Đào tạo nghề là một trong những nội dung quan trọng để phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia đặc biệt là đối với các quốc gia đang trong quá trình tiến hành công nghiệp hoá đất nước. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác đào tạo nghề cho lao động, xem đây là nhiệm vụ để phát huy hiệu quả nguồn nhân lực của đất nước. Luật Dạy nghề đưa ra khái niệm: “
Dạy nghề là hoạt động dạy và học nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người học nghề để có thể tìm được việc làm hoặc có thể tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khoá học”
(1). Như vậy, đào tạo nghề là hoạt động trạng bị năng lực hành nghề cho người lao động để người lao động có thể làm việc, đem lại hiệu quả cao. Xác định tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định: Đào tạo nghề và giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, với chỉ tiêu cụ thể là nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 43,5% năm 2015 lên đạt 65-70% vào năm 2020 (mức bình quân chung cả nước); hàng năm giải quyết việc làm cho 9.500 lao động, trong đó chú trọng đào tạo nghề cho thanh niên.
Hiện nay, lực lượng thanh niên Quảng Trị có hơn 120.000 người, chiếm 20,25% dân số và 30% lực lượng lao động toàn tỉnh
(2). Thực hiện Kế hoạch số 264/KH-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Trị về
“Đào tạo nghề cho lao động tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2017-2020” với mục tiêu “Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, phổ cập nghề cho người lao động góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Gắn đào tạo nghề cho lao động với các chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình kinh tế - xã hội khác góp phần đảm bảo an sinh xã hội”(3), tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch đào tạo nghề cho thanh niên.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 20 cơ sở đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề cho thanh niên, trong đó có 2 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và 7 cơ sở đào tạo nghề. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có trung tâm khuyến công, khuyến nông và một số đơn vị khác hàng năm có tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn; một số cơ sở sản xuất, hộ cá thể có tổ chức đào tạo nghề theo hình thức kèm nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ cho người lao động. Cơ sở vật chất và trang thiết bị tại các trường và trung tâm dạy nghề ngày càng được hoàn thiện như: Trường trung cấp Nghề, Trường trung cấp Giao thông vận tải, Trường trung cấp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Năm 2018, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 12.423 người (đạt 105 % kế hoạch). Trong đó: cao đẳng 601 người; trung cấp 819 người; sơ cấp và đào tạo thường xuyên 11.003 người (đào tạo nghề cho lao động vùng biển 2.542 người). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54,43% ( kế hoạch đề ra là 54,4%), tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 39,36%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 29,1%. Trong đó có hơn 5.309 là thanh niên hoàn thành các khoá học nghề, có 5.018 người có việc làm và thu nhập ổn định. Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Tỉnh Đoàn đã rà soát thực trạng việc làm của thanh niên trên toàn tỉnh để phối hợp các sở đào tạo nghề cho thanh niên. Các diễn đàn “Thanh niên với việc lựa chọn nghề nghiệp”, “Giúp bạn chọn nghề” được tổ chức với sự tham gia của trên 4.500 đoàn viên thanh niên. Đoàn thanh niên các cấp đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, giới thiệu việc làm cho thanh niên, tổ chức hội chợ việc làm tỉnh Quảng Trị, định hướng nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên nông thôn. Hàng năm đã tạo điều kiện cho gần 700 thanh niên tìm được việc làm trong và ngoài nước, mỗi năm có trên 2.000 lượt đoàn viên thanh niên được định hướng nghề, dạy nghề; 400 thanh niên và hộ gia đình thanh niên nông thôn được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Đoàn Thanh niên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề cho lực lượng lao động ở nông thôn như: bảo quản chế biến nông, lâm, thuỷ sản; nghề sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh; nghề dệt thổ cẩm, khảm tre; nghề nón, nghề làm nấm; cơ khí nhỏ, điện, điện tử dân dụng, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và thành lập các làng nghề truyền thống chủ yếu là các làng nghề thêu, đan nón, làm nước mắm…nên chất lượng lao động ngày càng được nâng lên rõ rệt.
Thông qua nguồn vốn vay hỗ trợ việc làm, vốn hộ nghèo và các nguồn vốn khác ưu đãi cho thanh niên đã giải quyết việc làm với số tiền trên 88 tỷ đồng, qua đó giải quyết việc làm mới cho 3.500 lao động và hỗ trợ việc làm cho 2.175 lao động. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.256 trang trại, mô hình sản xuất thanh niên tại gia, vùng cát, vùng đồi có quy mô từ 1 - 15 ha có mức thu nhập 30 - 100 triệu /năm, góp phần giải quyết việc làm cho trên 5.000 đoàn viên thanh niên có thu nhập ổn định từ 1,8 triệu trở lên/người/tháng; 85% thanh niên xuất ngũ được đào tạo và giải quyết việc làm. Có 9/9 huyện, thị thành lập câu lạc bộ Thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi với 25 thành viên tham gia trở lên và có thu nhập hàng năm từ 50 - 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, công tác chuyển giao khoa học công nghệ và kỹ năng khởi nghiệp luôn được chú trọng trong công tác đào tạo nghề cho thanh niên. Thực hiện chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp vươn lên làm giàu chính đáng, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp như thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên, phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật cho thanh niên. Tỉnh đoàn Quảng Trị đã phối hợp với Trung tâm Phát triển khoa học, công nghệ và Tài năng trẻ thuộc Trung ương Đoàn tổ chức lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ cho 120 đoàn viên thanh niên là các chủ trang trại, mô hình phát triển kinh tế của 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đây chính là cơ hội để thanh niên tiếp cận các lớp tập huấn, được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình học nghề, lập thân, lập nghiệp.
Tuy nhiên, việc đào tạo nghề cho thanh niên vẫn còn những hạn chế nhất định. Thực tế chúng ta thấy rằng, trên địa bàn tỉnh hiện nay, thanh niên chưa có việc làm và chưa qua đào tạo nghề còn nhiều. Thanh niên ở nông thôn chưa tiếp cận được nhiều thông tin đào tạo nghề, cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo còn hạn chế. Hộ nghèo trong thanh niên ở tỉnh Quảng Trị còn hơn 2.700 hộ, chiếm 12,2 % trên tổng hộ nghèo toàn tỉnh.
Để nâng cao công tác đào tạo nghề cho thanh niên, thiết thực trong việc “
Đồng hành với thanh niên về nghề nghiệp việc làm” nhằm tạo điều kiện cho thanh niên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, theo tôi cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành và xã hội về thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên. Các trường và trung tâm dạy nghề cần lập trang thông tin về nhu cầu đào tạo nghề cho thanh niên. Đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, giới thiệu ngành nghề tốt để thanh niên dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu những ngành nghề mà mình dự định theo học, định hướng cho thanh niên, giúp họ hiểu được sau khi học họ sẽ làm gì. Thực hiện việc dạy nghề cho các đối tượng thanh niên ở các vùng, miền khác nhau: thành thị, nông thôn, miền biển, miền núi với các đối tượng khác nhau để từ đó tạo ra những việc làm thiết thực cho thanh niên.
Hai là, công tác đào tạo nghề phải gắn với công tác giải quyết việc làm cho thanh niên. Hoạt động đào tạo phải gắn với định hướng đáp ứng nhu cầu cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương tổ chức khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp, trên cơ sở đó tổ chức hoạt động ký kết giao ước, liên kết về đào tạo và tuyển dụng lao động giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm giúp cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp chủ động nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng yêu cầu về các vị trí việc làm tại doanh nghiệp.
Ba là, với vai trò là “người bạn” đồng hành cùng thanh niên, Đoàn Thanh niên tỉnh cần thiết thực trong việc “Đồng hành với thanh niên về nghề nghiệp việc làm” nhằm tạo điều kiện cho thanh niên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình bằng những việc làm như: Phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh giới thiệu thị trường lao động trong và ngoài nước; hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ năng nghề nghiệp, việc làm, phối hợp với các ngành, các chương trình tạo nguồn cho thanh niên. Hàng quý, cần rà soát lại tỷ lệ thanh niên thiếu việc làm, chưa được đào tạo nghề ở các địa phương để đưa ra những chính sách phù hợp, mang lại chất lượng cao trong đào tạo nghề cho thanh niên.
Bốn là, phát huy sự nỗ lực của cá nhân thanh niên trong học tập, lao động và việc làm. Mỗi người phải chủ động học tập, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn có tay nghề, cần cù, chịu khó, sáng tạo, rèn luyện tác phong công nghiệp, học tập những gương thanh niên điển hình vượt khó, vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng. Đồng thời, phải thường xuyên rèn luyện đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức, kỷ luật lao động, sẵn sàng đảm nhận những công việc khó khăn, gian khổ khi Tổ quốc và nhân dân giao phó.
Tuy nhiên, hệ thống giải pháp nêu trên chỉ giải quyết nhu cầu bức thiết đang đặt ra đối với thanh niên hiện nay. Về lâu dài để giải quyết việc làm một cách bền vững, thiết nghĩ tỉnh Quảng Trị cần tập trung thu hút vốn đầu tư để phát triển các lĩnh vực và khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương như các dự án của FLC đang xúc tiến đầu tư ở Quảng Trị, phát triển tam giác du lịch Cửa Việt – Cửa Tùng – Cồn cỏ, dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió, thuỷ điện, khu kinh tế Đông Nam… Đây chính là điều kiện bền vững tạo ra việc làm cho lao động nói chung và lực lượng thanh niên đã qua đào tạo nói riêng.
Vấn đề đào tạo nghề cho thanh niên là nhiệm vụ trọng tâm không những đối với các cấp bộ Đoàn Thanh niên mà còn là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội và của chính thanh niên. Hy vọng rằng, với sức trẻ, sự nỗ lực, nhiệt huyết của mình, Đoàn Thanh niên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ khởi nghiệp thành công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tài liệu tham khảo