Một số kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy hai bộ môn ở Khoa Dân vận đối với học viên nước bạn Lào

Thứ hai - 29/02/2016 13:42
Ngược dòng lịch sử, ngày 5/9/1962, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Vương quốc Lào thiết lập quan hệ ngoại giao đã mở ra trang sử mới trong lịch sử quan hệ hai nước. Cùng với liên minh chiến đấu trên mặt trận quân sự thì công tác đào tạo cán bộ cho bạn Lào được chú trọng để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Lào. Đặc biệt thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh : “ Giúp nhân dân nước bạn tức là tự giúp mình”, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị luôn xác định việc tiếp tục tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện với hai tỉnh Salavan và Savannakhet là nguyên tắc, là yêu cầu, nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược.
Đối với chúng tôi, những giảng viên đã giảng dạy lý luận chính trị cho đối tượng cán bộ trong toàn tỉnh mặc dù đã vững vàng trên bục giảng nhiều năm nhưng khi trực tiếp lên lớp với đối tượng là bạn Lào không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng. Băn khoăn, lo lắng ở chỗ không phải là trình độ, không phải là phương tiện và điều kiện vật chất phục vụ cho giảng dạy, mà lo lắng nhất là làm sao chuyển tải được những nội dung cơ bản của chương trình Trung cấp lý luận chính trị- hành chính đến được với người học (Mặc dù đã có phiên dịch).
Với Khoa Dân vận, chúng tôi đảm nhiệm hai bộ môn : Kỹ năng lãnh đạo, quản lý và nghiệp vụ công tác Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở . Quá trình giảng dạy chúng tôi gặp một số khó khăn.
Thứ nhất, khâu chuẩn bị giáo án phải được chọn lọc với những nội dung cơ bản nhất rồi chuyển tải để học viên nắm và vận dụng vào công việc khi trở về nước.
Thứ hai, quá trình giảng trên lớp liên quan đến rất nhiều khái niệm, thuật ngữ, do vậy giảng viên và phiên dịch cần phải trao đổi với nhau trước khi trình bày để hiểu đúng khái niệm do đó mất rất nhiều thời gian
Thứ ba, thực tiễn cơ sở của nước bạn Lào có một số điểm khác chúng ta, chẳng hạn  không có tổ chức Hội nông dân cơ sở. Vì vậy, trong chương trình chúng tôi vẫn phải soạn giảng để học viên tham khảo
Thứ tư, người phiên dịch khó có thể nắm được hết toàn bộ chương trình lý luận chính trị vì rất nhiều  bộ môn mang tính chuyên ngành.
 Có thể nói , trong quá trình giảng dạy còn rất nhiều những khó khăn khác mà người giảng viên cần phải giải quyết nhằm nâng cao chất lượng công tác giảng dạy đối với học viên là người nước ngoài.
Từ thực tiễn ấy, chúng tôi rất trăn trở và luôn mong muốn  phải tìm ra những cách thức truyền đạt thật sự hiệu quả để hướng tới mục đích là học viên phải nắm được nội dung mà giảng viên chuyển tải và vận dụng vào công việc của mình khi trở về nước công tác. Với thực tiễn giảng dạy hai môn của khoa thực hiện được 3 lớp, bước đầu chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm sau đây :
Một là, giáo án phải được chuẩn bị một cách công phu. Sở dĩ phải như vậy vì thời gian không cho phép thực hiện tất cả nội dung trong giáo trình, do vậy giảng viên phải chọn lọc những nội dung cơ bản nhất, cô đọng nhất, phù hợp với thực tiễn của nước bạn Lào. Ví dụ, đối với bộ môn Kỹ năng lãnh đạo, quản lý mà cụ thể như bài: “ Phong cách lãnh đạo của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở” có rất nhiều nội dung cần truyền tải thì người giảng viên cần tập trung nêu rõ phân tích những đặc trưng cơ bản của phong cách và phương hướng rèn luyện. Đây là cái mấu chốt giúp họ hiểu, tự suy ngẫm và quan trọng hơn là tự rèn luyện theo phương hướng đó để trở thành những cán bộ lãnh đạo, quản lý tốt. Hoặc bài : “ Kỹ năng ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở”  phải tập trung đầu tư để học viên nắm chắc những yêu cầu, những nguyên tắc của việc ra quyết định vì sau khi họ trở về nước làm việc thì đây chính là những kiến thức cơ bản nhất giúp họ hoàn thành tốt, hoàn thành đúng nhiệm vụ với tư cách là nhà lãnh đạo, quản lý.
Hai là, đối với các khái niệm, thuật ngữ trong bài giảng chúng tôi trao đổi trước với phiên dịch. Sở dĩ phải như vậy vì đây là những nội dung mang tính chuyên ngành mà người phiên dịch không thể đạt đến trình độ là am hiểu tất cả những nội dung,  khái niệm, trong chương trình trung cấp lý luận chính trị- hành chính. Thông qua việc trao đổi trước này giữa giảng viên và người phiên dịch thống nhất trước khi phiên dịch sang tiếng Lào. Đây là công việc cực kỳ quan trọng, không thể chủ quan, vì nếu không hiểu đúng khái niệm phiên dịch sang tiếng Lào sẽ dẫn đến sai lệch về bản chất.
Ba là, quá trình lên lớp, thông qua phiên dịch, chúng tôi luôn tìm cách trao đổi với học viên để xem trong hệ thống chính trị và các đoàn thể có gì giống và khác nhau để từ đó giảng viên tìm cách truyền đạt cho phù hợp. Đối với bộ môn nghiệp vụ công tác Mặt trận và các đoàn thể thì cơ bản chúng ta và bạn Lào đều giống nhau, chỉ khác là bạn Lào không có Hội nông dân. Hoặc trong công tác vận động phụ nữ thì giảng viên cũng chỉ cần tập trung nêu rõ những kinh nghiệm tổ chức vận động phụ nữ trong  phát triển kinh tế- xã hội và những quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, không đề cập đến việc kế hoạch hoá gia đình vì thực tiễn của nước bạn  Lào không hạn chế mỗi gia đình chỉ dừng lại hai con. Thông qua việc tìm hiểu này, trong các bài giảng chúng tôi chủ yếu tập trung nêu rõ những kinh nghiệm vận động quần chúng mà Việt Nam đã làm tốt để bạn tham khảo và học tập.
Bốn là, đối với công tác phiên dịch. Mặc dù học viên nước bạn Lào đã được học tập tiếng Việt 3 tháng nhưng khi bước vào học tập lý luận chính trị thì những kiến thức tiếng Việt là quá ít ỏi không thể đáp ứng được yêu cầu. Bởi vậy theo chúng tôi như đã nói ở trên quá trình hợp tác đào tạo là nhiệm vụ chiến lược có tính lâu dài thì cần phải có sự đầu tư căn cơ hơn nữa thì công tác đào tạo mới mang lại hiệu quả như mong muốn.
Như đã nói ở trên, xuất phát từ vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt trong hợp tác đào tạo cán bộ cho nước bạn Lào luôn  là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.  Thấm nhuần quan điểm đó, trong những năm qua  Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân Tỉnh Quảng trị đã chỉ đạo để Trường Chính trị Lê Duẩn thực hiện tốt nhiệm vụ cực kỳ quan trọng này. Kết quả của quá trình hợp tác đó chính là đào tạo được 5 lớp cho hai tỉnh Salavan và Savannakhet với 190 học viên với kết quả học tập khá tốt. Có được kết quả đó là sự nỗ lực của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân Tỉnh, và trực tiếp là đội ngũ giảng viên của Trường Chính Trị Lê Duẩn đã khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng việc rút ra những kinh nghiệm cho loại hình giảng dạy đặc thù như đào tạo cho học viên bạn Lào để nâng cao chất lượng giảng dạy vẫn luôn là công việc hết sức quan trọng

Tác giả bài viết: Th.S Hoàng Tiến Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây