Một số ý kiến về Bộ quy chế, quy định quản lý đào tạo ở các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thứ bảy - 05/12/2015 15:40

Ngày 29/7/2009, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã có Quyết định số: 1845/QĐ - HVCT-HCQG về việc ban hành Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở ( hệ trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Để tổ chức thực hiện chương trình này, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cũng đã có Quyết định số: 268/QĐ - HVCT-HCQG về việc ban hành các Quy chế, quy định quản lý đào tạo ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ Quy chế lần này có 9 Quy chế, Quy định được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, có mang tính kế thừa và điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tế qua kinh nghiệm và thời gian thực hiện nhiều loại chương trình đào tạo. Hệ thống các điều khoản được trình bày chặt chẽ, dễ hiểu, dễ áp dụng với tính bao quát cao, tạo ra được bộ khung pháp lý tương đối đầy đủ cho hoạt động quản lý đào tạo ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở bộ Quy chế đó, các trường đã chủ động thực hiện và cụ thể hóa một số nội dung bằng các văn bản hướng dẫn cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng trường một cách có hiệu quả.

Tuy nhiên, qua thực tế thực hiện, ở một số Quy chế vẫn còn bộc lộ những bất cập sau:

-Tính liên thông giữa các Quy chế có một số điểm chưa thống nhất.

+ Quy chế chiêu sinh quy định tiêu chuẩn học viên ở đầu vào phải tốt nghiệp THPT hoặc tương đương trở lên là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu hiện nay. Trong công tác chiêu sinh, các trường đã thực hiện nghiêm túc và nhất quán quy định này. Nhưng ở Quy chế xét công nhận và cấp bằng tốt nghiệp, Khoản 2, Điều 4 quy định: học viên không đủ điều kiện ở đầu vào (tại Quy chế chiêu sinh) sau khi hoàn thành chương trình học tập và đạt điều kiện về học tập, rèn luyện được cấp giấy chứng nhận đã học xong chương trình. Đề nghị nên bỏ Khoản 2, Điều 4 này để việc cấp văn bằng cho mỗi khóa học được thống nhất và Quy chế chiêu sinh được chặt chẽ hơn.
+ Quy chế chủ nhiệm lớp cần gắn với Quy chế giảng viên trong việc giảm định mức giờ chuẩn cụ thể cho GVCN lớp chuyên trách là giảng viên để họ được hưởng chế độ vượt giờ cuối năm như giảng viên. Do không quy định định mức giờ chuẩn được giảm cho hai đối tượng là GVCN lớp chuyên trách (là giảng viên) và giảng viên ở các khoa được điều chuyển về các phòng nên trong thực tế đã có trường hợp các đối tượng trên không được hưởng chế độ vượt giờ cuối năm như giảng viên do không có căn cứ để tính dù họ là giảng viên, giảng viên chính và tham gia tất cả các hoạt động chuyên môn như các giảng viên khác và hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao.

- Quy chế Thi, kiểm tra và xếp loại học tập quy định tại Khoản 2, Điều 4: học viên vắng mặt không quá 10% tổng số thời gian của phần học thì không đủ điều kiện dự thi, kiểm tra. Trong thực tế, có học viên vắng hơn 10% tổng số thời gian của phần học nhưng lại rơi vào các buổi thảo luận, giải đáp môn học, hướng dẫn ôn tập, nghe báo cáo thời sự nên không có nội dung để học bù. Vì vậy nên quy định rõ hơn về nội dung này, có thể là không quá 10% đối với các bài học chính khóa trong phần học thì phù hợp hơn.

- Trong nội dung chương trình có quy định đi thực tế và viết thu hoạch 2 lần (mỗi lần 50 giờ) nhưng chưa có quy định về định mức giờ chuẩn cho hoạt động này đối với giảng viên (giảng viên hướng dẫn đi thực tế, quy đổi giờ chuẩn chấm thu hoạch). Kết quả xếp loại bằng điểm hay phân loại và quy định điều kiện của các bài thu hoạch trong việc xét tốt nghiệp cũng chưa được đề cập.

- Quy định giảng viên chính hướng dẫn tiểu luận cuối khóa là phù hợp. Tuy nhiên, trong thực tế, có giảng viên chính là cán bộ các phòng được giữ ngạch giảng viên, ít tham gia giảng dạy nên chất lượng hướng dẫn không cao. Trong lúc đó, có nhiều giảng viên có trình độ thạc sỹ, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, có đầy đủ năng lực để hướng dẫn nhưng chưa phải là giảng viên chính thì lại không được hướng dẫn. Đề nghị nên bổ sung vào Quy chế điều khoản cho phép giảng viên có trình độ thạc sỹ, có đủ năm giảng dạy nhất định được tham gia hướng dẫn tiểu luận cuối khóa. 

Qua hơn hai năm thực hiện bộ Quy chế, quy định ở nhiều loại hình lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường đã phát sinh một số vấn đề như đã nói ở trên. Mong rằng trong định hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2012 - 2013 tới, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cần quan tâm các vấn đề trên để có sự sửa đổi, bổ sung hợp lý, giúp cho bộ Quy chế, quy định ngày càng hoàn thiện hơn.


Đỗ Tân
TP Đào tạo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây