Nghệ thuật tiến công chiến lược trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh

Thứ bảy - 05/12/2015 15:46

Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là cơ sở lý luận trực tiếp của đường lối quân sự chính trị của Đảng trong lãnh đạo dân tộc ta đấu tranh giành độc lập dân tộc thắng lợi. Trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh thì nội dung về nghệ thuật tiến công chiến lược là nội dung quan trọng, quyết định đến thắng lợi của chiến tranh nhân dân, tư tưởng đó được thể hiện cụ thể trên các quan điểm:

Trước hết là nhất quán tư tưởng “kiên quyết không ngừng tiến công”. 
Theo Hồ Chí Minh cách mạng là tiến công, có quán triệt tư tưởng tiến công mới có hành động tiến công, tiến công cả hai mặt chính trị và quân sự. Người khẳng định: “Muốn cho quân đội là quyết chiến, quyết thắng hơn nữa thì phải săn sóc điều kiện vật chất của họ, nâng cao trình độ chiến thuật và kỹ thuật của họ, nhất là giáo dục chính trị, làm cho có lập trường vững chắc, lập trường của nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo” .

Như vậy, trong tư tưởng tiến công của Hồ Chí Minh yếu tố chính trị tinh thần giữ vai trò quyết định, cũng như trong xây dựng quân đội, thì cần xây dựng vững mạnh toàn diện, trong đó phải lấy chính trị làm cơ sở, Người khẳng định: “tư tưởng vững, chính trị vững, kỹ thuật khá, thân thể khoẻ thì nhất định thắng lợi” ,“Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng mà có hại”.

Kế thừa quan điểm truyền thống của dân tộc và tinh hoa quân sự thế giới, Hồ Chí Minh khẳng định vai trò quyết định của chính trí đối với quân sự, quân sự phải phục tùng chính trị, thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trong điều kiện cách mạng nước ta, mục đích chính trị mà Hồ Chí Minh cùng Đảng ta lãnh đạo toàn dân thực hiện là nhằm thực hiện độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đó là mục tiêu lâu dài và trong từng giai đoạn cụ thể của cuộc cách mạng thì có những mục tiêu khác nhau, trong cách mạng giải phóng thì mục tiêu chính trị chủ yếu là giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân, trong kháng chiến thì mục tiêu chủ yếu là đánh tan ý đồ và ách thống trị của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành lại độc lập toàn vẹn cho đất nước, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.

Thứ hai, giành quyền chủ động trong tiến công.

Theo Hồ Chí Minh chỉ có tiến công liên tục mới giành được quyền chủ động và khi giành quyền chủ động thì mới phát triển tốt tiến công trong đánh địch. Giữ quyền chủ động là biểu hiện cao nhất của tư tưởng tiến công, giữ quyền chủ động mới điều khiển đối phương. Người viết: “Giữ được quyền chủ động là khôn khéo sử khiến quân thù, muốn đánh nó ở chỗ nào, thì đưa nó đến mà đánh…giữ được quyền chủ động thì thế nào cũng thắng không thắng to thì thắng nhỏ” 

Đề cao tư tưởng tiến công nhưng theo Hồ Chí Minh trước khi tiến công phải chuẩn bị đầy đủ thực lực. Bởi có thực lực mới có thể chủ động tiến công kẻ thù được. 

Vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ nghĩa Mác- Lênin về “vũ trang cho giai cấp công nhân, vũ trang cho quần chúng cách mạng”; tư tưởng của Lênin về “xây dựng Hồng quân công nông trên cơ sở vũ trang nhân dân”; đồng thời kế thừa truyền thống “cả nước chung sức”, chính sách“tận dân vi binh”, “ ngụ binh ư nông” … của dân tộc vào thực tiễn cách mạng nước ta; Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi trọng xây dựng lực lượng chính trị, chăm lo xây dựng các tổ chức và đoàn thể cách mạng, coi đây là nền tảng quan trọng để tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang .

Do đó, Hồ Chí Minh đã coi trọng trước hết là việc thức tỉnh dân chúng, làm cho “ai ai cũng phải hiểu rõ vì sao phải làm”, phải “đoàn kết nhau mà làm”. Người kêu gọi: “dân ta phải mau tổ chức lại”. Nông dân phải vào “Nông dân cứu quốc hội” thanh niên phải vào “thanh niên cứu quốc hội”, Công nhân vào “công nhân cứu quốc hội”. Binh lính thì phải vào“Binh lính cứu quốc hội” .

Thực lực phải bao gồm cả khả năng chuẩn bị đầy đủ lương thực và khí giới, quan niệm “vũ trang toàn dân” hay “tận dân vi binh”. Bởi vậy, việc người dân làm nhiệm vụ sản xuất, người dân tham gia kháng chiến thì quân đội cũng phải vừa làm nhiệm vụ chiến đấu, vừa làm nhiệm vụ sản xuất. Hồ Chí Minh nêu vấn đề: “Tổ chức du kích khắp nơi, tăng gia sản xuất khắp nơi”. 

Chuẩn bị đầy đủ thực lực để giành quyền chủ động khi tiến công là một quan điểm đúng đắn nhất quán của Hồ Chí Minh. Ta thấy trong cuộc khởi nghĩa tháng Tám, chuẩn bị đầy đủ lực lượng đến khi thời cơ đến tư tưởng quyết tâm tiến công của Hồ Chí Minh thể hiện rõ: “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập”. 

Thứ ba, tư tưởng tiến công không ngừng phải gắn với biết tiến công.

Hồ Chí Minh cho rằng: biết tiến công là phải biết phát huy sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân, sức mạnh đó phải dựa trên công nông làm nòng cốt, giáo dục, giác ngộ, tổ chức chặt chẽ, đào tạo bồi dưỡng sức dân để tập hợp, đoàn kết họ trong mặt trận dân tộc thống nhất, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo ra lực to lớn hơn nữa tạo thế chủ động để tiến công mạnh mẽ hơn nữa. 

Biết tiến công là đòi hỏi có được lực nhưng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, biết tiến công phải sử dụng lực đó sao cho có hiệu quả nhất, tháng 5-1941 trong hội nghị quân sự lần thứ V, Người dạy: “Ở trong xã hội muốn thành công phải có 3 điều kiện là thiên thời, địa lợi và nhân hoà” , do đó ta thấy tiến công phải chọn thời gian địa điểm thích hợp, để tấn công đối phương, phải nắm được quy luật vận động, xu thế tình hình, đây là điều kiện tiên quyết để giành thắng lợi trong tiến công, Hồ Chí Minh từng khẳng định:

“Lạc nước hai xe đành bỏ phí.
Gặp thời một tốt cũng thành công” 


Biết tiến công là phải phát huy sức mạnh lực lượng thời gian thích hợp, đúng thời gian, đúng địa điểm, quy luật khách quan, điều quan trọng hơn nữa là phải có sự nỗ lực chủ quan của con người, các chủ trương, ý định, tài chỉ huy thao lược, mưu kế vì “dùng binh giỏi nhất là đánh bằng mưu” hay “nếu biết dùng trí của mọi người thì không sợ cả thánh nhân”như lời dạy của người xưa, kết hợp hài hoà các yếu tố đó là điều kiện để tiến công một cách chủ động và chiến tranh đến thắng lợi.

Thứ tư, tư tưởng tiến công kết hợp chặt chẽ phòng ngự.

Theo Hồ Chí Minh kết hợp chặt chẽ tiến công và phòng bị, nếu tiến công không có lợi nhưng phòng ngự có lợi, thì phòng ngự. Nhưng phòng ngự theo người không phải là phòng ngự bị động, phòng ngự tiêu cực, tức là trong những trường hợp cụ thể khi chưa có điều kiện tiến công cần phải giữ gìn lực lượng để tạo lực, tạo thế thì phải rút vào phòng ngự, nhưng phòng ngự phải quán triệt tư tưởng tiến công, phòng ngự chủ động, phòng ngự để tiến công, người đã viết: “Nhưng lối phòng ngự này đã là phòng ngự thế công (phòng ngự luôn luôn ở thế tiến công), không phải rút vào một chỗ để cho quân thù tha hồ mà đánh ” và người luôn luôn căn dặn kết hợp chặc chẽ hài hoà giữa tiến công và phòng ngự: “tiến công và phòng ngự không sơ hở”.

Vì thế người luôn giáo dục không được chủ quan, khinh địch, tích cực tiêu diệt nhưng phải biết “bảo toàn lực lượng để kháng chiến lâu dài”phải tiết kiệm sức dân, tức là trong kháng chiến chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh.

Lênin đã dạy: sẽ là một hành động của kẻ ngu xuẩn nếu chấp nhận một trận đánh mà biết mình sẽ thất bại. Vì vậy, trong chiến tranh phải khởi nghĩa đúng lúc, đúng thời cơ, và phải chuẩn bị kỹ càng phòng ngừa thế công hay nói cách khác phải tự vệ để tiến công, “một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ” . 

Hồ Chí Minh chỉ ra rằng phòng ngự luôn chuẩn bị đầy đủ điều kiện thực lực để đối, tiến công địch, theo Người việc phòng ngự không phải của riêng một ai mà là của toàn thể nhân dân, phòng ngự trên tất cả các mặt, trong Thư gửi đồng bào Việt Bắc trong dịp phái đoàn Chính phủ đến thanh tra ở liên khu Việt Bắc (10/05/1950), Người viết: “nhân cuộc thắng lợi chính trị đó, bộ đội, cán bộ, công chức và toàn thể nhân dân ta càng phải cố gắng thêm nữa để chuẩn bị tiến mạnh sang tổng phản công để tranh lấy thắng lợi hoàn toàn về quân sự.
Muốn thắng lợi thì ai ai cũng phải cố gắng góp của, góp công, người phụ trách việc này, kẻ phụ trách việc khác”.


Tóm lại, nghệ thuật tiến công chiến lược của Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác- Lênin, tinh hoa quân sự Đông-Tây, truyền thống quân sự dân tộc vào điều kiện cụ thể nước ta, một nước thuộc địa nửa phong kiến và nội dung trên đạt đến trình độ nghệ thuật với những quan điểm cụ thể: quán triệt tư tưởng tiến công, chuẩn bị đầy đủ lực lượng giành chủ động khi tiến công, biết tiến công và tiến công kết hợp phòng ngự. Đây là nội dung tư tưởng quân sự xuyên suốt, nhất quán của Hồ Chí Minh trong chỉ đạo đường lối cách mạng nước ta, được Đảng vận dụng để lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và ngay cả trong xây dựng lực lượng vũ trang, quân sự và đất nước trong điều kiện hiện nay.
 

Trần Hữu Hòa
Khoa LLMLN,TTHCM

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây