Thắm tình hữu nghị Việt- Lào

Thứ năm - 07/01/2016 13:39
(QT) - Trong trái tim nhiều cán bộ hai tỉnh Salavan và Savannakhet, Trường Chính trị Lê Duẩn không đơn thuần là cái nôi đào tạo lý luận chính trị - hành chính mà còn là tổ ấm thân thương. Vì vậy, giây phút chia tay thầy cô, bạn bè sau gần một năm sống, học tập và rèn luyện tại trường luôn để lại những dư âm sâu sắc đối với họ. 
9 thành viên trong gia đình đã sang chúc mừng anh Khăm Phẳn nhân dịp bế giảng lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính khóa V dành cho cán bộ hai tỉnh Salavan và Savannakhet, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Dẫu vui mừng khi hội ngộ người thân nhưng chàng trai đến từ Savannakhet vẫn đượm buồn vì phải chia tay thầy cô và bạn bè. Anh Khăm Phẳn nhớ như in những ngày đầu đặt chân đến Trường Chính trị Lê Duẩn: “Ấn tượng đầu tiên chính là nụ cười của các thầy, cô giáo. Họ trò chuyện cởi mở, vui vẻ sắp xếp nơi ăn chốn ở và nhiệt tình chỉ dẫn cho từng thành viên trong lớp. Sau đó, tôi lại gặp những nụ cười thường trực ấy trong các tiết học Tiếng Việt và lý luận chính trị - hành chính. Nhờ thế, mọi khoảng cách dường như được rút ngắn”. 
HN VIET LAO 2015 1
Thầy giáo Nguyễn Hữu Thánh trao giấy chứng nhận tốt nghiệp cho học viên lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính khóa V
 

           Trầm ngâm suốt buổi lễ bế giảng, anh Ma Nạ Chít Thìn Bua Lạ Pha chia sẻ sự dùng dằng trong suy nghĩ của mình: “Tôi vừa mong sớm trở về quê hương để áp dụng những điều hay, lẽ phải mình đã được học vừa muốn ở lại thêm với thầy cô, bạn bè”. Là cán bộ lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính khóa V, anh Ma Nạ Chít Thìn Bua Lạ Pha tiếp xúc nhiều với các thầy cô giáo Trường Chính trị Lê Duẩn. Thế nên, hơn ai hết, anh hiểu tấm lòng của những giáo viên ở đất nước bạn. Lớp của anh Ma Nạ Chít Thìn Bua Lạ Pha có 7 học viên nữ và 38 nam. Khi mới sang, ai cũng nhớ người thân, gia đình. Một số người đổ bệnh do chưa thích nghi với thời tiết. Các thầy cô giáo ở Trường Chính trị Lê Duẩn đã gõ cửa từng phòng để thăm hỏi, động viên. Có đợt, anh Viêng Phom bị sốt nặng, thầy giáo phụ trách lớp vội vã đưa học viên đến bệnh viện, chăm sóc rất tận tình, chu đáo. “Những hành động nhỏ ấy, chúng tôi không bao giờ quên”, anh Ma Nạ Chít Thìn Bua Lạ Pha khẳng định. 

Nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm tăng cường mối quan hệ, hợp tác toàn diện với các tỉnh giáp biên thuộc nước bạn Lào. Trong đó, công tác đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ hai tỉnh Salavan và Savannakhet được xác định vừa là nhiệm vụ quốc tế vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Năm 2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị chỉ đạo tổ chức thực hiện việc đào tạo chính trị cho cán bộ ở Salavan và Savannakhet. Theo đó, Trường Chính trị Lê Duẩn được giao chủ trì, phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Bộ đội Biên phòng tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Năm 2008, lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính đầu tiên dành cho cán bộ hai tỉnh Salavan và Savannakhet đã được tổ chức. Buổi đầu, công tác dạy và học gặp nhiều khó khăn, thế nhưng với tất cả sự tâm huyết, các cán bộ, giáo viên cùng với học viên Lào đều nỗ lực vượt qua. Nhà trường thực hiện tổ chức quản lý học viên chặt chẽ cả trong và ngoài giờ lên lớp. Việc phân công trách nhiệm giữa các bộ phận ở trường, từ giảng dạy đến phục vụ rất cụ thể, rạch ròi và khoa học. Tất cả chế độ của học viên đều được giải quyết kịp thời, đầy đủ, đúng quy định. Giáo viên chủ nhiệm có tinh thần trách nhiệm cao, cùng hợp tác với ban cán sự và tất cả học viên để giúp lớp trở thành một tập thể vững mạnh, đoàn kết. 

           Đến nay, Trường Chính trị Lê Duẩn đã tổ chức 5 khóa đào tạo lý luận chính trị - hành chính cho 190 cán bộ của hai tỉnh Salavan và Savannakhet. Những cá nhân tham gia khóa học đều là cán bộ lãnh đạo đương chức và dự nguồn chức danh lãnh đạo của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và cán bộ huyện; tuổi đời còn trẻ... Họ được lựa chọn qua sơ tuyển tại hai tỉnh trước khi nhập học. Gắn bó với Trường Chính trị Lê Duẩn trong thời gian dài nên ai cũng có những kỷ niệm khó quên. Chị Đăm Xạ Ạt chia sẻ: “Trong thời gian đào tạo, chúng tôi có 3 tháng học Tiếng Việt và 6 tháng học lý luận chính trị. Buổi đầu, tôi rất lo vì chỉ riêng học Tiếng Việt đã khó, làm sao có thể thông hiểu lý luận chính trị - hành chính? Thế nhưng, cách truyền đạt lôi cuốn cùng sự tận tình của thầy cô đã giúp chúng tôi tiếp thu nhanh bài giảng. Nhờ thế mà tất cả thành viên đều vượt qua các kỳ thi một cách thuận lợi. Ở lớp tôi, có 27 học viên tốt nghiệp loại giỏi, một học viên xếp loại xuất sắc đấy”. Cũng giống như chị Đăm Xạ Ạt, in sâu trong tâm trí nhiều học viên đến từ Salavan và Savannakhet là những bữa cơm thân mật tại nhà riêng của các thầy cô; chuyến tham quan thực tế thú vị; trận bóng chuyền, buổi biểu diễn văn nghệ đầy cảm xúc... Chính những điều đó đã giúp các học viên Lào nhanh chóng bước qua sự bỡ ngỡ, xa lạ ban đầu và luôn có cảm giác như đang sống trên chính quê hương. 

         Hôm diễn ra buổi lễ bế giảng lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính khóa V, các học viên đều khoác trên mình những bộ veston lịch lãm. Anh Ma Nạ Chít Thìn Bua Lạ Pha cho biết: “Chúng tôi được chăm lo từng thứ tưởng chừng rất nhỏ như thế này”. Nói rồi, người cán bộ Sở Ngoại vụ Lào khẽ quay mặt đi, như cố giấu sự xúc động. Hầu hết học viên lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính khóa V cũng giống anh Ma Nạ Chít Thìn Bun Lạ Pha, họ sống dung dị, chân thành nhưng thường ngại bày tỏ cảm xúc. Vậy mà, nhiều người đã rưng rưng nước mắt khi nghe lời nhắn nhủ của thầy giáo Nguyễn Hữu Thánh, Quyền Hiệu trưởng Trường Chính trị Lê Duẩn: “Nhà trường mong rằng sau khóa học, trở về cơ quan, các đồng chị sẽ phát huy cao nhất những điều đã được học vào thực tiễn công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hy vọng hình ảnh mái trường Chính trị Lê Duẩn sẽ mãi mãi in sâu trong tim các đồng chí”. 

                                                                                                
(Trích nguồn: Báo Quàng Trị online)

Tác giả bài viết: QUANG HIỆP

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây