Một số ý kiến về chương trình, giáo trình trung cấp LLCT-HC qua hai năm thực hiện ở Trường Chính trị Lê Duẩn Tỉnh Quảng Trị

Thứ bảy - 05/12/2015 10:34

Thực hiện Quyết định 1845/QĐ-HVCT-HCQG ngày 27/9/2009 của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh về việc ban hành chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (hệ Trung cấp LLCT-HC), sau quá trình chuẩn bị chu đáo, từ tháng 10 năm 2009, Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị đã chính thức triển khai chương trình này đồng thời trên cả hai loại hình đào tạo tập trung và tại chức.

Sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay, đã có 7 lớp với 494 học viên tốt nghiệp ra trường, trong đó có 1 lớp đào tạo cho bạn Lào với 30 học viên; 05 lớp với 407 học viên đang học.

Có thể nói, chương trình này có sự đổi mới căn bản so với chương trình Trung cấp lý luận chính trị, đòi hỏi học viên tập trung cho việc tự học, tự nghiên cứu, đi thực tế, rèn luyện kỹ năng quản lý, lãnh đạo theo hướng thiết thực, gắn lý luận với thực tiễn nhiều hơn, phát huy hiệu quả hơn năng lực của học viên sau đào tạo.

Kết cấu 7 phần học của chương trình tương đối đầy đủ, hàm chứa nội dung cô đọng, cung cấp những kiến thức hết sức cơ bản về lý luận, kỹ năng và nghiệp vụ công tác, giúp cho người học dễ hình dung và nắm bắt được tổng thể chương trình. Thời gian đào tạo phù hợp với đối tượng học viên là cán bộ đương chức, vừa học, vừa làm.

Việc tổ chức 2 lần đi thực tế, viết thu hoạch có ý nghĩa thiết thực trong việc gắn lý luận với thực tiễn, đồng thời làm tiền đề cho việc viết tiểu luận cuối khóa. Việc tổ chức viết tiểu luận cuối khóa có ý nghĩa tích cực, học viên tâm huyết với đề tài được chọn trên cả hai góc độ: vừa có điều kiện thể hiện sâu sắc nhận thức về những vấn đề đã học, vừa trực tiếp góp phần giúp cơ quan có cơ sở giải quyết một số vấn đề vướng mắc, tồn tại hiện nay.

Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện, chương trình mới cũng bộc lộ một số hạn chế sau:

+ Một số bài giảng ở chương trình cũ được giữ nguyên về nội dung những lại bớt đi số tiết nên khó trong việc chuyển tải hết nội dung.

+ Tốc độ chuyển tiếp giữa các môn học, phần học quá nhanh làm người học không đủ thời gian để thẩm thấu, kiểm định kiến thức; giảng viên không chấm bài kịp.

+ Nội dung chương trình soạn thảo thiên về cán bộ cấp cơ sở nên ở một số chuyên đề khi giảng dạy cho các lớp tại chức là cán bộ, công chức cấp huyện trở lên là không phù hợp (môn Dân vận, Khoa học hành chính).

+ Nội dung kinh tế trong phần IV giao cho Khoa Xây dựng Đảng là chưa hợp lý vì muốn thực hiện phải điều chuyển giảng viên từ Khoa Lý luận Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh về giảng dạy mới đúng chuyên ngành.

+ Quan điểm chỉ đạo của Học viện về " Chủ trì, trực tiếp, phối hợp " việc tổ chức thực hiện các môn học trong phần học có sự tham gia của các khoa là rất khó thực hiện vì nó liên quan đến vấn đề phân công, quản lý chất lượng giảng dạy và ra đề thi, chấm thi trong lúc những vấn đề này phải cần thực hiện tập trung ở một khoa.

+ Phần VI ghép 3 môn học, có hai lần kiểm tra, 1 lần thi chung cho cả 3 môn là quá bất cập, nên tách thành 3 môn học độc lập và tổ chức thi riêng cho từng môn.

+ Chương trình có hai lần học viên đi thực tế cơ sở nhưng chưa có quy định cụ thể về cách đánh giá xếp loại cũng như mức giờ chuẩn cho việc chấm bài thu hoạch; kết quả thu hoạch được đánh giá trong kết quả tốt nghiệp của học viên như thế nào vẫn còn chưa được đề cập nên chắc chắn sẽ có cách làm không thống nhất giữa các Trường.

+ Cần sớm bổ sung các chuyên đề bổ trợ như Phòng chống tham nhũng và lãng phí, Cuộc vận động nâng cao đạo đức cán bộ, công chức và công tác Chữ thập đỏ vào kết cấu chương trình và có sự cân đối thời gian phù hợp trong tổng thời gian chương trình.

Về giáo trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính, tuy có sự thay đổi hết sức cơ bản về nội dung, tính thống nhất với chương trình cao nhưng trong quá trình thực hiện cũng có một số vướng mắc sau:

+ Giáo trình Khoa học hành chính ở một số nội dung chưa được sửa đổi, cập nhật kịp thời. Một số bài trùng lặp với chương trình QLNN chuyên viên nên học viên đã học chương trình chuyên viên phải học lại. Giáo trình môn Dân vận ở bài 9 ( bài tập tình huống ) không nên đưa ra đáp án vì sẽ làm mất tính độc lập suy nghĩ, tính sáng tạo của học viên lẫn giảng viên. Nên thay bài 8 " Phương pháp xây dựng và triển khai dự án kinh tế vừa và nhỏ " ( vì chưa phù hợp do giảng viên ở trường chính trị nói chung chưa được đào tạo chuyên ngành này ) bằng bài " Công tác vận động các tín đồ, chức sắc tôn giáo " vì nội dung này rất cần thiết cho các địa phương có nhiều tôn giáo.

+ Các đề mục ở trong một số bài quá dài, trùng lặp, mất thời gian ghi chép.

Nhìn chung, qua hơn 2 năm thực hiện ở 12 lớp, dưới sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Giám hiệu, việc thực hiện chương trình đã được vận hành thông suốt theo một quy trình chặt chẽ từ công tác giảng dạy, nghiên cứu, thảo luận, thi, kiểm tra đến công tác đi thực tế, viết thu hoạch, viết tiểu luận cuối khóa. Tất cả đều được tổ chức nền nếp, chặt chẽ theo quy chế. Những vướng mắc nêu trên cũng rất mong được Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh xem xét, nghiên cứu để có sự điều chỉnh giúp cho chương trình, giáo trình hoàn thiện hơn trong những năm tới.

Đỗ Tân
Trưởng phòng Đào tạo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây