Đảo Cồn Cỏ, hai chiều thời gian…

Thứ bảy - 05/12/2015 15:37
“ Không quá xa bờ như Hoàng Sa, Trường Sa để vĩnh viễn nằm trong nỗi nhớ xa khơi của đất liền. Nhưng Cồn Cỏ cũng không đứng gần đến độ những con hải âu cũng đâm ra nhàm chán vì ngửi thấy quá ít cái phong vị sóng gió của hải đảo…” Chỉ mấy câu ngắn gọn như thế trong bút ký “Cồn Cỏ ngày thường” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đủ khái quát hết cái thế đứng của Cồn Cỏ, hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi Quảng Trị. 

Một quá khứ đạn bom…

Hòn đảo chỉ rộng hơn hai cây số vuông nhưng những năm chiến tranh đó là một trong những địa danh khốc liệt nhất. Hiếm có hòn đảo nào ngày chiến tranh lại hút về mình những nhà văn tên tuổi ra đây cùng sống, cùng chiến đấu với lính. Và giờ đây đọc lại những trang sách như “Họ sống và chiến đấu” (Nguyễn Khải) “Chúng tôi ở Cồn Cỏ” (Hồ Phương) hay bài thơ Cồn Cỏ của Nguyễn Trọng Oánh…, viết về Cồn Cỏ những năm tháng chiến tranh, gần nửa thế kỷ rồi mà vẫn còn nghe mùi khói đạn vương trong từng câu từng chữ.
Bãi đá đen với hàng vạn viên đá mồ côi như những viên ngọc trai đen khổng lồ.Ảnh: Đức Dục

Cái lý do để Cồn Cỏ trở thành vị trí tiền tiêu cho cả miền Bắc trong kháng chiến bởi vì khi vĩ tuyến 17 chia đôi hai miền đất nước thì vị trí của đảo Cồn Cỏ nằm vào 17008’15’’ tới 17010’05’’ vĩ độ Bắc, gần như sát rạt bên đường giới tuyến kéo dài từ cửa Tùng ra thêm 15 hải lý về phía biển Đông. Chiếm được hòn đảo án ngữ phía nam vịnh Bắc bộ này sẽ có được cái bàn đạp để “cai quản” một vùng biển rộng lớn, thâm nhập vào hậu phương miền Bắc. Chưa kể đường bay của những chiếc máy bay ném bom ra phía Bắc đều bay ngang qua bầu trời trên đảo, tất cả những điều đó khiến Cồn Cỏ trở thành mục tiêu để hủy diệt, nhưng thật lạ kỳ, trơ vơ giữa trùng dương, đạn bom thiêu sạch cây cỏ, đảo trần thân trơ trụi ra giữa nắng giữa gió nhưng những con người trên đảo vẫn kiên gan bám trụ, và những nhà văn đã gọi Cồn Cỏ ngày ấy là “Chiến hạm không bao giờ chìm”. Ít ai biết, để cho “chiến hạm Cồn Cỏ” vững vàng trước đạn bom như thế lại nhờ vào những đoàn thuyền nan tiếp tế lương thực, nước ngọt, đạn dược vũ khí từ đất liền ra. Một điều thú vị là thời chiến tranh, các trận địa trên đảo lại mang tên các địa danh của cả nước như đồi Hải Phòng, khu Hà Nội (liên quan tới quê của lính đóng tại vị trí đó) nay vẫn giữ nguyên tên gọi.

Địa đạo Vịnh Mốc ở xã Vĩnh Thạch huyện Vĩnh Linh nay được xếp là di tích đặc biệt quan trọng trong hệ thống di tích lịch sử, đó là câu chuyện về người dân đã đưa mảnh làng của mình xuống sâu dưới lòng đất để sống và chiến đấu. Nhưng trong lòng sâu địa đạo kia, không chỉ có người dân, từ địa đạo, đêm đêm, những mặt hàng tiếp tế cho đảo được ngư dân của làng chài bé nhỏ này chất lên thuyền, chèo tay chở ra đảo. Đó là phương tiện duy nhất để tiếp vận bởi đảo đã bị phong tỏa bằng máy bay trên trời và tàu chiến trên biển, chỉ duy nhất đêm tối và những chiếc thuyền nan cùng những ngư dân can đảm mới có thể ra với Cồn Cỏ. Những chuyến đi như thế, gần như cầm chắc sự hy sinh, lão ngư Lê Văn Ban, người được phong anh hùng trong những chuyến tiếp tế cho Cồn Cỏ nói rằng: Đi là xác định chết, nhưng nếu đưa được hàng tới đảo rồi chết cũng an lòng. Về địa đạo Vịnh Mốc, trông vời ra mặt sóng nối dài từ mũi Lài ra tới đảo-một chấm xanh xa xăm phía biển, không thể không nhớ những ngư dân đã nằm lại biển khơi trong cái hành trình máu nối đất liền với đảo.

Về một “thiên đường du lịch”

Phải hơn ba mươi năm sau ngày hòa bình Cồn Cỏ mới được “dân sự” còn trước đó, Cồn Cỏ chỉ có lính đóng quân. Cũng nhờ ba mươi năm tách biệt như thế mà Cồn Cỏ đã kịp hồi sinh cánh rừng xanh ngút ngát với nhiều loại cây gỗ quý, những đàn khỉ được thả ban đầu nay đã sinh sôi con đàn cháu đống. Bởi kiến tạo từ hoạt động của núi lửa giữa biển khơi, Cồn Cỏ có chất đất bazan màu mỡ, quanh đảo là các thềm đá bazan phong hóa rất độc đáo mà ít nơi có được. Mùa hè năm 1992, chuyến điền dã của giáo sư Trần Quốc Vượng và các cộng sự ra Cồn Cỏ đã mang về những thông tin quý giá: Cồn Cỏ đã những dấu vết của thời đại đá cũ. Và từ những năm đầu công nguyên, Cồn Cỏ đã có những cư dân Chàm sinh sống, Cồn Cỏ cũng là nơi những đoàn thuyền Đại Việt từng ghé đến để nghỉ ngơi trên những hành trình vượt biển…Với một trầm tích văn hóa như thế, cộng với quá khứ chói chang của những tháng năm làm “hòn đảo chiến trận”, hôm nay Cồn Cỏ đang giữ một vị trí trọng yếu trong việc phân định chủ quyền lãnh hải của đất nước.

Tháng 10 năm 2004 , Cồn Cỏ được chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp huyện theo nghị định số 174/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Trút chiếc áo chiến trận, hòn đảo quân sự nay đã mang một vị thế khác, chủ trương phát triển kinh tế theo cơ cấu: Du lịch-dịch vụ-thủy sản-lâm, nông nghiệp. Những cư dân từ đất liền đã ra đảo sinh sống làm ăn, những ngôi nhà ấm tiếng trẻ bi bô mọc lên, lớp mẫu giáo trên đảo được xây dựng mang cái tên rất biển đảo “Trương mầm non Hoa Phong Ba”, cảng cá và dịch vụ hậu cần ra đời, những con thuyền của ngư dân từ nhiều miền đất nước ghé lại đảo để tiếp dầu, tiếp nước cho những chuyến đánh bắt dài ngày.

Lớp mầm non trên đảo.Ảnh: Đức Dục
 

Ngay từ khi thành lập, Cồn Cỏ đã thuê chuyên gia Cu Ba đến để lập quy hoạch, biến hòn đảo này thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Hòn đảo đặc biệt bởi bước từ bờ biển lên ta sẽ chạm ngay khu rừng với hệ sinh thái nhiệt đới ba tầng khá hiếm ở các đảo núi lửa Việt Nam. Rạn san hô ở đây cũng được nghiên cứu và đánh giá chỉ sau Phú Quốc, Côn Đảo và Hòn Mun, khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đã được thành lập nhằm bảo vệ hệ sinh thái san hô này cùng các loài động thực vật quý hiếm.

Những bãi tắm ở Cồn Cỏ vẫn nguyên vẹn vẻ đẹp nguyên thủy và độc đáo, bãi Nghè đẹp nhờ sự phong hóa của các tầng đá bazan thì bãi Hương Giang lại mang vẻ đẹp trắng mịn của đá san hô và bãi đá đen với hàng vạn viên đá tròn đen bóng như những viên ngọc trai đen khổng lồ nằm phía tây bắc đảo.

Còn gì thú vị hơn khi sau một ngày leo đồi đến với những di tích xưa, lang thang trong khu rừng nguyên sinh rợp mát rồi chiều về vùng vẫy trên những bãi tắm hoang sơ. Và đêm đến, những chiếc thuyền câu quanh đảo sau vài chục phút đã đủ cho bạn những nồi cháo cá tươi thơm nức. Riêng con cua đá nổi tiếng trong bài hát ngày xưa ‘Cồn Cỏ có con cua đá” thì nay đang được bảo vệ bởi lệnh cấm bắt cua đá nhằm giữ gìn hệ sinh thái cho Cồn Cỏ. 

Ngày 10.4, Ban thực hiện dự án du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng phối hợp với Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Quảng Trị và UBND huyện đảo Cồn Cỏ đã tổ chức chuyến khảo sát thực tế tại đảo Cồn Cỏ cho các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ, các nhà đầu tư nhằm hình thành tour du lịch thăm đảo trong mùa hè này. Ngoài những công ty du lịch tại địa phương như Mê Kông, Hữu Nghị, Đông Hà travel, còn có đại diện của Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam (Vitours) tham gia. Ông Hoàng Anh Quyết, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Trị cho hay: “Cồn Cỏ từ lâu đã được tỉnh định hướng phát triển du lịch nhưng trước nay nhiều hoạt động chưa đạt kết quả như mong đợi nên dịp này chúng tôi muốn đưa các công ty lữ hành, các nhà đầu tư ra ngồi bàn bạc cùng UBND huyện cách để khơi dậy tiềm năng du lịch Cồn Cỏ…”.

Với quá khứ hào hùng của những năm chống Mỹ và những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, hy vọng Cồn Cỏ sẽ trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với mảnh đất Quảng Trị thân yêu.

 

Nguyễn Thị Hồng Sâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây