Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa ở xã Gio Hòa

Thứ bảy - 05/12/2015 16:41

Hoàng Thị Thu
GV. Khoa LLMLN, TTHCM


Thực hiện kế hoạch nghiên cứu thực tế và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn năm 2015 của giảng viên, chúng tôi đã có dịp đến với Gio Hoà, một xã trung du gò đồi nằm phía Tây huyện Gio Linh. Bốn mươi năm, với truyền thống của một vùng quê cách mạng, với đức tính cần cù, chịu khó, cán bộ và nhân dân Gio Hòa đã biến nơi bị chiến tranh tàn phá nặng nề trở thành một miền quê trù phú, bộ mặt nông thôn từng bước khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. 

Với lợi thế của một địa phương có tiềm năng to lớn về đất đai, thổ nhưỡng với vùng đất đỏ bazan, địa hình gò đồi, diện tích mặt nước rộng lớn như hồ Hà Thượnglà điều kiện để phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt như hồ Hà Thượng, Gio Hòa là địa phương có nhiều lợi thế, không chỉ phát triển đa đạng cây trồng, mà còn hình thành nên nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản có giá trị kinh tế cao. Sự thành công bước đầu của những mô hình chăn nuôi này đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Tỉnh Quảng Trị, ngày 25 tháng 4 năm 2014 về việc “Quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020”, Đảng bộ xã Gio Hòa đã xác định: Tập trung lãnh đạo sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó phát triển mạnh các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Chính nhờ sự chỉ đao sâu sát đó của cấp trên cùng với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, Gio Hòa đã vượt qua những khó khăn và đã đạt được những kết quả khá toàn diện: chăn nuôi tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người nông dân. Điều này được thể hiện rất rõ trong Báo cáo tình hình kinh tế xã hội – quốc phòng an ninh năm 2014. Đến nay, tổng đàn bò: 495 con, trong đó: lai sin 262 con chiếm 53 %; tổng sản lượng thịt hơi gia súc xuất bán: 64,2 tấn/50 tấn đạt 128,4 % kế hoạch; đàn gia cầm 3600 con; mô hình nuôi nhím được mở rộng, số lượng 147 con, số con xuất bán 10 cặp trị giá 40 triệu đồng; don, chồn hương 70 con; bồ câu pháp 330 cặp, số cặp xuất bán trên 200 cặp, trị giá trên 20 triệu đồng; nuôi trồng và khai thác cá nước ngọt ổn định, sản lượng khai thác trong năm 2014 gần 51 tấn/50 tấn đạt 102 % kế hoạch; số lồng bè nuôi cá chình tăng lên 19 lồng, sản lượng cá chình xuất bán trong năm (4 lồng) với tổng trị giá khoảng 190 triệu đồng. Số lượng trang trại và gia trại ngày càng tăng lên, lĩnh vực chăn nuôi của địa phương đã tạo ra giá trị hàng hóa lớn góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. 

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, để thúc đẩy phong trào phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, hiện nay địa phương đang khuyến khích, vận động nhân dân tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kiến thức về phát triển chăn nuôi để phòng bệnh cho vật nuôi. Ngoài việc chú trọng công tác bồi dưỡng, bổ sung kiến thức chăn nuôi thì xã Gio Hòa cũng vận động các hộ chăn nuôi mở rộng quy mô, luôn làm tốt công tác vệ sinh môi trường bằng cách xây dựng chuồng trại hợp lý, kết hợp lắp đặt hầm bể khí bioga; phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ vốn vay cho nông dân; tổ chức nhiều lớp tập huấn chăn nuôi và trồng trọt; đẩy mạnh phong trào "Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi", nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế địa phương. Những thành công bước đầu của một số hộ phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa đã tạo ra hướng đi mới, giúp bà con nông dân ở xã Gio Hòa từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng. Qua đó, đã giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động với mức thu nhập trung bình 17.3 triệu đồng/người/năm 2014 tăng 3.5 triệu đồng so với năm 2013.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi trên địa bàn xã vẫn còn tồn tại một số hạn chế như công tác quy hoạc các trang trại chăn nuôi chưa hợp lý còn mang tính tự phát; chất lượng giống gia súc, gia cầm chưa ổn định; công tác phòng trừ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm chưa được quan tâm thường xuyên; đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi chưa ổn định; tư duy và phương thức chăn nuôi lạc hậu, manh mún dẫn đến chất lượng đầu ra cho sản phẩm chưa cao, v.v…

Thực tế đó, để nâng cao hiệu quả và chất lượng của ngành chăn nuôi theo hướng hàng hóa, chính quyền và nhân dân xã Gio Hòa cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, tích cực thực hiện quy hoạch vùng, tiểu vùng phát triển chăn nuôi phù hợp với đặc điểm và lợi thế của địa phương nhằm khai thác tối đa tiềm năng của từng loại vật nuôi trong vùng, đảm bảo phát triển bền vững, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường. Địa phương cần thực hiện tốt công tác quy hoạch đã được phê duyệt, tạo điều kiện cho các hộ và nhóm hộ gia đình phát triển các mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, hiện đại để tạo ra sản phẩm đồng nhất, nâng co thị phần trên thị trường.

Thứ hai, phải xem công tác tuyển chọn giống là nhiệm vụ hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm. Chú trọng công tác tiêm phòng dịch bệnh, nhân rộng các dự án chăn nuôi có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để người nông dân dễ dàng tiếp cận và đưa các giống nuôi có năng suất, chất lượng cao vào chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế và tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong ngành nông nghiệp.

Thứ ba, cần kết hợp với cơ quan cấp trên để tìm kiếm thị trường ổn định, kêu gọi nhân dân đầu tư vốn phát triển kinh tế hộ, tập trung vào chăn nuôi đại gia súc, xóa bỏ tập quán thả rong. Tích cực vận động nông dân tham gia quảng bá sản phẩm đặc sản thông qua mạng lưới các nhà hàng, khách sạn, trên trang điện tử của Hội nông dân tỉnh Quảng Trị và đồng thời tiến tới thành lập câu lạc bộ giao lưu trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, bảo đảm cho thị trường đầu ra ổn định. 

Thứ tư, khuyến khích các hộ chăn nuôi phát triển quy mô các trang trại nuôi những loại giống mới đặc sản được phép nuôi như nhím, đà điểu, hươu, cầy hương,v.v… Đa dạng hoá quy mô và hình thức chăn nuôi; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung công nghiệp, bán công nghiệp. Đặc biệt, xã cần tích cực khai thác có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ kích cầu đầu tư của chính phủ và các nguồn vốn đầu tư khác của Nhà nước, các tổ chức để phát triển chăn nuôi.

Thứ năm, trong bối cảnh cạnh tranh của thực phẩm ngoại nhập, chăn nuôi theo hướng hàng hóa trên địa bàn xã rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa từ phía ngành chuyên môn và chính quyền cấp trên. Trong đó, việc phát triển các khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hoàn thiện các khâu kiểm soát, chứng nhận chất lượng cho sản phẩm chăn nuôi cần được quan tâm, chú trọng để không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trên bàn mà còn vươn ra thị trường khác, góp phần đưa chăn nuôi phát triển bền vững.

Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa được xác định “đã và đang là ngành mũi nhọn trong phát triển sản xuất nông nghiệp” của xã Gio Hòa. Qua chuyến đi nghiên cứu thực tế, điều mà chúng tôi nhận thấy là sự nỗ lực, phấn đấu và những kết quả đầy tự hào của cán bộ và nhân dân, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển sản xuất chăn nuôi, góp phần mang lại sự khởi sắc trên vùng quê cách mạng. Với những kết quả thu được, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể nhân dân, tin rằng mô hình phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa này sẽ thu được nhiều thành quả hơn nữa, góp phần đưa Gio Hòa ngày càng phát triển đi lên.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây