các chủ trương, Nghị quyết của Đảng được quán triệt sâu, rộng đến toàn thể đảng viên. Ngoài kênh quán triệt theo mô hình thông qua báo cáo viên, đảng viên thường thụ động trong việc tiếp thu Nghị quyết, thì diễn đàn sinh hoạt là kênh mà đảng viên tự chủ động nghiên cứu sâu các chủ trương, Nghị quyết. Qua các lần tổ chức diễn đàn sinh hoạt chi bộ tại các Chi bộ đã giúp cán bộ, đảng viên nhận thức được sâu sắc hơn về các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự suy thoái”; về phẩm chất đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà đảng viên phải học tập; về kiến thức sử dụng mạng xã hội và trách nhiệm của cán bộ đảng viên trong việc sử dụng mạng xã hội. Chỉ lấy đơn cử về việc chia sẽ thông tin trên các trang mạng xã hội, không phải đảng viên nào cũng nắm bắt được các quy định của Nhà nước, quy định của Đảng nên vô tình tiếp tay cho các thế lực xấu khi nhấn “like” nhấn “share”. Chính qua diễn đàn, nhiều đảng viên đã hiểu rõ hơn, thậm chí nhận diện tốt bản chất để có biện pháp đấu tranh có hiệu quả. Đồng thời, trên cơ sở những nhận thức đó đó, đảng viên tự xây dựng cho mình kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; phê bình các biểu hiện tiêu cực “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức lối sống; phản bác lại các luận điệu sai trái đi ngược với lợi ích của Đảng, của dân tộc.
          Thứ hai, thông qua diễn đàn sinh hoạt chi bộ, Cấp uỷ đúc kết, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác tư tưởng. Trên cơ sở những nội dung đã được đảng viên tìm hiểu; những trường hợp được đảng viên phân tích, đánh giá, góp ý cụ thể là cơ sở để Cấp uỷ đưa ra các kết luận mang tính chất định hướng, bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giúp chi bộ thực hiện tốt các nội dung Nghị quyết 04-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
          Thứ ba, việc tổ chức diễn đàn sinh hoạt đã tạo không khí dân chủ, cởi mở, thẳng thắn để mỗi đảng viên tự giác soi mình, thảo luận, trao đổi, không nặng về phê bình, chỉ trích nhau, tạo được sự đồng thuận và quyết tâm của đảng viên; là cơ sở để đảng viên thể hiện tính chiến đấu của mình trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp tiếng nói của mình vào việc thực hiện chủ trương, Nghị quyết của các cấp uỷ Đảng.
Thứ tư, diễn đàn sinh hoạt là hình thức để góp ý lẫn nhau tốt hơn, thông qua những ý kiến, góp ý thẳng thắn mà thân tình trên nguyên tắc tự phê bình và phê bình với tinh thần xây dựng nên đảng viên dể tiếp thu, tiếp nhận và khắc phục khuyết điểm.
          Tuy vậy, nếu không có sự chuẩn bị chu đáo cả cách thức tổ chức, nội dung đến thời gian tiến hành, diễn đàn dễ rơi vào hình thức, qua loa. Để diễn đàn sinh hoạt chi bộ tránh hình thức, đi vào thực chất hơn và nâng cao chất lượng tại các diễn đàn sinh hoạt theo tôi cần phải chú trọng vào một số vấn đề sau:
          Đối với cấp uỷ cấp trên:
          Thứ nhất, cần tăng cường công tác tham gia sinh hoạt của đại diện cấp uỷ cấp trên với các chi bộ tổ chức diễn đàn sinh hoạt. Một mặt, định hướng công tác thảo luận, góp ý đúng trọng tâm, trọng điểm chuyên đề sinh hoạt; định hướng, can thiệp khi đảng viên lợi dụng diễn đàn để chỉ trích nhau hoặc gây mất đoàn kết nội bộ. Mặt khác, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện diễn đàn sinh hoạt của cấp dưới đảm bảo tính thực chất, tránh hình thức, qua loa.
          Thứ hai, cần có đánh giá, tổng kết để nhân rộng cách làm hay, mô hình điển hình để phổ biến cho các chi bộ cơ sở. Hiện tại, Hướng dẫn số 36-HD/BTGTU ngày 17-7-2017  của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã khá chi tiết các bước, cách thức tiến hành cho đến kết luận và xây dựng nghị quyết thực hiện sau khi tổ chức diễn đàn, tuy vậy về mức độ và quy mô, hướng dẫn này phù hợp với những chi bộ có số lượng đảng viên đông, trình độ nhận thức đảng viên đồng đều, còn đối với các chi bộ số lượng đảng viên ít, trình độ nhận thức không cao rất khó tổ chức diễn đàn, nếu tổ chức cũng khó đạt hiệu quả. Ngoài ra, nhiều chi bộ vẫn đang vừa tiến hành tổ chức vừa tự rút kinh nghiệm nên vẫn thiếu nhất quán trong việc tổ chức diễn đàn cả về cách thức, nội dung và thời gian tiến hành.
          Đối với cấp uỷ và chi bộ tổ chức diễn đàn sinh hoạt:
          Thứ nhất, cấp uỷ cần có sự thống nhất cao, có sự chuẩn bị chu đáo về mặt nội dung, phân công cụ thể công việc trong cấp uỷ và phân công đến từng đảng viên tham gia tổ chức diễn đàn. Để tổ chức diễn đàn sinh hoạt chi bộ thành công đòi hỏi phải chủ động, chu đáo thực hiện trong nhiều khâu, nhiều nội dung. Qua thực tế tổ chức diễn đàn sinh hoạt tại các chi bộ thuộc Đảng bộ nhà trường cho thấy muốn tổ chức thành công một diễn đàn sinh hoạt chi bộ, cần làm tốt một số nội dung sau:
          Trước hết đó là sự chuẩn bị tốt về mặt kịch bản diễn đàn. Muốn xây dựng được kịch bản tốt đòi hỏi đồng chí Bí thư chi bộ phải nghiên cứu chuyên sâu về nội dung, chuyên đề tổ chức diễn đàn, từ đó xây dựng đề cương để đưa ra trao đổi, thống nhất tại cấp uỷ chi bộ. Xác định rõ những nội dung trọng tâm để trao đổi, thảo luận nhằm làm nổi bật ý của chủ đề diễn đàn. Ví dụ, với các biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hoá” trong nội bộ, hay vấn đề “xây dựng tác phong, phong cách công tác của người đứng đầu”, hay vấn đề “mạng xã hội” thì xác định các nguy cơ cao các biểu hiện suy thoái ở những cán bộ, đảng viên nào; xây dựng tác phong, phong cách công tác của người đứng đầu ở chi bộ cụ thể là ai? Ai, cán bộ, đảng viên nào thường sử dụng mạng xã hội?... Nói cách khác, việc xác định nội dung trao đổi, thảo luận tại diễn đàn phải mang tính cụ thể, thực tế, phù hợp mà không mang tính chất hô hào, uyên bác hay quá rộng.
          Thứ hai, sau khi thống nhất về kịch bản, việc quan trọng không kém đó chính là việc phân công (trong diễn đàn gọi là phân vai) để thực hiện các nội dung của kịch bản đề ra. Trong việc phân vai, đa số các diễn đàn được tổ chức tại Trường thì Bí thư chi bộ là người chủ trì diễn đàn và cán bộ, đảng viên là các thành viên với các tư cách khác nhau như: tham luận, góp ý, trao đổi, phản biện, để làm tròn các vai trong diễn đàn cần lưu ý một số vấn đề:
Người chủ trì diễn đàn cần am hiểu, hoặc có kinh nghiệm về nội dung của diễn đàn, hoặc phải bỏ thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung sinh hoạt nếu không sẽ không định hướng được tham luận, thảo luận, góp ý, dễ dẫn đến lan man, không đúng trọng tâm nội dung, thậm chí có thể bị lệch chủ đề. Đây cũng là cách làm thành công mà Chi bộ Đào tạo – Khoa học với chuyên đề "Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" phân công một đồng chí đảng viên là thạc sỹ chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh chủ trì diễn đàn. Bên cạnh đó, người chủ trì phải là “MC giỏi”, biết điều hành diễn biến của diễn đàn, biết động viên, gợi mở tạo không khí thoải mái để thành viên tham gia diễn đàn mạnh dạn nói lên quan điểm, góp ý của mình nhưng cũng đồng thời phải biết phân bổ thời gian cho các vấn đề, các ý kiến đóng góp, biết định hướng các ý kiến sát, đúng vởi chủ đề trao đổi.
          Đối với thành viên tham gia diễn đàn phải thực hiện tròn vai, phải có sự nghiên cứu sâu những nội dung, vấn đề được phân công. Tất nhiên, quá trình “phân vai” cấp uỷ phải nghiên cứu giao nhiệm vụ cho các đảng viên trên cơ sở các yếu tố như khả năng nhận thức, mức độ am hiểu, trách nhiệm của mỗi đảng viên,… để diễn đàn tiến hành sôi nổi, theo đúng chủ đề đặt ra. Như Chi bộ Liên khoa giao nhiệm vụ tham luận về các kiến thức công nghệ thông tin, mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội cho đồng chí đảng viên là giảng viên, thạc sỹ có trình độ am hiểu sâu về công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội trình bày đã giúp đảng viên chi bộ hiểu sâu hơn về các kỹ thuật, thủ thuật “gài bẫy” của một số trang web đen để từ đó biết cách phòng tránh (trong diễn đàn “Mạng xã hội – quan điểm cá nhân và trách nhiệm của đảng viên”)
          Thứ ba, cần có sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, thời gian thực hiện. Việc tổ chức diễn đàn khác với sinh hoạt bình thường ở chỗ phải thể hiện không khí trang trọng của một diễn đàn. Không khí trang nghiêm giúp đảng viên thể hiện trách nhiệm hơn với ý kiến, góp ý, trao đổi của mình trước chi bộ, khách mời và buộc họ phải có sự đầu tư công sức, suy nghĩ kỹ càng trước khi phát biểu. Bên cạnh đó, thời gian chuẩn bị cũng cần phải quan tâm để đảng viên chuẩn bị tốt nội dung của mình khi được giao nhiệm vụ.
          Thứ tư, sau diễn đàn, cấp uỷ phải tổ chức họp rút kinh nghiệm và thống nhất những kết luận đã được nêu trong diễn đàn để đưa vào kế hoạch hành động và định hướng nội dung cho việc tổ chức diễn đàn ở các lần tiếp theo./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây