Phát huy vai trò của thủ tục hành chính ở tỉnh Quảng Trị hiện nay

Thứ năm - 17/03/2016 13:47
           Xã hội đang chung tay cải cách hành chính theo tinh thần của Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Trong kế hoạch cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính là một nội dung rất quan trọng nhằm đảm bảo thực hiện các thủ tục một cách nhanh chóng, mang tính hợp pháp, hợp lý, hiệu lực và hiệu quả cao trong đời sống xã hội.
          Có nhiều quan niệm khác nhau về thủ tục hành chính, có quan niệm hoặc cho rằng thủ tục là cách thức, là lề lối giải quyết công việc theo một trình tự nhất định; hoặc cho đó là trình tự phải thực hiện kế tiếp nhau theo thứ tự thời gian nhằm thực hiện công vụ. Ngoài ra, cũng có quan niệm cho rằng thủ tục hành chính là trình tự thực hiện thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước hoặc cá nhân, tổ chức được ủy quyền hợp pháp trong việc giải quyết các công việc của nhà nước và các kiến nghị, yêu cầu thích đáng của công dân hoặc tổ chức nhằm thi hành nghĩa vụ hành chính, bảo đảm công vụ nhà nước và phục vụ nhân dân.
           Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính, thì thủ tục hành chính được quy định theo hướng giải thích từ ngữ như sau: “Thủ tục hành chính là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức”. Thủ tục hành chính được đặt ra để các cơ quan nhà nước có thể thực hiện mọi hoạt động cần thiết của mình, trong đó bao gồm cả trình tự thành lập các công sở, trình tự bổ nhiệm, bãi nhiệm, điều động viên chức, trình tự lập quy, áp dụng quy phạm để đảm bảo các quyền chủ thể và xử lý vi phạm, trình tự điều hành, tổ chức các hoạt động tác nghiệp hành chính.
          Chính vì vậy mà thủ tục hành chính có ý nghĩa rất lớn đối với các cơ quan nhà nước và trong hoạt động của đời sống xã hội. Thủ tục hành chính có các vai trò cơ bản như sau:
          Thứ nhất, thủ tục hành chính là nền tảng để hướng dẫn việc thực hiện pháp luật. Những quy định của pháp luật muốn đi vào đời sống xã hội rất cần đến các thủ tục hành chính. Các loại thủ tục hành chính quy định các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội giúp cho các hoạt động của thực tiễn xã hội được thực hiện thuận lợi, nhanh chóng và đồng bộ. Có như vậy các quy định của pháp luật mới đi vào thực tiễn cuộc sống một các nhanh chóng, đúng đắn, phù hợp với những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
        Thứ hai, thủ tục hành chính bảo đảm cho công việc được tiến hành theo một trật tự cần thiết và có thể kiểm soát được. Đây là một ý nghĩa rất to lớn nhằm đảm bảo cho các cơ quan nhà nước thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời tạo thuận lợi trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước của quần chúng nhân dân.
         Thứ ba, thủ tục hành chính nhằm để xác lập mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân. Thủ tục hành chính phù hợp với thực tế, đơn giản, nhanh chóng, đem lại hiệu quả cao trong đời sống xã hội sẽ góp phần tạo niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng, Nhà nước và cơ quan chính quyền. Thủ tục hành chính như vậy sẽ thiết lập mối quan hệ thân thiện giữa Nhà nước và nhân dân; ngược lại sự bất cập trong các thủ tục hành chính là nguyên nhân khiến mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân ngày càng tách rời nhau.
          Thứ tư, thủ tục hành chính là cơ sở để xác định trách nhiệm giữa các bên trong công việc được giao. Từ đó phát huy hết chức trách, nhiệm vụ của từng nhân viên trong công sở; đồng thời tạo thuận lợi cho thủ trưởng trong việc giám sát, kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức của mình.
            Vì thủ tục hành chính cũng là bộ phận của pháp luật về hành chính nên việc xây dựng và thực hiện tốt các thủ tục hành chính sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình xây dựng và triển khai luật pháp. Nếu không nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính theo lộ trình thì dù hệ thống pháp luật của chúng ta có được bổ sung và hoàn thiện đến đâu, vai trò của nhà nước vẫn không thể nâng cao cho phù hợp với tình hình mới.
           Riêng ở tỉnh Quảng Trị, công cuộc cải cách thủ tục hành chính đã đạt được những kết quả đáng tích cực. Thủ tục hành chính của 14/20 sở, ban, ngành được cập nhật và công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp cho người dân và các tổ chức dễ dàng tiếp cận và nắm các thông tin về quy trình thủ tục.
         Tổng kết kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2012-2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, trong đó việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh cũng đạt được những kết quả đáng kể, có 16/23 cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, 09/10 huyện, thị xã, thành phố, 141/141 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế một cửa; có 04 cơ quan hành chính và 01 đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế một cửa liên thông.
            Tổ công tác chuyên trách thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 30) đã thống kê và ban hành bộ thủ tục hành chính 03 cấp (cấp sở, cấp huyện, cấp xã). Bao gồm 1.771 thủ tục; tổ chức rà soát 1.731 thủ tục hành chính, trong đó, 944 mẫu đơn, mẫu tờ khai và 891 yêu cầu, điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính, trong đó số lượng thủ tục hành chính kiến nghị thì giữ nguyên 425 thủ tục; số lượng thủ tục hành chính đề nghị sửa đổi, bổ sung là 1.200 thủ tục; số lượng thủ tục hành chính đề nghị bãi bỏ/hủy bỏ là 108 thủ tục; số lượng thủ tục hành chính đề nghị thay thế là 38 thủ tục, chiếm tỷ lệ kiến nghị đơn giản hóa 75%[1].
            Hiệu quả của công tác cải cách thủ tục hành chính ở tỉnh Quảng Trị đã tạo bước chuyển về nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính; mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước được cải thiện theo hướng phục vụ nhân dân, tạo được lòng tin với nhân dân. Tuy nhiên, cải cách thủ tục hành chính nhìn chung vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, quy trình thủ tục hành chính ở một số khâu còn rườm rà, phức tạp. Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp vẫn chưa được rút ngắn, gây phiền hà và tốn kém cho công dân. Đặc biệt là việc tổ chức khảo sát, lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp về các thủ tục hành chính và mức độ hài lòng của họ đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính trên các lĩnh vực vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.
              Do vậy để phát huy hơn nữa vai trò của thủ tục hành chính trong đời sống xã hội, Nhà nước cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng:
             Một là, các thủ tục hành chính cần được xây dựng trên cơ sở pháp luật, nhằm mục đích thực hiện luật. Chỉ điều đó mới đảm bảo sự thống nhất giữa các cơ quan nhà nước trong việc đưa pháp luật vào thực tiễn đời sống xã hội. Thủ tục hành chính cũng chính là phương tiện, cách thức nhằm hướng dẫn một cách cụ thể việc thực hiện những điều quy định của pháp luật. Là cơ sở để các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng của mình và các tổ chức, công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ cơ bản trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
            Hai là, thủ tục hành chính phải linh hoạt, mềm dẻo nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của đời sống xã hội. Thủ tục hành chính tuy là những quy định mang tính chất pháp lý, bắt buộc để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cả phía Nhà nước và công dân, nhưng trong đời sống xã hội luôn có những tình huống nằm ngoài ý chí của Nhà nước cũng như ý muốn của người dân. Do vậy, thủ tục hành chính cần phải linh hoạt để thực hiện được mục tiêu quản lý và phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân được tốt nhất.
            Ba là, các thủ tục hành chính khi chuẩn bị ban hành cần có sự tham gia góp ý từ phía các cán bộ, công chức và từ phía người dân, các tổ chức xã hội. Nhà nước ban hành thủ tục hành chính với mục tiêu là nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ “khách hàng” trong việc cung ứng các dịch vụ công. Vì vậy, sự tham gia góp ý của cán bộ, công chức và người dân là hết sức cần thiết; điều đó vừa phát huy Quy chế dân chủ cơ sở, vừa phát huy vai trò giám sát, đánh giá của người dân đối với các hoạt động của cơ quan nhà nước.
            Bốn là, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, rà soát các thủ tục hành chính trên từng lĩnh vực. Đây là cơ sở để xem xét tính hợp pháp, hợp lý và hiệu quả của thủ tục hành chính đang được thực hiện trong đời sống xã hội. Đồng thời đây là cơ sở để các cơ quan nhà nước phát hiện những bất cập đã và đang tồn tại trong từng loại thủ tục; làm căn cứ để sửa đổi, bổ sung và ban hành các thủ tục hành chính phù hợp với tình hình thực tiễn cuộc sống.
           Cải cách thủ tục hành chính là một hoạt động đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, hiệu quả và cần có sự chung sức giữa các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và của toàn dân; trong đó việc nhận thức và thực hiện của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước đóng vai trò nồng cốt. Do vậy để nâng cao hơn nữa vai trò của thủ tục hành chính trong đời sống xã hội cần phải cải cách thủ tục hành chính theo chương trình, kế hoạch đã đặt ra nhằm xây dựng một nền hành chính công chuyên nghiệp, hiện đại góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
 

[1] Báo cáo số 89/BC-UBND của UBND tỉnh Quảng Trị ngày 05/8/2010 Tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2011-2020.

Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Thị Diệu Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây