Luật Tố cáo 2018 - Công cụ pháp luật hữu hiệu bảo vệ nguời tố cáo.

Thứ tư - 20/02/2019 10:11
 
                                                              ThS. Cao Thị Hà        
                                            Khoa Nhà nước và Pháp luật
Tố cáo vừa là quyền con người, vừa là quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều 30 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Tố cáo là một trong những công cụ quan trọng để các cá nhân phát huy quyền làm chủ, đấu tranh chống các hành vi tiêu cực và là kênh thông tin đặc biệt quan trọng giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, đánh giá  và xử lý các hành vi trái pháp luật xảy ra trong đời sống xã hội.
Nhằm cụ thể hóa quyền hiến định đó, đồng thời để cho quyền trên được thực hiện trong thực tiễn cuộc sống, Nhà nước ta đã ban hành nhiều đạo luật, đặc biệt là Luật Tố cáo năm 2011. Trong đạo luật này, một trong những nội dung đáng chú ý là các quy định về bảo vệ người tố cáo.
Từ thực tiễn có thể thấy, người tố cáo thường là người ở vị trí thế yếu, bởi họ đã tố giác những hành vi trái pháp luật của những người có chức vụ, quyền hạn hay thế lực trong xã hội. Do đó, rất có thể sau đó, họ phải gánh chịu hậu quả là sự trả thù, trù dập từ người bị tố cáo. Nếu không cơ chế hữu hiệu để bảo vệ những người có trách nhiệm, dũng cảm này thì khi phát hiện ra những hành vi tiêu cực, các thành viên trong xã hội không dám phản ánh với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, Luật Tố cáo năm 2011(sau đây gọi là Luật năm 2011) có một chương riêng về bảo vệ người tố cáo với 07 điều luật (từ Điều 34 đến Điều 40). Trên cơ sở các quy định pháp lý của đạo luật này, nhiều vụ việc sai phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được phát hiện và xử lý kịp thời, góp phần đưa hoạt động tố cáo và giải quyết tố cáo đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, sau bảy năm thi hành trong thực tiễn, có thể thấy, việc bảo vệ người tố cáo trong nhiều trường hợp vẫn chưa hiệu quả và thực chất. Một trong những nguyên nhân là do các quy định về bảo vệ người tố cáo trong đạo luật này vẫn còn chung chung, chưa đủ để khuyến khích và bảo vệ những người dám đấu tranh vì công lý và lẽ phải, đặc biệt là khi họ tố giác những hành vi tham nhũng của những người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy công quyền.
 Để khắc phục những hạn chế nói trên, ngày 12 tháng 6 năm 2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Tố cáo năm 2018 thay thế Luật năm 2011, gồm có 9 chương và 67 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.

Qua nghiên cứu hai đạo luật này có thể thấy, so với Luật năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 (sau đây gọi là Luật năm 2018) có nhiều nội dung mới về bảo vệ người tố cáo, đáng chú ý đó là:

* Thứ nhất, về bố cục
Mặc dù Luật năm 2018 tiếp tục dành một chương quy định về bảo vệ người tố cáo nhưng lần này Luật nhóm lại thành 03 mục cụ thể với 12 điều luật (từ Điều 47 đến Điều 58). Đó là:
- Mục 1: Quy định chung (từ Điều 47 điến Điều 49)
- Mục 2: Trình tự, thủ tục bảo vệ (từ Điều 50 điến Điều 55)
- Mục 3: Các biện pháp bảo vệ (từ Điều 56 điến Điều 58)
Cách sắp xếp như vậy vừa bảo đảm kỹ thuật lập pháp, vừa thuận tiện cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc tra cứu và tìm hiểu các quy định có liên quan.
* Thứ hai, về phạm vi và đối tượng bảo vệ 
Phạm vi và đối tượng bảo vệ được đề cập tại Điều 34 Luật năm 2011 và Khoản 1Điều 47 Luật năm 2018.
Theo Điều 34 Luật năm 2011:
“1. Việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện tại nơi cư trú, công tác, làm việc, học tập, nơi có tài sản của người cần được bảo vệ hoặc những nơi khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
 2. Đối tượng bảo vệ gồm có:
“a) Người tố cáo;
b) Người thân thích của người tố cáo”.
Khoản 1 Điều 47 Luật năm 2018 quy định:  Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo”
Như vậy, so với Luật năm 2011, lần này Luật năm 2018 đã quy định cụ thể phạm vi bảo vệ người tố cáo, đồng thời  làm rõ khái niệm “người thân thích của người tố cáo” theo Luật năm 2011, đó là những người thân thuộc hàng thừa kế thứ nhất quy định tại Điều 651Bộ luật Dân sự năm 2015.
* Thứ ba, về căn cứ, điều kiện để được bảo vệ
Trong Luật năm 2011, các căn cứ, điều kiện để được bảo vệ quy định trong cả ba điều luật (từ Điều 37 điến Điều 39) thì Luật năm 2018 đã gộp các nội dung lại để thể hiện chung thành một khoản, cụ thể là Khoản 3 Điều 47: “Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1 Điều này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết”. Cách thể hiện như vậy vừa cô đọng vừa thể hiện rõ hơn căn cứ, điều kiện để được bảo vệ, tạo cơ sở pháp lý thống nhất để các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ người tố cáo một cách kịp thời và hiệu quả.
 * Thứ tư, về cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ
Trong Luật năm 2011, các cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ được quy định rải rác trong các điều luật từ Điều 36 đến Điều 39. Tuy vậy, vẫn thiếu chặt chẽ vì chưa xác định cụ thể cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo cũng như chưa làm rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác này, từ đó gây khó khăn, lúng túng trong những tình huống cần đến sự phối hợp giữa người giải quyết tố cáo và các cơ quan, tổ chức có liên quan, khi đó việc bảo vệ người tố cáo vẫn khó có thể đạt yêu cầu trên thực tiễn, nhất là trong trường hợp cần bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm và các quyền nhân thân khác của người tố cáo cũng như người thân của họ. 
Để giải quyết nhữngvướng mắc đó, Điều 49 Luật năm 2018 quy định rất cụ thể trách nhiệm của người giải quyết tố cáo, của cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo, của  cơ quan công an, của cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, của ủy ban nhân dân các cấp, công đoàn các cấp, cơ quan, tổ chức khác trong việc áp dụng hoặc phối hợp áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo. 
 “1. Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ thuộc quyền quản lý và những nội dung bảo vệ khác nếu thuộc thẩm quyền của mình; trường hợp không thuộc thẩm quyền thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ.
2. Cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo.
3. Cơ quan Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.
4. Cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ.
5. Ủy ban nhân dân các cấp, Công đoàn các cấp, cơ quan, tổ chức khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ thực hiện việc bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ”.
Như vậy, theo Luật năm 2018, trách nhiệm bảo vệ người tố cáo và những người được bảo vệ theo quy định của Luật trước hết thuộc về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng có trách nhiệm bảo vệ hoặc chủ trì, phối hợp áp dụng biện pháp bảo vệ thực hiện việc bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ. Với quy định này đã cơ bản khắc phục được tình trạng người tố cáo “phải tự đi tìm người bảo vệ mình”, hạn chế được khả năng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm bảo vệ người tố cáo. 
* Thứ năm, về trình tự, thủ tục bảo vệ người tố cáo
Trong Luật năm 2011 chưa  có các điều luật riêng quy định về trình tự, thủ tục bảo vệ người tố cáo nên gây ra sự lúng túng cho người tố cáo lẫn người giải quyết tố cáo trong việc đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ cũng như trong việc xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ; thay đổi, bổ sung việc áp dụng biện pháp bảo vệ.
Luật năm  2018 đã dành hẳn một mục (Mục 2) với 06 điều luật (từ Điều 50 đến Điều 55) quy định rất cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục bảo vệ người tố cáo. nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể trong quá trình thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.
* Thứ sáu, về các biện pháp bảo vệ
 Khác với Luật năm 2011, các biện pháp bảo vệ trong Luật năm 2018 được quy định một cách khoa học hơn bằng việc Luật đã nhóm lại thành một mục riêng (Mục 3) với 03 điều luật (từ Điều 56 đến Điều 58). Mặc dù cũng quy định 03 nhóm biện pháp bảo vệ đó là: Biện pháp bảo vệ bí mật thông tin (Điều 56); Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm (Điều 57); Biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm (Điều 58) nhưng đối với từng biện pháp bảo vệ đã được Luật quy định bổ sung thêm các nội dung cụ thể để đảm bảo cho người tố cáo được bảo vệ tốt nhất. Cụ thể là:
- Đối với biện pháp bảo vệ bí mật thông tin:
Điều 36 Luật năm 2011quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận tố cáo, giải quyết tố cáo, khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp có trách nhiệm giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo; đồng thời phải áp dụng biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin và bảo vệ cho người tố cáo”.
Nếu Điều 36 Luật năm 2011chỉ đề cập đến 02 biện pháp cụ thể mà các chủ thể có thẩm quyền có thể quyết định áp dụng để bảo vệ bí mật thông tin cho người được bảo vệ, đó là: “giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo” hoặc “áp dụng biện pháp cần thiết” thì Điều 56 Luật năm 2018 đã bổ sung thêm các biện pháp ở Khoản 2, Khoản 3 Điều 56. 
Theo đó, người có thẩm quyền khi tiếp nhận, chuyển đơn tố cáo, giải quyết tố cáo còn có quyền quyết định áp dụng biện pháp “Lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo để quản lý theo chế độ mật khi giao cơ quan, tổ chức, cá nhân xác minh nội dung tố cáo” (Khoản 2 Điều 56) hoặc “Bố trí thời gian, địa điểm, lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo khi làm việc trực tiếp với người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan” (Khoản 3 Điều 56). Ngoài ra, Luật năm 2018 cũng đã xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển đơn tố cáo trong việc giữ gìn bí mật thông tin cho người tố cáo. Sự bổ sung này là hết sức cần thiết nhằm khắc phục tình trạng có nhiều chủ thể sau khi tiếp nhận đơn tố cáo rồi chuyển đơn cho chủ thể có thẩm quyền giải quyết đã vô tình làm lộ danh tính và các thông tin của người tố cáo, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ triệt để quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo.
- Đối với biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm
Theo Điều 37 Luật năm 2011, đối tượng được bảo vệ vị trí công tác là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác, làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế và các cơ quan, tổ chức khác.  Khi nhận được yêu cầu của người tố cáo, người có thẩm quyền có quyền áp dụng 05 biện pháp bảo vệ tại Khoản 4 Điều 37.
Với Luật năm 2018, biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm được quy định tại Điều 57. Khác với Luật năm 2011, lần này Luật năm 2018 đã có sự phân hóa đối tượng được bảo vệ vị trí công tác, việc làm thành 02 đối tượng bảo vệ, đó là người được bảo vệ là cán bộ, công chức, viên chức (Khoản 1Điều 57) và người được bảo vệ là người làm việc theo hợp đồng lao động (Khoản 2 Điều 57). Đối với từng đối tượng được bảo vệ, Luật quy định có các biện pháp bảo vệ khác nhau cho phù hợp với đặc thù về công tác, việc làm của họ. Đặc biệt, đối với người được bảo vệ là cán bộ, công chức, viên chức, Luật năm 2018 bổ sung thêm biện pháp bảo vệ mới tại Điểm c Khoản 1 Điều 57, đó là:“Xem xét bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu có sự đồng ý của họ để tránh bị trù dập, phân biệt đối xử”.
- Đối với biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm
Luật năm 2018 đã thay biện pháp bảo vệ “Bố trí nơi tạm lánh khi người tố cáo, người thân thích của họ có nguy cơ bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe” tại Điểm a Khoản 3 Điều 39 Luật năm 2011 thành“Đưa người được bảo vệ đến nơi an toàn”. Ngoài ra, Luật năm 2018 còn bổ sung thêm biện pháp bảo vệ mới tại Khoản 4 Điều 58, đó làYêu cầu người có hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ chấm dứt hành vi vi phạm”.
Dưới góc độ pháp lý, tố cáo là  quyền con người, quyền cơ bản của công dân,  thông qua đó để mọi người giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nói chung và bộ máy nhà nước nói riêng, bảo đảm cho hệ thống đó vận hành một cách thông suốt, hiệu quả, đúng pháp luật và vì nhân dân. Thông qua thực hiện quyền tố cáo, công dân thể hiện trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Dưới góc độ xã hội, tố cáo thể hiện sự phản kháng và bất bình của các cá nhân trước các hành vi trái pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong xã hội.
Để bảo vệ sự an toàn cho người tố cáo cũng như người thân của họ, cần phải có các biện pháp hữu hiệu nhằm chống lại sự trả thù từ người bị tố cáo. Bảo vệ người tố cáo trước hết là trách nhiệm của Nhà nước, được thể hiện thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các quy định của Luật Tố cáo năm 2018  đã cụ thể hóa Điều 30 Hiến pháp năm 2013 khi ghi nhận quyền tố cáo dưới góc độ là quyền con người, đồng thời xác lập những căn cứ pháp lý thật vững chắc để bảo vệ người tố cáo, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo, góp phần ngăn chặn, tiến tới loại trừ những hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ./.

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây