Lãnh đạo công tác tư tưởng ở Đảng bộ Trường Chính trị Lê Duẩn Quảng Trị

Thứ bảy - 05/12/2015 14:53

Từ ngày thành lập đến nay, trong công tác xây dựng Đảng, Đảng ta luôn đề cao ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Hơn 80 năm qua, sức mạnh của Đảng đều được thể hiện qua 3 mặt đó, nó gắn kết hữu cơ, tác động qua lại và được phát triển sáng tạo trong từng giai đoạn lịch sử, trở thành ý thức và là kỷ luật hành động của tổ chức Đảng và đảng viên. Chính vì thế mà Đảng ta vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn thử thách để có được thành quả như ngày hôm nay: Đất nước thống nhất, đổi mới, hội nhập quốc tế, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa để xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thành quả cách mạng mà mỗi chúng ta tự hào, mỗi đảng viên đều có trách nhiệm phấn đấu là Đảng ta luôn được nhân dân tin yêu, sự nghiệp cách mạng của Đảng khởi xướng và lãnh đạo được nhân dân ủng hộ, Đảng với dân thực sự là “máu” “thịt”. Có được điều đó cần phải khẳng định là công tác tư tưởng của Đảng đã đi trước một bước, thống nhất và xuyên suốt từ trung ương đến cơ sở, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, nhờ đó mà tính kiên định cao, vững vàng trước mọi khó khăn thử thách. Đánh giá về vai trò quan trọng của công tác tư tưởng,Văn kiện Đại hội Đại biểu quốc lần thứ X của Đảng khẳng định: “Công tác tư tưởng đã góp phần nâng cao nhận thức, tích cực của cán bộ, đảng viên, nâng cao lòng tin của nhân dân vào đường lối đổi mới, tạo sự nhất trí trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội”.

Nhận thức được vị trí, tầm quan trọng đó, những năm qua công tác tư tưởng ở Đảng bộ Trường Chính trị Lê Duẩn Quảng Trị được tiến hành thường xuyên, có nhiều đổi mới và sáng tạo. Sự đổi mới và sáng tạo ở chỗ, Đảng bộ không chỉ lãnh đạo công tác tư tưởng của cán bộ, giảng viên mà cả với học viên đang học tập tại trường. Phương pháp lãnh đạo công tác tư tưởng cũng linh hoạt với nhiều hình thức khác nhau dựa vào đối tượng cụ thể để lãnh đạo. Công tác quản lý, nắm diễn biến tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, giảng viên, học viên cụ thể hơn, nhanh nhạy hơn. Trách nhiệm của cấp ủy, đồng chí bí thư cấp ủy và các cấp ủy viên trong lãnh đạo công tác tư tưởng cũng thể hiện rõ hơn.

Từ nhận thức và đổi mới phương pháp công tác, những năm qua lãnh đạo công tác tư tưởng ở Đảng bộ Trường Chính trị Lê Duẩn Quảng Trị đạt được kết quả hết sức quan trọng.

Trước hết, đã tạo sự đồng thuận, thống nhất cao, khắc phục tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ. Điều đó được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá trong lần về thăm và làm việc với Trường: “…Tư tưởng cán bộ ổn định, đoàn kết nội bộ được củng cố” (Thông báo số 948-TB/TU ngày 19/3/2012).

Thứ hai, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị hàng năm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao và đã được Thường vụ Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; năm 2011 được Hội đồng Thi đua khối Đảng bầu chọn đạt cờ thi đua của UBND Tỉnh; Đảng bộ nhiều năm đạt trong sạch vững mạnh.

Thứ ba, các đề tài khoa học mang tính ứng dụng cao, tập trung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào phục vụ cụ thể nhiệm vụ dạy-học, nâng tầm nhận thức trong cán bộ, giảng viên và học viên, nâng cao chất lượng các đề tài khoa học, giải quyết những vấn đề mà Nhà trường đang cần, những vấn đề mà địa phương quan tâm.

Thứ tư, tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị …của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong nước và địa phương, tuyên truyền kỷ niệm những ngày lễ lớn của quê hương…trong cán bộ, giảng viên và học viên. Nghe báo cáo các chuyên đề, các vấn đề thời sự để cán bộ, giảng viên, học viên nắm bắt kịp thời thông tin, định hướng tư tưởng trước mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực.

Thứ năm, hết sức coi trọng xây dựng phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và chỉ đạo cán bộ, đảng viên, các lớp học viên trong nhà trường đăng ký và cụ thể hóa để thực hiện, qui định thời gian báo cáo kết quả thực hiện trong từng chức danh cán bộ, giảng viên của nhà trường.

Thứ sáu, phối hợp các ngành chức năng, các địa phương để nắm bắt dư luận phản ánh về nhà trường trong việc tổ chức dạy-học, phục vụ…để điều chỉnh kịp thời thông qua các buổi giao ban hàng tuần, sinh hoạt chi bộ và Đảng ủy. Chấn chỉnh kịp thời và nhanh nhạy các vấn đề dư luận có ảnh hưởng không tốt, những hạn chế của nhà trường, giảng viên và cán bộ. Nhà trường đã phát huy dân chủ thực sự trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các ngành, các địa phương, với 2 tỉnh Salavan và Savannakhet của nước bạn Lào, đặc biệt là với học viên dân tộc, học viên Lào. Học viên khi ra trường về địa phương, đơn vị có tình cảm tốt với nhà trường, phát huy trách nhiệm; các địa phương đã bố trí công việc cụ thể để học viên phát huy trong thực tiễn công tác.

Những kết quả đạt được về lãnh đạo công tác tư tưởng của Đảng bộ trong thời gian qua là rất cố gắng và trân trọng. Tuy nhiên trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và trên thế giới, cũng như phát sinh những mâu thuẫn trong quá trình phát triển đi lên của địa phương là khó lường và không thể không ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo công tác tư tưởng của Đảng bộ.

Những yếu kém trong công tác Xây dựng Đảng của Đảng bộ những năm trước đây Đảng ủy đã tập trung lãnh đạo, củng cố. Tuy nhiên vẫn chưa thể chấm dứt nếu không thường xuyên theo dõi, không làm tốt dân chủ nội bộ thì yếu tố tiêu cực sẽ có cơ hội trổi dậy. Những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất phục vụ dạy-học, về kinh tế, điều kiện thời tiết, khí hậu không thuận lợi, các lớp mở xa trường…nếu công tác tư tưởng thiếu theo dõi kiểm tra, xử lý kịp thời thì dễ gây tâm lý trông chờ, tùy tiện, không tạo ra động lực phục vụ và nghiên cứu của đội ngũ giảng viên cũng như học viên.

Những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra đòi hỏi những người làm công tác giáo dục Lý luận chính trị phải đầu tư nghiên cứu, góp sức cùng toàn Đảng đóng góp về mặt lý luận, để phục vụ vai trò lãnh đạo của Đảng là một yêu cầu rất cao, rất thiết thực đang đặt ra trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà trường.

Những hạn chế cơ bản cũng là những yêu cầu đặt ra cho công tác lãnh đạo tư tưởng trong thời gian tới mà Đảng bộ phải tập trung làm tốt:

Một là, từ cấp ủy đến đảng viên phải nhận thức đúng công tác tư tưởng là hoạt động lãnh đạo quan trọng hàng đầu của Đảng, do đó phải tổ chức thật tốt việc nghiên cứu, học tập lý luận, Nghị quyết, Chỉ thị và pháp luật của Đảng, nhà nước; có trách nhiệm truyền bá đường lối của Đảng đến các đối tượng; xây dựng niềm tin, lý tưởng của Đảng; định hướng hoạt động của mình vào việc thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Hai là, tổ chức học tập quán triệt nghiêm túc Nghị quyết 12 của Hội nghị TW4 (Khóa XI) có chất lượng; Cấp ủy và mỗi đảng viên cụ thể hóa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành các chuẩn mực đạo đức cá nhân phù hợp để phấn đấu nhằm tạo sự chuyển biến tốt trong Đảng bộ; định kỳ phải đánh giá kết quả hoạt động trong các tổ chức và mỗi đảng viên; kiên quyết khắc phục những hạn chế qua các năm đã đánh giá và chỉ ra.

Ba là, nâng cao chất lượng chuyên môn, đặc biệt là nghiên cứu, xây dựng các đề tài khoa học, các vấn đề nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn sát với công việc để góp phần nâng cao nhận thức lý luận, những vấn đề mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra; giải quyết những vấn đề mà nhà trường cần, làm cơ sở khoa học để phục vụ dạy-học; đóng góp ý kiến với các địa phương, các ngành trong xây dựng các đề án phát triển kinh tế - xã hội, an ninh-quốc phòng, xây dựng Đảng.

Bốn là, mở rộng dân chủ trong Đảng, các tổ chức trong nhà trường để xây dựng khối đoàn kết thống nhất cao, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên trong công tác tư tưởng của Đảng bộ. Tập trung lãnh đạo thực hiện quy hoạch cán bộ trưởng-phó Khoa, Phòng và Ban Giám hiệu nhà trường từ nay đến 2020, trên cơ sở đó có sự bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý; thực hiện công khai, dân chủ về chính sách đối với cán bộ. Thực hiện nghiêm túc việc thi tuyển, xét tuyển và tiếp nhận cán bộ đúng theo quy định của Thường vụ Tỉnh ủy; cử các đồng chí tham gia Báo cáo viên của Đảng ủy khối và của Tỉnh ủy để nắm bắt thông tin và các dư luận xã hội để cung cấp cho nội bộ; giữ mối liên hệ với Ban chỉ đạo Quy chế dân chủ, Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Tỉnh để cung cấp các thông tin cần thiết và tiếp nhận các thông tin có liên quan đến nhà trường. Tiếp tục đề xuất với Thường vụ Tỉnh ủy cho giảng viên của nhà trường được dự các hội nghị của Tỉnh ủy tổ chức triển khai nghị quyết, các chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh-quốc phòng, xây dựng Đảng.

Năm là, giữ vững nền nếp sinh hoạt Đảng, sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát có nội dung thiết thực, hữu ích; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, các tổ chức đoàn thể vững mạnh toàn diện, nhà trường có thành tích xuất sắc và đề nghị Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 2 trong năm 2012.

Nhận thức đúng vị trí, vai trò của công tác tư tưởng để lãnh đạo là một nhiệm vụ xuyên suốt trong công tác xây dựng Đảng, Lênin đã chỉ rõ:“Nâng cao sự giác ngộ của quần chúng, hiện nay cũng như bất cứ lúc nào, vẫn là nền tảng và nội dung chủ yếu của toàn bộ công tác của chúng ta”.

Với ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt Nghị quyết 12 của Hội nghị TW4 (Khóa XI), Đảng bộ Trường Chính trị Lê Duẩn tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, lãnh đạo tốt công tác tư tưởng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Tỉnh ủy giao, các chỉ tiêu mà Nghị quyết của Đảng bộ và Hội nghị viên chức của nhà trường đã đề ra.
 

Lê Công Tuyến
TUV, Hiệu trưởng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây