Đồng chí Lê Duẩn với việc “Làm thế nào để công tác tư tưởng thấu suốt đến quần chúng”

Thứ bảy - 05/12/2015 10:38

Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay đã chỉ ra cho chúng ta thấy rằng công tác tư tưởng là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại và sự ra đời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thực chất và trước hết là thời kỳ những người cộng sản và những người yêu nước đã vượt qua mọi hy sinh, gian khổ tiến hành hoạt động tư tưởng trong nhân dân, gắn bó máu thịt với quần chúng để tập hợp, giác ngộ, động viên, rèn luyện, tiến tới tổ chức nhân dân đi theo tiếng gọi và mục tiêu chiến đấu của Đảng. Do đó, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của mười lăm năm vận động cách mạng, trong đó có thành tựu to lớn của công tác tư tưởng của Đảng, là thắng lợi của quá trình biến lý tưởng của Đảng thành sức mạnh của quần chúng, thành hiện thực cách mạng. Mới được thành lập, nhà nước non trẻ của chúng ta lại phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách và phải tiến hành cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc . Suốt ba mươi năm ấy, thành tựu lớn nhất của công tác tư tưởng chính là sự trực tiếp bồi dưỡng, xây dựng, phát triển sức mạnh và giá trị con người Việt Nam để chúng ta giành chiến thắng. Năm 1975, đất nước ta được giải phóng, chúng ta lại phải vượt qua những khó khăn và thử thách mới đó là khắc phục hậu quả của chiến tranh, hoạch định đường lối đổi mới…, thành tựu công tác tư tưởng giai đoạn này chính là chúng ta đã trực tiếp góp phần hình thành, xác định và phát triển đường lối đổi mới, chú trọng tổng kết sáng kiến của nhân dân để khẳng định, cổ vũ và đưa vào cuộc sống, củng cố niềm tin, lý tưởng ngay cả khi cách mạng gặp khó khăn, khơi dậy sức mạnh sáng tạo của nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa đất nước vượt qua nhiều thử thách và lập được nhiều thành tựu to lớn.

Chỉ với những nét khái quát nhất về tiến tiến trình lịch sử Việt Nam từ khi có Đảng đã nêu trên cũng đủ cho chúng ta thấy được vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của công tác tư tưởng. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay công tác tư tưởng của Đảng ta đang đứng trước bối cảnh quốc tế và trong nước diễn biến phong phú, khẩn trương, phức tạp với nhiều đặc điểm mới, nó tác động nhiều mặt đối với nước ta cả tích cực và tiêu cực, do đó đòi hỏi công tác tư tưởng phải tập trung, phát huy cao độ trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm, khắc phục những yếu kém, bất cập. Với ý nghĩa ấy, chúng tôi nghĩ rằng việc tìm hiểu những phương pháp để công tác tư tưởng đến được với quần chúng là việc làm hết sức quan trọng, vì đó chính là cơ sở, định hướng, phương pháp cơ bản để Đảng ta thực hiện tốt công tác tư tưởng, hay nói cách khác là công tác tư tưởng của Đảng thực sự đến được với quần chúng.

Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, đồng chí Lê Duẩn đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta một di sản vô cùng quí giá vẫn còn nguyên giá trị trên nhiều lĩnh vực mà trách nhiệm của mỗi chúng ta phải biết khai thác, kế thừa những giá trị ấy vào hoạt động thực tiễn của cách mạng. Trong lĩnh vực tư tưởng của Đảng ta, đồng chí có rất nhiều bài viết, bài nói chuyện, nhưng trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ dừng lại một khía cạnh trong công tác tư tưởng, đó là “ làm thế nào để công tác tư tưởng thấu suốt đến quần chúng”.

Theo đồng chí Lê Duẩn, để công tác tư tưởng đến được với quần chúng cần phải lưu ý đến hai vấn đề lớn : Chi bộ, đảng viên là lực lượng căn bản nhất để làm công tác tư tưởng; và cán bộ tuyên huấn phải luôn luôn trau dồi phẩm chất cách mạng của mình.

Thứ nhất, đối với Chi bộ, đảng viên. Trong quá trình hoạt động lãnh đạo của mình, đồng chí nói rằng, có nhiều đồng chí than phiền rằng hiện nay công tác tư tưởng không xuống đến được quần chúng và cho rằng nguyên nhân của hiện tượng đó là do thiếu tổ chức, thiếu phương tiện, thiếu người. Bằng những lý luận khoa học về Đảng cộng sản và thực tiễn hoạt động lãnh đạo Đảng của mình, đồng chí đã giải thích và nhấn mạnh : “Theo tôi hiểu thì lý do đó có phần nào đúng, nhưng chủ yếu là chưa thấy rõ đội ngũ của ta nên tổ chức như thế nào, người lãnh đạo đội ngũ này như thế nào để thấu suốt đến quần chúng. Quần chúng Việt Nam có một điểm rất đặc biệt là họ xuyên qua Đảng để hiểu mọi việc. Họ đã trải qua ba mươi năm đấu tranh cách mạng và nhất là qua 9 năm kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng nên họ rất tin Đảng, coi tiếng nói của Đảng là đúng nhất. Nói thế không có nghĩa là không có các mặt tuyên truyền khác, nhưng chủ yếu là do họ tin theo sự lãnh đạo của Đảng, gắn bó với Đảng và làm theo lời Đảng” (Lê Duẩn- Về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb Sự thật, trang 370).

Có lẽ chúng ta không cần phân tích và suy luận nhiều về những điều đồng chí Lê Duẩn đã chỉ ra, mà chúng ta cần phải nhấn mạnh ở đây, cần phải thấy và đặc biệt quan tâm đó là Chi bộ, đảng viên, vì Chi bộ chính là cơ sở để đường lối, chủ trương của Đảng đến được với quần chúng. Đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta trước đây cũng như hiện nay thì công tác tư tưởng nói chung, công tác tư tưởng đến được với quần chúng nói riêng không thể nào khác là phải thông qua Đảng, thông qua Đoàn thanh niên để tuyên truyền vào quần chúng. Muốn công tác tư tưởng đến được với quần chúng để quần chúng thấu hiểu và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì trước hết đảng viên phải hiểu và thấm nhuần điều đó vì chính đảng viên là người trực tiếp nhất đối với quần chúng.

Trong tư duy của đồng chí Lê Duẩn khi nói về vai trò của đảng viên đối với công tác tư tưởng hàm chứa nội dung mà chúng ta phải hết sức quan tâm, điều mà hiện nay một bộ phận không nhỏ đảng viên chúng ta vẫn chưa làm tốt đó là mỗi đảng viên đều phải làm công tác tuyên truyền, bởi vì làm công tác giáo dục tư tưởng cho người khác, đồng thời cũng là giáo dục cho riêng mình. Đồng chí nói : “Việc giáo dục, xây dựng tư tưởng của mỗi người không chỉ ngồi đọc sách là đủ mà phải thông qua việc đấu tranh tư tưởng với những người khác để giáo dục cho người, giáo dục cho mình. Vì vậy, người đảng viên nào không làm công tác tuyên truyền thì chính người đó cũng không giáo dục được bản thân mình. Hàng ngũ đảng viên chúng ta mà tiến lên được theo với cách mạng là phải dính liền với quần chúng. Trong quần chúng sẵn có bản chất cách mạng, vì cách mạng dính liền với thực tế sản xuất, và qua thực tế đấu tranh sản xuất mà đề ra tư tưởng cách mạng. Vì thế, nếu người đảng viên xa rời quần chúng, không làm nhiệm vụ tuyên truyền đối với quần chúng, tức là đã tự mình tách rời với cơ sở cách mạng. Cho nên xây dựng cho mỗi đảng viên trở thành một người tuyên truyền, một người làm công tác tư tưởng cũng chính là từ quần chúng làm cho quần chúng tiến lên và đảng viên tiến lên” (Lê Duẩn- Về cách mạng XHCN ở Việt Nam, trang 372).

Thứ hai, cán bộ tuyên huấn phải luôn luôn trau dồi phẩm chất cách mạng của mình.

Ngoài yếu tố Chi bộ, đảng viên là những vấn đề mấu chốt để công tác tư tưởng đến được với quần chúng, đồng chí Lê Duẩn còn chỉ ra nhiệm vụ cho những cán bộ làm công tác tuyên huấn. Theo đồng chí, một vấn đề cần chú ý để làm công tác tư tưởng cho tốt thì : “ người cán bộ tuyên huấn ngoài việc nắm được nội dung nhiệm vụ chính trị của Đảng trong từng giai đoạn, nắm được qui luật, nắm được đối tượng, còn phải luôn trau dồi phẩm chất cách mạng tức là phải có ý chí quyết thắng, phải có tâm hồn trong trẻo, phải rất trung thành, rất say sưa trong công tác cách mạng, nếu không lời nói của mình sẽ giả tạo, không có sức thuyết phục và công tác tư tưởng không thể nào tốt được. Cho nên các đồng chí làm công tác tuyên huấn phải là những nòng cốt, đầu não trong phong trào cách mạng” (Lê Duẩn- Về cách mạng XHCN ở Việt Nam, trang 373).

Không chỉ nhấn mạnh đến việc tư trau dồi phẩm chất cách mạng của cán bộ làm công tác tuyên huấn, đồng chí còn lưu ý đến tinh thần trách nhiệm của cán bộ tuyên huấn, điều mà hiện nay không chỉ cán bộ làm công tác tuyên huấn mà mỗi đảng viên chúng ta cũng phải suy ngẫm về bản thân mình. Đồng chí nói : “ …Mỗi khi đi công tác về một xã, một nhà máy, mỗi khi nói gì với quần chúng, phải thấy mình là người đại diện cho Đảng, phải nói với tư cách là người đại diện cho Đảng, nếu có được thái độ trách nhiệm như vậy thì công tác của chúng ta mới có thể tốt được” ( Lê Duẩn- Về cách mạng XHCN ở Việt Nam, trang 374).

Như đã nói ở trên, bàn về công tác tư tưởng của Đảng là một trong những nội dung mang tính lý luận khoa học và thực tiễn cao, do đó đòi hỏi người nghiên cứu, người viết phải thật sự am hiểu về lý luận khoa học và thực tiễn thì mới có đủ khả năng luận giải những vấn đề mà mình quan tâm và suy nghĩ. Nhân kỷ niệm 105 ngày sinh của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, bằng vốn hiểu biết và tình cảm kính trọng của mình, tôi muốn trao đổi cùng bạn đọc những giá trị mà đồng chí Lê Duẩn đã để lại nhằm giúp cho chúng ta tự kiểm điểm lại chính bản thân mình. Điều mà đồng chí Lê Duẩn đã chỉ ra là mỗi đảng viên khi nói gì với quần chúng thì phải thấy mình là người đại diện cho Đảng vẫn luôn là vấn đề mang tính thời sự . Với Nghị quyết TW4( Khóa XI) về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng đã và đang được triển khai học tập trong toàn Đảng, toàn dân, và toàn quân thì việc nắm vững và vận dụng tư tưởng này sẽ là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên suy ngẫm, tự soi mình và quan trọng hơn là phải thực hiện tốt, đúng như tinh thần của Nghị quyết là những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng.
 

Ths. Hoàng Tiến Dũng
Khoa Dân vận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây