Một số kết quả bước đầu trong việc triển khai hoạt động bình đẳng giới ở Quảng Trị

Thứ bảy - 05/12/2015 16:39

Ths. Nguyễn Thị Mỹ Vân
GV. Phòng Đào tạo

 
Năm 2015 là năm bản lề trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Nhìn lại 05 năm thực hiện, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận.
Thứ nhất, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về Bình đẳng giới, Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân Quảng Trị đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành cụ thể: Kế hoạch hành động số 1347/KH-UBND ngày 06/10/2011 về thực hiện hiện bình đẳng giới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch 2583/KH-UBND tỉnh ngày 21/8/2012 triển khai thực hiện Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2012-2015; Kế hoạch số 15/KH-TU ngày 30/11/2011 về quy hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý của tỉnh giai đoạn 2011-2020; Hướng dẫn số 04/HD-BTCTU ngày 09/12/2011 hướng dẫn quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp trong tỉnh, nhằm chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt quy hoạch cán bộ giai đoạn 2011-2015, trong đó nhấn mạnh đến tỷ lệ cán bộ nữ; Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 31/5/2013, thông qua Đề án “Một số chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút và tạo nguồn nhân lực có chất lượng của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013-2020”. Theo Đề án, ngoài các chế độ được hỗ trợ theo quy định thì cán bộ công chức nữ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng các khóa học từ một tháng trở lên được hỗ trợ thêm 0,2 mức lương tối thiểu chung/người/tháng; riêng cán bộ công chức nữ là người dân tộc thiểu số và cán bộ nữ cấp xã được hỗ trợ thêm 0,3 mức lương tối thiểu chung/người/tháng; cán bộ công chức nữ cấp xã là người dân tộc thiểu số ngoài khoản hỗ trợ này còn được hỗ trợ theo chính sách của Nghị quyết 06/2008/NQ-HĐND tỉnh; cán bộ công chức nữ trong thời gian đi học có con nhỏ dưới 24 tháng phải mang theo, được hỗ trợ thêm 0,3 mức lương tối thiểu chung/người/tháng.

Thứ hai, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể đã quan tâm tuyên truyền, vận động, nâng cao nhân thức cho mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt công tác bình đẳng giới với nhiều hình thức như tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tổ chức các buổi hội thảo, toạ đàm, gặp mặt, nói chuyện, tổ chức các cuộc thi, sổ tay hỏi đáp, áp phích, tờ rơi, tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình, báo của tỉnh và các tờ báo khác. Kết quả cụ thể: đã tổ chức hơn 256 hội nghị, 38 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình và các văn bản liên quan đến công tác bình đẳng giới, với hơn 9.420 người tham gia. Phát động cuộc thi tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức với 32.786 người tham gia và đạt 01 giải Nhì cá nhân toàn quốc. Tổ chức và phối hợp tổ chức 03 hội thi tìm hiểu chính sách pháp luật về bình đẳng giới, về phòng chống bạo lực gia đình từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh với hơn 920 người tham gia. Lồng ghép nội dung bình đẳng giới vào chương trình giảng dạy ở các lớp trung cấp chính trị - hành chính với 945 người tham gia. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức phát sóng 30 chuyên đề về bình đẳng giới trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, 54 chuyên đề bình đẳng giới trên Báo Quảng Trị và nhiều tin bài trên trang thông tin điện tử của các đơn vị. Đặc biệt là phối hợp với UBND xã Tà Long, UBND huyện Triệu Phong xây dựng mô hình “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại bạo lực trên cơ sở giới”; mô hình “Sửa đổi hương ước, quy ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới”, theo đó mỗi năm sinh hoạt ít nhất 4 lần và tuyên truyền, tập huấn cho hơn 3.050 người. Phát hành 5.000 tờ rơi, tờ gấp, 110 tờ áp phích và cấp phát gần 1.500 sổ tay tuyên truyền về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Triển khai lồng ghép tuyên truyền hoạt động bình đẳng giới trong các hoạt động của ngành, trong các buổi tọa đàm gặp mặt nhân ngày Quốc tế phụ nữ (8/3), Phụ nữ Việt Nam (20/10), Gia đình Việt Nam (28/6)...

Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp pháp luật đã tạo nhiều hình thức đa dạng, thu hút nhiều đối tượng của các thành phần khác nhau tham gia, việc lồng ghép các hoạt động bình đẳng giới đã được triển khai sâu rộng, có tác động không nhỏ đến các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân. 

Với sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cùng với sự phối hợp các sở, ban, ngành đã mang lại những kết quả bước đầu trong việc tuyên truyền thay đổi nhận thức giới, tạo điều kiện cho phụ nữ có nhiều hơn cơ hội, tiếp cận, thụ hưởng các nguồn lực để phát triển trên các lĩnh vực của đời sống.

Thứ ba, về công tác tổ chức bộ máy, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh đặt tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh. Hiện tại, đội ngũ làm công tác tham mưu về bình đẳng giới ở cấp tỉnh được bố trí 01 biên chế thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; cấp huyện bố trí 01 cán bộ kiêm nhiệm thuộc phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; cấp xã do cán bộ phụ trách công tác Lao động - Thương binh và Xã hội đảm nhiệm. Riêng các Sở, ban, ngành không bố trí biên chế mà giao cho công chức phụ trách công tác tổ chức hoặc Văn phòng đảm nhiệm. Công tác tổ chức, kiện toàn bộ máy để trực tiếp tham gia các hoạt động thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đã được các cấp lãnh đạo chú trọng. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ đã qua 2 lần kiện toàn và 18 lần thay đổi thành viên nhằm kịp thời đáp ứng tình hình công tác cán bộ. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh gồm 19 thành viên, do Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội làm Phó ban trực, các đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ làm Phó ban và 13 đồng chí là lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh làm ủy viên. Đến nay đã có 09 huyện, thị xã, thành phố thành lập, kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp huyện; 141/141 xã, phường thành lập, kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp xã.

Thứ tư, hàng năm Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh đã xây dựng và tổ chức, phối hợp thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố. Từ năm 2011 đến 30/10/2015 đã kiểm tra được 11 sở, ban, ngành, 09 huyện, thị xã, thành phố, 09 xã và 01 phường.
Công tác thực hiện bình đẳng giới được lãnh đạo các cấp ở tỉnh đã có sự quan tâm, đặt mục tiêu trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, các công tác tổ chức, kiểm tra, giám sát hoạt động thực hiện mục tiêu này ngày càng được kiện toàn hơn, góp phần tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị có nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của hoạt hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ hiện nay.

Bên cạnh những thành quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp uỷ đảng còn thấp, công tác lồng ghép giới trong quá trình hoạch định, thực thi vẫn thiếu đồng bộ, một số nơi vẫn còn mang nặng tính hình thức, hoạt động ban vì sự tiến bộ của phụ nữ vẫn chưa được thường xuyên do các thành viên phải kiêm nhiệm nhiều công việc.
Để thực hiện tốt công tác bình đẳng giới tạo ra bước đột phá nhằm thực hiện có hiệu quả chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016- 2020 cần chú trọng thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, thống nhất về bộ máy biên chế làm công tác bình đẳng giới từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo có đủ đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới ở các cấp, xây dựng cơ chế đồng thời có giải pháp tích cực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí cán bộ nữ ở các cấp.

Thứ hai, Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh và cơ quan chuyên môn cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng đối với công tác cán bộ nữ, cần ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành trong toàn tỉnh lồng ghép giới vào quá trình hoạch định, thực thi chính sách.
Thứ ba, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh cần chỉ đạo các cấp lồng ghép hệ thống chỉ tiêu về giới vào kế hoạch chuyên môn của ngành và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương. Chú trọng công tác xây dựng lồng ghép tuyên truyền bình đẳng giới đối với các cán bộ cơ sở trong việc phối hợp lồng ghép chương trình bình đẳng giới vào các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại trường chính trị, hay triển khai hoạt động lồng ghép giới thông qua các phong trào của cơ quan ban, ngành, đoàn thể; giao trách nhiệm và kiểm tra giám sát việc thực thi các hoạt động lồng ghép giới ở cơ sở.

Thứ tư, các cấp ủy đảng trong tỉnh cần tích cực phát hiện tạo nguồn quy hoạch, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí cán bộ nữ, đảm bảo đạt kế hoạch về tỷ lệ cán bộ nữ tham gia trong cấp uỷ, chính quyền các cấp theo công văn số 311-CV/TU ngày 10/4/2015 và Công văn số 377-CV/TU ngày 09/10/2013 yêu cầu cấp ủy, tập thể lãnh đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị trong tỉnh thực hiện các chủ trương, biện pháp nhằm tăng cường công tác cán bộ nữ đặc biệt là việc thực hiện “phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên”, “các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết phải là cán bộ lãnh đạo nữ”.

Thứ năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư phân bổ nguồn lực, thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong thực hiện chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hướng dẫn lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới vào việc xây dựng và đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; đánh giá thực hiện Luật Bình đẳng giới gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh./ 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây