Vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về công tác tư tưởng để thực hiện tốt Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị

Thứ tư - 02/12/2020 15:52

Trần Hữu Hoà

          Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, cũng là nhà tư tưởng và hoạt động tư tưởng kiệt xuất. Hồ Chí Minh là người khai sinh, người mở đường, người chiến sỹ đầu tiên trên mặt trận tư tưởng. Sự trưởng thành mạnh mẽ và thành tựu của công tác tư tưởng trong 90 năm qua đều bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có thể khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành toàn bộ tâm huyết, nghị lực, tài năng, kinh nghiệm của mình tiến hành công tác tư tưởng để giáo dục và tổ chức quần chúng, nhằm biến đổi sâu sắc, triệt để đời sống tinh thần của xã hội cũ, tạo ra đời sống tinh thần mới, Nhân dân trở thành người làm chủ, xây dựng và sáng tạo cuộc sống văn hoá tinh thần cho mình, cho dân tộc, cho đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định công tác tư tưởng là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn hoạt động của Đảng, là một sức mạnh to lớn, một vũ khí sắc bén, quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Cho nên, theo Người công tác tư tưởng được thực hiện trên các nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, công tác nghiên cứu lý luận

Nghiên cứu lý luận tổng kết thực tiễn là nhiệm vụ hàng đầu của công tác tư tưởng. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chăm lo đến công tác lý luận. Phát triển quan điểm của Lênin, nếu không có bước tiến trong lý luận thì cũng không có bước tiến trong tuyên truyền, cổ động cũng như trong tổ chức. Lý luận cách mạng là yếu tố tiên quyết để làm nên sự vững mạnh của Đảng: "Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy, Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng theo chủ nghĩa ấy, Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có kim chỉ nam"1. Người chỉ rõ: phải bồi dưỡng giảng viên lý luận cho các chi bộ. Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng của mình. Bởi Hồ Chí Minh coi đối tượng học tập lý luận chính trị trước hết là cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể, cán bộ các ngành chuyên môn của chính quyền, của quần chúng nhân dân. Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành, đồng thời cũng đem tình hình của quần chúng báo cáo cho Đảng để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy cán bộ là gốc của mọi công việc. Do đó, Người khẳng định huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Người ví “lý luận là trí khôn của Đảng. Đảng không có lý luận thì khác nào người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Bên cạnh đó, theo Người để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị cần phải nâng cao phương pháp dạy học của người Thầy trong giáo dục lý luận chính trị. Trong bài diễn văn khai mạc lớp Lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh đã quán triệt tư tưởng đối với cán bộ đi học lý luận chính trị, Bác căn dặn: “Việc học tập lý luận chính trị không phải nhằm biến các đồng chí thành những người lý luận suông mà nhằm làm thế nào cho công tác của các đồng chí được tốt hơn, nghĩa là các đồng chí phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong cách mạng của chúng ta. Như thế học tập lý luận cốt để áp dụng vào thực tế”. Có lý luận nhưng phải đưa lý luận chính trị đó vào thực tiễn để kiểm nghiệm thực tế. Người cán bộ giảng dạy công tác lý luận chính trị đòi hỏi phải có một nền tảng lý luận và vốn thực tiễn phong phú để kiểm nghiệm lý luận và nâng nhận thức lý luận lên một tầm cao mới và có như thế thì người giảng viên mới có thể thực hiện mục tiêu giáo dục lý luận cho học viên: “Mục đích học để vận dụng chứ không phải học vì lý luận”. Một điều có ý nghĩa phương pháp luận to lớn trong công tác tư tưởng của Hồ Chí Minh là không dừng lại ở những nguyên lý lý luận mà Người chuyển những nguyên lý đó thành những chuẩn mực đạo đức xã hội. Những chuẩn mực được Bác nêu ra có giá trị hướng dẫn hành vi con người qua nhiều thế hệ: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ", "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" v.v... Chính Người đã mở rộng nội dung của giáo dục lý luận chính trị sang lĩnh vực giáo dục đạo đức. Người nói: Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.

Thứ hai, công tác tuyên truyền

Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa tuyên truyền một cách dễ hiểu: "Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại"2. Mục tiêu chung của tuyên truyền là phát huy lòng yêu nước, vì độc lập dân tộc, lợi ích của đất nước, làm cho Nhân dân ta hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong tuyên truyền, Hồ Chí Minh coi trọng cả tuyên truyền miệng và tuyên truyền trên báo chí. Người nhấn mạnh đến việc phát hiện nhân tố mới, nêu gương người tốt, việc tốt. Năm 1924, trong thư gửi đồng chí Petơrốp, Tổng thư ký Ban phương Đông của Quốc tế cộng sản, Người viết: " Nói chung các dân tộc phương Đông phần nhiều là giàu tình cảm và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền"3. Hồ Chí Minh rất quan tâm đến giáo dục con người. Với cán bộ, đảng viên, đặc biệt khi đã có chức, có quyền. Người dặn công tác tuyên truyền cũng như báo chí hãy nêu gương những cán bộ trong sạch, gương mẫu, cần, kiệm, liêm, chính, "Lấy gương người tốt, viêc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới"4. Từ quan điểm đó, Người đã chỉ đạo biên soạn những tập sách "Người tốt việc tốt" cho mọi người noi theo. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh tự mình rèn luyện và chính Người là tấm gương mẫu mực để các thế hệ người Việt Nam nguyện "sống, lao động, học tập, chiến đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại". 

Thứ ba, công tác cổ động

Cổ động là khâu quan trọng trong công tác tư tưởng, cổ động là khâu nối tiếp chuyển từ ý thức tư tưởng sang hành động, biến nhận thức thành sức mạnh vật chất. Hồ Chí Minh cho rằng:  Muốn thắng lợi thì cách mạng phải có một đảng lãnh đạo. Đảng phải làm cho quần chúng giác ngộ vì đâu mà họ bị áp bức, bóc lột, phải dạy cho quần chúng biết các quy luật phát triển của xã hội, để họ nhận thức rõ vì mục đích gì mà đấu tranh; chỉ rõ con đường giải phóng cho quần chúng, cổ súy cho quần chúng kiên quyết làm cách mạng, làm cho quần chúng tin chắc cách mạng nhất định thắng lợi.

Muốn tiến hành cổ động có hiệu quả trước hết cần xác định "Khẩu hiệu hành động". Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng phải căn cứ vào tình hình trong nước và trên thế giới đề ra khẩu hiệu, mục đích và kế hoạch đấu tranh. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ngoài khẩu hiệu "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào", có các khẩu hiệu: "ba sẵn sàng", "ba đảm đang", "tiếng hát át tiếng bom"... Ngày nay, ngoài các khẩu hiệu: "công nghiệp hóa, hiện đại hóa", "hòa nhập, không hòa tan" còn có các khẩu hiệu: "xây dựng nông thôn mới", "chung tay chống dịch COVID-19"...

Công tác tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những nội dung sâu sắc, đúng đắn đã đem lại những thắng lợi to lớn cho cách mạng Việt Nam. Đảng ta đã vận dụng những lý luận và kinh nghiệm của Người về công tác tư tưởng để thực hiện đường lối đổi mới, khơi dậy sức sáng tạo, niềm tin của quần chúng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa đất nước vượt qua những khó khăn để có được những kết quả ngày hôm nay như lời của Tổng Bí thư - Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Việt Nam đã hội nhập và đang trên đà phát triển, việc làm tốt công tác tư tưởng góp phần ổn định chính trị, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị  đã ra Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Ðó là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó cơ quan báo chí các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Thực hiện Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Công tác tư tưởng phải được thực hiện đồng bộ, có chiều sâu, phải kết hợp “xây” và “chống”, tiếp tục đổi mới công tác tư tưởng một cách mạnh mẽ theo các nội dung sau:
Một là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Công tác tư tưởng phải luôn luôn đổi mới, không thể sáo mòn, phải thực hiện bằng nhiều kênh thông tin phong phú, đa dạng, hiện đại. Chú trọng lĩnh vực giáo dục lý luận chính trị. Đó chính là để giữ vững sự kiên định, trung thành về lý tưởng, đừng để xẩy ra hiện tượng nói chẳng biết đúng sai, chẳng dám tỏ rõ chính kiến. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác – Lênin. Qua đó trang bị cho cán bộ, đảng viên có lập trường, tư tưởng vững vàng trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. Muốn phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, chúng ta cần không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác – Lênin; phát huy vai trò của cơ quan tuyên huấn, cơ quan truyền thông, báo chí, tích cực sử dụng mạng internet để tuyên truyền, giáo dục để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Hai là, nắm vững, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng, đảm bảo thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội.
Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  Vì vậy, đòi hỏi công tác tư tưởng phải có tính chiến đấu cao mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Muốn vậy, công tác dự bảo phải đảm bảo chính xác, nhận định đúng tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đặc biệt là những vấn đề “nóng” mà dự luận quan tâm, từ đó để tuyên truyền, giáo dục tạo sự thống nhất về tư tưởng trong toàn Đảng toàn quân và toàn dân ta, đảm bảo sự đồng thuận cao trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, gắn nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách, phát triển, hoàn thiện đường lối, chủ trương phát triển, bảo vệ Tổ quốc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Lý luận không gắn với thực tiễn là lý luận suông, thực tiễn mà không có lý luận là thực tiễn mù quáng. Chính vì vậy, công tác tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận là vấn đề then chốt trong công tác tư tưởng, lý luận soi đường cho các tác thực tế và thực tiễn kiểm nghiệm lý luận trong đời sống của xã hội, rút ra những bài học kinh nghiệm, làm mới lý luận để lý luận “vẫn mãi xanh tươi”. Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác lý luận, ngày 9/10/2014, Bộ Chính trị khóa XI đã ra Nghị quyết 37-NQ/TW, về “Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030” với phương châm: Lý luận phải gắn chặt với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, đáp ứng và phục vụ yêu cầu phát triển đất nước, bảo đảm hài hòa giữa trước mắt với lâu dài, giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng; Coi trọng việc xây dựng môi trường dân chủ đi đôi với nêu cao trách nhiệm chính trị của tổ chức và cá nhân hoạt động lý luận. Kết hợp chặt chẽ nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn; nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, định hướng nghiên cứu trong từng thời kỳ; Kiên trì thế giới quan, phương pháp luận khoa học và các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đồng thời, tiếp thu các thành tựu mới, tinh hoa của nhân loại. Nâng cao hiệu quả đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch; uốn nắn những nhận thức lệch lạc.  Từ đó, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nâng cao năng lực khoa học phục vụ phát triển công tác lý luận, bảo đảm cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bốn là, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã và đang tiếp tục tạo thế và lực mới để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, chúng ta cũng đứng trước nhiều thử thách. Các thế lực thù địch tăng cường thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” bằng âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc. Chúng tập trung chống phá trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng; xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chúng lợi dụng những vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và những hạn chế, yếu kém của một bộ phận cán bộ, đảng viên nhằm phá hoại sự lãnh đạo của Đảng, hạ thấp những thành tựu to lớn của đất nước trong công cuộc đổi mới; thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” . Vì vậy, phải tăng cường việc giáo dục tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nâng cao nhận thức, cảnh giác trước những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Đồng thời, kịp thời phát hiện, răn đe, xử lý theo quy định của pháp luật những cá nhân có hành vi tuyên truyền xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh xử lý các đối tượng xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với chủ năm 2020 đề  “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Tài liệu tham khảo
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXb Chính trị quốc gia, Hà Nội.1995. t2, tr268.
2Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXb Chính trị quốc gia, Hà Nội.1995. t5, tr 612.
3Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXb Chính trị quốc gia, Hà Nội.1995. t12, tr 499.
4 Hồ Chí Minh: Toàn tập,NXb, Chính trị quốc gia, Hà Nội.1995. t12, tr558.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây